QPTD -Thứ Ba, 01/09/2015, 08:35 (GMT+7)
70 năm xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Tháng 9 năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm trọng thể 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2-9. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại thành quả của 70 năm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời, qua đó đập tan luận điệu xuyên tạc, vu khống về bản chất Nhà nước ta của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị.

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 03-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ thứ ba là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”, làm cho Nhà nước ta trở thành nhà nước dân chủ, hợp hiến. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành công, bầu ra Quốc hội khóa I - đại biểu cho toàn thể quốc dân đồng bào. Quốc hội cử ra Chính phủ chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tại phiên họp ngày 09-11-1946, Quốc hội khóa I đã chính thức thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Trong đó, Điều 1 xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”[1]. Đây là bước tiến lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên một Nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập, với hình thức chính thể là cộng hòa.

70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã từng bước được xây dựng, phát triển, củng cố và hoàn thiện về các mặt: lập pháp, hành pháp và tư pháp; thật sự là công cụ quyền lực của nhân dân, đại diện cho ý chí, lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc. Nhà nước ta đã thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội theo pháp luật và tổ chức nhân dân đấu tranh giành thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đó là điều không thể bác bỏ. Để minh chứng, xin nêu thành tựu cơ bản sau:

Về mặt tổ chức, hoạt động của Nhà nước trong 70 năm qua, nhất là 30 năm đổi mới, vấn đề quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã được xác lập và thực thi trên thực tế, rõ nhất là trong Hiến pháp năm 2013. Kế thừa tinh thần các bản Hiến pháp trước đó và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân, Hiến pháp năm 2013 khẳng định nhất quán quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Khoản 1, 2, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 viết: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân...”. Đồng thời, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở nước ta, nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” được ghi nhận: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3, Điều 2). Hiến pháp năm 2013 còn thể hiện đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp và pháp luật, v.v. Điều đó đã thể hiện rõ tính ưu việt, bản chất dân chủ, nhân đạo và tiến bộ của Nhà nước ta, của chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn hướng tới, đáp ứng tốt nhất các quyền chính đáng của con người, vì con người; được các quốc gia trên thế giới thừa nhận, đánh giá cao. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý để Nhà nước và nhân dân thực hiện, mà còn khơi dậy, nâng cao ý thức, trình độ, năng lực làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, “Qua 30 năm đổi mới, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng”[2].

Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được Nhà nước, các cấp, các ngành tích cực triển khai, có sức thuyết phục, lan tỏa sâu rộng, được nhân dân hưởng ứng, đưa lại kết quả thiết thực, trực tiếp phục vụ nhân dân. Tiêu biểu như: việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bầu cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, về lao động, việc làm, an sinh xã hội, về giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, nước sạch, xây dựng nông thôn mới, v.v. Mặc dù đã đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và được cộng đồng quốc tế thừa nhận[3], nhưng Đảng, Nhà nước ta tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu toàn diện trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): xác định “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ”. Trong đó, đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu, tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và để người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân. Điều đó cho thấy, mọi hoạt động của Nhà nước ta luôn hướng tới lợi ích của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Đó là minh chứng hùng hồn, khẳng định bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ai đó cho rằng Nhà nước Việt Nam phản bội lợi ích dân tộc, vi phạm quyền con người, quyền công dân,… là hoàn toàn không có cơ sở, phi thực tế, phiến diện.

