Thứ Ba, 10/09/2024, 01:32 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Tôn trọng và bảo đảm quyền con người luôn là mục tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Trong các thời kỳ khác nhau, quyền con người ở Việt Nam đạt được những kết quả tương xứng. Những năm qua, việc bảo đảm quyền con người ở nước ta có những bước tiến mới, đó là hiện thực mà không một ai có thể phủ nhận được.
Không phủ nhận rằng, trong những thời kỳ lịch sử trước đây, như: trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước (1945 - 1975) và trong thời kỳ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa theo mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ (1975 - 1986), do nhiều yếu tố, Đảng, Nhà nước ta chưa có điều kiện để bảo đảm đầy đủ các quyền con người.
Sau khi Liên Xô tan rã, các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta, hòng chuyển hóa chế độ ta sang mô hình “dân chủ, nhân quyền” ngoại nhập. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta một mặt, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; mặt khác, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thay đổi mô hình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, từ mô hình kiểu cũ sang mô hình kiểu mới. Đảng ta khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;… ”1 và “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”2. Do vậy, quyền con người ở nước ta đạt được những thành tựu quan trọng. Đó là những bước tiến mới về nhân quyền ở nước ta không thể phủ nhận.
Trước hết, về mặt pháp lý, dựa trên Cương lĩnh, đường lối của Đảng cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người. Trong đó có 2 công ước cơ bản quy định đầy đủ các quyền con người. Đó là “Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự, Chính trị”, 1966; “Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”, 1966. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết, gia nhập các công ước chuyên biệt. Đó là “Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc”, “Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”,... và gần đây (năm 2014) là “Công ước chống Tra tấn”. Việt Nam cũng đã tham gia 20 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 5 công ước cơ bản về lao động, việc làm, v.v. Thực hiện các cam kết quốc tế, Nhà nước ta đã nội luật hóa các công ước nói trên vào hệ thống pháp luật quốc gia.
Năm 2013, lần đầu tiên, Hiến pháp Việt Nam đã dành cả một chương - chương II - quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Khoản 1, Điều 14 của Hiến pháp quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 cùng với hệ thống pháp luật hiện nay của Nhà nước ta không chỉ tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người, mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những hệ thống pháp luật tiến bộ hàng đầu trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (2016 - 2018) và gần đây, được bầu vào Ủy ban Pháp luật Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2016 - 2021)3.
Trong những năm qua, các quyền con người trên lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa được Đảng và Nhà nước quan tâm và đạt được những thành quả to lớn: tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, thu nhập bình quân đầu người từ 1.024 USD/năm (năm 2008) đã tăng lên 2.200 USD (ước tính năm 2016). Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 13,7% năm 2008 xuống dưới 5% vào năm 2015.
Là quốc gia còn nghèo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chương trình 135 “hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn” là một ví dụ. Chương trình 135 giai đoạn III (2016 - 2020)4 đã được Nhà nước đầu tư 239.316,6 tỷ dành cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nhà nước đã dành gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng (triển khai từ tháng 6-2013) giúp người thu nhập thấp ở đô thị cải thiện chỗ ở.
Gần đây, Nhà nước đã quyết định giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện mức lãi suất thấp cho người vay là 4,8%/năm, thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm, kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Tương tự như chính sách đối với người nghèo, cho đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên nghèo vay với lãi suất thấp.
Trên một bình diện khác, việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, tất yếu phải đấu tranh với những cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, địa vị xâm hại các nguồn lực kinh tế của xã hội và Nhà nước. Trong thời gian qua, theo sự chỉ đạo của Đảng, nhiều vụ việc, vụ án đã được điều tra, hoặc đưa ra xét xử. Đó là việc Chính phủ giao cho cơ quan chức năng thanh tra Dự án Núi Pháo tại Thái Nguyên về nhiều mặt; Dự án Mobifone (mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đang thua lỗ lớn, có dấu hiệu mờ ám về tài chính), gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước. Hoặc đưa ra xét xử vụ án Ngân hàng Xây dựng Việt Nam do Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị) làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng.
