Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 23/07/2015, 16:54 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân khu 1 thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2

Trường Quân sự Quân khu 1 có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhiều đối tượng cho các đơn vị thường trực, cơ quan quân sự các địa phương trên địa bàn Quân khu1. Từ năm 2000, Nhà trường được giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ thuộc đối tượng 2 của 06 tỉnh trên địa bàn và cán bộ thuộc một số bộ, ngành ở Trung ương. Nhận thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp phù hợp.

Trước hết, Nhà trường tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ; hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Trong đó, chú trọng phổ biến, quán triệt Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới”; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Quy định 07-QĐ/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên”; các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, trực tiếp là Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu 1. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Trường trong thực hiện nhiệm vụ này. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, hằng năm, Nhà trường bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu, chủ động phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng của Quân khu và các địa phương để xây dựng kế hoạch mở các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, trình Quân khu phê duyệt. Để nâng cao chất lượng các khóa học, Nhà trường tham mưu với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu rà soát, lựa chọn đối tượng triệu tập, giao chỉ tiêu cụ thể cho các tỉnh và các đơn vị, đảm bảo cân đối, tương xứng về chức danh, tỷ lệ hợp lý giữa cán bộ dân sự với cán bộ quân đội, công an và số lượng học viên từng khóa, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nơi ăn, ở, sinh hoạt của Nhà trường.

Cùng với đó, Nhà trường thành lập Ban nội dung, khung lâm thời,… trực tiếp xây dựng nội dung, chương trình khóa học; điều hành, quản lý, tổ chức duy trì trong suốt thời gian học tập và phân công một cán bộ trong Ban Giám hiệu phụ trách chung. Đồng thời, lựa chọn những nhân viên có trình độ, tinh thần trách nhiệm cao để phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho các học viên. Khi học viên đến nhập học, Nhà trường tổ chức tiếp nhận, nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở; bố trí, sắp xếp học viên thành các lớp, các tổ học tập, phân công lớp trưởng, lớp phó kiêm nhiệm, bảo đảm thuận tiện cho quá trình sinh hoạt, học tập.

Học viên đối tượng 2 phần lớn là cán bộ có trình độ, nhận thức tốt (từ 40% đến 50% có trình độ lý luận chính trị cao cấp), đã có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tại địa phương. Đây là thuận lợi, nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất cao, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải nỗ lực phấn đấu tương xứng với đối tượng học viên. Trước thực tế đó, Nhà trường chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng, phân công giáo viên có trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm tốt để thực hiện nhiệm vụ này. Thời gian qua, việc lên lớp cho đối tượng 2 chủ yếu do các đồng chí trong Ban Giám hiệu, các trưởng, phó khoa và những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm đảm nhiệm. Với các chuyên đề thuộc lĩnh vực an ninh, Nhà trường hiệp đồng với Học viện An ninh nhân dân và Sở Công an tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị, lên lớp. Nhà trường căn cứ vào khả năng, sở trường của giáo viên để lựa chọn, phân công chuyên đề cho phù hợp; với mỗi chuyên đề đều có một giáo viên chính, một giáo viên dự bị cùng soạn bài và thông qua bài giảng; khi lên lớp giáo viên dự bị cùng tham gia. Cách làm này đảm bảo luôn có giáo viên sẵn sàng thay thế trong những tình huống đột xuất; đồng thời, tạo cơ hội để giáo viên tự bồi dưỡng, rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Để bài giảng có chất lượng tốt, trong quá trình chuẩn bị cũng như giảng bài, giáo viên được cung cấp đầy đủ tài liệu, hình ảnh, băng đĩa, phim tư liệu và các thông tin liên quan đến nội dung chuyên đề. Mặt khác, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên tổ chức chặt chẽ việc thông qua bài giảng theo phân cấp từ khoa giáo viên đến Nhà trường2, thực hiện phê duyệt chặt chẽ, giảng thử,... chủ động cập nhật sự phát triển nhiệm vụ quốc phòng - an ninh gắn với thực tế địa bàn Quân khu. Sau mỗi khóa học, Nhà trường thực hiện nghiêm túc việc rút kinh nghiệm, đánh giá thực chất kết quả công tác giảng dạy, học tập; kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung những vấn đề mới cho các khóa học tiếp theo; sàng lọc, thay thế giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó, Nhà trường luôn coi trọng khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ giáo viên, đẩy nhanh việc “chuẩn hoá” cả về học vấn, kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Những năm qua, Nhà trường tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu lựa chọn, cử cán bộ, giáo viên có khả năng, phẩm chất, đạo đức tốt đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Đồng thời, Nhà trường chỉ đạo duy trì nền nếp tập huấn, bồi dưỡng ở các cấp, kết hợp khuyến khích giáo viên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động liên hệ, tổ chức cho giáo viên đi tham quan, nghiên cứu thực tế nhằm gắn lý luận với thực tiễn, Nhà trường với đơn vị và sát với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, v.v. Với những biện pháp đó, đến nay, đội ngũ giáo viên của Nhà trường có 87,8% trình độ đại học và sau đại học; trong đó 51,4% số giáo viên có chứng chỉ sư phạm. Đây là nguồn nhân lực quan trọng, cơ sở để Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 nói riêng.

