QPTD -Thứ Bảy, 04/02/2017, 14:19 (GMT+7)
Điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, dân tộc ta. Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Vì thế, nghiên cứu về phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm về tài năng xuất chúng của Người; đồng thời, đó cũng là bài học thiết thực, bổ ích cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. 

Phong cách lãnh đạo của một người được hình thành và hoàn thiện qua trải nghiệm, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn. Phong cách lãnh đạo thể hiện ở phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo. Mỗi nhà lãnh đạo có phong cách khác nhau với những nét độc đáo, riêng biệt; phong cách đó chịu sự tác động, chi phối bởi những điều kiện khách quan và chủ quan.

Hồ Chủ tịch chụp ảnh với các chiến sĩ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong dịp về thăm quê lần thứ hai, ngày 09-12-1961. (Ảnh tư liệu)

Nói đến phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh là nói đến trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của một vĩ nhân, một danh nhân văn hóa. Đó là phong cách lãnh đạo mang đậm tính dân tộc, tính quần chúng, chứa chan lòng yêu nước, thương dân; đồng thời, vẫn thể hiện rõ tính cách mạng, khoa học, hiện đại. Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, cho Đảng cộng sản Việt Nam - một đảng Mác-xít chân chính. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất cơ bản, xuyên suốt trong mọi hoạt động của người cán bộ cách mạng là “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân”, đã là người lãnh đạo thì phải: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”. Người từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”1; “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”2; “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”3; v.v. Điều đó chi phối suy nghĩ và hành động trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh.

Vì thế, nói đến phong cách lãnh đạo của Bác trước hết phải nói đến phong cách quần chúng. Theo Bác, nhà lãnh đạo phải biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của quần chúng; tiếp thu và tích cực sửa chữa khuyết điểm theo ý kiến phê bình của quần chúng. Bác đã nhiều lần phê bình, nhắc nhở: “Là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”4. Vì thế, mặc dù công việc bận rộn nhưng Người vẫn thường xuyên dành thời gian để đi cơ sở nắm tình hình, hòa mình với cuộc sống của quần chúng nhân dân, từ ruộng đồng, mỏ than, nhà máy, xí nghiệp đến nông trường, đơn vị bộ đội; từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo, v.v. Điều đó giải thích vì sao trong các phát biểu của Bác luôn mang đậm thực tiễn cuộc sống, đậm tính nhân văn, đồng cam cộng khổ với khó khăn, vất vả của người lao động. Cùng với đó, Bác luôn tranh thủ thời gian đọc báo, đọc thư của nhân dân để phát hiện những việc cần giải quyết gấp hoặc những ý kiến hay, lưu ý những điển hình tiên tiến cần nhân rộng,… trên cơ sở đó giao cho các cơ quan có trách nhiệm, nghiên cứu và giải quyết.

Khi tiếp xúc với quần chúng, phong cách của Bác thường không câu nệ vào nghi thức của nhà lãnh đạo mà thường xuất hiện với tư cách của một người thân, như người anh, người bạn của dân. Điều đó đã xóa nhòa mọi khoảng cách, tạo sự gần gũi đầm ấm, chan hòa. Vì vậy, Bác luôn được quần chúng nhân dân tin yêu, kính trọng. Mặt khác, Bác cho rằng sự đánh giá của nhân dân là thước đo đúng nhất năng lực, thái độ, ưu điểm, khuyết điểm của người lãnh đạo.

Trong quá trình lãnh đạo, Bác luôn coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách. Thực tế, mỗi quyết định quan trọng liên quan đến chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao,… của đất nước Bác đều đưa ra bàn bạc thấu đáo trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và cao hơn nữa là thông qua các kỳ đại hội của Đảng. Mặt khác, bản thân Bác luôn chấp hành nghiêm mọi quyết định của tập thể. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (06-01-1946), có nhiều người yêu cầu Bác không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới, nhưng Bác đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân. Bức thư viết: “Tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định”5. Bác cũng là nhà lãnh đạo rất giỏi về bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc để phát huy khả năng, sở trường của từng người, Bác thường ví: “dụng nhân như dụng mộc”.

Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở tính nêu gương. Bản thân Bác là một tấm gương về “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Đồng thời, Người luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; nói phải đi đôi với làm. Bác cũng là tấm gương về tự phê bình và phê bình; tạo điều kiện cho người khác góp ý, nói ra sự thật; đồng thời, Bác luôn chỉ rõ các khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Chúng ta thường nghe câu “Bác phê bình các chú,…”, nghe vừa thẳng thắn, vừa chân thành, gần gũi, dễ tiếp thu.

Kiểm tra, giám sát là mặt hoạt động không thể thiếu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và cũng là một trong những điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Người đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, phải thường xuyên coi trọng và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện một cách tốt nhất, thực sự đi vào cuộc sống. Bác chỉ rõ lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo; bởi “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ nǎng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”6. Bác cũng thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Đảng ta là đảng cầm quyền, công việc của Đảng và Nhà nước rất nhiều, muốn hoàn thành tốt mọi việc thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời, cấp ủy đảng phải tǎng cường kiểm tra, giám sát. Vì kiểm tra, giám sát có tác dụng giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, với Nhà nước, điều chỉnh hành động, từ lời nói đến việc làm của mình để từng bước hoàn thiện, làm tấm gương tốt cho nhân dân. Theo Bác “Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm”7. Đã nhiều lần Bác khẳng định: xuất phát từ thực tế công tác kiểm tra, Đảng có thể đề ra chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao. Kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc tình hình, cảnh báo, nhắc nhở cấp dưới kịp thời sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, mà còn giúp người lãnh đạo phát hiện những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng.

Đảng lãnh đạo bằng đường lối. Đó là đường lối mang đậm tính cách mạng và khoa học. Tư duy khoa học và cách mạng cũng là điểm nổi bật, được thể hiện rất rõ trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện ngay trong việc vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đáng quan tâm là Người không vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin theo kiểu máy móc, rập khuôn cứng nhắc, mà cụ thể hóa một cách khoa học, trở nên thực tế, dễ hiểu, dễ nhớ để thực hiện với tất cả mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên. Những vấn đề lý luận cách mạng cũng được Bác luận giải, cụ thể hóa bằng hình ảnh thực tiễn sinh động; thông qua đó, quần chúng nhân dân tự giác lựa chọn, đi theo chủ nghĩa Mác - Lê nin, theo Đảng. Tính cách mạng trong phong cách lãnh đạo của Bác thể hiện rõ trong quá trình chỉ đạo cách mạng Việt Nam ở từng thời điểm khác nhau. Trong các công việc cụ thể Bác không chấp nhận đường mòn, lối cũ, không cố chấp, bảo thủ. Người thường nói: tư tưởng bảo thủ sẽ cột chân, cột tay người ta lại, không thể tiến bộ được. Muốn tiến bộ thì phải đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.

 Hiện nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu rất cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp phải có phong cách lãnh đạo phù hợp, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có trình độ chuyên môn cao; tích cực đổi mới tư duy, có tầm nhìn toàn diện, sâu sắc, v.v. Đặc biệt, phải tích cực, tự giác thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong của Bác về tính quần chúng, dân chủ, tính nêu gương, khoa học, nói đi đôi với làm, v.v. Qua đó, tạo động lực trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những cán bộ chủ trì, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

 Đại tá ThS. NGUYỄN MẠNH DŨNG
__________

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 272.

2 - Sđd, Tập 6, tr. 232.

3 - Sđd, Tập 10, tr. 453.

4 - Sđd, Tập 14, tr. 141.

5 - Sđd, Tập 4, tr. 136.

6 - Sđd, Tập 5, tr. 636.

7 - Sđd, Tập 5, tr. 638.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.