Liên quan đến các dự án xây dựng đường giao thông theo hình thức BOT, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tổng kết và đánh giá lại 5 năm thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông (bao gồm tiến hành kiểm toán, quyết toán chặt chẽ các dự án BOT để xác định mức phí và thời hạn thu phí); kiểm tra phí đường bộ (theo phương thức BOT) yêu cầu nhà đầu tư phải minh bạch về chi phí, thu phí trước công luận. Đây là những ví dụ về việc bảo vệ lợi ích của người dân một cách thiết thực.
Thứ hai, quyền con người về mặt dân sự, chính trị đã có những thành quả to lớn. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là một ví dụ. Tổng số cử tri đi bầu lên đến 67.485.480 người; số cử tri đã bỏ phiếu đạt 99,35%. Về cơ cấu đại biểu, trong số 500 đại biểu có 86 người là dân tộc thiểu số, 133 người là phụ nữ, 21 người ngoài Đảng, v.v. Trình độ văn hóa của đại biểu Quốc hội khóa XIV cao nhất so với các khóa trước: trên đại học 310 người (chiếm 62,50%), đại học 180 người (36,30%), dưới đại học 6 người. Tỷ lệ đại biểu là phụ nữ và là người dân tộc thiểu số của Quốc hội ta so với nhiều quốc gia ở khu vực thuộc vào loại cao. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ.
Hoạt động Quốc hội trong những năm qua, nhất là những năm 2015, 2016 đã có những đổi mới theo hướng thực hiện tốt hơn cơ chế “kiểm soát” quyền lực, xem xét kỹ các Báo cáo của Chính phủ và các ngành. Đồng thời, các đại biểu cũng đã chuyển tải khá đầy đủ ý kiến của cử tri đến diễn đàn Quốc hội, v.v. Theo dõi các kỳ họp Quốc hội, người ta thấy các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi thẳng thắn yêu cầu các thành viên Chính phủ phải minh bạch hóa các thông tin và giải trình những chương trình, dự án (như dự án thủy điện, dự án vay vốn nước ngoài, dự án xây sân bay, điện hạt nhân,…) mà người dân và giới khoa học quan tâm. Mới đây, sự kiện Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng, hủy hoại môi trường biển, ảnh hưởng cuộc sống của gần 300 ngàn người ở 4 tỉnh miền Trung; hoặc “sự cố truyền thông” (tháng 10-2016) liên quan đến thông tin về Asen trong nước mắm do Hội Bảo vệ người tiêu dùng công bố, đã trở thành những chủ đề “nóng” trong sinh hoạt Quốc hội, v.v.
Trong thời gian qua, nhằm đưa Hiến pháp năm 2013 (trong đó có quyền con người) vào cuộc sống, ba vụ trọng án đã được đưa ra xem xét lại. Đó là vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt và tù oan từ năm 2003, vụ án ông Huỳnh Văn Nén bị bắt và tù oan từ năm 1998, vụ án ông Trần Văn Thêm bị bắt và tù oan từ năm 1970 đến nay đã được minh oan, công khai xin lỗi và bồi thường.
Thứ ba, quyền tự do ngôn luận, báo chí được tôn trọng, mở rộng. Hiện nay cả nước có 105 báo, tạp chí (tăng 7 báo so với năm 2014). Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động là 248. Trong 5 năm qua, đã tăng 44 cơ quan báo chí điện tử. Về phát thanh, truyền hình, hiện cả nước có 67 đài; trong đó, có các đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngoài hệ thống thông tin, báo chí, truyền thông trong nước, người dân Việt Nam ngày nay còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác.
