Thứ Bảy, 21/09/2024, 11:16 (GMT+7)
Cách đây hơn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã vùng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Song thực dân Pháp lại dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Có thể nói, từ ngày đầu thành lập nước cho đến Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử cách mạng nước ta nói chung, với nền ngoại giao Việt Nam hiện đại nói riêng. Trong lúc chính quyền cách mạng non trẻ ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài, khó khăn trăm bề, ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giữ vai trò tiên phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Qua đó, đã để lại những bài học kinh nghiệm quý cho công tác đối ngoại hiện nay.
1. Sức mạnh của ngoại giao trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hết sức khó khăn, phức tạp. Các cường quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ II đã bàn cách sắp xếp lại trật tự thế giới và phân chia vùng ảnh hưởng. Các nước nhỏ, các dân tộc thuộc địa mới giành được độc lập, tiềm lực kinh tế, quân sự còn yếu đã trở thành đối tượng thỏa thuận giữa các nước lớn. Nước Việt Nam bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh - thỏa hiệp này. Thách thức nghiêm trọng đối với cách mạng Việt Nam trong thời điểm này là phải đối phó cùng lúc với nhiều thế lực của các nước lớn có mặt tại Việt Nam. Ở phía Bắc, từ Vĩ tuyến 16 trở ra, gần 20 vạn quân Tưởng kéo vào với danh nghĩa giải giáp Quân đội Nhật đã mang theo nhiều nhóm người Việt lưu vong thuộc các tổ chức phản động, ráo riết thực hiện âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ”. Ở miền Nam, từ Vĩ tuyến 16 trở vào hơn 2 vạn quân Anh, núp sau là quân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ tại Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ Hai. Không dừng ở đó, Pháp còn đàm phán với Tưởng để thay chân Tưởng ở Bắc bộ. Sau khi đạt được thỏa ước với Tưởng, Pháp liên tục gây hấn, tìm cớ phát động chiến tranh để “cướp nước ta một lần nữa”.
Bên cạnh nạn ngoại xâm còn là “giặc đói” và “giặc dốt”. Nền kinh tế Việt Nam bị kiệt quệ do chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” và sự vơ vét bóc lột tàn bạo của đế quốc Nhật và thực dân Pháp. Tài chính kiệt quệ, ngân khố quốc gia hầu như trống rỗng. Lực lượng vũ trang cách mạng của ta còn non trẻ, vũ khí, trang bị còn rất thiếu và thô sơ. Chính kẻ thù của chúng ta đã nhận định: chính quyền cách mạng Việt Nam ra đời “không đồng minh, không tiền, hầu như không có vũ khí”1.
Trong thời điểm vô vàn khó khăn đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng ngoại giao như một vũ khí sắc bén để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Những dấu ấn đậm nét nhất của nền ngoại giao dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này là đối phó với 4 đạo quân nước ngoài có mặt ở Việt Nam, ứng xử tài tình với 5 nước lớn cùng một lúc; trong đó, trung lập hóa Mỹ, tránh xung đột với quân Anh, quân Tưởng và tập trung lực lượng kiên quyết chống Pháp xâm lược. Khi Tưởng và Pháp thỏa hiệp cho phép Quân đội Pháp ra miền Bắc, chúng ta tiến hành đấu tranh ngoại giao theo phương châm “hòa để tiến” nhằm kéo dài thời gian để củng cố lực lượng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài vì nền độc lập và thống nhất Tổ quốc, nhờ đó góp phần quan trọng để bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ. Điểm nổi bật của mặt trận ngoại giao được thể hiện:
Trước hết, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Xuyên suốt toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao của ta trong giai đoạn này là: “Đối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”2. Khi chính quyền Tưởng Giới Thạch và Chính phủ Pháp ký thỏa ước Trùng Khánh ngày 28-02-1946, đồng ý cho Quân đội Pháp thay thế quân Tưởng ở miền Bắc dưới danh nghĩa giải giáp Quân đội Nhật, ngày 03-3-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định: “Hiệp ước Hoa - Pháp không phải là chuyện riêng của Tàu và Pháp, v.v. Dù nhân dân Đông Dương muốn hay không muốn, nhất định chúng cũng thi hành Hiệp ước ấy”3. Từ đó, Đảng ta kịp thời đề ra quyết sách “hòa để tiến” với Pháp. Triển khai quyết sách ấy, thông qua các biện pháp ngoại giao, chính phủ ta đã ký kết với Pháp hai văn kiện hết sức quan trọng là Hiệp định Sơ bộ 06-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946. Ta nhân nhượng với Pháp một số điều kiện để kéo dài thời gian hòa hoãn, củng cố và chuẩn bị lực lượng, nhưng không thỏa hiệp các vấn đề nguyên tắc về độc lập và thống nhất quốc gia. “Hòa” với Pháp để có thời gian bảo toàn thực lực là biện pháp “biến thời gian thành lực lượng vật chất” phục vụ cho kháng chiến chống Pháp sau này. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” chính là tư tưởng, phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xử lý các vấn đề sách lược, chiến lược. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, khi thế và lực của ta còn yếu, vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phát huy vai trò và tính tiên phong của mình, ngoại giao ta đã hết sức linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tình huống, góp phần tích cực trong bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng ngay từ những ngày đầu.
Thứ hai, phương châm hòa hiếu, “thêm bạn bớt thù” đã hình thành và trở thành nguyên tắc của ngoại giao Việt Nam. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời trong tình thế “không đồng minh, không tiền, hầu như không vũ khí” và chưa giành được một địa vị trên trường quốc tế. Vì thế, sau khi tuyên bố độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đề cao thế hợp pháp và sức mạnh của chính quyền cách mạng, tranh thủ sự công nhận của quốc tế. Đảng ta xác định “kẻ thù trước mắt của dân tộc ta là phản động Pháp,” “mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập. Ý chí của ta lúc này là dân chủ, hòa bình. Là bạn của ta trong giai đoạn này là tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy”4. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã triệt để khai thác cam kết của các nước Đồng minh nêu ra trong chiến tranh, đặc biệt là quyền độc lập, tự quyết và bình đẳng giữa các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh người đứng đầu Chính phủ đã tiến hành nhiều giao thiệp ngoại giao qua thư, công hàm,… với người đứng đầu Chính phủ các nước lớn, như: Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc,… thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Khai thác việc chính quyền Mỹ chưa công khai chủ trương rõ ràng, dứt khoát về vấn đề Đông Dương, ủng hộ tư tưởng độc lập, tự trị của các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên giữ quan hệ với các đại diện của Mỹ có mặt ở Việt Nam nhằm tranh thủ họ hỗ trợ để kiềm chế các tướng lĩnh của Tưởng và thế lực của Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra sáng kiến về tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao nhân dân Việt - Mỹ nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa hai dân tộc. Hoạt động đó của Người đã góp phần tranh thủ Mỹ “trung lập”, tạo thuận lợi để hòa hoãn cũng như kiềm chế lực lượng của Tưởng và Pháp ở Việt Nam.
Chính phủ ta cũng kịp thời ra tuyên bố làm rõ chính sách ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Ngày 03-10-1945, nhân dịp một phái bộ quan trọng của Đồng minh đến Hà Nội, Bộ Ngoại giao Chính phủ Lâm thời đã ra Thông cáo về chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bản Thông cáo đề ra chính sách ngoại giao với bốn nhóm đối tượng, gồm: các nước Đồng minh, Pháp, các dân tộc nhược tiểu và đối với nhân dân Lào và Khơ me. Đồng thời, khẳng định mục tiêu phấn đấu cho nền “độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn” của Việt Nam. Đây là văn kiện nhà nước đầu tiên về đối ngoại, thể hiện cách nhìn rộng mở của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thực hiện quan hệ quốc tế kiểu mới, với tầm nhìn chiến lược. Những nội dung của thông cáo đề ra góp phần quan trọng định hướng tư tưởng và hoạt động thực tiễn của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến, kiến quốc, đồng thời là một biện pháp kịp thời nhằm tranh thủ các lực lượng Đồng minh có mặt trên đất nước ta. Tóm tắt chính sách đối ngoại của Việt Nam, Bác nói: Việt Nam chủ trương “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”5.
