QPTD -Thứ Năm, 15/12/2016, 16:08 (GMT+7)
Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của toàn dân tộc

Phát động “Toàn dân kháng chiến”, “Toàn quốc kháng chiến” trong những ngày cuối tháng 12-1946 là hành động quyết đoán, chính xác, thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở nắm chắc tình hình, thời cơ, chuyển từ thế bị động thành chủ động, giam chân địch để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Đó là nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành độc lập cho dân tộc, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế nhưng, ngay trong ngày lễ Độc lập 02-9-1945, thực dân Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn; ngày 23-9-1945, chúng mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai đối với Việt Nam, bằng việc đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ. Nêu cao tinh thần yêu nước, đồng bào Nam Bộ đã anh dũng chiến đấu để giữ vững quyền tự do và độc lập.

Từ kháng chiến ở Nam Bộ đến toàn quốc kháng chiến, nền độc lập của dân tộc và chính quyền cách mạng đứng trước những thách thức nặng nề, phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Điều gì bảo đảm cho dân tộc và con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua được thác ghềnh, chủ động đối phó với dã tâm xâm lược của kẻ thù? Đó chính là sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tạo nền tảng cho sự phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến cứu nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ đặc điểm của cuộc kháng chiến, đề ra đường lối, cụ thể hóa đường lối, tổ chức xây dựng lực lượng về mọi mặt, động viên sức mạnh của toàn dân và xác định phương thức, phương châm tiến hành chiến tranh cách mạng nhằm chuyển biến tình thế, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm đi tới thắng lợi.

Điểm nổi bật là, Cách mạng Tháng Tám đã giành độc lập, tự do cho dân tộc, nhưng thực dân Pháp đã xâm phạm độc lập, chủ quyền của Việt Nam, do đó Việt Nam chưa có độc lập hoàn toàn. Trong Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng nêu rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước chưa được hoàn toàn độc lập”, “Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết1. Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo âm mưu và hành động của Pháp: “Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa”2.

Đứng trước họa ngoại xâm, sơn hà nguy biến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên tinh thần yêu nước của toàn dân, nêu cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc, quyết chí hy sinh bảo tồn sông núi, hướng mục tiêu đấu tranh vào kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.

Một điểm rất quan trọng là, nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến chống xâm lược gắn liền với xây dựng, phát triển đất nước (kiến quốc). Đảng Cộng sản đã nắm chính quyền toàn quốc, hệ thống chính quyền cách mạng được xây dựng từ Trung ương đến cơ sở. Đảng và Nhà nước nắm trong tay lực lượng vũ trang cách mạng (gồm Việt Nam giải phóng quân, Vệ quốc quân, Vệ quốc đoàn, Quân đội quốc gia và Quân đội nhân dân Việt Nam). Đó là cơ sở thực tế và pháp lý rất quan trọng để lãnh đạo, tổ chức cuộc kháng chiến.

Cùng với bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (06-01-1946) lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến (02-3-1946) và thông qua Hiến pháp (09-11-1946) khẳng định cơ sở pháp lý vững chắc của nền độc lập, Nhà nước cách mạng và chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước và dân tộc Việt Nam. Đó là nền độc lập, là Nhà nước do chính nhân dân xây dựng và quyết tâm bảo vệ.

Trung ương Đảng đã xác định rõ, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ: củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết tâm xây dựng một Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, để gánh việc chung cho dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”3. Nhà nước cách mạng với bản chất nhân dân có khả năng động viên toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân tộc tham gia vào sự nghiệp kiến tạo chế độ xã hội mới và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, ban hành những sắc lệnh để mang lại ngay tự do và hạnh phúc thực tế cho nhân dân. Đó là điều kiện cốt yếu để xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược.

