Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 16/03/2017, 13:15 (GMT+7)
Cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ thông tin xấu, độc trên mạng

Xuyên tạc, bịa đặt, “đổi trắng thay đen”, đưa tin mập mờ,… vốn là thủ đoạn được các thế lực thù địch và bọn phản động thường dùng để chống phá nước ta. Những thủ đoạn đó lại đang được “tiếp sức” bởi in-tơ-nét, mạng xã hội nên càng nguy hiểm hơn. Vậy, chúng ta hãy cảnh giác và dè chừng!

Sau các “chiến dịch” rầm rộ chống phá Đại hội XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 thất bại, họ tập trung xuyên tạc Nghị quyết Đại hội Đảng XII và các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để dựng chuyện, bịa đặt, bôi nhọ Đảng và đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước ta. Họ lớn tiếng phê phán đường lối, chủ trương, chính sách do Đại hội XII vạch ra; coi đó là “lý luận rẻ tiền”, là “thứ hàng chợ quê”, đáp ứng “nhu cầu hạ cấp của những cư dân đang túng đói, hoang dã”, chứ không phải là “lý luận tiên tiến để đất nước phát triển, tiến lên hiện đại”! v.v. Họ nhạo báng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng” là thứ lý luận “lú lẫn” không thể thực hiện được trong thực tế! Họ phê phán các quan điểm của Đảng về quốc phòng - an ninh; gây chia rẽ giữa nhân dân với lực lượng vũ trang; kích động hận thù dân tộc, v.v. Không những thế, họ còn dựng lên những câu chuyện đầy ác ý, nhằm vào các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Trên Youtube họ bịa ra: ông này nhận quà biếu bằng tượng vàng của Formosa, người kia có nhiều biệt thự ở nước ngoài; rồi những cuộc đấu đá nội bộ, giành giật quyền lực, kể cả ở những cấp cao nhất! Họ viện dẫn những vụ việc tiêu cực, tham nhũng rồi tự ý kết luận, rằng “bản chất của Đảng là tham nhũng”, hòng gieo rắc tâm lý nghi ngờ và kích động các hành vi chống đối chế độ. Cùng với đó, tiếp tục xuyên tạc Đảng và Nhà nước bóp nghẹt “tự do dân chủ”, “tự do báo chí”, v.v.

Như vậy, họ tung lên các trang mạng xã hội đủ mọi loại thông tin xấu độc, trong đó có thông tin hoàn toàn bịa đặt, có thông tin đúng một phần, còn lại là “thêu dệt”; có thông tin chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng được “nhào nặn” và quy thành phổ biến, có thông tin chỉ đúng về hình thức nhưng được quy là bản chất, v.v.

Những luận điệu xảo trá đó nhằm mục đích gì? Chắc chắn không phải vì lý do xây dựng mà nhằm mưu đồ sâu xa là chống Đảng Cộng sản Việt Nam và mưu toan xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nhưng nhân dân ta - cả đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài - hiểu rõ bản chất của Đảng và những thành tựu của công cuộc đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, không ai tin điều đó. Hơn thế, còn hiểu thấu lòng dạ của những kẻ nhân danh “dân chủ, nhân quyền” để rắp tâm phá hoại công cuộc xây dựng đất nước. Chẳng phải, chúng đã từng “phán” rằng: hiện nay Đảng không còn đủ tư cách lãnh đạo đất nước vì trong Đảng có nhiều người tham nhũng, thoái hóa, biến chất, và “yêu cầu” Đảng phải mạnh tay làm sạch nội bộ, loại bỏ những người đó ra khỏi Đảng đó sao? Thế mà, khi Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ra Nghị quyết 04 thì họ lại lu loa châm chọc, công kích, phản bác và cho rằng, Đảng chỉ “giả vờ” như vậy, chứ “mọi quan chức của Đảng đều tham tiền”, thì làm sao chống được tham nhũng! Đúng là luận điệu rẻ tiền, đầy mâu thuẫn và nực cười! Họ đã nghiên cứu kỹ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết đó trong những tháng qua, nhưng làm như không biết, thậm chí lấp liếm, nói bừa. Trong khi đó, Đảng ta không ngại chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm, thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và cho việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, nhất là một số người có chức, có quyền là rất nghiêm trọng. Đồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị: “phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ1, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng tiên phong lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, nhiều vụ án tham nhũng lớn, như: vụ tham nhũng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam do Phạm Công Danh chủ mưu; vụ tham nhũng và rửa tiền tại Vinashinlines, do Trần Văn Liêm chủ mưu, được đưa ra xét xử công khai và những kẻ phạm tội đều phải nhận mức án thích đáng. Về kỷ luật trong Đảng: tất cả những người vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, dù là ai, ở cương vị nào, đều phải điều tra làm rõ và có hình thức kỷ luật tương xứng. Trong đó, khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011 - 2016 và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đối với ông Vũ Huy Hoàng; đang kiểm tra, xem xét, kết luận về thông tin liên quan đến số cổ phần mà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Cùng với đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng đã và đang kiểm tra một số dự án có dấu hiệu mờ ám làm thất thoát lớn ngân sách Nhà nước, như: Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện Dự án Núi Pháo tại Thái Nguyên; Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đang thua lỗ lớn, v.v.

