QPTD -Thứ Ba, 07/05/2019, 07:18 (GMT+7)
Vai trò của Bộ đội Pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng lớn nhất của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong Chiến dịch này, lực lượng Phòng không của ta còn non trẻ, nòng cốt là Trung đoàn Pháo cao xạ 367 (được thành lập ngày 01-4-1953), gồm 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm và các đơn vị phòng không trợ chiến được trang bị súng máy phòng không 12,7mm thuộc biên chế các đại đoàn bộ binh. Với lực lượng mỏng, lần đầu tiên tham gia chiến dịch lớn, tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành, địa bàn rừng núi phức tạp, phải đương đầu với lực lượng không quân rất mạnh của địch,… nhưng với ý chí, quyết tâm cao, Bộ đội Pháo cao xạ đã vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Vai trò của Bộ đội Pháo cao xạ được thể hiện rõ nét trên một số vấn đề cơ bản sau:

Trung đoàn Pháo cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Một là, sử dụng lực lượng hợp lý, chuyển hóa thế trận linh hoạt, kiên quyết đánh không quân địch, bảo vệ pháo binh và bộ binh ta tác chiến thắng lợi. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong khi khu vực phải đảm nhiệm bảo vệ rộng, lực lượng Phòng không của ta rất hạn chế (bước vào đợt 1 Chiến dịch, ta chỉ có 02 tiểu đoàn pháo cao xạ trực tiếp chiến đấu), nên Trung đoàn 367 khắc phục khó khăn, xây dựng thế trận phòng không vững chắc, liên hoàn, cơ động bám sát đội hình chiến đấu; tập trung lực lượng cho hướng tiến công chủ yếu, trận then chốt, thời cơ quan trọng. Đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh, phát huy cao nhất hiệu quả của vũ khí để tạo sức mạnh đánh thắng không quân địch, bảo vệ kịp thời các mục tiêu đảm nhiệm. Trong trận mở màn đánh cụm cứ điểm Him Lam, các tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy phòng không bảo vệ đội hình chiến đấu của Đại đoàn 312 được bố trí tập trung ở các khu vực tiện bắn máy bay địch và chi viện cho bộ binh tiến công, nên khi chúng chuẩn bị bổ nhào đánh vào tuyến xuất phát tiến công của ta, các đơn vị phòng không đã phát huy tốt hỏa lực, kiềm chế hiệu quả không quân địch, bảo vệ cho bộ binh, pháo binh chiến đấu và nhanh chóng giành thắng lợi. Sau trận mở màn, để phù hợp với đặc điểm các trận đánh tiếp theo, pháo cao xạ đã nhanh chóng di chuyển trận địa, áp sát bộ binh, trực tiếp yểm trợ. Vì vậy, Đại đoàn 312, Đại đoàn 308 đánh cụm cứ điểm Độc Lập, bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo,… đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bước sang đợt 2 Chiến dịch, lực lượng phòng không được tăng cường thêm Tiểu đoàn Pháo cao xạ 381. Các đơn vị pháo cao xạ tiếp tục bám sát đội hình chiến đấu của bộ đội binh chủng hợp thành và vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức chiến thuật, như: cơ động, phục kích, đón lõng, đánh đêm, v.v. Vì vậy, ta đã không những bảo vệ tốt cho bộ binh mà còn tạo ra nhiều bất ngờ cho địch về thời gian đánh, khu vực xuất hiện và mật độ hỏa lực. Bước vào đợt 3 Chiến dịch, để phục vụ tổng công kích, các tiểu đoàn pháo cao xạ đã bí mật cơ động, áp sát khu trung tâm Mường Thanh, Hồng Cúm, tạo nên vùng hỏa lực bao trùm, phủ kín toàn bộ khu vực địch còn chiếm giữ, chi viện hiệu quả cho các đơn vị binh chủng hợp thành tiến công, giành thắng lợi hoàn toàn.

Hai là, chủ động khép chặt hỏa lực, bao vây, cắt đứt cầu hàng không, triệt đường tăng viện, tiếp tế của địch. Thực tế trên chiến trường, quân Pháp cũng gặp nhiều khó khăn về công tác bảo đảm, do Điện Biên Phủ nằm biệt lập trên vùng rừng núi Tây Bắc, ở xa các căn cứ, vận tải đường bộ đã bị ta cắt đứt nên tiếp tế bằng đường không là con đường duy nhất. Do vậy, việc làm chủ không phận, bảo đảm an toàn cầu hàng không lên Điện Biên Phủ là yếu tố “sống còn” với địch. Nhận rõ điều đó, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tác chiến sau lưng địch, như: sử dụng lực lượng đặc công tập kích sân bay Cát Bi, Gia Lâm, Đồ Sơn,… gây tổn thất lớn, làm giảm sút nghiêm trọng khả năng chi viện bằng không quân của địch. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, ta sử dụng pháo binh khống chế các sân bay, không cho máy bay địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp tế trên không; sử dụng bộ binh, công binh “vây, lấn”, từng bước bao vây, thu hẹp phạm vi hoạt động của địch. Đặc biệt, ta tập trung lực lượng pháo cao xạ khống chế trên không, ngăn chặn, tiến tới cắt đứt cầu hàng không của địch, v.v.