Thứ ba, ngoại giao giai đoạn này đã khôn khéo, tận dụng mâu thuẫn nội bộ đối phương, kiềm chế và hòa hoãn với Tưởng, tập trung chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trong hoàn cảnh phải đấu tranh chống lại nhiều đối thủ mạnh, đồng thời trong hàng ngũ đối phương xuất hiện các mâu thuẫn lợi ích, các lực lượng Đồng minh có chỗ thay đổi, biến hóa, việc lợi dụng mâu thuẫn giữa các đối phương là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng nước ta lúc đó. Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng (ngày 10 - 11-9-1945) đã nêu một số chủ trương ngoại giao, thể hiện rõ Đảng ta đã khéo léo trong việc phân loại đối phương và triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa họ, có đối sách phù hợp với từng đối tượng. Đối với Pháp, ta cương quyết chống lại Pháp mưu mô chiếm lại Đông Dương, tranh thủ Mỹ công nhận nền độc lập của Việt Nam và “giao hòa với chúng ta”; đối với Tưởng Giới Thạch “nên tránh xung đột quân sự mà chỉ xung đột bằng chính trị”6, v.v. Chúng ta đã sử dụng lực lượng của Tưởng có mặt ở Việt Nam làm đối trọng với lực lượng của thực dân Pháp, kiềm chế âm mưu của Pháp sớm khôi phục lại sự kiểm soát Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra những bất đồng và xung đột quyền lực cục bộ khá gay gắt ngay trong nội bộ tướng lĩnh của Tưởng và các nhóm tay sai, do đó đã có ứng xử khôn khéo trong quan hệ, vừa đấu tranh chính trị, ngoại giao, vừa khai thác mặt hám lợi vật chất của các tướng lĩnh Tưởng để hạn chế sự chống phá của chúng.
Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này, ngoại giao Việt Nam hết sức vinh dự và cũng vô cùng may mắn khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh, “một nhà ngoại giao lỗi lạc cả về trí tuệ và nhân cách”7 trực tiếp lãnh đạo, dìu dắt. Không những cùng Trung ương Đảng xem xét, phân tích tình hình và đề ra những chủ trương ngoại giao đúng đắn, Người còn trực tiếp xử lý các vấn đề đối ngoại hết sức khó khăn, phức tạp, có lúc phải chấp nhận cả những hiểm nguy tính mạng khi 20 vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc Việt Nam với mục tiêu “diệt Cộng, cầm Hồ”. Tướng Tiêu Văn đến Hà Nội ngày 11-9-1945, tuyên bố “Hồ Chí Minh thập đại tội”, thế nhưng Người vẫn chủ động đến gặp, mời cơm, tặng quà Tiêu Văn. Nhà sử học Pháp Philippe Devillers đã đánh giá cao tầm quan trọng của cuộc gặp này: “Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Tiêu Văn đã đạt được sự hòa hoãn với quân Tàu định lật đổ Chính phủ lâm thời, điều này làm cho bọn Việt Quốc, Việt Cách hoang mang, chập chững”8. Để tiến tới thành lập Chính phủ Liên hiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp thương lượng với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch, cũng như các nhóm Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh. Trước một số cuộc xung đột giữa lực lượng Việt Minh và Quân đội Tưởng, Người đã đề ra phương châm “dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự”9.
