Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 06/11/2017, 08:20 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Mười với những bài học về giữ chính quyền

Cách đây 100 năm, với “Mười ngày rung chuyển thế giới”, Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai sinh ra nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Cuộc đấu tranh của nhân dân Xô-viết những năm sau đó và sự sụp đổ của Liên Xô sau 74 năm tồn tại cho thấy: giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền còn khó hơn nhiều.

Lễ Duyệt binh kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười do Liên bang Xô viết tổ chức vào năm 1987. (Ảnh tư liệu)

Lý luận Mác – Lê-nin đã khẳng định: chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Nguyên lý đó gồm hai nội dung có quan hệ biện chứng với nhau là: giành và giữ chính quyền. Nội dung đầu thực hiện được thì mới có tiền đề thực hiện nội dung thứ hai. Ngược lại, nội dung thứ hai nếu làm không tốt thì những thành quả của nội dung thứ nhất sẽ bị thủ tiêu.

Đối với cách mạng tư sản, do chỉ thay chế độ áp bức, bóc lột này bằng chế độ áp bức, bóc lột khác, nên giành được chính quyền là kết thúc cơ bản cuộc cách mạng. Trong khi đó, mục tiêu và nhiệm vụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười là xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, nên giành chính quyền chỉ là khởi đầu. Nhiệm vụ trọng yếu, có tính quyết định là xây dựng và sử dụng chính quyền mới để kiến tạo chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Tính triệt để của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vấp phải sự chống trả quyết liệt của giai cấp bóc lột ở trong và ngoài nước, mà cuộc nội chiến 1918 - 1921 với sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc hòng tiêu diệt nước Nga Xô-viết là một bằng chứng. Cuộc đấu tranh của nhân dân Xô-viết dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin và Đảng Cộng sản (b) Nga trong những năm tháng đầu của Cách mạng Tháng Mười đã để lại những bài học mẫu mực về giữ chính quyền cách mạng. Theo đó, giữ chính quyền không đơn thuần chỉ bằng sức mạnh bạo lực; điều quan trọng hơn là xây dựng được lòng tin của nhân dân vào chính quyền mới. Nếu dân ủng hộ thì chính quyền sẽ đứng vững; ngược lại, chính quyền khó tồn tại. Để quy tụ được lòng dân, bảo vệ được chính quyền, V.I. Lê-nin và Đảng Cộng sản Nga đã chú trọng 3 vấn đề rất căn cốt, trở thành 3 bài học quan trọng, mà ý nghĩa của chúng còn tươi mới trong cuộc sống hôm nay.

Trước hết, phải coi việc xây dựng nền tảng kinh tế cho chế độ xã hội mới là nhiệm vụ trọng tâm của giai cấp công nhân sau khi đã giành được chính quyền. Điều này thể hiện sự trung thành của V.I. Lê-nin đối với học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác. Theo đó, một chế độ xã hội chỉ tồn tại lâu dài trên nền tảng kinh tế của chính nó. Là chế độ xã hội tiến bộ hơn chủ nghĩa tư bản, nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội phải dựa trên trình độ lực lượng sản xuất tiên tiến, cho phép tạo ra năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản - yếu tố xét đến cùng quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản. Chỉ trên cơ sở đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa mới có điều kiện cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc và chế độ.

