QPTD -Thứ Sáu, 14/08/2015, 17:24 (GMT+7)
Mọi sự xuyên tạc về Cách mạng Tháng Tám đều vô nghĩa

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc. Thế mà, hiện nay vẫn còn có kẻ tung ra luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự thật hiển nhiên đó. Điều bịa đặt ấy thật trơ trẽn, lố bịch!

Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ngày 25-8-1945. (Ảnh tư liệu)

Hơn ai hết, nhân dân ta là người hiểu rõ, thấu đáo giá trị và ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Thắng lợi đó là kết quả của quá trình đấu tranh, hi sinh xương máu của toàn thể dân tộc Việt Nam suốt 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng kể từ ngày thành lập. Và đó còn là kết quả hơn 30 năm tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Để cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, Đảng, Bác Hồ và toàn dân ta đã phải chuẩn bị toàn diện thực lực cách mạng từ nhiều năm trước. Vào đầu năm 1941, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, Bác Hồ về nước và Người đã cùng Trung ương Đảng kịp thời nắm bắt tình hình, đề ra chiến lược, sách lược, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị lực lượng, đào tạo, huấn luyện cán bộ, tổ chức, động viên, lãnh đạo toàn dân chớp thời cơ chín muồi đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Thực tế cho thấy, để có lực lượng cách mạng, từ cuối năm 1941 đến năm 1942, Đảng ta đã tổ chức ra các hội: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc, v.v. Ở căn cứ địa Việt Bắc, Đội Cứu quốc quân và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lần lượt ra đời. Các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh và các lực lượng vũ trang là chủ lực quân của cách mạng. Năm 1943, trước diễn biến mới của tình hình, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị đề ra chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước trong và ngoài nước chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ yêu nước, các dân tộc thiểu số, Hoa kiều, lập ra Hội văn hóa cứu quốc ở các thành phố,… nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng.

Ngày 09-3-1945, phát-xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp ở Việt Nam. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ngày 12-3-1945 ra Chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị quyết định phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước trong toàn quốc làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa và quyết định thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi phát-xít Nhật ‒ Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát-xít Nhật”. Trước không khí sục sôi cách mạng của quần chúng, khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” mà Đảng đưa ra đã đáp ứng nguyện vọng khẩn thiết của đại đa số nhân dân.

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới; Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Ngày 16-8-1945, “Quốc dân Đại hội Tân Trào” thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”; quyết định quốc kỳ, quốc ca và bầu Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14-8 và đã giành thắng lợi trên cả nước, với ngày 19-8 ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế, ngày 25-8 ở Sài Gòn, v.v. Như vậy, chỉ trong 15 ngày, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, đón niềm “Vui bất tuyệt” mà nhà thơ Tố Hữu đã diễn tả bằng những vần thơ giầu cảm xúc: “Ngực lép bốn ngàn năm/ Trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên/ Tim bỗng hóa mặt trời”.

Đó là sự thật - sự thật lịch sử! chứ không phải như ai đó cố tình xuyên tạc, với tâm địa đen tối, rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hứng được quả ngọt trời cho là tình thế của Pháp, Nhật và hào khí của dân tộc lúc đó để cướp chính quyền cho riêng mình”. Hơn thế, họ còn ngụy biện: “nếu không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giầu mạnh từ lâu, chứ không phải nghèo hèn, mất dân chủ như bây giờ ”. Thật trơ trẽn, một sự trơ trẽn trắng trợn! Trong khi mọi người đều biết hoàn toàn không phải vậy và không phải biết có lý do nào khác mà là chính Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối đúng đắn, phương pháp cách mạng sáng tạo đã nắm chắc, tận dụng thời cơ, biết tổ chức và tập hợp lực lượng, động viên được toàn dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đó còn là vai trò tiền phong, gương mẫu, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, quyết chiến đấu vì quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân của 5.000 đảng viên cộng sản. Họ là những Chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, một lòng, một dạ vì nước vì dân, sáng ngời dũng khí chiến đấu, xung kích tiên phong, vào sống ra chết không sờn lòng, đầu rơi máu chảy không lùi bước, tra tấn tù đày không khuất phục, kiên quyết lãnh đạo cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân để xây dựng đất nước độc lập, dân tộc tự do, nhân dân ấm no, hạnh phúc, dân chủ, nhân quyền,...

Trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[1]. Đặc biệt, ngay mở đầu bản Tuyên ngôn, Người nhấn mạnh tư tưởng về nhân quyền được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789, coi đó là “những tư tưởng bất hủ”, những “lẽ phải không ai chối cãi được”. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ: chỉ có dân tộc độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc và không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Con người ở đây theo nghĩa tất thảy mọi người, trước hết là những người lao động bị áp bức, bóc lột chiếm đại bộ phận trong nhân dân Việt Nam. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, những nội dung ấy luôn gắn chặt với quyền dân tộc, quyền con người, quyền công dân. Đó cũng là tư tưởng bất hủ mà Hồ Chí Minh đã đặt ra với tất cả chúng ta cách đây 70 năm - khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời. Và chính đó cũng là điều mà suốt 70 năm qua, biết bao thế hệ người Việt Nam hy sinh, phấn đấu để xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”, chứ không phải một xã hội “mất dân chủ” như ai đó rắp tâm xuyên tạc, v.v.

