Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 20/03/2017, 08:42 (GMT+7)
Quân khu 3 thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh

Giáo dục quốc phòng và an ninh là mặt công tác thường xuyên, quan trọng; đồng thời là nội dung không thể thiếu của quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn Quân khu. Nhận thức rõ điều đó, Quân khu 3 đã phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả công tác quan trọng này.

Quân khu 3 là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Vì vậy, thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Để thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Quân khu chỉ đạo các địa phương, đơn vị quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng, tăng cường quốc phòng và an ninh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị (khóa X); các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; các văn bản chỉ đạo của các bộ, liên bộ, ban, ngành Trung ương, Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, v.v. Từ đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể, của cả hệ thống chính trị đối với công tác quan trọng này.

Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh Hà Nam năm 2016. (Ảnh: hanam.gov.vn)

Để triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Quân khu, các tỉnh, thành phố thường xuyên coi trọng củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò tham mưu, tư vấn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Thời gian qua, sau đại hội Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, nhân sự của nhiều chức danh thay đổi, Quân khu đã tập trung chỉ đạo các địa phương nhanh chóng củng cố, kiện toàn đảm bảo Hội đồng đủ số lượng, đúng thành phần; tiến hành phân công nhiệm vụ cho các thành viên và ban hành quy chế, duy trì nền nếp hoạt động. Hội đồng các cấp hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả cao, phương pháp có sự đổi mới phù hợp với thực tiễn địa phương, nhất là thực hiện nền nếp thanh tra, kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh theo phân cấp1, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, Quân khu chú trọng phát huy vai trò của cơ quan quân sự các cấp (với chức năng là cơ quan thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các địa phương) trong việc tham mưu, hướng dẫn, làm trung tâm phối hợp, hiệp đồng. Nhờ có sự định hướng, chỉ đạo sát sao, cơ quan quân sự các địa phương trên địa bàn đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên, tình hình địa bàn, từ đó tham mưu, đề xuất với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp, hiệu quả, sáng tạo trong tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Nhiều địa phương thuộc Quân khu đã chủ động đột phá trong mở rộng đối tượng bồi dưỡng, tạo ra những mô hình mới để nhân rộng và được các địa phương trong cả nước tham quan, học tập kinh nghiệm. Quân khu là địa bàn đầu tiên trong cả nước thực hiện giáo dục quốc phòng, an ninh cho đối tượng là chức sắc, chức việc các tôn giáo, chủ tàu thuyền, chủ doanh nghiệp, trưởng các dòng họ, v.v. Trong đó, chú trọng địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, tuyến đảo Đông Bắc và đạt kết quả tích cực. Qua đó, đưa công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Quân khu vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ chủ trì ở địa phương, ban, ngành, được Quân khu đặc biệt chú trọng. Xuất phát từ thực tế số lượng đối tượng lớn, đa dạng, địa bàn rộng, Quân khu chỉ đạo các địa phương thực hiện bồi dưỡng theo phân cấp và kết hợp nhiều hình thức bồi dưỡng theo phương châm trên, dưới cùng làm. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương rà soát nắm chắc số lượng, phân loại đối tượng bồi dưỡng theo Nghị định 13/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là đội ngũ cán bộ được bổ nhiệm vào các chức vụ sau đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng đảm bảo chặt chẽ, phù hợp; đồng thời, thông báo sớm cho đối tượng và đơn vị có liên quan để chủ động bố trí thời gian, công việc, đảm bảo quân số cao nhất. Theo đó, ngoài số cán bộ thuộc đối tượng 1 do Trung ương triệu tập bồi dưỡng, Quân khu và các địa phương chủ động mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo phân cấp. Quá trình thực hiện, Quân khu chú trọng phát huy vai trò của Trường Quân sự Quân khu, Trường Quân sự các tỉnh, thành phố, Trường Chính trị cấp tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện, v.v. Năm 2016, Quân khu cử 21 cán bộ đối tượng 1 tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh tại Học viện Quốc phòng; đồng thời, tổ chức 6 lớp đối tượng 2 cho 518 đồng chí. Các địa phương, đơn vị tổ chức 45 lớp đối tượng 3 cho 4.313 đồng chí (trong đó, có 17 lớp cho 853 cán bộ quân đội và 04 lớp cho 480 cán bộ công an); 608 lớp đối tượng 4 cho 60.387 cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp; 3 lớp cho 549 vị chức sắc và 11 lớp cho 1.371 chức việc, trưởng các dòng họ; 130 lớp cho đối tượng khác với 8.080 người là cán bộ công đoàn các doanh nghiệp, chủ nhà hàng, nhà trọ, thanh niên sau khám tuyển nghĩa vụ quân sự, học sinh tham gia “Học kỳ Quân đội”, v.v.

Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân được Quân khu đẩy mạnh thực hiện theo hướng mở rộng, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Các địa phương đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, thực hiện hướng mạnh về cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chú trọng phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống đài truyền thanh, phát thanh ở 3 cấp và đài truyền hình cấp tỉnh, thành phố. Báo Quân khu và các báo, đài địa phương thường xuyên duy trì chuyên mục, chuyên trang Quốc phòng toàn dân, giáo dục quốc phòng và an ninh với thời lượng phù hợp, chất lượng tốt. Nội dung tuyên truyền, phổ biến được Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy và Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp định hướng, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động quân sự, quốc phòng, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn. Để công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đạt hiệu quả, các địa phương đã làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; thực hiện đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, kết hợp tuyên truyền trực tiếp với gián tiếp, coi trọng lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến vào các sự kiện chính trị, lễ hội trên địa bàn, hoạt động của đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, v.v. Nhờ đó, kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn Quân khu ngày càng vững chắc.

Cùng với đó, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu phối hợp với các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên. Trước thực tế số lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn lớn, trong khi giáo viên giảng dạy môn học này thiếu và mất cân đối, các địa phương trên địa bàn đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt trong việc đào tạo, ưu tiên tuyển dụng, xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường; đồng thời, đầu tư ngân sách để nâng cấp, xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập môn học ở các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề,… trên địa bàn Quân khu cơ bản bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh2 và tổ chức giảng dạy môn học này cho học sinh, sinh viên theo phân phối chương trình, đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2015 đến nay, Quân khu đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn theo Quyết định 161/QĐ-TTg, ngày 30-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên. Trong năm học 2015 - 2016, 504 nhà trường trên địa bàn Quân khu đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho 584.658 lượt học sinh, sinh viên, kết quả đạt khá. Đặc biệt, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Trường Quân sự Quân khu, Trường Quân sự các tỉnh: Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình đã triển khai thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh cho trên 1.780 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, đảm bảo chất lượng tốt. Thông qua học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh, đã góp phần bồi đắp, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho học sinh, sinh viên về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Môn học không chỉ trang bị cho học sinh, sinh viên ý thức, kiến thức quân sự, quốc phòng, mà còn trực tiếp rèn luyện, xây dựng phong cách, nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập. Đây là một trong những cơ sở để Quân khu thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn; nhất là trong tuyển quân. Vì thế, những năm gần đây, tỷ lệ công dân trên địa bàn nhập ngũ có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng cao.

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở Quân khu 3 đã và đang triển khai đạt hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở kết quả và những kinh nghiệm rút ra qua quá trình tổ chức thực hiện, Quân khu 3 tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị,... không ngừng nâng cao hiệu quả giáo dục quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thiếu tướng NGUYỄN QUANG CƯỜNG, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu
___________

1 - Năm 2016, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu đã kiểm tra các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam. Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu kiểm tra 07 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nam Định, Hà Nam và các trường Cao đẳng nghề Số 3 và 20.

2 - Hiện nay, trên địa bàn Quân khu có trên 1.600 giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; trong đó, có 250 người được đào tạo dài hạn, đạt chuẩn về giáo dục quốc phòng và an ninh.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...