Thứ Sáu, 20/09/2024, 08:07 (GMT+7)
Cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phát động phong trào Thi đua yêu nước, lấy đó là biện pháp tập hợp quần chúng, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực tinh thần to lớn đưa sự nghiệp cách mạng vượt qua khó khăn, gian khổ, đi đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày 11-6-1948, để động viên, khích lệ quân, dân ta nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, trong đó Người viết: “…bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”1. Sau này, Người thường xuyên nhắc nhở mọi người: “Thi đua là yêu nước; Yêu nước phải thi đua; Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Người khẳng định: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi và khắc ghi những lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn tổ chức và đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với phong trào Thi đua yêu nước của Thủ đô bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tạo động lực, sức mạnh tinh thần to lớn giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn nên cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, cùng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô viết nên những bản hùng ca bất tử, lập nên những kỳ tích, những chiến công oanh liệt góp phần phát triển và làm phong phú giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, làm rạng ngời giá trị bản chất truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của lực lượng vũ trang Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội giữ vị trí chiến lược - Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương, của Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Do đó, trong các giai đoạn cách mạng, Thủ đô Hà Nội trở thành nơi khởi phát, là quê hương của nhiều phong trào Thi đua yêu nước có ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng khắp toàn quốc. Điển hình như phong trào: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Trao gậy Trường Sơn”, v.v. Trong các phong trào yêu nước, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn tích cực tham gia, cụ thể hóa mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu Thi đua yêu nước thành mục tiêu, nội dung, biện pháp của phong trào Thi đua Quyết thắng. Chính vì vậy, lực lượng vũ trang Thủ đô đã trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng thúc đẩy các phong trào phát triển ngày càng sâu rộng, đạt mục đích yêu cầu đề ra, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm theo dõi, chỉ đạo sâu sát và động viên kịp thời các hoạt động thực hiện nhiệm vụ và phong trào Thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang Thủ đô.
Để động viên tinh thần chiến đấu cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, ngày 27-01-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô, trong đó Người viết: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”2. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên khen ngợi, cán bộ chiến sĩ Liên khu I đã dũng cảm ngoan cường chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong Thành phố 60 ngày đêm (vượt 2 lần chỉ tiêu Trung ương Đảng và Bác Hồ giao) làm thất bại âm mưu chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi, chỉ đạo sát sao và động viên kịp thời quân dân Thủ đô. Tháng 11-1948, gửi thư khen ngợi du kích Thủ đô, trong đó Người viết: “Du kích Thủ đô đã oanh liệt lập công lần đầu. Tôi chắc rằng từ nay du kích Thủ đô sẽ lập công nhiều hơn nữa, to hơn nữa”3
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghe tin về chiến công của quân, dân Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi, Người viết: “Quân và dân Hà Nội càng đánh, càng giỏi, đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.600 trên miền Bắc. Hà Nội vừa chiến đấu khá, vừa sản xuất khá, vừa giữ gìn trật tự an ninh tốt… Bác rất vui lòng… và tặng Thủ đô lá cờ: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dặn quân và dân ta phải luôn nêu cao cảnh giác, ra sức chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, làm tốt việc phòng không nhân dân, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”4
Những lời khen ngợi, động viên dung dị, thân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho quân, dân Mặt trận Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp và Thủ đô Hà Nội sau này để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nói chung và lực lượng vũ trang Thủ đô nói riêng những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào Thi đua yêu nước. Đồng thời, đó cũng chính là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ mạnh mẽ quân dân Thủ đô hăng hái thi đua lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi, lần lượt làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, quân và dân Thủ đô làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” làm tỏa sáng và nâng giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội lên tầm cao mới, để Hà Nội trở thành Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Đồng thời, làm tiêu tan huyền thoại sức mạnh không lực Hoa Kỳ, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, tạo thời cơ tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa đương đầu với chiến tranh ở hai đầu biên giới, vừa đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực phản động, lực lượng vũ trang Thủ đô cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, hăng hái thi đua với động lực mới, khí thế mới, nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Các hoạt động phong trào Thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang Thủ đô gắn liền với “Cuộc vận động lớn: Phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân”. Qua đó, tiếp tục lập nên những chiến công mới, những kỳ tích mới trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên mặt trận quân sự, khi nước ngoài tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, các tiểu đoàn bộ đội địa phương của Thủ đô nhanh chóng được thành lập, kịp thời chi viện lực lượng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên các mặt trận. Nhiều đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó tiêu biểu là Tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện Đông Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự trên Cao điểm 282 (đồi Pò Pó) Mặt trận Văn Lãng, Lạng Sơn. Trong ngày 04-3-1979, Tiểu đoàn đã đánh lui liên tục 20 cuộc tiến công của hai trung đoàn đối phương, giữ vững trận địa, tiêu diệt 360 tên địch.
