Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:31 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 tác động trực tiếp đến kết cục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Nó để lại nhiều bài học quý đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay; trong đó, nổi bật là bài học về chuẩn bị và thực hành chiến dịch.
Sau thất bại thảm hại ở Tây Bắc, hậu phương của địch bị thu hẹp, Quân viễn chinh Pháp vội vàng co về củng cố phòng thủ Thượng Lào hòng tạo cơ sở cho việc giành lại thế chủ động trên chiến trường Đông Dương. Thực hiện kế hoạch này, chúng phân Thượng Lào thành hai khu (miền núi và đồng bằng), trong mỗi khu có hai phân khu; đồng thời, ráo riết củng cố tổ chức, bổ sung quân số, vũ khí. Riêng ở Thị xã Sầm Nưa, chúng bổ sung khoảng 2.500 quân, một đại đội pháo và ở Xiêng Khoảng một tiểu đoàn ngụy Lào; tập trung xây dựng Sầm Nưa thành tập đoàn cứ điểm mạnh1 (tương đương với Nà Sản ở Tây Bắc Việt Nam) làm khu vực phòng thủ chủ yếu. Ngoài ra, chúng còn sử dụng lực lượng cơ động (quân Pháp) ở chiến trường Bắc Bộ Việt Nam để sẵn sàng ứng cứu, giải tỏa bằng đường không khi bị ta tiến công. Mặc dù Thượng Lào được đầu tư xây dựng kiên cố, vững chắc và có kế hoạch bảo vệ chu tất, song vẫn bộc lộ những sơ hở: dễ bị chia cắt, bao vây, cô lập; khó khăn trong tiếp tế ứng cứu, giải tỏa; trình độ tác chiến và tinh thần chiến đấu của quân ngụy Lào hạn chế, dễ hoang mang, dao động... Trên cơ sở phân tích đánh giá kỹ tình hình, mùa Xuân năm 1953, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bạn2 trao đổi và thống nhất quyết định mở Chiến dịch Thượng Lào. Mục đích của Chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; động viên, cổ vũ nhân dân Lào đứng dậy đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam chống kẻ thù chung; giúp Bạn mở rộng vùng giải phóng và tiếp tục củng cố căn cứ địa cách mạng Lào. Thực hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước, cuối tháng 02-1953, ta và Bạn gấp rút chuẩn bị mở Chiến dịch.
Tích cực, chủ động chuẩn bị chiến trường. Thượng Lào là địa bàn rộng, dân số ít, kinh tế kém phát triển; khu vực tác chiến phần lớn là rừng núi hiểm trở, nhiều sông, suối, đèo cao, vực sâu chia cắt nên việc hành quân, bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật cho Chiến dịch gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, địch lại tổ chức đánh phá quyết liệt, càn quét, thả biệt kích để ngăn chặn, phá hủy các tuyến vận tải, những nơi nghi ta tập kết lực lượng, bố trí kho tàng... Để Chiến dịch giành thắng lợi, ta và Bạn đã thống nhất một số vấn đề cốt yếu, như: xây dựng quyết tâm; cơ cấu thành phần trong Bộ Tư lệnh3; đảm bảo vật chất, hậu cần, kỹ thuật... Trên cơ sở đó, ta và Bạn gấp rút chuẩn bị mọi mặt. Về phía ta, Trung ương Đảng quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận từ Trung ương đến các địa phương nhằm huy động nhân lực, vật lực (dân công, phương tiện vận tải, lương thực thực phẩm) phục vụ Chiến dịch. Căn cứ vào tình hình của các địa phương, Tổng cục Cung cấp giao nhiệm vụ cho Hội đồng Cung cấp của các địa phương: Liên khu Việt Bắc huy động lương thực và dân công giao cho Hội đồng Cung cấp ở Thu Cúc chuẩn bị cho bộ đội hành quân; Liên khu 3 vận chuyển hậu cần, kỹ thuật... Tổng cục Tiền phương có nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa từ Việt Nam chuyển sang, tổ chức vận chuyển vào các vị trí tập kết, kho tàng trong địa bàn Chiến dịch. Ngoài ra, ta còn chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu (muối, dầu hỏa), tiền Đông Dương đưa vào địa bàn Chiến dịch để thu mua, trao đổi lương thực, thực phẩm trên nguyên tắc thỏa thuận, nhưng phải tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhân dân nước Bạn. Về phía Bạn, sẵn sàng cử cán bộ, chiến sĩ thông thạo địa hình, nắm chắc phong tục tập quán của các bộ tộc đi cùng giúp các đoàn cán bộ của ta thâm nhập địa bàn, xác định thực địa, chọn vị trí tập kết, bố trí kho tàng... Ta và bạn đã tổ chức các đoàn công tác phối hợp đến từng bản, từng bộ tộc, nắm tình hình, vẽ lại thực địa, vận động nhân dân nước Bạn tích cực tham gia cùng quân tình nguyện Việt Nam và Bộ đội Pa-thét Lào củng cố đường sá, vận chuyển hàng hóa đến các vị trí tập kết, kho tàng. Nhờ có sự chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời của Bộ Tư lệnh Chiến dịch và sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân các Bộ tộc Lào, trong thời gian ngắn, ta và Bạn đã chuẩn bị được khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật (nguồn từ Việt Nam đưa sang, nguồn tại chỗ); điều tra nắm chắc tình hình địch, địa hình, thời tiết; có được bản vẽ chi tiết thực địa khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng; củng cố, sửa chữa được một số tuyến giao thông, bảo đảm cho bộ đội hành quân, vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thô sơ và xe cơ giới... Hơn thế, ta đã giúp bạn xây dựng được nhiều cơ sở, củng cố lực lượng vũ trang, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong địa bàn Chiến dịch. Đó là những cơ sở để Bộ Tư Lệnh Chiến dịch hạ quyết tâm chiến đấu.
Tích cực làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, huấn luyện bộ đội sát với các tình huống tác chiến. Chiến dịch Thượng Lào diễn ra trên đất Bạn, nên bộ đội ta gặp nhiều khó khăn: xa hậu phương (vài trăm ki-lô-mét), không thông thuộc địa hình và phong tục tập quán nhân dân nước Bạn, đánh địch trong công sự kiên cố, vững chắc (tập đoàn cứ điểm). Trước tình hình đó, một mặt, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác chỉnh huấn, chỉnh quân nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ và dân công, làm cho họ thấu suốt nhiệm vụ chiến lược là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp Bạn cũng là tự giúp mình; mặt khác, tiếp tục củng cố thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc. Đồng thời, tổ chức huấn luyện bộ đội đánh tập đoàn cứ điểm, nhất là đánh địch trong công sự vững chắc, liên tục, dài ngày làm cơ sở để phát triển nghệ thuật tác chiến công kiên trong những chiến dịch tiếp theo. Đầu tháng 3-1953, Bộ Tư lệnh Chiến dịch triệu tập Hội nghị cán bộ thảo luận cách đánh tập đoàn cứ điểm. Hội nghị đã phân tích rõ những chỗ mạnh, chỗ yếu của tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, xây dựng cách đánh, chỉ đạo các đơn vị chọn địa hình phù hợp với địa bàn Chiến dịch để huấn luyện, rèn luyện bộ đội. Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các đơn vị nhanh chóng tổ chức rèn luyện bộ đội tập mang vác nặng, hành quân liên tục, dài ngày, vượt qua nhiều loại địa hình, chủ yếu là sông, suối, đèo, vực; huấn luyện bộ đội đánh tập đoàn cứ điểm: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, bao vây toàn diện, công kích có trọng điểm, đánh ngoại vi trước... rồi đánh vào tung thâm bằng cả hai phương pháp (“đánh chắc, tiến chắc” (bóc vỏ dần) và “đánh nhanh, giải quyết nhanh”). Bên cạnh đó còn huấn luyện bộ đội thực hiện đánh liên tục, nhiều trận nhỏ kế tiếp... tiến tới giành thắng lợi quyết định, kết thúc Chiến dịch. Đồng thời, huấn luyện bộ đội đánh địch ngoài công sự; coi trọng thực hành chuyển cách đánh từ đánh địch trong công sự sang đánh địch ngoài công sự rút chạy. Với việc rèn luyện công phu, huấn luyện tỉ mỉ nhiều nội dung sát hợp với tình hình, nên các lực lượng của ta và Bạn trước khi bước vào Chiến dịch có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, nhanh nhẹn, linh hoạt; trong chiến đấu đã anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Chiến dịch.
Chủ động, linh hoạt chuyển phương án tác chiến từ đánh tập đoàn cứ điểm sang truy kích tiêu diệt địch, giành thắng lợi. Thực hiện quyết tâm Chiến dịch, các cánh quân của ta tranh thủ thời gian, tổ chức các bộ phận gọn nhẹ, hành quân “bôn tập” bí mật và nhanh chóng tiến vào bao vây, cô lập, tiêu diệt địch trong tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa. Hoảng sợ trước sự tiến công của ta, địch vội vàng rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa. Đêm 12-4, khoảng 1.900 quân địch lần lượt rút khỏi thị xã Sầm Nưa, đến trưa 13-4 địch rút hết về Mường Hàm. Như vậy, tình huống Chiến dịch đã thay đổi, địch không cố thủ trong công sự mà đang tháo chạy để bảo toàn lực lượng. Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận định: địch đang ở vào thế bất lợi, hoang mang, không có quân tăng viện, ứng cứu; đối với ta, tinh thần chiến đấu của bộ đội đang cao, thế và lực đang mạnh, có điều kiện phát huy sở trường đánh địch ngoài công sự..., nhiều đơn vị vẫn đang trên đường tiến vào Sầm Nưa. Vì thế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch kịp thời hạ quyết tâm truy kích địch trên đường rút chạy. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh lực lượng thành các tiểu đoàn, đại đội gọn nhẹ, bám đuổi, truy kích địch. Một số đơn vị phát hiện thấy địch bỏ chạy đã chủ động chuyển sang truy kích địch, mặc dù chưa được lệnh của trên. Những đơn vị còn lại của các đại đoàn cùng Bạn tiến vào giải phóng thị xã Sầm Nưa, các địa bàn lân cận và tổ chức truy kích địch trên các hướng khác. Với sự chỉ huy sáng suốt, nhạy bén và linh hoạt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, Liên quân Việt - Lào thực hành vận động truy kích, tiêu diệt gần hết quân địch rút chạy (trên đoạn đường khoảng 270 km). Thành công nổi bật của Chiến dịch là nghệ thuật chuẩn bị chiến trường và thực hành tác chiến.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) chắc chắn sẽ có những phát triển mới do có sự phát triển mạnh mẽ về vũ khí, trang bị và trình độ tác chiến của cả ta và đối tượng tác chiến. Thế nhưng, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và của Chiến dịch Thượng Lào nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng phát triển trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc một khi địch liều lĩnh gây chiến tranh xâm lược đối với nước ta.
PGS, TS. NGUYỄN MINH ĐỨC
______________
1 - Gồm 11 cứ điểm kiên cố, sân bay dã chiến Nà Thông, bãi nhảy dù Nà Viêng, mỗi cứ điểm đều có hàng rào kẽm gai và búi chướng ngại vật bố trí xung quanh.
2 - Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ít-xa-la.
3 - Phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm chính trị, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Nam - Chủ nhiệm Cung cấp, đồng chí Nguyễn Khang đặc trách công tác ở nước Bạn. Phía Lào có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Xing-ga-po - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Thao-ma - Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa.
chiến dịch Thượng Lào,chuẩn bị chiến dịch,thực hành chiến dịch
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966