Còn nhớ, khi đất nước mới giành được độc lập, nhưng đã phải đương đầu với bao nhiêu thử thách ngặt nghèo: ngân khố cạn kiệt, hai mươi vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc, thực dân Pháp núp sau lưng quân đội Anh kéo vào miền Nam hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Để giữ vững chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt ba nhiệm vụ cách mạng: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm bồi dưỡng sức dân, động viên toàn dân thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, học chữ quốc ngữ, củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc. Đảng ta còn lãnh đạo thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06-01-1946; vô hiệu hóa mọi âm mưu phản cách mạng, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh với kẻ thù và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Việc ta ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 06-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946 là một chủ trương sáng suốt: thứ nhất, tạm hòa hoãn với Pháp để phá tan âm mưu của bọn Tưởng và tay sai hòng đẩy ta vào thế cô lập; thứ hai, tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới bảo vệ chính quyền cách mạng. 

Nhằm xây dựng một chế độ mới, khác hẳn về chất so với chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, phát-xít và tay sai, phong kiến trước đây, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung lãnh đạo xây dựng một thể chế chính trị kiểu mới; trong đó, mọi quyền lực và lợi ích đều thuộc về nhân dân. Người dân Việt Nam, không phân biệt: gái trai, trẻ già, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo, đều là chủ nhân của đất nước. Dân tộc - Quốc dân là một khối thống nhất, không thể phân chia. Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo và bình đẳng trước pháp luật; được tự do ngôn luận, hội họp, tín ngưỡng, cư trú và đi lại, v.v.

Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, gắn chặt lợi ích đất nước với quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tạo nguồn lực để Đảng và Nhà nước phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân khôi phục và xây dựng nền kinh tế mới. Đảng ta đã phát động toàn dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức cứu trợ người nghèo, khắc phục nạn đói. Đồng thời, tiến hành công cuộc cải cách, tịch thu ruộng đất của bọn Việt gian, đế quốc, chia cho người nghèo; khôi phục sản xuất nông nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp, như: khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm và thủy sản; phục hồi giao thương hàng hóa. Trong lĩnh vực tài chính, Nhà nước phát hành tiền giấy, đẩy mạnh lưu thông, thúc đẩy kinh tế hồi phục. Nền kinh tế mới được xây dựng bằng chính sự nỗ lực và công sức của toàn dân, nhằm phục vụ đời sống nhân dân, làm giàu cho quốc gia và dân tộc.

Trên lĩnh vực văn hóa và giáo dục, cùng với xóa bỏ tàn dư văn hóa và chính sách ngu dân để trị của chế độ cũ, Đảng ta kêu gọi toàn dân đoàn kết, xóa bỏ hận thù, chung sức, chung lòng kiến thiết quốc gia; thành lập Nha Bình dân học vụ, mở các lớp bổ túc văn hóa để xóa nạn mù chữ, khôi phục và mở rộng hệ thống giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học. Đồng thời, ban hành Sắc lệnh, định rõ nguyên tắc của nền giáo dục mới: đại chúng hóa theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, bồi dưỡng hiền tài cho đất nước. Phương hướng xây dựng nền văn hóa mới là bảo đảm hạnh phúc của nhân dân; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu chọn lọc văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho vừa sửa được thói hư tật xấu, tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, vừa xây dựng nếp sống mới, làm cho ai ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập.

Với lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Đảng ta chủ trương nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang, nhất là Quân đội và Công an. Lập quỹ quốc phòng, thành lập đội quân Quốc gia Việt Nam và Việt Nam công an vụ; khẳng định, Quân đội và Công an từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Lực lượng vũ trang được tổ chức và biên chế thống nhất; cơ quan Bộ Quốc phòng, Nha Công an được kiện toàn. Quân đội và Công an được xây dựng và huấn luyện toàn diện cả quân sự, chính trị, hậu cần và các ngành chuyên môn nghiệp vụ khác. Nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng là phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Tháng 01-1946, Trung ương Quân ủy được thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư Quân ủy, v.v. Đó là những nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quân đội ta là quân đội nhân dân, luôn giữ vững bản chất cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đây chính là điểm khác biệt về chất đối với quân đội cũ, một đội quân xâm lược, dùng để trấn áp dân, đàn áp những người yêu nước và phong trào cách mạng, phục vụ lợi ích riêng của nhà nước đế quốc và phong kiến.

Nhờ đường lối đúng đắn và bằng những chủ trương, biện pháp phù hợp đó, chúng ta đã xây dựng được chính quyền của dân, do dân, vì dân vững mạnh, với cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội phù hợp, bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành thắng lợi, Tổ quốc thống nhất, Đất nước trọn niềm vui Đại thắng mùa Xuân 1975. Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,… Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên. Trên bình diện quốc tế, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180 nước ở tất cả các châu lục; tham gia vào hầu hết các tổ chức, định chế quốc tế và khu vực và là một thành viên có trách nhiệm quốc tế của cộng đồng quốc tế, uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Tất cả những điều đó là minh chứng cho những giá trị mà Cách mạng Tháng Tám đưa lại; đồng thời, là bằng chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự kiện lịch sử trọng đại này./.

 

VINH HIỂN

 


[1] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 3.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.