Trên mặt trận kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang Thủ đô vừa tích cực phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, vừa xung kích trên các công trình, các nhiệm vụ trọng điểm, như: Đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, nạo vét sông Tô Lịch, xây dựng kè, đập bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và các khu dân cư nội, ngoại thành,… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, giàu đẹp, từng bước vươn lên sánh vai cùng Thủ đô các nước trên thế giới, như Bác Hồ hằng mong.
Sang giai đoạn thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, hòa chung với khí thế Thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phong trào Thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang Thủ đô có bước phát triển mới, diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đầy tính sáng tạo.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Quân khu Thủ đô nay là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Thủ đô luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương, của Thành ủy Hà Nội về công tác thi đua - khen thưởng, như: Chỉ thị 39-CT/TW, ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến”; Chỉ thị 692-CT/QUTW, ngày 24-12-2010 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và cơ quan chính trị các cấp phát huy tốt vai trò, chức năng trong tham mưu và kiểm tra, hướng dẫn chặt chẽ công tác thi đua - khen thưởng của các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào Thi đua Quyết thắng, cấp ủy, người chỉ huy các cấp luôn đề ra chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị. Phong trào Thi đua Quyết thắng của các cơ quan, đơn vị luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích, lồng ghép với các cuộc vận động và phong trào Thi đua yêu nước của địa phương. Nội dung và các chỉ tiêu của các cuộc vận động, các phong trào thi đua của cả nước, của Quân đội và của Thành phố Hà Nội5, được quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa thành các chủ đề, nội dung, chỉ tiêu thi đua sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Tiêu biểu như: “Luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao” của các đơn vị chủ lực; “Gương mẫu, tích cực, chủ động, tham mưu đúng, trúng, kịp thời” của khối cơ quan; “Học tốt, rèn nghiêm, nghiên cứu khoa học tốt, phục vụ tốt” của nhà trường; phong trào “Thực hiện nền nếp chính quy, xây dựng nét đẹp văn hóa người chiến sĩ Thủ đô”, “Xây dựng xã, phường cơ sở an toàn sẵn sàng chiến đấu cao”, “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới” của khối địa phương, v.v.Phong trào Thi đua Quyết thắng được tất cả các cơ quan, đơn vị sôi nổi hưởng ứng, tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, sinh động, phát triển mạnh mẽ cả diện rộng, chiều sâu và có sức lan tỏa lớn, thực sự tạo nên động lực, sức mạnh tinh thần to lớn cho tập thể và từng cá nhân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy tốt vai trò nòng cốt tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ Thủ đô ngày càng đi vào chiều sâu vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô.
Với những thành tích trong thực hiện nhiệm vụ và kết quả phong trào Thi đua Quyết thắng, trong hơn 70 năm xây dựng chiến đấu, trưởng thành, lực lượng vũ trang Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 02 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Sao vàng, 02 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong thời kỳ đổi mới).
Qua thực tiễn quá trình tổ chức phong trào Thi đua Quyết thắng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng và phát huy vai trò trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị.
Hai là, thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng, bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, cụ thể hóa chỉ tiêu thi đua sát, đúng; tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong các cơ quan, đơn vị.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng, lấy kết quả thi đua làm cơ sở để xét khen thưởng, lấy khen thưởng để thúc đẩy thi đua và làm thước đo đánh giá khả năng của tập thể và phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời, chính xác.
