Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 07/07/2017, 15:57 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Điện Biên thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ

Tỉnh Điện Biên là một địa danh nổi tiếng của đất nước, gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Do chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh, có nhiều đối tượng chính sách, nên Tỉnh hết sức coi trọng thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ với nhiều giải pháp đồng bộ.

Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh và tổ chức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đưa công tác này vào nền nếp, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Điều đáng nói là, với một tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế chậm phát triển,... nhưng với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Điện Biên luôn phát huy truyền thống của một địa danh lịch sử - chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - để huy động mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế với sự tham gia của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ trên địa bàn, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Lực lượng vũ trang Tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII xác định. Cùng với làm tốt công tác chi trả trợ cấp đối với hàng nghìn thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh coi trọng giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xoa dịu những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Việc mở rộng, tôn tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm,... được Tỉnh quan tâm đầu tư với tất cả tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các anh hùng liệt sĩ. Qua đó, vừa để tôn vinh, tri ân họ, nhất là các liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời, tạo điều kiện để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm viếng và thấy rõ sự cống hiến vì nước, vì dân của các liệt sĩ. Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được Tỉnh hết sức quan tâm, bảo đảm tốt chế độ, bằng những hình thức phù hợp khả năng, điều kiện cụ thể của địa phương. Trong 05 năm (2012 - 2016), Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tổ chức thẩm định, đề nghị xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 6.212 đối tượng với số tiền trên 25 tỷ đồng; xây dựng 40 “Nhà tình nghĩa”, 19 “Nhà đồng đội”,… cho các đối tượng chính sách, góp phần nêu cao truyền thống, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, được Quân khu 2, Bộ Quốc phòng và nhân dân đánh giá cao.

Lễ đón nhận 30 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào về an nghỉ tại nghĩa trang Tông Khao, huyện Điện Biên, tháng 5-2017. (Ảnh: quankhu2.vn)

Để đạt được kết quả đó, trước hết, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác thương binh, liệt sĩ và luôn xác định đó là nhân tố quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 về công tác thương binh, liệt sĩ, trọng tâm là Chỉ thị 07-CT/TW, ngày 14-12-2006 của Ban Bí thư (khóa X) về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, căn cứ vào tình hình cụ thể, ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo đối với công tác quan trọng này. Trong đó, Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo, các nội dung trọng tâm, trọng điểm, khâu yếu, mặt hạn chế. Quá trình thực hiện luôn bám sát thực tiễn, điều kiện của địa bàn để có kế hoạch phù hợp; tổ chức phân công phụ trách chặt chẽ, bảo đảm giải quyết kịp thời, thấu đáo những vướng mắc không để nảy sinh phức tạp. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và toàn dân hiểu rõ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh - những người đã hy sinh hoặc cống hiến một phần xương máu, trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện.

Đặc điểm của các đối tượng chính sách trên địa bàn Tỉnh đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng nắm thông tin về chế độ, chính sách hạn chế, nên rất dễ bị các phần tử xấu lợi dụng kích động chống phá. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác thương binh, liệt sĩ; trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách mới, quyền lợi, chế độ được hưởng cũng như các quy định, tiêu chí, thủ tục giải quyết chính sách. Đây là hoạt động quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng, tạo niềm tin của đồng bào các dân tộc về chủ trương, chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công của Đảng và Nhà nước.

Việc phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong giải quyết chính sách, nhất là đối với các trường hợp tồn đọng sau chiến tranh được Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh hết sức coi trọng. Do đối tượng thuộc diện hưởng chính sách còn tồn đọng sau chiến tranh của Tỉnh phần lớn tuổi đã cao, lưu giữ không đủ giấy tờ cần thiết, nhất là các đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, nên việc xét duyệt gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan chức năng cấp trên tổ chức rà soát, nắm chắc thông tin và xác định đúng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở đó, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách từ cấp tỉnh đến xã (phường) nắm chắc văn bản, quy phạm pháp luật và quy trình thực hiện nhằm bảo đảm đúng đối tượng, thủ tục, nguyên tắc. Quá trình thực hiện, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải phối hợp thẩm định chặt chẽ, xác định hướng giải quyết và trả lời cụ thể đối với từng trường hợp theo đúng quy định. Đồng thời, chú trọng xây dựng và thực hiện Quy chế công tác chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước chuẩn hóa quy trình công tác chính sách theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, chặt chẽ và thống nhất; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khai thác hiệu quả Cổng Thông tin điện tử ngành Chính sách Quân đội. Nhờ đó, những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tiếp nhận, thẩm định, lập hồ sơ, thủ tục, đề nghị giám định, cấp giấy chứng nhận cho hàng trăm thương binh, liệt sĩ bảo đảm chặt chẽ, chính xác, không để xảy ra tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân.

Công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn được Tỉnh hết sức chú trọng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế Ban Chỉ đạo và lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Tỉnh, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, thực hiện Đề án 1237, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh Tỉnh ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin nhằm nâng cao hiệu quả tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Tỉnh đã phối hợp đón nhận, tìm kiếm, quy tập được 150 hài cốt liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau và đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các gia đình liệt sĩ và toàn xã hội.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn. Các phong trào xây dựng “Nhà tình nghĩa”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh với nhiều hình thức đã góp phần thiết thực vào việc hỗ trợ và chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn. Để công tác này đi vào chiều sâu, vững chắc, đạt hiệu quả cao, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức nghiên cứu, khảo sát từng địa bàn để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp, sát thực tiễn. Đến nay, hoạt động này đã trở thành phong trào mang tính tự giác, xã hội hóa cao và ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức và nhân dân tham gia. Trong đó phải kể đến phong trào chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; hoạt động thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh của các đơn vị quân đội đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đào tạo, tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề; thực hiện liên kết, lồng ghép các chương trình, dự án, tạo nhiều việc làm cho con các đối tượng chính sách, trước hết là những người, những gia đình còn nhiều khó khăn về đời sống, v.v. Các hoạt động thiết thực trên không chỉ xây đắp thêm truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, tô thắm thêm nghĩa tình đồng chí, nét đẹp văn hóa, mà còn trực tiếp góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng thụ hưởng chính sách, động viên họ phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Với truyền thống của mảnh đất Điện Biên anh hùng, trong thời gian tới, lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt và những thành quả đạt được, thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công để xứng đáng với niềm tin cậy, yêu mến của nhân dân.

Đại tá VƯƠNG KIM ÁNH, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.