Tài ngoại giao của Người còn là việc nhìn nhận đúng thời cơ và việc sáng suốt ra những quyết sách kịp thời. Nhờ nhãn quan chính trị và sự nhạy bén trước chuyển biến mau lẹ của tình hình, vào thời điểm khi cả Pháp và Tưởng đều cần phía Việt Nam thỏa thuận với Pháp về một giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để tránh cuộc xung đột mở rộng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt khoảnh khắc lịch sử, kịp thời ký bản Hiệp định Sơ bộ 06-3-1946 theo những điều kiện có lợi nhất có thể được với Việt Nam, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế cũng như tương quan lực lượng lúc bấy giờ. Với việc ký Hiệp định Sơ bộ, ta đã biến thỏa thuận tay đôi giữa Pháp - Tưởng thành thỏa thuận tay ba, sử dụng điều khoản thay quân của Hiệp ước Hoa - Pháp thành thời cơ để đẩy 20 vạn quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, loại trừ cho cách mạng một kẻ địch nguy hiểm là quân đội Tưởng và các nhóm tay sai của chúng. Người đã dẫn đầu đoàn đàm phán sang Pháp để tìm kiếm cơ hội vãn hồi hòa bình và trực tiếp đàm phán hai thỏa ước với Pháp và đấu tranh vận động dư luận ngay trên đất Pháp.
Bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam thời kỳ này, còn có sự đóng góp quan trọng của các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Hoàng Minh Giám. Mặc dù không học bài bản về ngoại giao một ngày nào nhưng với tấm lòng yêu nước nồng nàn và nhiệt tình cách mạng tràn đầy, thế hệ các Nhà cách mạng ấy đã trực tiếp tham gia công tác đối ngoại bằng cách phát huy trí tuệ của mình, cùng góp sức với Trung ương Đảng và Bác Hồ trong nhận định tình hình, đề ra những chủ trương hết sức đúng đắn, triển khai chính sách ngoại giao phù hợp, góp phần củng cố Nhà nước non trẻ, tạo thời gian để quân và dân ta chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trên quy mô cả nước.
2. Vận dụng những bài học kinh nghiệm ngoại giao giai đoạn 1945-1946 trong tình hình hiện nay.
Sau 70 năm kể từ ngày ấy, nhất là sau 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta đã mạnh hơn trước. Kinh tế liên tục tăng trưởng và gắn kết với kinh tế khu vực và thế giới; chính trị - xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại được triển khai rộng khắp, đa tầng nấc; vị thế và uy tín Việt Nam trong khu vực và quốc tế không ngừng nâng cao. Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả cả song phương và đa phương. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Thế và lực của nước ta đã mạnh hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, các thách thức đa chiều do tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã và đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh - phát triển của nước ta. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ nét, theo đó các nước lớn vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh kiềm chế lẫn nhau ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là thiên tai, khủng bố, an ninh mạng,… ngày càng phức tạp hơn.
Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn hiện nay là: “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới”10. Để thực hiện nhiệm vụ đó, chúng ta có thể vận dụng những bài học kinh nghiệm đối ngoại của giai đoạn 1945 - 1946 trên một số mặt cụ thể sau:
Thứ nhất, ngoại giao phải luôn xác định, quán triệt nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng ta ngày càng xác định rõ nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động đối ngoại. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) của Đảng nhấn mạnh “bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc” là một trong những mục tiêu then chốt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XI, Đảng ta lần đầu tiên đưa mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” trong phần đối ngoại của Cương lĩnh và Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng11. Trong văn kiện Đại hội XII, Đảng ta xác định rõ hơn: mục tiêu tối thượng là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân đều phải tuân thủ12.
Thứ hai, tiếp tục vận dụng khéo léo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến,” kiên trì về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi. Trong quan hệ với các nước đối tác, ta có thể vận dụng nguyên tắc này để nâng cao hiệu quả hợp tác, đưa quan hệ vào chiều sâu và tạo thế đan xen lợi ích. Kiên trì thực hiện định hướng phát triển quan hệ với từng nước, nhưng không ngừng đổi mới và linh hoạt trong cách triển khai, nhất là với các nước láng giềng, như: Lào, Cam-pu-chia, các nước ASEAN; các nước lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh và hợp tác giữa các nước phức tạp hiện nay, bên cạnh kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc là cái “bất biến”, thì trong xử lý quan hệ với các nước, trong từng vấn đề cụ thể đòi hỏi ngoại giao phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, ứng biến để đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất.