Nhận thức rõ thực trạng nền kinh tế nước Nga Xô-viết còn kém phát triển so với các nước tư bản lúc bấy giờ, nên ngay những ngày đầu của chính quyền Xô-viết, V.I. Lê-nin đã yêu cầu những người bôn-sê-vích phải coi nhiệm vụ xây dựng nền tảng kinh tế cho chế độ xã hội mới là nhiệm vụ trọng tâm. Theo Người, chính trị lúc này là xây dựng kinh tế, đấu tranh giai cấp lúc này là chiến thắng trên mặt trận kinh tế; và chỉ sau khi thực hiện được nhiệm vụ đó, nước Nga mới trở thành nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cuộc nội chiến những năm 1918-1921 buộc chính quyền Xô-viết phải áp dụng “chính sách cộng sản thời chiến” với nhiều biện pháp phi kinh tế. Khi nội chiến kết thúc, việc tiếp tục thực hiện chính sách này đã đưa nền kinh tế đến bờ vực thẳm, nông dân bất bình với chính phủ, liên minh công - nông rạn nứt nghiêm trọng, nhiều cuộc bạo động của binh lính và nông dân nổ ra, đe dọa sự tồn vong của chính quyền. Dưới sự chỉ đạo của V.I. Lê-nin, chính quyền Xô-viết đã kịp thời từ bỏ “chính sách cộng sản thời chiến”, chuyển sang thực hiện “chính sách kinh tế mới” với việc sử dụng rộng rãi các yếu tố của kinh tế thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, hướng tư bản tư nhân vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước. V.I. Lê-nin còn yêu cầu phải học tập kinh nghiệm quản lý, ra sức vận dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản; sử dụng các chuyên gia tư sản giỏi,… để phát triển mạnh lực lượng sản xuất. Chính sách kinh tế mới được người dân đồng tình, ủng hộ, nên chỉ trong thời gian ngắn, nước Nga Xô-viết thoát khỏi khủng hoảng, chính quyền được củng cố bằng cả liên minh chính trị và liên minh kinh tế, giữa công nhân với nông dân và các tầng lớp lao động khác.

Thứ hai, phải hết sức chăm lo xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Xét về lý thuyết, nhà nước xã hội chủ nghĩa không phải là công cụ thống trị nhân dân như nhà nước của các giai cấp bóc lột, mà là công cụ chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Tuy nhiên, nếu trên thực tế, bộ máy nhà nước vẫn gồm các “ông quan cách mạng”, giữ cung cách làm việc của chế độ cai trị và vẫn là bộ máy quan liêu, tham nhũng thì khó được nhân dân ủng hộ. Do đó, bên cạnh việc tăng cường vai trò và hiệu lực của bộ máy nhà nước thông qua ban hành nhiều đạo luật và sắc lệnh mới về tổ chức bộ máy nhà nước, hướng hoạt động của bộ máy đó vào phục vụ lợi ích của nhân dân, V.I. Lê-nin và Đảng Cộng sản Nga rất quan tâm đến xây dựng bộ máy nhà nước theo phương châm “thà ít mà tốt”, kiên quyết đấu tranh với lối làm việc quan liêu, hách dịch, lề mề; cùng các biểu hiện tiêu cực, như: vòi vĩnh, tham nhũng, lãng phí,… nhằm xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân và vì dân. V.I. Lê-nin đòi hỏi phải tăng cường kiểm kê, kiểm soát hết sức chặt chẽ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn đối với cả việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thực hiện nghị quyết của Đảng của từng cán bộ, tổ chức; nhằm nâng cao trách nhiệm công vụ, ngăn ngừa biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chống lại thứ giặc nội xâm làm biến chất bộ máy nhà nước. Người đòi hỏi đội ngũ cán bộ nhà nước phải thực sự gương mẫu, gần dân, phải “sống trong lòng quần chúng... giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”1. Phê phán các quan điểm, hành động không đúng của một số cơ quan và cán bộ Xô-viết trong quan hệ với nhân dân, V.I. Lê-nin chỉ ra rằng: “Dù thế nào đi nữa thì trước hết chúng ta cũng phải thuyết phục rồi sau mới cưỡng bức”2. Người yêu cầu công sở, chính quyền các địa phương phải đặt ra và chấp hành những quy tắc về tiếp dân để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, quy định về ngày giờ mở cửa phải được yết thị ở từng cơ quan; phải quy định giờ tiếp khách trong cả ngày nghỉ. Người yêu cầu Bộ Dân ủy lao động, Kiểm tra nhà nước và Tư pháp phải tổ chức ở khắp nơi các phòng hướng dẫn, mà những phòng đó “chẳng những có nghĩa vụ phải trả lời, bằng miệng hoặc bằng giấy, tất cả những điều công chúng hỏi, mà còn có nghĩa vụ phải viết đơn hộ không lấy tiền cho những người không biết chữ hoặc không viết được rõ ràng những yêu cầu của họ”3. Đây không chỉ là những biện pháp khắc phục bệnh quan liêu, xa dân của các cơ quan nhà nước, mà còn làm cho người dân thấy nhà nước này là của họ. Chỉ khi đó, người dân sẽ ra sức bảo vệ chính quyền.