Bốn là, thường xuyên kiện toàn và phát huy tốt vai trò của Hội đồng (Tổ) Thi đua - khen thưởng các cấp; thực hiện tốt việc sơ, tổng kết sau mỗi đợt thi đua. Làm tốt công tác phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; chú trọng khen thưởng đối với đơn vị cơ sở và cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực đã, đang và sẽ có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” bằng những âm mưu thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục là trọng điểm của các hoạt động chống phá. Lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng vũ trang Thủ đô nói riêng đã, đang và tiếp tục là mục tiêu mà các thế lực thù địch hướng tới thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, đòi hỏi lực lượng vũ trang Thủ đô phải được xây dựng thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, nhanh chóng tiến lên hiện đại. Thực hiện mục tiêu đó, lực lượng vũ trang Thủ đô phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó biện pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh và không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng với những giải pháp cụ thể sau:
1. Tiếp tục giáo dục quan điểm, tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết, thông tư, hướng dẫn của cấp trên về công tác thi đua - khen thưởng, trọng tâm là Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 91/2017/NĐ-CP, ngày 31-7-2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật thi đua - khen thưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Bám sát chủ đề Thi đua Quyết thắng toàn quân năm 2018: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, an toàn, quyết thắng”, thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt: Giữ vững đoàn kết, tăng cường kỷ cương, không ngừng sáng tạo, bảo đảm an toàn, thi đua quyết thắng; tiếp tục thi đua thực hiện “Ba khâu đột phá” theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Quân đội, gắn với “Hai khâu đột phá” trong Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ và công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô và phong trào Thi đua yêu nước của Thành phố sát với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị và địa phương, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng động cơ, quyết tâm thi đua cho cán bộ, chiến sĩ. Làm cho mỗi người thấy rõ thi đua là trách nhiệm và quyền lợi, đồng thời là cơ hội để chiếm lĩnh các đỉnh cao mới trong hoạt động thực tiễn, từ đó phấn đấu vươn lên.
3. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng hướng vào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Kết hợp chặt chẽ phong trào Thi đua Quyết thắng với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chăn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Bộ đội và Dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới” và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
4. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua - khen thưởng, đảm bảo thiết thực, hiệu qủa. Phát huy vai trò của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, cơ quan chính trị các cấp trong tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện thắng lợi phong trào thi đua. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thực sự là hạt nhân ở cơ sở, làm cho phong trào thi đua trở thành cao trào cách mạng sâu rộng tại các cơ quan, đơn vị.
5. Thực hiện đúng Luật Thi đua - khen thưởng, Nghị định 91/2017/NĐ-CP, ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng, quán triệt, triển khai thực hiện thông tư mới của Bộ Quốc phòng, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đẩy nhanh tiến độ khen thưởng cống hiến, niên hạn; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ đột xuất; kịp thời phát hiện, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong cơ quan, đơn vị.
Khắc ghi Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và thực hiện lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc và xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại là vinh dự, tự hào và trọng trách lớn lao của mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô hôm nay.
Trung tướng NGUYỄN THẾ KẾT, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ______________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 556.
2, 3 - Sđd, Tập 5, tr. 44, 647.
4 - Lịch sử Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội (1945 - 2010), Nxb QĐND, H. 2014, tr. 222.
5 - Như: Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên Quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, v.v.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh 19/05/2019
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19/05/2019
Binh đoàn 12 phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn mới 18/05/2019
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với xây dựng thế trận hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc 17/05/2019
Tỏa sáng tinh thần thanh niên xung phong Trường Sơn trong phong trào Thanh niên tình nguyện hiện nay 16/05/2019
Tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn 15/05/2019
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” 14/05/2019
Vận dụng bài học phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng Tuyến chi viện chiến lược 559 - Đường Trường Sơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 13/05/2019
Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - biểu tượng sáng ngời của khát vọng độc lập, tự do và ý chí thống nhất đất nước 13/05/2019
Xuất quân Liên hoan tuyên truyền lưu động tại Km số 0 đường Hồ Chí Minh 13/05/2019