Thứ ba, vận dụng tốt phương châm “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”. Hiện nay và sắp tới, ngoại giao cần chú trọng tiếp tục tăng cường tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhằm củng cố nội lực, tận dụng mọi cơ hội cho phát triển, phát huy “sức mạnh mềm” nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh quan hệ với các đối tác trên các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, Nhân dân; trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị - ngoại giao, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, v.v. Trong hội nhập kinh tế, cần chú trọng xác định rõ hơn vị trí của Việt Nam trong phân công lao động quốc tế, tích cực tham gia và cải thiện vị trí của nước ta trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chúng ta phải “luôn luôn đặt dân tộc mình vào dòng chảy của thời đại, nêu cao đại nghĩa của dân tộc, tranh thủ được thiện cảm của nhân loại tiến bộ, nâng cao cả thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất”13.
Thứ tư, phát huy cao độ tính chủ động, tích cực của ngoại giao Hồ Chí Minh. Chỉ có chủ động, tích cực mới giúp nâng cao vai trò, vị thế và tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong mọi tình huống cạnh tranh hoặc hợp tác, thỏa hiệp giữa các nước lớn. Do đó, ngoại giao cần chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả chủ trương đưa quan hệ với các nước vào chiều sâu; tích cực hội nhập quốc tế; chủ động và tích cực đóng góp xây dựng định hình các thể chế đa phương, nhất là trên các diễn đàn ASEAN, Liên Hợp quốc, APEC, ASEM, hợp tác các nước tiểu vùng Sông Mê Công,...; từng bước tích cực tham gia đóng góp vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo; đồng thời, không ngừng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Thực tiễn cho thấy sự tư duy sắc bén và bản lĩnh ngoại giao của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dựa trên cơ sở “hiểu” rõ đối tượng thông qua quan sát, nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình và so sánh tương quan lực lượng. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tập trung vào các vấn đề an ninh phát triển thiết thân đối với Việt Nam. Đặc biệt, cần nắm vững và vận dụng nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt trong ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “ngũ tri” - biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến; “phải nhìn cho rộng, phải suy cho kỹ” để luôn làm chủ tình thế. Đồng thời, chú trọng công tác xây dựng ngành, không ngừng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại có chuyên môn, nghiệp vụ tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng theo phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ.
70 năm trước, ngoại giao tuy là một mặt trận “đơn độc” nhưng vẫn rất hiệu quả, lập nên nhiều thành tích vẻ vang. Bối cảnh ngày nay đã khác nhiều so với ngày đầu lập Nước, nhưng những bài học ngoại giao trong giai đoạn lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng ngoại giao tiếp tục phát huy vai trò và sứ mệnh là một trong những mặt trận hàng đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
TS. ĐẶNG ĐÌNH QUÝ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao _______________
1- Báo cáo của Pignon gửi Cao ủy D’Argenlieu ngày 28-10-1945.
2- ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 27.
3 - Sđd, tr. 41.
4 - Sđd, tr. 434- 437.
5 - Bộ Ngoại giao - Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn các nhà báo, Nxb CTQG, H. 2015, tr.10.
6 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 5,6.
7 - Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8-2016).
8 - Philippe Devillers - Lịch sử Việt Nam 1940 - 1952, Nhà xuất bản Seuil, Paris, 1952, tr.124.
9 - Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, 1993, Tập 3, tr. 160,167.
10 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 35.
11 - Phạm Bình Minh (chủ biên) - Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70-71.
12 - Đặng Đình Quý - Đại hội XII và Những điểm mới về Đường lối đối ngoại, Báo Thế giới và Việt Nam, số 33, 24-8-2016, tr. 6.
13 - Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8-2016).
Ngoại giao,kháng chiến
Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021
Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021
Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021
Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021
Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021
Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021