QPTD -Thứ Hai, 06/05/2019, 08:00 (GMT+7)
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp “cướp nước ta một lần nữa”, Đảng ta đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính và thường xuyên bổ sung, phát triển, hiện thực hóa trong thực tiễn chiến đấu. Các văn kiện của Đảng đã nêu bật đường lối kháng chiến với những quan điểm cơ bản và sự chỉ đạo sáng tạo1. Đặc biệt, trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá tình hình, âm mưu của địch trong thực hiện Kế hoạch Na-va cùng những quyết sách đúng đắn, kịp thời và sáng tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau thất bại Chiến dịch Hòa Bình (năm 1951), Tây Bắc (năm 1952), thực dân Pháp chọn tướng H.Na-va (khi ấy là Tham mưu trưởng lục quân Khối NATO) sang làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương. Vị tướng này đề ra kế hoạch quân sự mới mang tên ông ta và được Chính phủ Pháp chấp thuận (7-1953) với hy vọng có thể “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Thực hiện Kế hoạch, quân Pháp mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc Bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn. Cuối năm 1953, Pháp có 84 tiểu đoàn cơ động, trong đó 44 tiểu đoàn đóng ở đồng bằng Bắc Bộ, chiếm 52% số quân cơ động toàn Đông Dương. Tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954, đề ra các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là: chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu để đánh, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng, không thể tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ.

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 11-1953, quân chủ lực ta tiến lên Tây Bắc. Phát hiện tình hình đó, H.Na-va cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (20-11-1953) để bảo vệ Thượng Lào và gấp rút xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, quân ta tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào. Do đó, Pháp phải phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc (Điện Biên Phủ), Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Mặt trận. Trước khi ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao toàn quyền quyết định cho Đại tướng và căn dặn: Chiến dịch này rất quan trọng cả về chính trị và quân sự, phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Tháng 12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, động viên tinh thần chiến đấu, giữ vững quyết tâm giành thắng lợi. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo các địa phương chi viện hậu cần cho mặt trận Điện Biên Phủ. Trên địa bàn Tây Bắc, đồng bào các dân tộc giúp bộ đội lương thực, thực phẩm. Các tỉnh ở Việt Bắc, vùng tự do Liên khu 4 huy động dân công phục vụ Chiến dịch. Trung ương chỉ đạo các chiến trường Tây Nguyên, Liên khu 5, Nam Bộ và các nơi tiến công địch, phối hợp với Điện Biên Phủ. Đồng bằng Bắc Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm suy yếu địch, tiến công địch cả ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng. Chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo phát triển mạnh để “chia lửa” với mặt trận chính Điện Biên Phủ. Như vậy, có thể khẳng định, đường lối lãnh đạo đúng đắn đã tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cùng với đó, vai trò lãnh đạo của Đảng còn được thể hiện ở việc kịp thời thay đổi cách đánh của Đảng ủy Mặt trận. Với tư cách Bí thư Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thảo luận thẳng thắn trong Đảng ủy để đi đến thay đổi cách đánh và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, khi địch còn đứng chân chưa vững, cơ quan tham mưu đã đề nghị phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dốc toàn lực đánh trong 3 đêm, 2 ngày tiêu diệt toàn bộ quân địch. Tại phiên họp đầu tiên của Đảng ủy, Đại tướng đã nêu những khó khăn lớn mà bộ đội ta chưa thể vượt qua, nếu đánh theo phương án đó. Theo dõi suốt 11 ngày đêm, khi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa và những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục, sáng 26-01-1954, Đại tướng đưa ý kiến ra Đảng ủy bàn thay đổi cách đánh. Đảng ủy đã thảo luận sôi nổi và cuối cùng đã đi đến nhất trí chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Về vấn đề này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau viết lại: “Mặc dầu mấy vạn quân ta đã dàn trận, đạn đã lên nòng sẵn sàng nổ súng vào đêm 26 tháng 1, nhưng chúng ta đã kiên quyết dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Quyết định thay đổi phương châm đã được triển khai, sau đó báo cáo về Trung ương bằng thư hỏa tốc, được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và cho biết sẽ động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng”2.

Đại tướng cho rằng, chuyển từ phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc ở thời điểm các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu chờ giờ nổ súng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Ông. Chuyển sang đánh chắc, tiến chắc, “tức là bao vây đánh dần từng bước, tiêu diệt địch từng bộ phận, từ ngoại vi vào tung thâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo đánh thắng địch”. Cần nhấn mạnh rằng, quyết định thay đổi cách đánh đã nhanh chóng được quán triệt từ Đảng ủy Chiến dịch đến các tổ chức đảng, các đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội và từng cán bộ, đảng viên. Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã tập trung lãnh đạo tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động, ra sức chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cách đánh mới.

Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Trước khi bước vào Chiến dịch, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị: Ra sức phá tan mưu mô đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ. Công tác trung tâm trước mắt của toàn thể quân và dân ta là tập trung lực lượng đánh thắng địch trong những trận sắp tới, tiêu diệt nhiều sinh lực địch hơn nữa, làm cho Kế hoạch Na-va của Pháp - Mỹ phải hoàn toàn thất bại. Thực hiện quyết tâm đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã kiên quyết động viên nhân lực, vật lực để thắng giặc, vì thắng lợi lớn của ta trong chiến dịch này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự và chính trị. Ngày 23-02-1954, Bộ Chính trị có thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói rõ sự chỉ đạo của Trung ương đối với vùng địch hậu Bắc Bộ và ở Trung Lào, Hạ Lào. Đồng thời, phát động chiến tranh du kích ở ven đường số 5 đồng bằng Bắc Bộ; phối hợp chặt chẽ lực lượng ở Việt Bắc và Khu Tả ngạn; sử dụng Đại đoàn 320 ở Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Ngày 04-3-1954, Ban Bí thư gửi điện mật cho đồng chí Lê Đức Thọ, Trung ương Cục miền Nam và đồng chí Phạm Hùng, Phân Liên khu ủy miền Đông, chỉ đạo thúc đẩy phong trào ở Nam Bộ và lãnh đạo chặt chẽ đấu tranh bí mật ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 06-3-1954, Trung ương gửi điện mật lưu ý Đảng bộ và nhân dân Liên khu V tiến hành chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích mạnh mẽ. Ngày 09-3-1954, Ban Bí thư chỉ thị việc chống địch bắt lính, đẩy mạnh chiến tranh du kích kết hợp chặt chẽ với chống địch bắt lính, làm suy yếu địch ở các vùng miền để phát triển mạnh cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ và đồng bằng Bắc Bộ.

Hai ngày sau trận đánh mở đầu ở Điện Biên Phủ, ngày 15-3-1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, nêu rõ: “Trung ương và Bác được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của Quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Trung ương và Bác có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”, “Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”3. Khi cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang diễn ra quyết liệt, ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Như vậy, tư tưởng giành toàn thắng là chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự chỉ đạo, hành động bản lĩnh, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sự chiến đấu anh dũng của cán bộ, đảng viên, bộ đội trên toàn Mặt trận; sự chi viện to lớn của hậu phương và phối hợp giữa các chiến trường, sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, ngày 07-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Sau Chiến dịch, với tư thế của người chiến thắng, ngày 08-5-1954, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Sau 75 ngày đàm phán, các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia đã được ký kết và thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị vào ngày 21-7-1954. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ đã giải phóng được một nửa đất nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc để hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 11-5-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thư gửi các cấp ủy và tất cả các đồng chí tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó đã nêu rõ những nhân tố dẫn đến thắng lợi, trước hết là “Có sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ huy kiên quyết vững vàng và chính xác”4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có sự tổng kết sâu sắc và nêu rõ: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, qua 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã làm nên trận Đại thắng Điện Biên Phủ giải phóng nửa nước, tạo điều kiện để 21 năm kháng chiến tiếp theo, làm nên trận toàn thắng mùa Xuân 1975, giải phóng nửa nước còn lại, đưa giang sơn về một mối. Điều trùng lặp kỳ lạ là về thời gian, hai trận quyết chiến chiến lược ấy đều diễn ra trong 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và chiến thắng vẻ vang. Cũng một điều trùng lặp nữa là khi tình thế thay đổi thì cả hai trận đã kịp thời thay đổi quyết định. Trận trước dự định đánh trong 2 ngày 3 đêm đã chuyển sang đánh gần 2 tháng, trận sau dự định đánh trong 2 năm nhưng khi thời cơ đến đã tiến công thần tốc chỉ đánh trong gần 2 tháng”5.

Bài học về sự lãnh đạo của Đảng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nhân tố hàng đầu bảo đảm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong diễn biến phức tạp và khó dự báo của tình hình khu vực và quốc tế.

PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

____________

1 - Cụ thể: Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc của Trung ương Đảng (25-11-1945), Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (12-12-1946), Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946), Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh (1947), Đại hội II của Đảng (02-1951) phát triển hoàn chỉnh đường lối bảo đảm đưa sự nghiệp kháng chiến đi đến thắng lợi.

2 - 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, Nxb Khoa học xã hội, H. 2004, tr. 13.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 53.

4 - Sđd, Tập 15, tr. 97.

5 - 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, Nxb Khoa học xã hội, H. 2004, tr. 16.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 – bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng;...