Có thể nói ở Việt Nam cho đến nay đã có gần như đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho “thế giới phẳng”. Các công cụ tìm kiếm, lưu trữ thông tin trên in-tơ-nét, như: Google, Yahoo, YouTube,… đến các trang mạng xã hội trong và ngoài nước, các web, blog cá nhân đều có thể truy cập bất cứ lúc nào. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, mạng Facebook ở Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực. Với in-tơ-nét, người dân Việt Nam có thể trực tiếp thể hiện trên cả hai tư cách: người tiếp cận thông tin và người sử dụng in-tơ-nét. “Cư dân mạng” lúc nào cũng có thể đọc tin, viết bài, bình luận, chia sẻ trên mạng về bất cứ vấn đề gì. Có người cho rằng, ở Việt Nam, in-tơ-nét đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần xã hội.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền con người với tư cách là lợi ích xã hội và quyền của cá nhân, Nhà nước ta đã phải xử lý những trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do sử dụng in-tơ-nét vi phạm pháp luật, vi phạm quyền cá nhân. Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự). Hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông đã tạm thời đình chỉ báo PetroTimes và thu thẻ nhà báo của Tổng biên tập vì đã đăng tải bài trả lời phỏng vấn của “Người buôn gió”5 - Bùi Thanh Hiếu, trả lời phỏng vấn về vụ Trịnh Xuân Thanh. Bài phỏng vấn đã đưa tin sai sự thật và xâm phạm danh dự của cá nhân, tổ chức.
Thứ tư, Đảng và Nhà nước ta xem việc tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền của các dân tộc thiểu số là nghĩa vụ của mình, hơn nữa là một phần nền tảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho tín đồ tôn giáo, bảo đảm cho các tôn giáo phát triển hài hòa, đồng hành cùng dân tộc. Giáo hội các tôn giáo khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân đều được chính quyền các cấp bảo hộ, quan tâm và tạo thuận lợi để hoạt động bình thường. Ở Việt Nam, không một tôn giáo nào (hoạt động trong khuôn khổ pháp luật) bị cấm đoán. Không một công dân nào bị ép buộc theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào.
Để bảo đảm các quyền về kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, Nhà nước ta đặc biệt chú ý đến xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Hiện đã có 92% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 95% số xã có điện; 80% số xã có thủy lợi nhỏ; 65% số xã có công trình nước sinh hoạt. Việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Nhà nước Việt Nam. Hệ thống cơ sở vật chất đã được xây dựng tương đối đồng bộ ở tất cả các xã vùng dân tộc thiểu số cùng hệ thống điểm trường ở thôn, bản, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi, cùng với chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh nghèo đã giúp cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội đến trường, tiếp cận nền giáo dục quốc gia. Đến năm 2012, tỷ lệ biết chữ (phạm vi từ 10 tuổi trở lên) trong đồng bào dân tộc thiểu số là 83,8% - một con số rất đáng mừng so với thời kỳ trước năm 1975. Hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển rộng khắp, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mạng lưới trạm y tế đã phủ tới 99% số xã. Hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến huyện bao phủ tất cả các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.
Thứ năm, quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, yếu thế (trong đó có nữ giới, trẻ em) được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện nay, cả nước có hơn 26 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặt biệt6. Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các địa phương phát động “Tháng hành động vì trẻ em” (tháng 6) nhằm vận động toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Chăm sóc về y tế được Nhà nước ta đặc biệt chú ý.
Chương trình “Trái tim cho em” do Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức, sau 7 năm thực hiện đã quyên góp được 90 tỷ đồng và hỗ trợ phẫu thuật thành công cho 2.700 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh, có hoàn cảnh khó khăn.
Về quyền của nữ giới, từ năm 2010 đến nay, Quốc hội đã ban hành 40 đạo luật. Trong đó, quyền của nữ giới đã được lồng ghép đầy đủ trong hệ thống pháp luật Quốc gia. Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu “Giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020”7.
Trong cơ quan lãnh đạo Đảng (khóa XII) có tới 3 thành viên của Bộ Chính trị là nữ, chiếm 15,78%; hơn 50% trong các bộ, ngành, cơ quan trung ương có cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt.