Trong quá trình giảng dạy, Nhà trường luôn chú trọng vận dụng phương pháp dạy - học tích cực. Trong đó, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, biên soạn giáo án điện tử; tăng cường trao đổi, thảo luận, nêu vấn đề, đối thoại, gợi mở, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm để học viên củng cố lý luận, gắn lý luận với thực tiễn. Thông qua các buổi thảo luận không chỉ làm rõ thêm phần lý luận mà còn là dịp để các học viên trao đổi, học tập lẫn nhau về kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các địa phương, nhất là trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Trong thời gian các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Nhà trường đều mời Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 1 xuống dự khai giảng, bế giảng và nói chuyện, nhằm động viên và bổ trợ kịp thời những kiến thức, thông tin mới về lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Đồng thời, tổ chức cho học viên đi tham quan, nghiên cứu, học tập thực tế tại các đơn vị Quân đội, một số địa phương, nhà máy, xí nghiệp tiêu biểu, giúp học viên hiểu rõ hơn về truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu; khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy; công tác xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên trong tình hình mới; những mô hình kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh của các đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu. Cùng với đó, Nhà trường còn tích cực đổi mới nội dung; chú trọng việc cập nhật kiến thức, thông tin mới và liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn; làm rõ mối liên hệ giữa quốc phòng - an ninh với chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, khoa học công nghệ, môi trường.

Nhằm đánh giá khách quan, trung thực kết quả dạy - học, Nhà trường chỉ đạo khi kết thúc 50% số chuyên đề, tổ chức kiểm tra cụm chuyên đề, đánh giá sơ bộ kết quả học tập. Qua đó, rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung nội dung, điều chỉnh phương pháp truyền đạt của giáo viên. Kết thúc chương trình, Nhà trường tổ chức chặt chẽ viết thu hoạch, đánh giá chung kết quả của khóa học. Chủ đề viết thu hoạch của các khóa thường xuyên thay đổi, theo hướng bám sát nội dung các chuyên đề, chú trọng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, đề ra các giải pháp và liên hệ trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ở địa phương, cơ quan, tổ chức. Nhờ vậy, chất lượng các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đạt kết quả tốt, được Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu đánh giá cao. Từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã tổ chức được 32 khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 2.656 lượt cán bộ thuộc đối tượng 2, kết quả các khóa học đều có 100% đạt khá, giỏi; trong đó, tỷ lệ giỏi trên 43%.

Do số lượng cán bộ thuộc đối tượng 2 lớn, trong khi đó, điều kiện của Nhà trường, nhất là về cơ sở vật chất, nơi ăn ở, học tập chưa đáp ứng nhu cầu; để hoàn thành việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng này theo quy định, Nhà trường đã tham mưu với Quân khu và liên kết phối hợp với các tỉnh mở các lớp bồi dưỡng ngay tại trường quân sự tỉnh. Nhà trường chỉ đạo cơ quan phối hợp chặt chẽ với Phòng Dân quân tự vệ Quân khu và các Ban Dân quân tự vệ của Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của Nhà trường và địa phương, hiệp đồng rõ thời gian, địa điểm mở lớp; thống nhất nội dung, chương trình giảng dạy; cách thức viết thu hoạch, chấm điểm đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho học viên. Nhờ đó, các lớp bồi dưỡng tại địa phương đều được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện để cán bộ vừa học tập, vừa kết hợp giải quyết công việc theo chức trách.

Bên cạnh đó, Nhà trường luôn quan tâm bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Nhà trường chỉ đạo khai thác có hiệu quả các nguồn kinh phí, vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các phòng học chuyên dùng và bảo đảm ngày càng tốt hơn nhu cầu về ăn, ở, sinh hoạt, học tập của học viên. Hiện nay, Nhà trường đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, nhằm thực hiện tốt hơn công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 nói riêng và công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn nói chung.

Với việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Trường Quân sự Quân khu 1 đã góp phần nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tạo mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang Quân khu với cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Đại tá HOÀNG NGỌC HOA, Hiệu trưởng
______________

1 - Nhà trường đang đào tạo 14 đối tượng với 27 chuyên ngành.

2 - 100% bài giảng được thông qua Hội đồng của Nhà trường.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...