QPTD -Thứ Hai, 10/08/2015, 17:10 (GMT+7)
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

Cách đây 70 năm, ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Ảnh minh họa

Ngày 19-8-1945, khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Tân Trào (Tuyên Quang) về Hà Nội. Người ở và làm việc tại số nhà 48 phố Hàng Ngang. Tại đây, Bác đã soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, làm việc cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Ủy ban Giải phóng dân tộc, chuẩn bị cho ra mắt Chính phủ lâm thời và Ngày Lễ tuyên bố Độc lập của đất nước.

Soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã kế thừa, tổng kết tiến trình lịch sử dân tộc, nhất là thời kỳ đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo và chú trọng những giá trị pháp lý quốc tế. Bản thảo của Tuyên ngôn được Người trao đổi, tham khảo ý kiến của các đồng chí Trung ương, Chính phủ lâm thời và nhiều người khác, kể cả với L.A Pa-ti (L.A.Partti), một người Mỹ trong cơ quan Nghiên cứu chiến lược của Hoa Kỳ (The US Office of Strategic Services). Sau này nhớ lại, Hồ Chí Minh coi những giờ phút viết Tuyên ngôn Độc lập là sung sướng nhất đối với sự nghiệp cách mạng của Người. Đó là kết tinh ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, từ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đến “cõi bờ sông núi đã riêng” và sáng ngời “nền văn hiến”; đồng thời, kế thừa và phát triển những giá trị tiến bộ của nhân loại, được thể hiện trên 3 vấn đề cơ bản:

Một là, Tuyên ngôn tán đồng tư tưởng tiến bộ, đề cao những giá trị về quyền con người và từ quyền con người, Hồ Chí Minh nâng lên quyền của các dân tộc. Mở đầu Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ do Thô-mát Giép-phơ-xơn (Thomas Jefferson) soạn thảo và công bố ngày 04-7-1776, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đó, Người còn đề cập tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những tư tưởng bất hủ về quyền con người, là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Từ việc thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của con người, Hồ Chí Minh đi tới khẳng định quyền của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”1. Nêu cao ngọn cờ dân tộc, đấu tranh cho các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và các dân tộc trên thế giới là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ mục tiêu cao cả: độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Với ý chí nung nấu đó, Người cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với mục tiêu: độc lập, tự do, hạnh phúc. Từ tiến trình lịch sử Việt Nam và cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc phải được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế thì mới có điều kiện thực hiện quyền con người. Nước có độc lập thật sự, người dân mới có hạnh phúc, tự do. Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ mật thiết với nhau và không ngừng hoàn thiện, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, con người làm chủ vận mệnh của mình.

Hai là, trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã tố cáo và lên án mạnh mẽ chính sách áp bức của chủ nghĩa thực dân đối với dân tộc Việt Nam, trái với những tuyên truyền lừa bịp của đế quốc, thực dân đối với các dân tộc thuộc địa. Sau khi khẳng định những lẽ phải không ai chối cãi được, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”2. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do, dân chủ nào; thực thi những pháp luật dã man; lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, ngăn cản dân ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học; thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta; dìm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu. Nguy hiểm hơn, chúng còn ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân; dùng thuốc phiện, rượu cồn, để làm cho giống nòi ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu; giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Đồng thời, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng; không cho các nhà tư sản ta được giàu lên; bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn, v.v.

Những chính sách, thủ đoạn cai trị của chủ nghĩa thực dân đã thể hiện bản chất tàn bạo, phản động của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc nhỏ yếu bị cai trị và nô dịch. Đấu tranh chống đế quốc, thực dân để tự giải phóng là yêu cầu tự thân, sống còn để bảo vệ quyền sống chính đáng và quyền tự quyết của dân tộc. Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành thắng lợi, với ý chí quật cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đó là sự đóng góp về phát triển lý luận và chính trị - thực tiễn của cách mạng thuộc địa, một bộ phận không thể tách rời, thậm chí trở thành tâm điểm của cách mạng thế giới trong thế kỷ XX. Những năm 20, Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên viết bản án chế độ thực dân. Lần này, trong Tuyên ngôn Độc lập, sự lên án đó càng làm rõ hơn bản chất của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh các dân tộc đứng lên đấu tranh vì quyền sống. Vì thế, Tuyên ngôn không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình, đóng góp phát triển thực tiễn và lý luận về vấn đề dân tộc.