Nắm chắc ý định và nhiệm vụ được giao, cùng với việc tập trung hỏa lực tiêu diệt, hạn chế phạm vi hoạt động của máy bay ném bom, máy bay cường kích của địch, bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành chiến đấu, các đơn vị pháo cao xạ, súng máy phòng không đã từng bước khép chặt không phận, tiêu diệt máy bay vận tải thả hàng tiếp viện, tiến tới vô hiệu hóa hoàn toàn không quân địch. Trong đợt 1 Chiến dịch, máy bay địch còn có thể cất hạ cánh tại sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm. Đến đợt 2, không quân địch buộc phải nâng độ cao, tiếp tế cho các cứ điểm bằng thả dù, thậm chí không dám thả dù vào ban ngày; do đó, hàng tiếp viện bị tản mát, rơi cả sang trận địa của ta. Khi tổng công kích, vòng vây trên không và mặt đất của ta đã thít chặt, các cứ điểm còn lại của quân Pháp hoàn toàn bị cô lập, trở thành “địa ngục trần gian”, nên việc thất bại của chúng là không thể cứu vãn.

Ba là, kiên cường bám trụ bảo vệ giao thông, vận chuyển. Nắm được công tác vận chuyển, tiếp tế để duy trì hoạt động tác chiến là yêu cầu bức thiết, khó khăn của ta, nên ngay từ khi phát hiện thấy ta sửa đường và vận chuyển hàng hóa lên Tây Bắc, quân Pháp đã sử dụng không quân đánh phá, ngăn chặn với quy mô, cường độ ngày càng ác liệt, cả ngày lẫn đêm trên tất cả các tuyến vận tải, nhất là tại một số trọng điểm giao thông, như: bến phà Tạ Khoa, đèo Bản Ban, ngã 3 Cò Nòi, v.v. Nhận rõ âm mưu của địch, ngay trong giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch, ta đã sử dụng một số đơn vị phòng không làm nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ giao thông vận chuyển. Bước vào đợt 2 Chiến dịch, mặc dù lực lượng phòng không của ta mỏng, nhưng Bộ Tổng Tư lệnh vẫn ưu tiên triển khai 03 tiểu đoàn pháo cao xạ (385, 392, 396; chiếm 50% lực lượng cao xạ) để làm nhiệm vụ bảo vệ các tuyến giao thông, hậu phương Chiến dịch, tập trung ở các trọng điểm trên tuyến vận chuyển, hình thành thế trận bảo vệ giao thông có chiều sâu từ hậu phương đến trung tuyến và hỏa tuyến. Trong điều kiện thường xuyên phải cơ động, triển khai chiến đấu dưới làn bom đạn địch đánh phá và muôn vàn thiếu thốn, nhưng với ý chí, quyết tâm cao, lực lượng phòng không đã linh hoạt kết hợp bám trụ với cơ động chiến đấu. Các đơn vị đã kéo pháo lên các mỏm núi cao, cơ động phục kích hai bên sườn đèo, sườn núi, đón lõng trên các hướng máy bay địch bay qua để tiêu diệt. Nhờ đó, đã hạn chế tối đa hoạt động của không quân địch, cùng các lực lượng khác bảo vệ an toàn, thông suốt các tuyến giao thông vận tải, giữ vững mạch máu bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, Bộ đội Pháo cao xạ đã lập công xuất sắc, đập tan ưu thế tuyệt đối của không quân Pháp, khống chế vùng trời, bảo vệ đội hình chiến đấu của bộ binh, pháo binh, bảo vệ tuyến vận tải Chiến dịch, cắt đứt cầu hàng không của địch, làm cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện cho quân ta bao vây, chia cắt, áp sát, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm. Trong Chiến dịch này, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 máy bay (trong tổng số 62 máy bay địch bị bắn rơi và phá hủy), bắn bị thương 153 chiếc khác, trong đó có “pháo đài bay” B.24; tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, đóng góp xứng đáng vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Khi nhìn nhận, đánh giá về vai trò của Bộ đội Pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tướng Na-va đã phải thừa nhận trong cuốn hồi ký “Đông Dương hấp hối”, rằng: “Ở Điện Biên Phủ, các máy bay Pháp đã phải vượt qua một lưới lửa dày đặc, tương tự như lưới lửa cao xạ bảo vệ những điểm quan trọng của chiến trường châu Âu hồi cuối đại chiến thế giới thứ hai”. Còn Tướng không quân Lô-danh cũng đã thú nhận trên Tạp chí Không lực Pháp, số ra tháng 5-1955: “…nhiều máy bay đã bị hạ bởi súng phòng không. Đạn pháo đối phương thường xuyên bắn vào các máy bay B-26. Từ ngày 19-3 trở đi, hầu như các sân bay tại Điện Biên Phủ đều bị khống chế,…”.

65 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng vẻ vang của cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên nói chung, Bộ đội Pháo cao xạ nói riêng sẽ mãi mãi là trang sử vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây do Mỹ và các nước đồng minh tiến hành cho thấy: tập kích đường không luôn là đòn đánh mở đầu của mỗi cuộc chiến tranh và có nhiều điểm phát triển rất mới cả về không gian, thời gian, quy mô, tính chất, mức độ, loại vũ khí, công nghệ được sử dụng với xu hướng tăng cường hoạt động ở độ cao thấp, cực thấp, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật đột nhập bất ngờ. Do đó, các lực lượng súng, pháo phòng không có vai trò hết sức quan trọng, góp phần cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân tạo nên lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ đội Pháo Phòng không cần tiếp tục kế thừa, phát huy, vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm quý báu của bộ đội Pháo Cao xạ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có bài học từ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, đi sâu nghiên cứu, xây dựng phương án sử dụng lực lượng, cách đánh phù hợp với điều kiện tác chiến trong tình hình mới. Cùng với đó, Bộ đội Pháo Phòng không phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, ý chí, quyết tâm chiến đấu; xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên thực sự trong sạch, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện theo tinh thần Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết 558-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân chủng “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, thường xuyên nâng cao cảnh giác, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống

Trung tướng, TS. LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...