Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 30/08/2013, 14:56 (GMT+7)
Sự phi lý của một thông cáo báo chí

Thời gian qua, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí liên tục lên tiếng xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam nhân Nghị định 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng (Nghị định 72) sắp có hiệu lực. Ðáng tiếc là, mới đây Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam lại ra Thông cáo báo chí về sự kiện này để bày tỏ một số "quan ngại" rất phi lý!

Ngày 06-8, website của Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đăng Thông cáo báo chí có nhan đề Nghị định về Nội dung in-tơ-nét, trong đó viết: "Nghị định 72 dường như trái với nghĩa vụ của Việt Nam trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị cũng như những cam kết của Việt Nam trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các quy định của Nghị định vì dường như nó hạn chế các loại hình thông tin mà cá nhân có thể chia sẻ thông qua tài khoản mạng xã hội cá nhân và trên các trang web. Ngoài ra, Nghị định này sẽ hạn chế sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) đang hé nở của Việt Nam bằng việc kiềm chế sự đổi mới trong nước, ngăn cản đầu tư nước ngoài..."!

Thông cáo này được BBC, RFA, RFI, VOA,... và nhiều trang mạng của các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đăng lại, coi đó như là sự ủng hộ, hậu thuẫn cho họ trong khi phê phán Nghị định 72. Tuy nhiên, theo bài báo: Mỹ "đạo đức giả" khi phê Nghị định 72? trên website tiếng Việt của BBC, thảo luận về bài Hoa Kỳ chỉ trích luật kiểm soát in-tơ-nét của Việt Nam trên website tiếng Anh của BBC, nhiều bạn đọc nước ngoài đã lên tiếng phê phán bản Thông cáo của Ðại sứ quán Hoa Kỳ, như: "Việt Nam công khai nói với dân của họ rằng họ không được thảo luận "thời sự" trên các trang mạng xã hội. Hoa Kỳ cho phép thảo luận nhưng lén theo dõi không chỉ các bình luận công khai của công dân họ mà cả thư điện tử cá nhân của mọi công dân từ mọi nước một cách thường xuyên", "Hoa Kỳ muốn việc tiếp cận in-tơ-nét tự do và dễ dàng.  Họ cần điều đó để TEMPORA và PRISM có thể lén theo dõi xem mọi người nói gì", "Hoa Kỳ vờ thúc đẩy tự do song đó là tự do theo luật và lợi ích của họ", "Lần cuối tôi kiểm tra vẫn thấy Việt Nam là nước tự chủ, điều này có nghĩa là họ soạn luật của chính họ cho dù tôi có đồng ý với họ hay không... còn về Hoa Kỳ, quan điểm của họ là đạo đức giả sau những gì chúng ta đã biết về NSA"...!

Với Thông cáo nói trên, Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam đã quên rằng, chính website của Ðại sứ quán còn lưu trữ văn bản nhan đề Tranh luận về vấn đề kiểm duyệt in-tơ-nét; trong đó, GS Derek Bambauer - Trường Luật Brooklyn, nói: "Chúng ta đang sống trong một thế giới mà vấn đề kiểm soát, theo dõi việc sử dụng in-tơ-nét đã trở thành mối bận tâm của tất cả mọi người... Tại Mỹ, các công ty viễn thông phải tích hợp cả chức năng nghe trộm điện thoại vào các sản phẩm và dịch vụ của mình. Khi việc bí mật theo dõi trở thành một phần của hệ thống điện thoại in-tơ-nét thì chức năng đó cũng sẽ được ứng dụng cho các quốc gia nơi sự rình mò còn ít hơn nhiều so với ở FBI... Tôi cho rằng các nước vẫn có thể kiểm soát về mặt pháp lý hoạt động in-tơ-nét". Ý kiến của GS Derek Bambauer cho thấy, ở Hoa Kỳ vẫn còn ý kiến khác nhau về tự do in-tơ-nét. Và trên thực tế, chính Hoa Kỳ đã có nhiều biện pháp quản lý lĩnh vực này. Thí dụ: "Washington vừa quyết định cấm công chức Mỹ, trừ khi có phép đặc biệt, truy cập vào mạng điện tử WikiLeaks", "Bộ Quốc phòng Mỹ cấm Google không được quay phim, chụp ảnh, công bố các chi tiết liên quan đến nghiên cứu tại các cơ sở quân sự của Mỹ. Theo họ, những bức ảnh chụp cận cảnh và sát mặt đất tại các bãi tập quân sự của Mỹ là mối đe dọa tới an ninh", "Thống đốc tiểu bang Florida (Hoa Kỳ) Rick Scott đã ký thông qua dự Luật cấm các thiết bị điện tử tại tiểu bang này nhằm chống lại nạn cờ bạc thông qua in-tơ-nét. Luật mới được thông qua trong một nỗ lực để trấn áp tệ nạn cờ bạc bất hợp pháp và hơn 1.000 quán cà-phê in-tơ-nét bị đóng cửa ngay lập tức", "Dự luật chống vi phạm bản quyền trực tuyến đang được trình Quốc hội Mỹ thông qua. SOPA sẽ giúp Chính phủ Mỹ ngăn chặn các website chứa nội dung vi phạm bản quyền, như: game, nhạc, ứng dụng... kể cả các trang cá nhân. Ngoài ra, chủ sở hữu website sẽ phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý về hành vi phát tán bất hợp pháp nội dung vi phạm bản quyền, cũng như bị tịch thu lợi nhuận có được từ hành động này... nếu được thông qua sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ in-tơ-nét Mỹ có quyền ngăn chặn những trang web vi phạm bản quyền trên toàn thế giới", "Mỹ đang sử dụng một chương trình tuyệt mật, gọi là XKeyscore, cho phép tình báo nước này giám sát "gần như mọi thứ mà một người sử dụng thông thường thực hiện trên in-tơ-nét"...", "Kênh truyền hình RT của Nga cho biết, quân đội Mỹ xác nhận đã ngăn chặn các nhân viên của mình xem các tin tức liên quan đến vụ Snowden tại trang thông tin The Guardian của Mỹ. Trong tuyên bố ngày 29-6, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Kỹ thuật hệ thống điện toán Lục quân Mỹ nhấn mạnh, đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc tiết lộ thông tin nhạy cảm bất hợp pháp"...

Dẫn lại các tin tức trên để thấy rằng, Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam đã tiếp cận tự do in-tơ-nét bằng "tiêu chuẩn kép". Thật vô lý khi Hoa Kỳ quản lý chặt chẽ đối với in-tơ-nét, hoặc sử dụng thành tựu văn minh này phục vụ các mục đích, lợi ích chính trị - kinh tế riêng, thì Ðại sứ quán Hoa Kỳ lại cổ vũ "quyền tự do ngôn luận" nằm ngoài khuôn khổ pháp luật Việt Nam! Thử hỏi, khi Thông cáo lập luận: "Các quyền tự do cơ bản áp dụng trong không gian mạng cũng giống như trong đời sống thực" thì: Tại sao chỉ trong sáu tháng đầu năm 2012, đã có gần 8.000 lần Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Google cung cấp thông tin người dùng, và từ tháng 8-2012 Chính phủ Hoa Kỳ cũng yêu cầu quản lý thông tin cá nhân trên Facebook trong vòng 20 năm tới và đã được Google chấp nhận? Tại sao Microsoft, Facebook, Google, Apple thừa nhận đã cung cấp thông tin cho Chính phủ Hoa Kỳ? Tại sao 19 tổ chức ở Hoa Kỳ lại kiện Chính phủ vì cho rằng: Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) vi phạm quyền của họ được quy định trong hiến pháp, khi thực hiện chương trình bí mật thu thập dữ liệu mà cựu nhân viên tình báo Edward Snowden phanh phui? Trong phạm vi rộng hơn, quản lý in-tơ-nét bằng pháp luật không chỉ có ở Hoa Kỳ hay Việt Nam, nhiều quốc gia khác, từ việc nhìn rõ sự hay - dở, tốt - xấu, lương thiện - bất lương,... đang tồn tại trên in-tơ-nét mà đã có quy định cụ thể, như: "tại Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, entry trên mạng. Google cho đó là "luật lệ ngớ ngẩn", nhưng cũng buộc phải chặn tính năng upload, bình luận trên dịch vụ YouTube bản tiếng Hàn", "nếu bạn bị phát hiện truy cập vào một trang web "đen" tại Ấn Ðộ, bạn có thể phải đối diện án phạt 05 năm tù và khoản tiền phạt lên đến 22.000 USD. Trong khi đó, nếu bị phát hiện gửi thư rác, án phạt tù dành cho người dùng cũng lên đến 02 năm", "kể từ năm 2008 đến nay, Iran đã chặn hơn 05 triệu website mà họ cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục của đất nước, bao gồm cả Facebook và YouTube. Trước khi cho phép bất cứ nhà mạng nào hoạt động, Chính phủ Iran yêu cầu họ phải cam kết bằng văn bản, hứa hẹn sẽ không truy cập các trang web phi hồi giáo". Ở Singapore, "từ ngày 01-7 nhà chức trách Singapore yêu cầu 10 trang web thông tin của Hãng Yahoo Singapore và hai công ty truyền thông nội địa phải xin giấy phép hoạt động riêng. Các trang web này phải rút những nội dung "không phù hợp" trong vòng 24 giờ sau khi chính quyền Singapore có yêu cầu"...

Thêm nữa, khi viện dẫn văn bản của Liên hợp quốc để cho rằng "Nghị định 72 dường như trái với nghĩa vụ của Việt Nam", Ðại sứ quán Hoa Kỳ lại quên là văn bản ấy, khi đề cập tới quyền tự do ngôn luận đã khẳng định: "Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý" (Khoản 3 Ðiều 19 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị), tức là không có quyền tự do ngôn luận chung chung, việc thực hiện quyền đó luôn gắn với pháp luật ở mỗi quốc gia. Nên không ngẫu nhiên từ ngày 01-6-2013, Chính phủ Singapore lại buộc các trang tin có ít nhất 50.000 người truy cập từ Singapore hằng tháng và hằng tuần có ít nhất một tin về xã hội sở tại trong vòng hai tháng trở lên, sẽ phải xin giấy phép hoạt động hằng năm. Các trang mạng được cấp phép có nghĩa vụ phải rút những nội dung nào xâm phạm đến "sự hài hòa tôn giáo và chủng tộc" trong vòng 24 giờ, sau khi Media Development Authority (MDA) - cơ quan quản lý truyền thông quốc gia - yêu cầu.

Tháng 7 vừa qua, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo "khẳng định cam kết mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung". Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nên có hành động thiết thực để củng cố, phát triển quan hệ đối tác toàn diện, không nên có việc làm đáng tiếc như Thông cáo ra ngày 06-8. Việc làm này không những không tác động tích cực tới quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, mà còn là sự can thiệp thô bạo công việc nội bộ của Việt Nam, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng để xuyên tạc các quan điểm, chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam.

HOÀNG ANH BIÊN

Nguồn: nhandan.com

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.