Ba là, Tuyên ngôn nêu bật cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam chống sự xâm lược của Pháp, Nhật; đồng thời khẳng định giá trị hiện thực và cơ sở pháp lý của nước Việt Nam độc lập. Tuyên ngôn nêu rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”3. Ngày 09-3-1945, Nhật đảo chính, tước vũ khí quân đội Pháp, quân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Nhân dân Việt Nam vẫn đối xử khoan hồng, nhân đạo với quân Pháp, giúp cho người Pháp chạy qua biên thùy hoặc cứu người Pháp khỏi trại giam của Nhật. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến, nhân dân cả nước Việt Nam đã nổi dậy giành chính quyền. “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”4. Đó là hiện thực lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam được làm nên bởi sức mạnh, khối đại đoàn kết và khát vọng độc lập, tự do của toàn dân Việt Nam do Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Hiện thực lịch sử đó không những làm thay đổi vị thế của một dân tộc, một đất nước, “làm thay đổi cả một tiến trình lịch sử”, mà còn làm biến đổi cuộc sống của mỗi con người Việt Nam, mở ra thời đại mới và tạo nên động lực cho sự phát triển đất nước bền vững.

Khẳng định hiện thực lịch sử, đồng thời Tuyên ngôn cũng làm sáng tỏ cơ sở pháp lý của nền độc lập của dân tộc Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”5. Hội nghị Tê-hê-răng ở Iran là hội nghị cấp cao họp từ ngày 23-11 đến 01-12-1943 với sự có mặt của nhà lãnh đạo Liên Xô Rô-xép Sta-lin (Joseph Stalin), Tổng thống Mỹ F. Ru-dơ-ven (F. Roosevelt) và Thủ tướng Anh W. Trơ-din (W. Churchill). Hội nghị đã củng cố khối đoàn kết của các nước Đồng minh trong đấu tranh chống phát-xít. Tại Hội nghị, Liên Xô đã tuyên bố tham gia chống quân phiệt Nhật sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Hội nghị Cựu Kim Sơn ở Mỹ (San Francisco) họp từ ngày 25-4 đến 26-6-1945, gồm đại biểu của 50 nước, đã thông qua bản Hiến chương Liên hợp quốc. Trong đó, nêu rõ mục đích của Liên hợp quốc là giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết các vấn đề tranh chấp và xung đột bằng biện pháp hòa bình, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước trên cơ sở tôn trọng các quyền bình đẳng và tự quyết dân tộc, tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực. Hiến chương Liên hợp quốc là cơ sở chính trị, pháp lý rất cơ bản và quan trọng, bảo đảm chủ quyền đối với các quốc gia, dân tộc mới giành độc lập và có ý nghĩa sâu sắc, bền vững đến ngày nay. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 được dựa trên cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc đó; đồng thời khẳng định, chủ quyền dân tộc Việt Nam được xác lập từ cuộc đấu tranh lâu dài chống thực dân, phát-xít và được bảo đảm bởi những cam kết quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”6.

