Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:43 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tư tưởng chỉ đạo “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố đặc biệt quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Trên cơ sở thấm nhuần và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào tình hình cụ thể của cách mạng nước ta, từ kinh nghiệm cũng như truyền thống quý báu hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên hệ thống tư tưởng để chỉ đạo cách mạng Việt Nam, giành nhiều thắng lợi to lớn. Từ tư tưởng về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, Người đã chỉ đạo rất linh hoạt, đúng đắn các hoạt động đấu tranh, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Trong chỉ đạo tác chiến, Người đặc biệt chú trọng đến yếu tố chắc thắng trong từng trận đánh, từng chiến dịch. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, đánh giá rất chính xác tình hình mọi mặt, từ đó đề ra tư tưởng “đánh chắc thắng”. Tư tưởng đó được thể hiện ngay từ phiên họp vào tháng 9-1953; tại đó, Người cùng Bộ Chính trị đề ra nguyên tắc chỉ đạo tác chiến: “Đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt”1. Hơn nữa, Bác còn căn dặn rất kỹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường ra Mặt trận: “… trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”2. Người rất tin Chiến dịch sẽ giành được thắng lợi. Vì thế, ngay từ tháng 3-1954, Bác đã khẳng định với nhà báo Bớt-sét: những đội quân tinh nhuệ nhất của Pháp đang chiếm đóng tại lòng chảo Điện Biên Phủ “họ sẽ không bao giờ ra được”3. Bác luôn quan tâm động viện mọi lực lượng quyết tâm giành thắng lợi Chiến dịch, như: trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ (tháng 12-1953), Người nhấn mạnh: Bác và Chính phủ “chờ tin thắng lợi để khen thưởng”. Ngày 22-12-1953, nhân kỷ niệm 09 năm Ngày thành lập Quân đội, Người quyết định trao cho mỗi đại đoàn và liên khu một lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng để làm giải thưởng luân lưu.
Đây là tư tưởng chỉ đạo hết sức đúng đắn, khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Chiến dịch quyết chiến chiến lược này. Vì Người nhận thấy chúng ta có đủ mọi điều kiện để tạo sức mạnh hơn địch; hơn nữa, thắng, bại của chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới; vì vậy, “chỉ có thắng chứ không được bại”4. Tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, đem lại niềm tin, nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn cho cả nước, bảo đảm Chiến dịch đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Tư tưởng “đánh chắc thắng” đó được xây dựng trên cơ sở khoa học từ nhiều yếu tố, trong đó nguyên tắc “mạnh được yếu thua” được Người đặt lên hàng đầu. Từ đó, Bác đã nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết để đề ra nguyên tắc chỉ đạo tác chiến phù hợp. Đây là yếu tố trực tiếp đặc biệt quan trọng và là cơ sở khoa học để Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy: trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 ta có đủ những yếu tố tạo nên sức mạnh hơn hẳn địch để chiến thắng. Đó chính là sự đánh giá chính xác về thế và lực của cả địch và ta sau gần 08 năm thực dân Pháp xâm lược nước ta; mà kết quả là địch luôn tổn thất, bị động. Để “luôn luôn tiến công”, “luôn luôn chủ động”, chúng tập trung một lực lượng lớn quân cơ động chiến lược ở chiến trường Đông Dương (84 tiểu đoàn), nhằm chuyển bại thành thắng trong vòng 18 tháng, tạo nên cục diện quân sự có lợi khi xúc tiến một giải pháp chính trị để kết thúc chiến tranh ở thế thắng. Trước tình hình đó, thực hiện tư tưởng “chia địch làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt” của Bác, bằng năm đòn tiến công chiến lược (Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào), chúng ta đã buộc khối quân cơ động chiến lược Pháp phải phân tán “thành nhiều nhóm nhỏ” và điều địch đến những chiến trường có lợi cho ta. Như vậy, địch lại tiếp tục rơi vào thế bị động, phải đánh theo cách đánh của ta và nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa tập trung và phân tán lực lượng. Để xoay chuyển tình thế, chúng tập trung một lực lượng lớn tại lòng chảo Điện Biên Phủ (thời điểm cao nhất là 12 tiểu đoàn), dần hình thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương để hút và tiêu diệt chủ lực ta. Đây là hình thức đối phó mới nhất, cao nhất của địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị xác định: tiêu diệt tập đoàn cứ điểm là vấn đề nhất định phải được giải quyết, là một bước tất nhiên của quân đội ta phải trải qua trong quá trình phát triển cuộc đấu tranh vũ trang và trên con đường trưởng thành của quân đội. Chúng ta có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm thì mới đánh bại được sự cố gắng cao nhất của chúng, giành thắng lợi trong cuộc chiến. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, Người cùng Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nghiên cứu, đánh giá rất kỹ về tình hình mọi mặt. Theo đó, địch phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm mạnh, hỏa lực pháo binh, không quân, xe tăng,… hiện đại; nhưng, Điện Biên Phủ lại ở vị trí xa căn cứ hậu phương địch, vận tải và chi viện duy nhất bằng đường không. Nếu ta cắt đứt tuyến vận tải này, thì chúng sẽ hoàn toàn bị cô lập, mất dần sức chiến đấu và lâm vào thế bị động phòng ngự trong những điều kiện ngày càng khó khăn; khi lâm nguy cũng rất khó để rút quân vẹn toàn được. Thực tế, khi ta khống chế được trên không, sân bay Mường Thanh bị cắt đứt, thì địch tại Điện Biên Phủ không còn khả năng chi viện, lâm vào tình thế túng quẫn, sức mạnh nhanh chóng giảm sút, tạo điều kiện để ta tiêu diệt từng cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Điểm yếu chí tử của địch là một hệ thống núi cao bao quanh lòng chảo Điện Biên Phủ, khi ta chiếm lĩnh, đưa lực lượng và pháo binh lên thì sẽ là thuận lợi lớn nhất để phát huy lợi thế cho hỏa lực tiêu diệt địch, chi viện cho bộ binh đánh chiếm trận địa của chúng.