Thứ ba, phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản trở thành lực lượng cầm quyền, V.I. Lê-nin đã sớm chỉ đạo: “Về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo” và “không bao giờ được quên điều đó khi thảo luận về cách hoạt động và vấn đề xây dựng tổ chức”4. Tại Đại hội X của Đảng Cộng sản Nga, V.I. Lê-nin khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền và những quyết định do đại hội của đảng thông qua là những điều mà toàn nước Cộng hòa phải tuân theo”5. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, V.I. Lê-nin yêu cầu “phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng (và của Ban Chấp hành Trung ương của nó) với nhiệm vụ của chính quyền Xô-viết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xô-viết và các cơ quan Xô-viết”6. Đồng thời, coi trọng việc cử đảng viên vào các vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước; đòi hỏi đảng viên trong bộ máy nhà nước phải hoạt động với tư cách vừa đại diện cho đảng cầm quyền, vừa đại biểu cho lợi ích của dân và đại diện cho chính quyền. Người sớm nhận thấy nguy cơ tự thoái hóa, biến chất của đảng viên khi đối mặt với ba kẻ thù chính trong điều kiện đảng cầm quyền. Đó là “tính kiêu ngạo cộng sản”, “nạn mù chữ” và “nạn hối lộ”. Để ngăn ngừa sự suy thoái đó, V.I. Lê-nin yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng và chỉ rõ “Những người Bôn-sê-vích sẽ không giữ vững được chính quyền, tôi không nói được tới hai năm rưỡi mà ngay cả đến hai tháng rưỡi cũng không được, nếu đảng ta không có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật sắt thực sự”7. Cùng với phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên, V.I. Lê-nin và Đảng Cộng sản Nga rất quan tâm đến phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân tham gia vào công tác quản lý nhà nước. Người coi công tác kiểm kê, kiểm soát chỉ có thể thắng lợi hoàn toàn, nếu lôi cuốn được toàn thể dân cư tham gia. Muốn thế, Người yêu cầu phải đặt “những người ngoài đảng có tài, trung thực vào những cương vị quan trọng hơn trong lĩnh vực xây dựng kinh tế”; đồng thời, có cơ chế để nhân dân có thể “kiểm soát các đảng viên”8.

Kế thừa những bài học về giữ chính quyền của Cách mạng Tháng Mười, những người kế tục V.I. Lê-nin những năm sau đó cũng có nhiều biện pháp sáng tạo nhằm giữ vững thành quả cách mạng. Nhờ đó, Liên Xô đã vượt qua nhiều thử thách hiểm nghèo của chiến tranh vệ quốc, đóng vai trò quyết định kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, cứu loài người khỏi thảm họa chủ nghĩa phát xít; sau đó, nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế, trở thành một trong hai siêu cường và giữ vai trò trụ cột của hòa bình thế giới trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, do không thực hiện nghiêm túc những bài học về giữ chính quyền mà Cách mạng Tháng Mười để lại, Đảng Cộng sản Liên Xô và những người lãnh đạo nhà nước Xô-viết đã vấp phải những sai lầm rất nghiêm trọng, dẫn đến không quy tụ được sự ủng hộ của nhân dân. Việc duy trì quá lâu mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp trong điều kiện bình thường không chỉ kìm hãm sự phát triển của sức sản xuất, mà còn làm nảy sinh nhiều tiêu cực, như: quan liêu, hách dịch, tham ô, cửa quyền, cùng cơ chế xin - cho,… làm cho bộ máy nhà nước bị tha hóa, không còn đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân. Việc coi thường vai trò của lực lượng sản xuất dẫn tới không chú trọng nghiên cứu, vận dụng những thành tựu khoa học - công nghệ mới trong thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX. Kết cục là nền kinh tế trở nên trì trệ, năng suất lao động, thu nhập và mức sống của người dân Liên Xô thua kém rất nhiều so với các nước tư bản phát triển, dẫn đến sự bất ổn trong xã hội và yêu cầu phải “cải tổ”. Thế nhưng, “cải tổ” không tiến hành trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nên nền tảng kinh tế cho sự tồn tại của nhà nước Xô-viết không được củng cố và đổi mới; trở thành một trong những nguyên nhân làm sụp đổ chế độ Xô-viết.

Vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước cũng vấp phải những sai lầm nghiêm trọng; nổi bật là việc vô hiệu hóa bộ máy nhà nước bằng hệ thống quyền lực của Đảng9. Sau khi V.I. Lê-nin mất, Đảng Cộng sản Liên Xô được xây dựng như một cấu trúc nhà nước. Đảng thâu tóm mọi quyền hành, đặt mình trên nhà nước và xã hội, thực hiện chức năng của một nhà nước. Bộ máy đó về thực chất là một tổ chức có các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, trở thành công cụ và phương tiện trong tay ban lãnh đạo chóp bu, thậm chí trong tay một cá nhân lãnh đạo cao nhất. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Liên Xô ngày càng trở thành bộ máy quan liêu, xa rời quần chúng. Có thời kỳ, trong cơ quan đảng và cơ quan nhà nước Liên Xô, nhất là ở cấp cao, đã hình thành một tầng lớp đặc quyền đông đảo; đồng thời, hình thành một đội ngũ quan chức, công chức quan liêu, ít quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Liên Xô dần biến chất, thoái hóa, đánh mất vai trò là người đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và quần chúng lao động, mất cơ sở xã hội và giai cấp, không còn là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, đi đến tan rã, kéo theo sự sụp đổ của nhà nước Xô-viết. Tuy nhiên, sự sụp đổ nhà nước Xô-viết không phải là tất yếu; Cách mạng Tháng Mười không có lỗi trong sự kiện này như xuyên tạc của các thế lực chống cộng. Nguyên nhân trực tiếp, quyết định sự sụp đổ đó là những sai lầm về đường lối chiến lược và sự phản bội của một số người trong ban lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đúng như tiên đoán của V.I. Lê-nin: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”10.

Khác với “cải tổ” ở Liên Xô, nhận ra sai lầm chủ quan, duy ý chí trong quá trình xây dựng xã hội mới, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện của Việt Nam; chú trọng vận dụng những bài học về giữ chính quyền của Cách mạng Tháng Mười; chủ trương “lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Thực hiện chủ trương đó trong quá trình đổi mới đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; tạo nên thế và lực mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ.

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười, điểm lại những bài học về giữ chính quyền mà cuộc cách mạng này để lại; đối chiếu với tiến trình đổi mới và công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) của Đảng ta, nhất là kết quả Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) mới đây, chúng ta càng thấm thía phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Đó là sự khái quát cô đọng bí quyết để giữ vững chính quyền cách mạng trong mọi hoàn cảnh.

NGUYỄN NGỌC HỒI

___________

1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 608.

2 - Sđd,, Tập 43, tr. 65.

3 - Sđd, Tập 37, tr. 449-450.

4 - Sđd, Tập 41, tr. 477, 479.

5 - Sđd, Tập 43, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 74.

6 - Sđd, Tập 45, tr. 75.

7 - Sđd, Tập 41, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 6.

8 - Sđd, Tập 43, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 336.

9 - Xem: Nguyễn Văn Huyên - Đảng Cộng sản cầm quyền, Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 136 -141.

10 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 42, Nxb Tiến bộ, M. 1979 , tr. 311.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.