QPTD -Thứ Sáu, 18/05/2018, 21:35 (GMT+7)
Tham luận tại Hội thảo khoa học “Từ Thi đua ái quốc đến Thi đua Quyết thắng - Lý luận và thực tiễn”
Thi đua Quyết thắng trong Quân đội – sự kế thừa phát triển của Thi đua ái quốc

Mùa Xuân năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng và nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào Thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị xác định: mục đích Thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (01-5-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua yêu nước”, nêu rõ: “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều”1. Và, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ Kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”. Đây không chỉ đơn thuần là một lời kêu gọi, ở đó còn mang tính chất của một lời “Hịch” hiệu triệu quốc dân đồng bào Thi đua yêu nước để mau chóng “kháng chiến và kiến quốc thành công”. Đây cũng là những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức, lãnh đạo một phong trào Thi đua yêu nước; là quan điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, về đoàn kết toàn dân và việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược lâu dài với những nhiệm vụ cụ thể trước mắt, v.v.

Hơn 70 năm, nhưng lời kêu gọi - lời hịch đó vẫn giữ nguyên tính hiện thực, luôn thúc giục tinh thần thi đua của mỗi người dân Việt Nam yêu nước trong mọi giai đoạn của cách mạng, kể cả những lúc cam go nhất. Với cách viết ngắn gọn, rành mạch, súc tích, ngôn ngữ giản dị, mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Mục đích Thi đua ái quốc là gì? Và Người trả lời: “Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”. Về cách làm, Người chỉ rõ phải dựa vào “Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”2. Về đối tượng và yêu cầu, Người viết: “Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”. Tất cả những việc làm trên để đạt mục đích cuối cùng là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm”. Tiến tới: “Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”3, v.v.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo, chỉ huy các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thi đua và phong trào Thi đua Quyết thắng. Từ các phong trào Thi đua yêu nước, điển hình là phong trào thi đua “Giết giặc lập công” trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và phong trào “Thi đua quyết thắng” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đã xuất hiện hàng vạn đơn vị anh hùng, đơn vị quyết thắng, những anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ quyết thắng, chiến sĩ thi đua, góp phần đưa chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam lên tầm cao mới và trở thành sức mạnh chính trị - tinh thần to lớn, động lực thúc đẩy toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong mọi giai đoạn của cách mạng, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”4.

Phong trào thi đua trong Quân đội, tuy tên gọi từng giai đoạn có khác nhau, nhưng bản chất của phong trào là Thi đua Quyết thắng là sự kế thừa và phát triển của phong trào Thi đua ái quốc trong cả nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện ở một số vấn đề sau:

Trước hết, mục đích của phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội là tạo động lực để tập thể và mỗi cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong mọi giai đoạn cách mạng.

Với đặc thù trong Quân đội, nhiệm vụ chính trị là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ Thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm”. Cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn của cha ông, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với tinh thần: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”,… Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng với toàn Đảng, toàn dân viết lên khúc tráng ca lịch sử của thế kỷ XX, đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, Quân đội thực hiện nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tập trung xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội luôn là động lực thúc đẩy toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh; bảo đảm tốt công tác hậu cần, tài chính, kỹ thuật và đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Đồng thời, trực tiếp góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, làm cơ sở để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, tính chất của phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội là toàn diện. Cấp ủy trực tiếp lãnh đạo; cơ quan chính trị và cán bộ chính trị làm tham mưu; người chỉ huy có trách nhiệm tổ chức thực hiện, nhằm động viên tổ chức và cá nhân hăng hái thi đua đạt kết quả cao nhất.

Nhiệm vụ cách mạng ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng được thực hiện trên các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”5. Điều này xuất phát từ tính chất toàn diện của cuộc kháng chiến. Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước cũng tiến hành trên các mặt, mà mục tiêu trước mắt là hoàn thành sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc Thi đua yêu nước cũng phải tiến hành một cách toàn diện để tạo nên sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, Thi đua yêu nước là nhiệm vụ cách mạng của mỗi người dân nên phong trào Thi đua yêu nước phải mang tính chất toàn dân. Tính nhân dân của phong trào Thi đua yêu nước được thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, tùy theo sức lực của mình.

Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào Thi đua yêu nước, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác thi đua và tổ chức phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội. Với tinh thần “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”, phong trào Thi đua Quyết thắng đã thực sự đồng hành, gắn chặt với từng lĩnh vực công tác, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tính chất hoạt động của mỗi loại hình cơ quan, đơn vị trong toàn quân và đạt được hiệu quả rất thiết thực. Trong đó, điểm nhấn của phong trào Thi đua Quyết thắng là đã tập trung thực hiện tốt các khâu đột phá nhằm khắc phục khâu yếu, mặt yếu, khơi dậy ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức để giành những thành tích mới cao hơn trên các mặt công tác. Ở các cấp, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thường xuyên được kiện toàn, thực hiện tốt chức năng tư vấn cho cấp ủy, chỉ huy về thi đua, khen thưởng. Cơ quan chính trị làm tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn, cụ thể hóa nội dung, chỉ tiêu, biện pháp thi đua, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Điều đó đã tạo ra phong trào thi đua rộng khắp, có sức lan tỏa cao và hiệu quả thi đua thiết thực. Mọi cấp, mọi ngành đều phát huy tốt tinh thần yêu nước, luôn sáng tạo, làm việc với năng suất, chất lượng ngày càng cao.

Thứ ba, phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết thống nhất; cán bộ, chiến sĩ cùng đồng cam cộng khổ phấn đấu đạt được mục tiêu thi đua chung vì sự trưởng thành tiến bộ của từng cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước là xác định mục đích thi đua, cách tổ chức, quan hệ, thái độ trong Thi đua yêu nước và việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi người, đơn vị tham gia thi đua. Người chỉ rõ: “Thi đua chứ không phải ganh đua” nên phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt được thành tích cao. Chủ tịch Hồ chí Minh khẳng định: thi đua là đoàn kết; “thi đua để tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ”6. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân đội. Trong chiến đấu, trong giúp đỡ nhân dân phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn,… ở những nơi khó khó khăn, thử thách lớn nhất; ở đó tình cảm đồng chí, đồng đội được tỏa sáng hơn bao giờ hết. Những tấm gương chiến đấu, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; những tấm gương hy sinh oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong thời bình là những hình ảnh đẹp nhất của phong trào Thi đua Quyết thắng. Thể hiện sâu sắc ý chí tiến công, lòng yêu nước của mỗi công dân Việt Nam đối với nhiệm vụ Thi đua ái quốc.

Nhìn lại chặng đường cách mạng 70 năm, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, từ khi ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước; trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, qua từng thời kỳ cách mạng, phong trào Thi đua Quyết thắng luôn được giữ vững và phát huy. Đó cũng chính là sự kế thừa và phát triển của phong trào Thi đua ái quốc trong nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, đề xướng trở thành phong trào sâu rộng của cả nước. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”7, lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi được khắc sâu trong tâm khảm mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng.

Trung tướng, PGS, TS. ĐẶNG NAM ĐIỀN, Nguyên Chính ủy Học viện Hậu cần

_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 556.

2, 3 - Sđd, tr. 556, 557

4 - Sđd, Tập 14,  tr. 435.

5 - Sđd, Tập 5, tr. 556.

6, 7 - Sđd, Tập 7, tr. 407.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa