Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 26/09/2016, 14:31 (GMT+7)
Nhận xét xét đầy thiên kiến, chủ quan của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Ngày 10-8-2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại công bố Bản “Phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2015”. Tuy nhiên, bản “Phúc trình” này bị nhiều nước phản đối, xem là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác, trong đó có Việt Nam.

Ngay từ trước khi được công bố, bản “Phúc trình” năm 2015 đã bị nhiều nước nghi ngờ về tính khách quan, trung thực của nó. Tại sao vậy? Bởi từ kinh nghiệm của mình trong nhiều năm qua xem xét quan điểm, thái độ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá về tình hình tự do tôn giáo quốc tế. Đến khi bản “Phúc trình” được đưa ra đã cho thấy nhận định của các nước này là đúng và có cơ sở. Trong bản “Phúc trình”, phần về Việt Nam có đoạn viết: “Giới chức chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo không được đăng ký, đặc biệt là những nhóm chính phủ cho là tham gia vào các hoạt động chính trị”. Đáng chú ý là, làm ra vẻ bám sát tình hình thực tiễn và có “nội dung mới”, trong bản “Phúc trình” năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến Hiến pháp 2013 và pháp luật về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trong đó, phê phán rằng: Hiến pháp Việt Nam, “có những giới hạn về tự do tôn giáo vì các lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội đã được nêu ra”. Ai cũng thấy, đây là sự đánh giá hoàn toàn không có cơ sở, thiếu khách quan, bóp méo sự thật về tình hình thực tế tôn giáo ở Việt Nam để đòi hỏi một “tiêu chuẩn kép” về dân chủ, nhân quyền nhằm mưu đồ xấu. Và mọi người cũng không bất ngờ khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá về tình hình tôn giáo ở Việt Nam như vậy. Bởi họ là vậy, vốn vậy, vẫn vậy và sẽ còn như vậy. Có chăng nếu đánh giá khác, nghĩa là tình hình tôn giáo ở Việt Nam là bình thường, là tốt, đúng như thực tế đã diễn ra thì mới là chuyện lạ! Còn đối với những người chân chính, tôn trọng sự thật khách quan không ai tin vào cái gọi là bản “Phúc trình” đó, vì điều này đều đã biết, đã hiểu.

Trên thế giới nhiều quốc gia có “quốc đạo”, song về pháp luật và thể chế quản lý xã hội, hiến pháp quy định tất cả các tổ chức xã hội đều hoạt động và được quản lý theo khuôn khổ pháp luật. Nhà nước quản lý các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức tôn giáo; không cho những kẻ xấu lợi dụng sinh hoạt của những tổ chức này để phá hoại tổ chức đó, phá hoại chế độ xã hội và cuộc sống yên bình của nhân dân. Ở Việt Nam, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, không và chưa bao giờ có chủ trương cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bình thường của nhân dân. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của nhân dân, đang và sẽ tồn tại, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái với quy định của pháp luật”1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013), Điều 24 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Những điều này hoàn toàn tương thích với Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (năm1966): mọi người có quyền “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” nhưng phải chịu giới hạn vì “an ninh quốc gia, trật tự cộng cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Không chỉ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật, mà Nhà nước Việt Nam còn bảo đảm quyền này được thực thi trong thực tế. Với hành lang pháp lý rõ ràng, tiến bộ, được nhân dân đồng tình ủng hộ, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang diễn ra với đầy đủ hàm nghĩa tự do theo hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo và không ngừng phát triển. Hiện nay, Việt Nam có 14 tôn giáo và 38 tổ chức tôn giáo với hơn 25 triệu tín đồ (chiếm hơn 25% dân số); có 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc tôn giáo; 25.000 cơ sở thờ tự, trong đó nhiều công trình được trùng tu, xây mới khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm ha đất để các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự, như: thành phố Hồ Chí Minh giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh Thân học; thành phố Hà Nội giao 20 ha đất để xây dựng Học Viện Phật giáo Việt Nam; tỉnh Đắc Lắc giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; tỉnh Quảng Trị giao 15 ha đất cho Giáo xứ La Vang, v.v. Đến nay, nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cấp sổ chứng nhận Quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo. Các chức sắc, chức việc tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện học tập (ở cả trong và ngoài nước) để nâng cao trình độ giáo lý, giáo luật và năng lực vận động tín đồ. Công tác báo chí, in ấn, xuất bản liên quan đến tôn giáo được Nhà nước Việt Nam quan tâm, bảo đảm yêu cầu hoạt động của các tôn giáo; hầu hết các tổ chức tôn giáo đã có báo, tạp chí, bản tin. Đến nay, Nhà Xuất bản Tôn giáo đã xuất bản gần 6.000 ấn phẩm, trong đó có: 4.725 đầu sách và hơn 1.100 đĩa MP3, VCD, CD, DVD, ảnh, lịch, cờ với số lượng trên 2.546.200 bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, như: Anh, Pháp, Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, v.v. Cùng với đó, Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các tôn giáo tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động có ý nghĩa không chỉ trong nước, mà còn với khu vực và quốc tế. Đại diện chức sắc các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã tham gia đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý, giáo luật tại các diễn đàn lớn, như: Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), v.v. Năm 2015, các đại hội, đại hội đồng nhiệm kỳ, hội nghị, lễ hội lớn của các tôn giáo, như: Đại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh; Lễ An vị Tổ đình Tòa thánh Châu Minh của Hội thánh Cao Đài Tiên Nhiên tổ chức tại tỉnh Bến Tre; Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015-2020); Đại hội đồng Tổng hội lần thứ III của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2019); Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Tòa thánh Tây Ninh; Đại lễ kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài; Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2018); Đại hội lần thứ IV của Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2017); Đại hội đồng lần thứ III của Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020),... diễn ra trang trọng, an toàn, thu hút đông đảo tín đồ, quần chúng nhân dân tham gia đã làm sinh động, phong phú bức tranh sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Những thành tựu đó được đông đảo cá nhân và tổ chức quốc tế thừa nhận.