Hơn nữa, nếu Điện Biên Phủ là nơi rất khó khăn cho việc tiếp tế, chi viện đối với địch, thì cũng sẽ trở ngại nhiều cho ta. Song, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy những khả năng lớn lao của một quân đội nhân dân, tinh thần đấu tranh bất khuất, quyết chiến quyết thắng của cả dân tộc đang chiến đấu vì độc lập, tự do; cho nên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn toàn khắc phục được điều trở ngại trên. Vì vậy, bước vào Chiến dịch, chúng ta đã huy động được lực lượng rất lớn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để cơ động, tiếp tế đầy đủ lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược bằng các loại phương tiện từ thô sơ đến hiện đại. Đồng thời, các đơn vị chủ lực ta có tinh thần chiến đấu cao, trình độ, trang bị kỹ thuật có nhiều tiến bộ, hăng hái, phấn khởi, quyết tâm tiêu diệt địch. Chúng ta có thể tập trung ưu thế về binh lực, hỏa lực để đánh địch; quân ta lại có những kinh nghiệm nhất định về đánh địch trong công sự vững chắc, đã bước đầu được huấn luyện để đánh tập đoàn cứ điểm; có khả năng khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề cần thiết để tiêu diệt địch, hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, bằng sự phân tích sắc sảo, nhận định chính xác cả về địch, ta, địa hình,… Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã thấy được sức mạnh tổng hợp của ta hơn hẳn địch; cho nên, hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ địch ở Điện Biên Phủ với tư tưởng “đánh chắc thắng” là hoàn toàn phù hợp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi sát sao và động viên quân, dân ta kịp thời để Chiến dịch giành toàn thắng. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định để biến quyết tâm thành hiện thực. Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch, Người đã tham dự và chủ trì nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình địch, ta,… chỉ đạo sát sao không chỉ tại chiến trường Điện Biên Phủ, mà trên khắp các mặt trận trong phạm vi cả nước, kể cả ở Lào và Cam-pu-chia, nhằm phục vụ cho Chiến dịch thắng lợi. Đặc biệt, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh Chiến dịch báo cáo chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thì Bác và Bộ Chính trị thống nhất cho rằng: quyết định thay đổi phương châm như vậy là hoàn toàn có cơ sở, rất đúng đắn, kịp thời, đáp ứng tình hình giữa địch và ta đã có sự thay đổi tại Mặt trận. Người nhận thấy: thực hiện phương châm này, chúng ta chủ động muốn đánh mục tiêu nào, lúc nào thì đánh; đánh không có lợi thì dừng; chuẩn bị chu đáo và chắc thắng thì đánh, chuẩn bị không đầy đủ thì chưa đánh. Đồng thời, cách đánh đó còn phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến và khả năng chiến đấu của bộ đội ta; cho phép ta vừa đánh, vừa có khả năng tập trung binh, hỏa lực phù hợp vào từng mục tiêu, bảo đảm cho đánh chắc thắng trong từng trận, từng đợt Chiến dịch. Chính vì vậy, ngay trong đợt đầu Chiến dịch, sau khi ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, ngày 15-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Mặt trận: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”5. Thấm nhuần lời căn dặn và quán triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch bước sang đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4-1954), bộ đội ta tiến công đánh chiếm một cách chắc chắn các cứ điểm: E, D1, D2, C1, 106, 311. Tiếp đó, ta phát triển hệ thống giao thông hào, chiến hào bao vây chặt toàn bộ quân địch; thực hiện tiến công, đánh vây lấn, diệt các cứ điểm 105, 206, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, khống chế tiếp tế đường không và các hoạt động của chúng, tạo thế và lực mới để đánh đòn quyết định cuối cùng giành thắng lợi. Sang đợt 3 của Chiến dịch (từ ngày 01 đến 07-5-1954), ta tiến công đánh chiếm dứt điểm các cứ điểm: C1, C2, A1, 311A, 311B, 310, 208, rồi nhanh chóng phát triển vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Bộ Tham mưu địch. Chiến dịch đã kết thúc toàn thắng.
Như vậy, tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Bác không những đề ra nguyên tắc tác chiến Chiến dịch phù hợp, mà còn chỉ đạo, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện để đưa đến thành công cuối cùng. Ngày nay, trên thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến, phức tạp, khó lường; việc quán triệt, vận dụng tư tưởng trên của Bác vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất cần thiết; chúng ta cần có niềm tin, đồng thời cần thận trọng, chắc chắn trong giải quyết tất cả mọi vấn đề của đất nước.
Đại tá, TS. DƯƠNG ĐÌNH LẬP _______________
1 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 2002, tr.107.
2 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập luận văn, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 540.
3 - W. Bớt-sét - Hồi ký, Nxb Thông tin lý luận, H. 1980, tr. 254.
4 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2001 tr. 59.
5 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 266.
Hồ Chí Minh,đánh chắc thắng
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966