Thực hiện lời thề độc lập, dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã anh dũng chiến đấu suốt 30 năm chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn với những chiến công hiển hách: Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Từ hiện thực lịch sử hào hùng đó, tại tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ (21-7-1954), các nước lớn tham dự Hội nghị là Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. “Hội nghị tuyên bố rằng, đối với Việt Nam việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản”7. Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử đã mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - thời đại đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân làm chủ đất nước; đồng thời, khẳng định cơ sở chính trị - thực tiễn và cơ sở pháp lý của nền độc lập của Việt Nam. Tuyên ngôn là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc và cũng tỏ rõ ý chí, quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập. Độc lập của Tổ quốc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Quyền con người chân chính gắn bó với quyền dân tộc, được bảo đảm bằng nền độc lập thực sự và bền vững.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của một dân tộc thuộc địa chống thực dân, phát-xít, đứng lên tự giải phóng ở thời điểm những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đó là thành quả của 15 năm đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Quyết định lịch sử của Hồ Chí Minh “dù có phải đốt cháy cả Trường Sơn cũng kiên quyết tranh cho được độc lập” và được biểu thị từ Đại hội Tân Trào. Một người Mỹ, ông L.A. Pa-ti (L.A.Partti) nhận xét: “Tại Đại hội này, họ tuyên bố quyết tâm giành độc lập và bầu Hồ Chí Minh làm lãnh tụ của mình”8. Cuộc giải phóng dân tộc điển hình đó, với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử đã cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Đó là một chân lý của thời đại: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Một cuộc cách mạng vừa mới nổ ra, một bản Tuyên ngôn Độc lập vừa được công bố đã có tầm ảnh hưởng lớn, thu hút sự chú ý và sự phản ứng của các nước trên thế giới. Cuộc cách mạng ấy, vẫn theo lời ông L.A. Pa-ti, đã mở đầu một kỷ nguyên.

Ngày nay, chủ nghĩa thực dân - một vết nhơ và nỗi đau của lịch sử nhân loại - đã bị xóa bỏ. Các quốc gia, dân tộc trên thế giới đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hợp tác cùng phát triển trong hòa bình và tình thân hữu. Đó là xu thế chủ đạo mà nước Việt Nam độc lập đang chủ động và tích cực tham gia với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. Hiện thực đó đang phát triển và được bảo đảm bởi đạo lý, lẽ phải trong quan hệ giữa các nước và hệ thống luật pháp quốc tế. Nhưng trên thế giới vẫn tồn tại một thực tế khác. Đó là chiến tranh, xung đột cục bộ vẫn xảy ra, chủ nghĩa khủng bố và những hành vi tàn ác đối với quyền sống của con người. Đặc biệt, nước lớn với lợi ích và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ngang nhiên xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của các nước nhỏ, bất chấp đạo lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế. Thực tế đó làm cho tình hình quốc tế và các khu vực mất ổn định, đe dọa hòa bình, hợp tác và phát triển. Các quốc gia, dân tộc cần phải đoàn kết, thống nhất hành động, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, hợp tác, thân thiện và phát triển. Dù nước lớn hay nước nhỏ đều phải tôn trọng chủ quyền của nhau, trên cơ sở hiện thực lịch sử và luật pháp quốc tế.

Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam phải chống lại nhiều thế lực xâm lược hùng mạnh và tàn bạo để bảo vệ quyền độc lập thiêng liêng. Hơn ai hết, người Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng sự hòa hiếu, luôn luôn mong muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới, nhưng quyết tâm bảo vệ nền độc lập như lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vẫn vẹn nguyên trong ý chí của mỗi người dân và cả dân tộc Việt Nam.

PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC, NGUYỄN CAO SƠN
_________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 1.

2 - Sđd, tr. 1.

3 - Sđd, tr. 2.

4 - Sđd, tr. 3.

5 - Sđd, tr. 3.

6 - Sđd, tr. 3.

7 - Bộ Ngoại giao - Hiệp định Giơ-ne-vơ 50 năm nhìn lại, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 314.

8 - ARCHIMEDES L.A.Partti - Why Vietnam? Tại sao Việt Nam?, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr. 3.

Ý kiến bạn đọc (1)

gửi tag
14/12/2016 19:48
RẤT HAY và cảm những lời vừa đc viết lên thật sự đúng hư các bạn nghĩ ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày bác hồ đọc bảng tuyên ngôn độc lập
AnnnA Vũ Xuân Anh
Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.