Tiến hành kháng chiến cứu nước trong điều kiện Đảng đã nắm chính quyền, song Đảng chú trọng xây dựng Mặt trận để tổ chức, phát huy tinh thần dân tộc và yêu nước của toàn dân. Xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Mặt trận Việt Minh trên cả nước và ra sức phát triển các tổ chức cứu quốc. Mặt trận Việt Minh có vai trò to lớn trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám lại tiếp tục tập hợp khối đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới và kháng chiến cứu quốc.

Ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp Quốc dân được thành lập. (Ảnh: tư liệu)

Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tháng 5-1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) - một tổ chức Mặt trận mới; cùng hoạt động với Mặt trận Việt Minh - chú trọng tập hợp các lực lượng yêu nước còn chưa có điều kiện tham gia Việt Minh. Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập ngày 29-5-1946, do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng, là mặt trận thống nhất của toàn dân, “không những chủ trương làm cho dân tộc Việt Nam được tự do giải phóng, mà còn tranh đấu cho lãnh thổ Việt Nam được toàn vẹn, nước Việt Nam mau chiếm được địa vị phú cường”4. Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường, muốn thực hiện những khẩu hiệu hết sức hợp thời ấy, toàn dân phải đúc thành một khối. Bao nhiêu thành kiến giai cấp, bao nhiêu phân tranh đảng phái, bao nhiêu đố kỵ về tôn giáo và nòi giống phải hất ra khỏi con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam”5; “Thống nhất dân tộc là một vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù của dân tộc. Vũ khí ấy, ta phải giữ như một của báu… Lúc này bí quyết của sự thành công ở chỗ tinh thần đoàn kết. Cuộc đại đoàn kết ngày nay sẽ mang lại tự do chắc chắn cho dân tộc và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các thế hệ Việt Nam sau này”6.

Đó là chủ trương đúng đắn, kịp thời và sáng tạo, không những phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc mà còn phá tan âm mưu và hành động của các thế lực phản động hòng chia rẽ dân tộc Việt Nam và mưu đồ của thực dân Pháp định tách Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi đi thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”7.

Đường lối kháng chiến của Đảng được xác định căn bản và cụ thể hóa từ Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (25-11-1945) đến Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (12-12-1946), Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tống Bí thư Trường Chinh. Đó là đường lối: “động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp tác đến triệt để”8.

Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Đảng đã nêu rõ mục đích, tính chất và các chính sách. Mục đích kháng chiến: đánh phản động thực dân Pháp giành thống nhất và độc lập. Tính chất: trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Chỉ thị nhấn mạnh phải: “Đoàn kết chặt chẽ toàn dân. Thực hiện toàn dân kháng chiến. Bảo vệ dân, được lòng dân. Nêu tên “Hội liên hiệp quốc dân” mà cổ động kháng chiến. Phải tự cấp, tự túc về mọi mặt”9.

Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Nét nổi bật là động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, thực hiện toàn dân đánh giặc, trong đó lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Chú trọng đẩy mạnh kháng chiến về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa. Đường lối kháng chiến mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra phản ánh sâu sắc đặc điểm, hoàn cảnh thực tế của đất nước, kế thừa truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của dân tộc, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo và lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Lê-nin đã nêu rõ: Chiến tranh là kế tục của chính trị bằng biện pháp bạo lực; bạo lực muốn thành công phải dựa trên nền tảng chính trị vững chắc. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng củng cố chế độ chính trị dân chủ nhân dân vững chắc với vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò tổ chức của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cổ vũ tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết trong Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam. Chính trị của Việt Nam là độc lập, thống nhất, yêu nước, đoàn kết, là ngoại giao của một dân tộc văn minh.

