Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 10/07/2017, 14:13 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn và dài ngày, gây hậu quả hóa học thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Đến nay, cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, song hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại vẫn hết sức nặng nề, với 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 và thứ 3. Vì vậy, nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là vấn đề quan trọng và là trách nhiệm, tình cảm của toàn xã hội.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kêu gọi nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc
da cam/dioxin năm 2017. (Ảnh: TTXVN)

Trong 10 năm (1961 - 1971), Quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 336kg dioxin1, rải xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, có 86% diện tích bị phun rải trên 2 lần, 11% bị phun rải trên 10 lần, 86% rải xuống rừng núi, đầu nguồn các con sông, 14% rải xuống đồng ruộng. Hầu hết hệ sinh thái của các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị hủy hoại. Tại Hội thảo Quốc tế về “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” tổ chức vào tháng 8-2016 tại Hà Nội, các nhà khoa học đã khẳng định: chất độc da cam/dioxin có khả năng di truyền xuyên thế hệ và ở Việt Nam đã di truyền sang thế hệ thứ 4. Đa số nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, sức khỏe yếu, mức sống thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Hàng vạn nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đã chết trong đau khổ. Hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, không bình thường. Những người còn sống thì hằng ngày, hằng giờ phải vật lộn với các căn bệnh quái ác bởi chất độc dioxin. Họ sống trong tột cùng đau khổ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều gia đình, dòng họ không còn duy trì được nòi giống. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong số những người đau khổ, họ rất cần những chia sẻ, quan tâm của xã hội, cộng đồng. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói: “Nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới”.

Trước tình hình đó và yêu cầu có sự chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã hội, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu của họ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã quan tâm, có nhiều chủ trương, biện pháp, hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, đơn vị; tích cực triển khai chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” được nhân dân trong nước hưởng ứng mạnh mẽ; đồng thời, thu hút sự quan tâm của người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Ngày 17-12-2003, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập theo Quyết định 84/2003/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tiếp đó, tổ chức Hội được thành lập ở các cấp. Đến nay, đã có 61/63 tỉnh, thành phố, 607/694 huyện và 6.418/10.875 xã, phường, thị trấn thành lập Hội. Từ khi thành lập đến nay, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, làm nòng cốt trong việc bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hội đã vận động được 1.418 tỷ đồng. Số tiền vận động được tổ chức Hội các cấp quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, công khai và minh bạch. Đã trực tiếp ủng hộ các nạn nhân: 528 tỷ đồng; xây dựng được 26 Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin để nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân; làm mới, sửa chữa 3.643 nhà ở cho nạn nhân (trị giá khoảng 145 tỷ đồng); hỗ trợ khám chữa bệnh cho 221.563 người (trị giá khoảng 221,5 tỷ đồng); hỗ trợ việc làm, vốn sản xuất trị giá 4,1 tỷ đồng; hỗ trợ 4.844 suất học bổng cho con, cháu nạn nhân (trị giá 14,6 tỷ đồng); hỗ trợ 2.373 gia đình nạn nhân bị bão lũ; tặng quà nạn nhân nhân dịp lễ, tết và ngày 10-8 (Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin) hằng năm, trị giá 260 tỷ đồng, v.v. Ngoài ra, các tổ chức Hội còn vận động hàng nghìn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu là nạn nhân chất độc da cam/dioxin mồ côi cha mẹ, nạn nhân không nơi nương tựa; bố trí việc làm, tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng vạn nạn nhân, v.v.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo số liệu thống kê, hiện nay vẫn còn khoảng hơn 60 vạn hồ sơ tồn đọng chưa được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định và hàng triệu người bị phơi nhiễm chưa được hưởng chế độ. Đặc biệt là thế hệ thứ 3, hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng. Trong khi đó, họ thường xuyên phải có người phục vụ, nên cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc từ chính sách, chế độ chưa được tháo gỡ, thậm chí gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, thời gian tới, chúng ta cần làm tốt một số vấn đề sau:

1. Các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu họ; nhất là chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin là thương binh và việc áp dụng mức tỉ lệ nhiễm chất độc hóa học; các quy định tiêu chí xác định nạn nhân chất độc da cam và tiêu chí xác định bệnh tật do chất độc da cam/dioxin; quy trình xem xét, giám định nạn nhân chất độc da cam/dioxin, v.v. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục những vướng mắc, bất cập, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo hành lang pháp lý trong tổ chức thực hiện, nhằm hỗ trợ tốt nhất về mọi mặt cho nạn nhân, tạo điều kiện để họ có cuộc sống ổn định, hòa nhập với cộng đồng.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trước hết, cần quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW, ngày 14-5-2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Quyết định 651/QĐ-TTg, ngày 01-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ Về kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Cần xác định chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và cả hệ thống chính trị. Nhiệm vụ đó phải được xác định trong nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện của từng cấp; nhất là trong chương trình an sinh xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc; đồng thời, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

3. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người, mọi tổ chức chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Nội dung tuyên truyền cần tập trung làm cho nhân dân trong nước và ngoài nước hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; những nỗi đau và mất mát mà nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã và đang phải gánh chịu, cần chăm sóc, giúp đỡ. Hình thức tuyên truyền, vận động phải linh hoạt, phong phú, phù hợp, cả ở trong nước và ngoài nước. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, kiên trì tuyên truyền, vận động và đấu tranh với những tổ chức, công ty của Mỹ đã gây ra thảm họa chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam để họ thấy rõ trách nhiệm phải tham gia giải quyết hậu quả do chính họ gây ra. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” và tổ chức tốt các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam ở Việt Nam.

4. Nâng cao vai trò nòng cốt của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, hướng về cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ, gắn bó với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhất là các nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa; tạo mọi điều kiện để họ tiếp cận và thụ hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định. Thực hiện linh hoạt các hình thức chăm sóc, giúp đỡ theo hướng cụ thể và thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người; chú trọng hỗ trợ vốn sản xuất hộ gia đình, nhằm tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ ngày càng tốt hơn về vật chất và tinh thần đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Quản lý chặt chẽ, sử dụng công khai, minh bạch và phát huy hiệu quả các nguồn lực đã vận động được. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả, năng lực các Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin; thực hiện nuôi dưỡng lâu dài đối với nạn nhân không nơi nương tựa, nạn nhân đặc biệt khó khăn; nuôi dưỡng có thời hạn với nạn nhân sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, điều kiện chăm sóc sức khỏe hạn chế.

5. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Các tổ chức Hội cần nêu cao trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác vận động nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm ở trong nước và ngoài nước, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân với nhiều hình thức, cách làm phù hợp với thực tiễn. Tổ chức tốt các hoạt động y tế (khám, chữa bệnh, xông hơi, thanh lọc, giải độc) đối với nạn nhân theo định kỳ. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho các cháu có khả năng lao động sau học nghề để giảm bớt áp lực của địa phương và gánh nặng cho gia đình.

Chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là lương tâm, trách nhiệm của xã hội, là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Làm tốt công tác này sẽ góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

________________

1 - Dioxin là chất cực độc. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, với liều lượng 1 picogram (1 phần nghìn tỷ gam) có thể gây nên bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người và di truyền xuyên thế hệ; vài chục nanogam (phần tỷ gam) có thể lập tức gây chết người.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.