Một trong những thành tựu không thể phủ nhận là hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp có bước tiến bộ rõ nét, phản ánh được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động, ngày càng thể hiện rõ vai trò cơ quan quyền lực, đại biểu cao nhất của nhân dân. Các hình thức giám sát được thực hiện có hiệu quả hơn, nhất là hình thức chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm; việc quyết định các vấn đề quốc kế, dân sinh cũng thể hiện rõ tính độc lập của quốc hội, có tranh luận, biểu quyết, có đồng thuận và cả những trường hợp không đồng tình, bỏ phiếu trắng, không tán thành, không thông qua, thể hiện rõ trách nhiệm của các đại biểu đối với nhân dân. Chính phủ và các bộ tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành vĩ mô; việc hoạch định chính sách được đổi mới có hiệu lực, hiệu quả hơn. Các cơ quan tư pháp đã phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động. Tổ chức hệ thống Tòa án Nhân dân và Viện kiểm sát Nhân dân đã có những điều chỉnh hợp lý hơn. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo vệ quyền con người, hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ, công chức được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng về chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ,... về cơ bản thích ứng được yêu cầu của cơ chế mới, năng động và chuyên nghiệp; tuyệt đại đa số cán bộ công chức, viên chức đều kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đủ năng lực chuyên môn và hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tuy vậy, hoạt động của Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, thiếu hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao, việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Cải cách hành chính nhìn chung vẫn chậm, chưa đạt yêu cầu; thủ tục hành chính còn phức tạp, gây phiền hà, bất bình trong dư luận xã hội. Vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp chưa được thể hiện rõ, chất lượng hoạt động còn thấp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, vô cảm,... gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Những hạn chế, bất cập trên có nhiều nguyên nhân, một phần do lịch sử, do cơ chế cũ để lại; nhưng cũng có những hạn chế, bất cập mới nảy sinh trong điều kiện chuyển sang cơ chế thị trường. Điều này là khó tránh khỏi trong quá trình phát triển, nhưng chỉ là tạm thời và ở một bộ phận nhỏ so với toàn bộ. Song, nó đang là trở lực trong quá trình đổi mới, phát triển, hội nhập, hoàn toàn trái với bản chất, mục tiêu của Nhà nước ta, là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần tăng cường thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là giải pháp có tính đột phá, then chốt, vừa có tính chiến lược, vừa trực tiếp đáp ứng yêu cầu cấp bách của sự nghiệp cách mạng. Trong từng cơ quan nhà nước, phải thực hiện đồng bộ các khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng; cơ chế tuyển dụng, đánh giá, bố trí, luân chuyển; chế độ, chính sách và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức. Đồng thời, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng chức danh, nhất là người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Phải có cơ chế xử lý trách nhiệm khi xảy ra những vụ, việc trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của từng cán bộ, công chức. Ngoài việc bãi nhiệm, kỷ luật, cách chức, cần xây dựng “văn hóa từ chức” khi công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; coi đây là giải pháp cơ bản, thường xuyên để giáo dục, rèn luyện cán bộ. Qua đó, khắc phục hiện tượng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, vô cảm trước nhân dân; để mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấy rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân.

Chúng ta đang ở thời điểm chuẩn bị tiến hành Đại hội XII của Đảng, vấn đề lựa chọn cán bộ vào Trung ương, vào cấp ủy nhiệm kỳ này cực kỳ quan trọng. Ngoài những tiêu chuẩn cụ thể Trung ương đã hướng dẫn, cũng cần thực hiện tốt chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về vấn đề này. Cùng với đó, phải quyết liệt đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, xứng đáng với truyền thống, sự tin tưởng trao gửi của nhân dân suốt 70 năm qua. Đồng thời, cũng là biện pháp hữu hiệu đấu tranh làm thất bại mọi mưu đồ xuyên tạc bản chất tốt đẹp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân./.

 

PGS, TS. NGUYỄN VĂN MẠNH

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 


[1] - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và các Luật tổ chức bộ máy Nhà nước, Nxb. Hồng Đức, quý 4 năm 2014, tr. 129-130

[2] - ĐCSVN - Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2015, tr. 9.

[3] - Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,6% năm 2012 và năm 2014 còn 06%. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và tiến tới những mục tiêu cao hơn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ; xóa bỏ bất bình đằng giới trong việc tiếp cận giáo dục tiểu học và có tỷ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động, trong Quốc hội khá cao, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.