QPTD -Thứ Hai, 19/12/2016, 14:18 (GMT+7)
Từ Nam Bộ kháng chiến đến toàn quốc kháng chiến - khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của đồng bào Nam Bộ

Mười lăm tháng kháng chiến trước khi nổ ra toàn quốc kháng chiến đã thể hiện rõ ý chí, quyết tâm giữ vững nền độc lập vừa mới giành được của nhân dân Nam Bộ như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong một năm trường, đồng bào kháng chiến, người thì tan nhà nát cửa, người thì hy sinh tính mạng, người thì bị tù, bị đày. Nhưng lòng yêu nước của đồng bào vẫn trơ như đá vững như đồng”1

1. Nhân dân Nam Bộ kháng chiến với ý chí “Độc lập hay là chết”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong không khí sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, từ ngày 23 đến 28-8-1945, nhân dân Nam Bộ đã vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp, giờ đây đồng bào Nam Bộ, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Lẽ ra, từ đây nhân dân ta được sống trong hòa bình, thế nhưng, với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!2.

Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, tháng 9-1945. (Ảnh: tư liệu)

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Tiêu biểu cho tinh thần “độc lập hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23 tháng 9 năm 1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt. Thực hiện “trong đánh ngoài vây”, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập bốn mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Chúng ta vừa bố trí lực lượng chốt giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của chúng rồi nhanh chóng rút lui. Mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường. Nhân dân Sài Gòn còn triệt để thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy, v.v. Với ý chí “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam Bộ đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện  toàn quốc kháng chiến.

Khát vọng và ý chí bảo vệ nền độc lập của nhân dân Nam Bộ còn thể hiện ở chỗ, trong hoàn cảnh khốc liệt của cuộc kháng chiến, đồng bào vẫn nỗ lực tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập (01-1946). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ được tổ chức mà toàn thể công dân được trực tiếp tham gia quyết định vận mệnh đất nước và tương lai của chính mình. Bất chấp sự ngăn cản, đàn áp của kẻ thù, dù lá phiếu thấm máu đào, cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra và đạt được mục đích. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và 19 tỉnh Nam bộ bầu được 73 đại biểu Quốc hội thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, ngành nghề khác nhau. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử tại Nam Bộ không những biểu thị ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn động viên toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến, củng cố chính quyền - một đòn giáng mạnh vào âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam của thực dân Pháp.

2. Cùng cả nước thực hiện toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Cuối năm 1946, thực dân Pháp liên tiếp gây hấn, mở rộng chiến tranh. Tháng 11-1946, chúng gây xung đột ở Hải Phòng; đầu tháng 12-1946, chúng đánh chiếm Đà Nẵng, Lạng Sơn; ngày 17-12-1946, chúng gây hấn ở Thủ đô Hà Nội, v.v. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã tìm mọi cách đàm phán, nhằm tránh chiến tranh, giữ vững nền hòa bình, độc lập vừa giành được. Nhưng tất cả những cố gắng đầy thiện chí đó của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đều không được thực dân Pháp đáp lại, mà chúng còn gửi tối hậu thư đòi giải tán chính quyền và tước khí giới của lực lượng vũ trang ta, cố tình mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước. Vì vậy, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam Bộ tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 24-9-1945. (Ảnh tư liệu)

Nhận điện báo cáo của Xứ ủy Nam Bộ về Nam Bộ bắt đầu kháng chiến, Thường vụ Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp khẩn cấp, nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Chính phủ vừa ra huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ, vừa kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ lâm thời, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đã diễn ra sôi sục trên mọi miền đất nước với những khẩu hiệu biểu thị lòng phẫn nộ và quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, như: “đả đảo thực dân Pháp xâm lược, “nước Việt Nam của người Việt Nam”, “ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”, v.v. Đồng thời, Chi đội Giải phóng quân Nam tiến đầu tiên rời ga Hàng Cỏ - Hà Nội trong đêm 26-9, mở đầu phong trào cả nước ra trận. Đặc biệt, sau khi Bác Hồ kêu gọi Toàn dân kháng chiến: “Có thể nói tóm tắt là chiến tranh không những chỉ phát động trong địa hạt quân sự ở tiền phương, mà còn phát động cả trong các địa hạt khác ở hậu phương. Vì vậy, muốn kháng chiến lâu dài để tới thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng mới mong đi tới thắng lợi cuối cùng.”3, thì ngày nào cũng có những toa tàu chở quân Nam tiến. Nam tiến trở thành hình ảnh cả nước ra trận và thể hiện sâu sắc ý chí nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Nam - Bắc một nhà. Sự chi viện kịp thời của miền Bắc ruột thịt đã khích lệ tinh thần và là niềm tin, điểm tựa cho quân và dân Nam Bộ quyết tâm chiến đấu. Vì vậy, ngay trong tuần kháng chiến đầu tiên, quân Pháp đã bị thiệt hại nặng nề, buộc chúng phải nhờ tướng Anh Grê-xi làm trung gian để thương thuyết ngừng bắn. Mặc dù sau này thực dân Pháp đã làm chủ Nam Bộ, lực lượng kháng chiến vẫn kiên trì bám trụ trong những cánh rừng cao su miền Đông, rừng đước U Minh, rừng tràm Đồng Tháp Mười; xây dựng những nơi này thành căn cứ địa vững chắc để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy hy sinh gian khổ của dân tộc.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, để biểu thị sự đồng lòng với đồng bào cả nước, kiên quyết giữ vững nền độc lập, quân và dân Nam Bộ đã có nhiều hoạt động để phân tán lực lượng, giam chân không cho thực dân Pháp đưa quân đội ra đánh ở miền Bắc và miền Trung. Đó là những trận đánh, quấy rối của hàng chục đội tự vệ Thành và các đội cảm tử Sài Gòn kết hợp với các trận “kinh tế chiến”, “giao thông chiến” phá hoại đường giao thông và nhiều máy móc, nguyên liệu, cơ sở hậu cần của địch. Vì vậy, suốt mấy tháng liền, gần 4 vạn quân địch bị giam chân ở Nam Bộ, không thực hiện được tăng viện cho chiến trường miền Bắc. Trên chiến trường Tây Nguyên, quân và dân ta tổ chức những trận phục kích địch trên các trục đường lớn, kết hợp với từng đợt bao vây uy hiếp đồn bốt, phá hoại cầu đường. Lực lượng vũ trang Cực Nam Trung Bộ cũng tổ chức các trận đánh giao thông trên đường số 1, đường số 11, đường xe lửa Phan Thiết - Sài Gòn, Tháp Chàm - Đà Lạt, đánh địch cơ động trên sông Phan, v.v. Có 2 trận nổi bật trong những trận đánh hòa nhịp cùng toàn quốc kháng chiến. Đó là tại Vĩnh Long, ngày 15-12-1946, địch huy động 2 đại đội có máy bay yểm trợ, càn vào xã Bình Phước (Châu Thành), lực lượng ta đã tổ chức phục kích ở cầu Cái Sao, bắn bị thương 40 tên, thu hơn 30 súng các loại; đồng thời, tiến hành bao vây các đồn lẻ, phá cầu đường trên tỉnh lộ 17, cắt đứt đường từ Vĩnh Long đi Trà Vinh và các huyện, buộc địch chiếm đóng ở quận lỵ Vũng Liêm phải rút chạy về Trà Vinh. Trận thứ hai, tại Trà Cú (Trà Vinh) quân, dân địa phương vây ép đồn Trà Cú bằng cả áp lực về kinh tế và quân sự; nửa đêm ngày 30-12-1946, ta công đồn, địch không có cứu viện, buộc phải tháo chạy, nhưng đã bị ta bắt sống toàn bộ người và vũ khí,... Như vậy, sau ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh của toàn thể nhân dân Việt Nam chính thức bắt đầu. Với ý chí kiên cường, đồng bào Nam Bộ cùng nhân dân cả nước đã thực sự chia lửa và hiệp đồng tác chiến chặt chẽ trên khắp các chiến trường, quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.

Ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của đồng bào Nam Bộ được Bác Hồ tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, và nhân dịp 100 ngày kháng chiến toàn quốc, Người đã gửi Điện khen ngợi: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công.4. Sự động viên và cũng là lời tiên đoán của Bác đã trở thành sự thật bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” lập lại hòa bình ở miền Bắc, sau đó là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

THÂN THỊ THƯ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh

____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 470.

2 - Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến - Lịch sử Nam Bộ kháng chiến¸ Tập 1 (1945 – 1954), Nxb CTQG, H. 2010, tr. 237.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 96.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 136.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.