Tuy nhiên, đời sống tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang bị một số kẻ xấu lợi dụng. Nổi lên là một số chức sắc tôn giáo có hành vi kích động tín đồ tham gia các hoạt động ngoài mục đích tôn giáo để chống phá chính quyền. Một mặt, họ dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo tín đồ, kích động gây chia rẽ giữa tôn giáo với Đảng, Nhà nước Việt Nam; mặt khác, họ triệt để lợi dụng những sai sót ở một số địa phương để xuyên tạc, vu khống Nhà nước vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nguy hiểm hơn, họ còn tập hợp, nuôi dưỡng, sử dụng những đối tượng bất hảo để chống phá, gây mất ổn định đất nước, chia rẽ dân tộc, hòng tạo “sức ép pháp lý” nhằm “chính trị hóa vấn đề tôn giáo” ở Việt Nam. Những việc làm đó là vi phạm pháp luật và cần phải nghiêm trị.

Cũng giống như ở nhiều quốc gia khác, mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam phải thực hiện theo đúng những quy định của luật pháp. Việc hành đạo, truyền đạo,... trái với quy định của pháp luật đều bị xử lý và đương nhiên hoạt động của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp đều không được phép. Như mọi công dân bình thường khác, các chức sắc hay tín đồ của một tôn giáo, nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh theo luật định. Đó là điều bình thường ở mọi quốc gia có luật pháp. Do đó, không thể dẫn ra một vài vụ mà ở đó người ta lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tập hợp và kích động tín đồ thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, khiến các lực lượng chức năng buộc phải can thiệp và xử lý theo pháp luật để nói rằng: chính quyền “sách nhiễu” hoặc “ngăn cản tự do tín ngưỡng”. Sự vu cáo đó, trước hết không phản ánh đúng bản chất của vấn đề (do chỉ căn cứ vào hiện tượng và dựa trên những thông tin sai lệch); đồng thời, thể hiện một tư duy được “lập trình” theo định kiến có sẵn, nên thiếu khách quan trong nhận xét, đánh giá một sự việc cụ thể, dẫn đến việc nhìn nhận méo mó về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, những vụ việc mà một số tổ chức và số ít chức sắc mượn danh “tôn giáo” trong thời gian qua đề cập để viện dẫn, tố cáo “Việt Nam bắt giữ tùy tiện giáo dân, vi phạm tự do tôn giáo” đều là không đúng. Thực chất đây là những vụ, những người vi phạm pháp luật bị các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam xét xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra những đánh giá sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam đã làm phương hại đến mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Nó đi ngược lại chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam hiện nay và tinh thần Văn kiện “Tầm nhìn chung” được ký kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vào tháng 7-2015, trong đó khẳng định nguyên tắc: Việt Nam và Hoa Kỳ đều “Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Ngày 14-9-2016, trong buổi tọa đàm của Ủy ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam với đại diện quan chức tôn giáo của Hoa Kỳ về tình hình tôn giáo, thành tựu cũng như chính sách về tôn giáo, Bob Roberts Mục sư cao cấp của Hội thánh Tin lành Northwood  (gồm130 nhà thờ trên khắp nước Mỹ) đã phát biểu: “Các tôn giáo ở Việt Nam đều đang phát triển. Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện để người dân được thực hành tôn giáo của mình. Việt Nam là một đất nước tôn giáo vì các bạn tôn kính tổ tiên, Đạo phật, Công giáo. Ở Việt Nam có tất cả các tôn giáo”. Vị Mục sư đã nói sự thật. Mà đã là sự thật thì không thể phủ nhận, bác bỏ! Thử hỏi, nếu Việt Nam kỳ thị, hạn chế tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo như ý kiến cực đoan, đầy định kiến, áp đặt mà bản “Phúc trình” đã nêu thì sao Mục sư Bob Roberts lại có đánh giá như vậy? Và như thế, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam liệu có thể xác lập vị trí và phát triển phong phú, đa dạng như vậy không? Giả tưởng những người soạn thảo Báo cáo trên có cái nhìn khách quan, không kỳ thị về sự khác biệt chế độ xã hội giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì họ hẳn sẽ đặt câu hỏi: Nhà nước Việt Nam có lợi gì khi phân biệt, đàn áp gần 25% dân số có đạo của mình? Nhưng giả tưởng thì thường khó xảy ra. Chẳng qua nêu ra để thấy rõ hơn sự phi lý, thiếu cơ sở của những nội dung mà bản “Phúc trình” đề cập.

Mỗi nước, mỗi quốc gia dân tộc đều có những truyền thống lịch sử - văn hóa - tôn giáo - tín ngưỡng riêng của mình. Luật pháp Việt Nam cũng được xây dựng trên các truyền thống của mình và tương thích luật pháp, thông lệ quốc tế. Đó là quyền bất khả xâm phạm. Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động hiện nay, Việt Nam đã và đang hoàn chỉnh  hệ thống luật pháp (trong đó có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) cho phù hợp với sự phát triển của thời đại và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc lấy tiêu chuẩn pháp luật của một quốc gia này áp đặt cho quốc gia khác là điều không thể chấp nhận.

Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nhận xét mang tính định kiến, áp đặt về tình hình tôn giáo ở Việt Nam là việc làm không chỉ lỗi thời, sai trái, mà còn can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Vì thế, Bản Phúc trình năm 2015 của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ là vô nghĩa, không có giá trị, hơn thế cần phải đấu tranh bác bỏ.

PHIẾM ĐÌNH
__________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr.165.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.