Trong lĩnh vực lao động - việc làm, hiện nay lao động nữ vẫn duy trì ở mức cao và đạt 48,3% trong tổng số lực lượng lao động cả nước; phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%. Trong lĩnh vực sức khỏe, tỷ lệ tử vong ở người mẹ đã giảm hơn 3 lần, từ 233 bà mẹ/100.000 trẻ vào năm 1990 xuống còn 59 bà mẹ/100.000 trẻ vào năm 2014 và ước năm 2015 là 58,3 bà mẹ/100.000 trẻ.
Thứ sáu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người đã được Nhà nước ta thúc đẩy mạnh mẽ. Trước hết, đó là thể chế chính trị của Nhà nước, chế độ xã hội ta đã được các quốc gia tôn trọng. Trong Văn kiện đối tác Toàn diện được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký kết (7-2013) đã khẳng định: “nguyên tắc các bên tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Nguyên tắc này đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ tôn trọng chế độ xã hội do Đảng ta lãnh đạo, tôn trọng hệ thống pháp luật Việt Nam. Những khác biệt nào đó giữa hai bên chỉ có thể rút ngắn thông qua đối thoại và hợp tác bình đẳng. Trong những năm qua, Nhà nước ta đã thực hiện đối thoại về nhân quyền với nhiều quốc gia, tổ chức và đón nhiều đoàn đại diện của cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc. Gần đây, Việt Nam đã đối thoại với Australia, Hoa Kỳ, Thụy sỹ, EU, v.v.
Bảo đảm quyền con người là mục tiêu của mọi quốc gia. Thành quả về quyền con người của Việt Nam là rất lớn, đã và đang hiện hữu mà không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Được sống trong môi trường trong lành đã được cộng đồng quốc tế xem là một quyền cơ bản và quan trọng của mọi người. Thế nhưng, tình trạng môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng là một thách thức lớn về quyền con người của chúng ta.
Trên lĩnh vực bảo đảm quyền dân sự, chính trị trong bối cảnh kinh tế thị trường, thách thức lớn đối với chúng ta hiện nay là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm,… của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã chỉ ra không chỉ tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, mà còn tác động tiêu cực đến việc bảo vệ quyền con người của nhân dân ta.
Tuy nhiên, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng, đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thực hiện Cương lĩnh của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất định nhân dân ta sẽ ngày càng có cơ hội hưởng thụ đầy đủ hơn các quyền con người.
TS. CAO ĐỨC THÁI, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
_____________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQH, H. 2011, tr. 70.
2 - Sđd, tr. 76.
3 - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đại diện của Việt Nam tham gia Ủy ban Luật pháp Quốc tế nhiệm kỳ 2017 - 2021 (xem “Đại diện Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế là cơ hội lớn của đất nước”, Dân Việt, ngày 04-11-2016, 17:00 PM (GMT+7).
4 - “Gần 240 nghìn tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020”, Doanh nhân Việt Nam 13:45:10, 12-11-2015.
5 - “Người buôn gió” là một trang mạng (máy chủ ở nước ngoài) thường đưa thông tin, quan điểm sai trái chống chế độ xã hội và Đảng Cộng sản Việt Nam.
6 - “Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Cộng sản, 22-7-2015, 13:34'.
7 - “Việt Nam đạt nhiều thành tựu về nâng cao quyền năng cho phụ nữ”, (TTXVN/Vietnam+) 16-3-2016, 09:26 GMT+7.
quyền con người,nhà nước Việt Nam,bước tiến mới
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam 19/08/2024
Thực tiễn bác bỏ sự xuyên tạc về đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” 22/07/2024
Thói hàm hồ của những kẻ chống chủ nghĩa xã hội 18/07/2024
Thực tiễn bác bỏ những thông tin sai trái về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam 11/07/2024
Kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam 28/06/2024
Không thể xuyên tạc tinh thần quốc tế trong sáng của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam 26/06/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam 20/06/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân”