Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 21/05/2015, 09:20 (GMT+7)
Trọng tâm đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Học viện Biên phòng

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung nói chuyện với các học viên Học viện Biên phòng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Ảnh: bqp.vn)

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng và từ yêu cầu bảo vệ biên giới quốc gia trong quá trình hội nhập, đòi hỏi người cán bộ biên phòng phải có kiến thức toàn diện cả về nghiệp vụ công tác biên phòng, tuyên truyền, vận động nhân dân, phổ biến, giáo dục pháp luật, v.v. Vì vậy, việc trang bị kiến thức theo yêu cầu nhiệm vụ cho học viên trong quá trình học tập tại Học viện Biên phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng; trong đó, có nội dung về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, Luật Biên giới Quốc gia, quy định về bảo vệ đường biên, mốc giới, phong tục, tập quán địa phương, v.v. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cùng với việc đổi mới chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Biên phòng thường xuyên quan tâm trang bị cho học viên những kiến thức cần thiết về pháp luật và công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, làm cơ sở cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ sau khi ra trường; đồng thời, tạo bước đột phá trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy định trong quá trình đào tạo.

Trước hết, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 63/2008/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân và lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ; Chỉ thị 04/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và các chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với những nội dung, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm của Học viện và từng đối tượng; người chỉ huy cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật sát với chức trách, nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện, Học viện đã phát huy tốt vai trò của Khoa Pháp luật và Phòng Chính trị trong việc tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tiến hành đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực, Học viện đã giao cho Khoa Pháp luật chịu trách nhiệm chính về việc đề xuất nội dung, chương trình, kế hoạch, biên soạn tài liệu, giảng dạy cho các đối tượng; đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình giảng dạy chính khóa phù hợp với từng chuyên ngành, v.v. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn, duy trì hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Học viện; phát huy vai trò của cán bộ, chỉ huy các cấp và các tổ chức quần chúng, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội đồng quân nhân; lấy kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một tiêu chí đánh giá thành tích, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân. Qua đó, đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên, đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào nền nếp, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, làm cho văn hóa pháp luật thấm sâu vào mọi lĩnh vực hoạt động của Học viện.

Trọng tâm đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Học viện Biên phòng là xây dựng nội dung, chương trình sát, đúng với từng đối tượng. Trên cơ sở xác định mục đích, yêu cầu, nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật vừa đáp ứng quy định của trên, yêu cầu hoạt động của Bộ đội Biên phòng, vừa phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Học viện và tình hình đội ngũ học viên. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng động cơ học tập đúng đắn cho học viên và bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên. Học viện tập trung giáo dục các chuyên đề pháp luật, như: Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định 162/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định 169/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị định 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa. Cùng với đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Học viện còn phối hợp với các đơn vị tuyên truyền những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Quốc phòng, v.v. Ngoài việc thực hiện nội dung, chương trình giáo dục theo quy định của trên, Học viện còn xác định thêm một số nội dung liên quan đến việc quản lý bộ đội, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật và các quy định của Nhà trường. Qua đó, trang bị cho cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện. Trên địa bàn đóng quân và hai xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (địa phương do Học viện giúp đỡ xây dựng nông thôn mới năm 2014), Học viện đã xác định những trọng điểm để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho nhân dân, như: Hiến pháp năm 2013; các quy định về phòng, chống mua bán người; phòng, chống ma túy; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường; Luật Giao thông đường bộ; Luật Đất đai,… và cử cán bộ, học viên, chiến sĩ tham gia các đợt tuyên truyền, diễu hành, phát tờ rơi, cổ động nhân Ngày Phòng, chống ma túy (26-6) do địa phương tổ chức. Đối với cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tây Bắc (nơi Học viện đỡ đầu), Học viện lựa chọn những nội dung phù hợp với trình độ của đối tượng để tuyên truyền, giáo dục. Riêng với Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Trường Đại học Tây Bắc, Học viện chỉ đạo đưa nội dung Luật Biên giới quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Nghĩa vụ quân sự vào giảng dạy ngoại khóa cho sinh viên.

Nhằm thu hút, tạo sự hấp dẫn đối với công tác này, Học viện thường xuyên đổi mới phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo các đơn vị vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền miệng, tổ chức học tập các chuyên đề pháp luật, thi tìm hiểu, tọa đàm, diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin, hình ảnh trực quan. Nhờ đó, đã đưa công tác này đi vào đời sống, hoạt động, công tác của bộ đội, thu hút đông đảo học viên tham gia. Đồng thời, duy trì nghiêm hoạt động Ngày pháp luật hằng tháng; tăng cường khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả sách, báo pháp luật; đầu tư kinh phí, bổ sung, nâng cấp tủ sách, ngăn sách pháp luật thông qua khai thác từ nhiều nguồn. Ngoài ra, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt”, “Thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Thanh niên xung kích trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm”, “Học viện Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới” và các cuộc vận động “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác đối với Bộ đội Biên phòng”, v.v. Qua đó, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên, hội viên tham gia, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, phong phú để đào tạo ra đội ngũ cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên” cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Nhận thức rõ đội ngũ giảng viên là lực lượng quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác này. Hằng năm, Học viện chỉ đạo các đơn vị làm tốt việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là cán bộ, giảng viên trực tiếp giảng dạy bộ môn pháp luật và cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm, cử cán bộ, giảng viên đi học tập, bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội và tổ chức bồi dưỡng tại chức. Đến nay, 100% giảng viên Khoa Pháp luật của Học viện có trình độ cử nhân luật trở lên (trong đó, tiến sĩ luật: 11,54%, thạc sĩ luật: 30,77%), cùng hàng chục cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm có trình độ đại học, sau đại học về luật và báo cáo viên kiêm nhiệm là cán bộ chính trị các đơn vị trực tiếp tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên pháp luật của Học viện không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu triển khai kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của Nhà trường.

Có thể khẳng định, với những giải pháp thiết thực, trong những năm qua, Học viện Biên phòng đã làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ. Tình hình chấp hành kỷ luật của các đối tượng trong Học viện được nâng cao, các vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường giảm, không có vụ việc nghiêm trọng xảy ra; nội bộ đoàn kết, thống nhất. Với kết quả đó, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực và là cơ sở để Học viện Biên phòng được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Cờ Thi đua Quyết thắng (năm 2014) và “Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng trong Bộ đội Biên phòng” 5 năm (2009 - 2014).

Đại tá, PGS, TS. ĐINH TRỌNG NGỌC, Chính ủy Học viện

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...