QPTD -Thứ Sáu, 16/12/2016, 18:02 (GMT+7)
Từ nghệ thuật chỉ đạo chiến lược thời kỳ toàn quốc kháng chiến đến xây dựng Chiến lược quốc phòng thời kỳ mới

Cuối năm 1946, trước tình thế phải đương đầu với kẻ thù xâm lược mạnh hơn về tiềm lực quân sự, Đảng ta phát động cuộc kháng chiến toàn quốc và giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân; trong đó, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng là nét nổi bật, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng trong điều kiện mới.

Trước dã tâm của thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, tiêu biểu cho ý chí quyết tâm, tinh thần quật khởi, kháng chiến đến cùng vì độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, đó còn là cuộc thử lửa đầy gian khổ đối với chính quyền cách mạng non trẻ và toàn thể nhân dân Việt Nam để bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được.

Pháo của bộ đội tại trận địa Láng - Hà Nội, tháng 12-1946. (Ảnh: tư liệu)

Để thúc đẩy kháng chiến thành công, Đảng ta đã có nhiều văn kiện quan trọng, kịp thời chỉ đạo toàn dân đứng lên chiến đấu. Trước đó, trong bối cảnh khó khăn trăm bề, cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, Đảng ta ra chỉ thị “Kháng chiến và kiến quốc” (tháng 11-1945), nhằm củng cố chính quyền cách mạng, cải thiện đời sống nhân dân, kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc. Phương châm hòa hoãn với quân Tưởng ở phía Bắc, chống thực dân pháp ở phía Nam, sau đó lại mượn tay Pháp để đuổi 20 vạn quân Tưởng ra khỏi bờ cõi là những biện pháp mẫu mực tuyệt vời của Đảng về mưu lược và quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do; về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc trong tình thế cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Đặc biệt, ngày 22-12-1946, tức chỉ sau ba ngày Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát đi, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”; trong đó nêu rõ mục đích, tính chất, chính sách,… và chương trình kháng chiến, nhằm chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân và lực lượng vũ trang cả nước trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Bản Chỉ thị khẳng định, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược là sự tiếp tục của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bằng hình thức chiến tranh giải phóng nhằm mục tiêu: giành độc lập và thống nhất đất nước theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Nó đích thực là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trong đó, về mặt quân sự, Đảng ta chỉ rõ, lực lượng kháng chiến là lực lượng tổng hợp của toàn dân tộc. Biện pháp chiến lược cơ bản là kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, lấy đấu tranh vũ trang là chủ yếu; phải triệt để dùng du kích và vận động chiến đánh địch rộng khắp. Tư tưởng chiến lược xuyên suốt là tư tưởng cách mạng tiến công, thực hành tiến công địch một cách chủ động, tích cực, kiên quyết, với mọi quy mô và hình thức tác chiến từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao. Điều đáng nói là, trong bối cảnh nhân dân ta phải đương đầu với kẻ thù có ưu thế về kinh tế và quân sự, Đảng ta đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng phải vừa đánh vừa bồi dưỡng sức dân, vừa đánh vừa chuyển hóa so sánh lực lượng giữa ta và địch; đồng thời, tận dụng những chuyển biến có lợi của tình hình quốc tế để đánh thắng từng bước, đánh bại từng chiến lược của địch, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, chúng ta đã chủ động mở cuộc tiến công địch trên toàn quốc, khi cơ hội hòa hoãn không còn, làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, buộc chúng phải đánh lâu dài, tạo cơ sở để ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua đó, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bảy thập kỷ đã trôi qua, độ lùi thời gian tương đối dài, nhưng bài học về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược thời kỳ toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt hiện nay, trong điều kiện hòa bình, nhưng đất nước vẫn tồn tại nhiều nguy cơ gây mất ổn định, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch; nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường thì vai trò chỉ đạo chiến lược đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu, vận dụng bài học kinh nghiệm trên vào hoạch định đường lối quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Chiến lược quốc phòng nói riêng là yêu cầu khách quan, cấp thiết, với một số định hướng cơ bản sau:

Trước hết, Chiến lược quốc phòng phải xuất phát từ đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; truyền thống, kinh nghiệm đánh giặc giữ nước trong lịch sử dân tộc và kế thừa tinh hoa quốc phòng trên thế giới; đồng thời, phải phù hợp với tình hình quốc tế và điều kiện cụ thể của đất nước. Đây là những luận cứ quan trọng đối với việc xác định mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo và các giải pháp chủ yếu của Chiến lược quốc phòng. Chúng ta biết, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, mặc dù mới giành được chính quyền, tổ chức lực lượng vũ trang còn ở buổi sơ khai, vũ khí, trang bị hầu như chưa có gì, nhưng với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân vùng lên chiến đấu và giành thắng lợi to lớn. Vì thế, Chiến lược quốc phòng - tổng thể các phương châm, chính sách và mưu lược về phòng thủ quốc gia trong thời kỳ mới - phải quán triệt sâu sắc phương hướng chính trị cùng các quan điểm chỉ đạo về quốc phòng, quân sự của Đảng, làm cơ sở đề ra mục tiêu, quan điểm chiến lược, phương châm chỉ đạo, phương thức xây dựng và đấu tranh quốc phòng cũng như nhiệm vụ và các giải pháp chiến lược một cách đúng đắn, phù hợp. Theo đó, các nội dung của Chiến lược quốc phòng phải bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Quốc phòng,… và phải được cụ thể hóa về định hình, định tính, định lượng phù hợp với từng nội dung, mang tính lý luận, tính thực tiễn và tính khả thi cao. Trên cơ sở nội dung của Chiến lược và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các ngành, lĩnh vực triển khai việc hoạch định các kế hoạch chiến lược chuyên ngành, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, hội nhập quốc tế và trong hợp tác và đấu tranh quốc phòng một cách có hiệu quả.

Chiến lược quốc phòng trong thời kỳ mới thực chất là chiến lược phòng thủ quốc gia, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch trong hòa bình và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược ở mọi quy mô, hình thức. Vì thế, việc xác định đúng đối tượng, đối tác trong tình hình mới là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng Chiến lược quốc phòng. Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa với cuộc cách mạng khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lợi ích của các quốc gia, dân tộc tồn tại đan xen thì việc xác định đúng đối tượng, đối tác càng có ý nghĩa quan trọng, nhưng không dễ. Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm về đánh giá, xác định kẻ thù trong các cuộc kháng chiến vừa qua, nhất là trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, việc xác định đối tượng, đối tác trong điều kiện mới cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, khách quan, toàn diện và có tính lịch sử. Trước hết, phải trên nguyên tắc về đối tượng, đối tác đã được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới làm căn cứ để xác định; đồng thời, phải nghiên cứu, cụ thể hóa nó thành các dạng và cấp độ đối tượng, đối tác khác nhau trong thực tiễn. Trong đó, việc xác định đối tượng cần nghiên cứu phân thành hai loại chủ yếu; đó là, đối tượng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa và đối tượng xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia, dân tộc. Quá trình thực hiện đòi hỏi phải nghiên cứu, xác định phạm vi, tiêu chí,… và nội hàm cụ thể của từng dạng đối tượng để thống nhất nhận thức, chuẩn bị lực lượng, phương án đối phó, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Theo quan điểm của Đảng ta, Chiến lược quốc phòng tối ưu là chiến lược giữ nước mà không cần tiến hành chiến tranh; mục đích, tính chất của Chiến lược được thể hiện trong chính sách quốc phòng là: hòa bình, tự vệ, không tham gia các liên minh quân sự, không đi với nước này để chống lại nước kia và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở trong nước. Vì thế, cùng với xác định mục tiêu, quan điểm, phương châm, phương thức, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là một nội dung cốt lõi của Chiến lược quốc phòng. Trước đây, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, mặc dù chưa có khái niệm về nền quốc phòng toàn dân, nhưng các nội dung của nó đã được thể hiện trong Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Đảng. Đó là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để chúng ta thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính để đánh bại kẻ thù. Ngày nay, trong điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải đồng bộ cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận. Đó phải là nền quốc phòng thực sự mang tính toàn dân, toàn diện, do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; được xây dựng với mục tiêu độc lập, tự chủ, theo phương châm tự lực tự cường, dựa vào nguồn nội lực là chính, kết hợp với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài. Trong đó, lực lượng quốc phòng - nhân tố tạo ra cả tiềm lực và thế trận - cần được tổ chức xây dựng chặt chẽ, thống nhất, lấy xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Riêng đối với Quân đội nhân dân, cần tiếp tục xây dựng theo hướng: cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, lấy vững mạnh về chính trị làm cơ sở, đủ sức làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Cùng với đó, Chiến lược quốc phòng thời kỳ mới phải xác định các đối sách linh hoạt để xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược. Thực tiễn cách mạng Việt Nam nói chung, thời kỳ toàn quốc kháng chiến nói riêng đã khẳng định một cách đầy thuyết phục về vận dụng phương châm: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chỉ đạo về chiến lược, sách lược đối với kẻ thù. Đồng thời, đó cũng là bài học quý, còn nguyên giá trị trong thực tiễn bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Vì thế, trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc phòng, cần nghiên cứu, dự báo chính xác các tình huống về chiến lược có thể xảy ra cũng như chiều hướng phát triển của nó; trên cơ sở đó, chuẩn bị đối sách, phương án xử lý phù hợp, hiệu quả. Hiện nay, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có biến chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường và không loại trừ có đột biến mới, thì việc dự báo và xử lý các tình huống về bảo vệ Tổ quốc cần phải chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với xu thế của thời đại và tình hình, điều kiện thực tiễn của đất nước. Trong đó, việc xử lý tình huống phải theo đúng quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, nhưng cần cụ thể hóa ở từng cấp độ khác nhau, làm cơ sở để xác định các kế hoạch, phương án,… và tổ chức lực lượng phù hợp, giành thắng lợi.

Bên cạnh đó, Chiến lược quốc phòng cũng cần tập trung đề xuất các nội dung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, hiệu quả đấu tranh quốc phòng và đẩy mạnh đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC HẢI, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.