Cùng với lãnh đạo tăng cường thực lực cách mạng trong nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao để nhanh chóng kết thúc chiến tranh bằng biện pháp hòa bình. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp đã ký Hiệp định Sơ bộ (06-3-1946). Hội nghị trù bị diễn ra ở Đà Lạt (4-1946). Đàm phán chính thức Việt - Pháp diễn ra ở Phông-ten-nơ-blô (Pháp) ngày 06-7-1946. Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chính thức nước Pháp và đã ký với phía Pháp bản Tạm ước 14-9 và ngày 21-10-1946, Người mới về đến Hà Nội. Điều đó tỏ rõ nguyện vọng hòa bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Nhưng thực dân Pháp đã ngày càng lộ rõ dã tâm xâm lược, muốn áp đặt trở lại sự cai trị đối với dân tộc Việt Nam. Toàn dân Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo buộc phải cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc. Sau khi nổ ra kháng chiến trên cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhiều lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Tổng thống Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh, nối lại đàm phán như đã dự kiến vào tháng 01-1947. Phía Pháp đã cự tuyệt mong muốn chân thành của phía Việt Nam và do đó cơ hội hòa bình đã không được thực hiện.

Ngoại giao Việt Nam dựa trên lập trường chính nghĩa, thành thực, yêu chuộng hòa bình và thân thiện, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Việt Nam mong muốn “Làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”10. Hoạt động ngoại giao trước và cả sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) đã khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam và chủ quyền của một quốc gia độc lập, khơi dậy mạnh mẽ tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc của mỗi người Việt Nam, dù sống ở trong nước hay nước ngoài.

Dân tộc Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, cho dù phải hy sinh nhiều người, nhiều của. Chấp nhận cuộc chiến tranh cứu nước, mỗi tầng lớp nhân dân, mỗi người dân có cách biểu thị tinh thần yêu nước và đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến. Hàng triệu người từ miền Nam đến miền Bắc, từ các thành phố đến nông thôn đã hăng hái tham gia chiến đấu với bất cứ loại vũ khí nào có trong tay để chống lại các cuộc tiến quân của Pháp, với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Trong thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô ngày 27-01-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại”11.

Cùng với lực lượng tự vệ chiến đấu, các đội du kích được lập ra ở khắp nơi, hàng chục vạn gia đình đã động viên chồng, con, người thân “đầu quân” tham gia Quân đội. Đó là cơ sở vững chắc để hình thành, xây dựng và phát triển ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, phối hợp chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến.

Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đường lối kháng chiến đúng đắn và bằng sự phấn đấu, năng lực tổ chức của các tổ chức đảng, vai trò tiên phong, đức hy sinh của cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh và các lãnh đạo của Đảng đã rời Thủ đô đi kháng chiến. Nơi nào, mặt trận nào khó khăn, gian khổ đều có mặt các đảng viên cộng sản. Điều đó có ý nghĩa cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Các bậc nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại và nhiều người khác đã tham gia bộ máy nhà nước và khi kháng chiến bùng nổ, dù tuổi cao vẫn một lòng vì nước, vì dân. Nhiều trí thức của các ngành khoa học, công nghệ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ quyết tâm lên chiến khu đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến. Những nhà khoa học đang ở nước ngoài cũng tự nguyện về nước đóng góp tài năng, trí tuệ cho kháng chiến, tiêu biểu như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lương Định Của. Nhiều công thương gia, điền chủ đóng góp lớn về tiền của cho sự nghiệp kháng chiến. Đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo và các chức sắc tôn giáo đã hăng hái tham gia kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi vẻ vang nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò tổ chức của Nhà nước và Chính phủ kháng chiến; sự chiến đấu hy sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; phát huy nhân tố dân tộc với nhân tố quốc tế và điều căn bản là phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh và Liên Việt. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội II của Đảng (02-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”12.

Bài học và sức mạnh truyền thống đó có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

_____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 26.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 29.

3 - Sđd, tr. 65.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 69-70.

5 - Sđd, tr. 70.

6 - Sđd, tr. 71.

7 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 280.

8 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr.27.

9 - Sđd, tr. 150.

10 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 256.

11 - Sđd, tr. 44.

12 - Sđd, Tập 7, tr. 38.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.