Không phủ nhận rằng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay vẫn còn khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã hình thành từ lâu; những kẻ tham nhũng rất “ranh mãnh” và “lọc lõi”. Bởi vậy, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” là cả một quá trình phức tạp, không thể kết thúc trong “một sớm, một chiều”. Muốn vạch mặt những kẻ tham nhũng, “lợi ích nhóm”, phải điều tra, xem xét nhiều yếu tố, mọi khía cạnh các mối quan hệ phức tạp. Trong quá trình thực hiện, phải căn cứ vào các quy định pháp luật để điều tra kỹ lưỡng từng sự kiện, vụ việc, nếu có dấu hiệu vi phạm quy định hành chính hay pháp lý thì chuyển sang các cơ quan tư pháp xem xét về mặt hình sự. Công việc này đòi hỏi thời gian, sự thận trọng và kiên trì. Nhưng với phương châm chỉ đạo “không có vùng cấm” và sự quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, cuộc đấu tranh cam go này đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Và, chúng ta tin tưởng rằng, đó là cơ sở cho những thành quả trong thời gian tới. Vì thế, chúng ta không cho phép bất cứ ai, kẻ chống đối nào bịa đặt, xuyên tạc ý nghĩa và kết quả cuộc đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Bên cạnh đó, hiện nay trên các trang mạng xã hội đang xuất hiện hàng loạt các website, blog giả danh các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và một số báo điện tử có uy tín. Đây thực sự là trò lừa đảo, giăng những “cái bẫy” vô cùng nguy hiểm để đầu độc, lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Trên các trang mạng giả danh, thoạt đầu họ đăng tải một số thông tin có vẻ “chân thật”, “chính danh”, các thông tin liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiếp đó là xen lẫn các bài viết mập mờ theo lối “rộng đường dư luân” và những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, chế độ ta, từ đó kích động tư tưởng chống đối chính quyền các cấp. Bằng cách lập lờ “đen - trắng” lẫn lộn như vậy, họ rắp tâm đưa thông tin của các trang mạng cực đoan, hoặc bài viết của những kẻ chống đối núp dưới chiêu bài "tự do, dân chủ, nhân quyền",… đến với công chúng. Thủ đoạn này hết sức thâm độc, xảo quyệt bởi họ biết, những website mang tên các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước thường dễ thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc. Đặc biệt, các báo điện tử có uy tín là những địa chỉ đáng tin cậy, mỗi khi tìm hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, nhân dân ta thường truy cập vào. Những thủ đoạn đó, nếu không bị vạch mặt và ngăn chặn kịp thời, sẽ để lại hậu quả khôn lường. Bởi, các thông tin độc hại đó sẽ làm bạn đọc mất phương hướng, và uy tín của những tờ báo chính danh sẽ bị sứt mẻ vì sự giả danh của những kẻ vô liêm sỉ!

Trong “thế giới phẳng” hiện nay, sự lợi dụng mạng thông tin toàn cầu của những kẻ xấu để hô hào, cổ súy cho các quan điểm phản động, sai trái chống phá đất nước, chống phá chế độ là rất nguy hiểm đối với an ninh chính trị, tư tưởng, văn hóa và lợi ích quốc gia, dân tộc, thậm chí còn liên quan đến sự mất còn của chế độ, đất nước. Vì thế, cùng với việc tích cực, chủ động đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái thù địch, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ thông tin trên mạng. Nhà nước ta đã có các văn bản pháp luật quy định cụ thể về các nội dung đó, như: Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, Nghị định 174/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013 của Chính phủ và mới đây là Thông tư 38/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông “Quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”. Đó là những văn bản pháp quy phục vụ thiết thực, hiệu quả cho cuộc đấu tranh “không khói súng” nhưng vô cùng cam go, quyết liệt này. Có lẽ vì thế mà các thế lực thù địch, các “nhà dân chủ” đang điên cuồng công kích với đủ thứ giọng điệu. Họ la lối rằng, Nhà nước Việt Nam “đang bóp nghẹt tự do báo chí”, rằng Thông tư 38 “chặn thông tin của người dùng là vi phạm nhân quyền” và “Theo luật nước ngoài, tài khoản mạng xã hội thuộc nhóm bí mật đời tư của cá nhân, được bảo vệ và bất khả xâm phạm”.

Nhưng, đó chỉ là những tiếng la lối lạc lõng trong vô vọng. Hãy tin rằng, không có và không thể có tự do in-tơ-nét tuyệt đối! Đó là thực tế, là sự thật hiển nhiên. Việt Nam, cũng như các quốc gia khác có chủ quyền trên thế giới, không cho phép bất cứ ai xâm phạm, xâm hại chủ quyền, lãnh thổ của mình, kể cả lợi dụng việc cung cấp và sử dụng in-tơ-nét để chống phá đất nước và chế độ.

NGUYỄN THÁI YÊN

____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 36.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.