Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 23/01/2014, 15:32 (GMT+7)
Lữ đoàn 971 tăng cường giáo dục pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông

Lữ đoàn 971 là đơn vị vận tải chiến lược thuộc Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần; có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, tổ chức vận chuyển hàng, chuyển quân cho các đơn vị trên địa bàn miền Bắc và vận chuyển quốc tế. Hằng năm, đơn vị phải đảm nhiệm vận chuyển lượng hàng hóa lớn, có loại mang tính chất nguy hiểm, dễ cháy, nổ; phương thức vận chuyển đa dạng, khi tập trung, khi nhỏ lẻ, độc lập; thời gian vận chuyển dài, sử dụng nhiều phương tiện trong cùng một thời điểm1. Trong khi đó, trang bị, phương tiện vận tải của đơn vị đã qua sử dụng nhiều năm, chủng loại đa dạng, không đồng bộ. Đội ngũ lái xe (ĐNLX) thường xuyên biến động, trình độ tay nghề không đồng đều,… Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, Đảng ủy, chỉ huy (ĐU,CH) Lữ đoàn xác định: một trong những giải pháp cơ bản là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật (GDPL), nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, nhất là Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS); coi đây là việc làm thường xuyên, thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, trực tiếp là của đội ngũ cán bộ chính trị và cơ quan chính trị Lữ đoàn.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 971 tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông. (Nguồn:qdnd.vn)

Trước hết, ĐU,CH Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác GDPL, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT); trực tiếp là Nghị quyết 437-NQ/ĐU, ngày 02-4-2008 của Đảng ủy Cục Vận tải về “Lãnh đạo tăng cường GDPL, quản lý, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn đơn vị và ATGT”. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Lữ đoàn ra Nghị quyết 348-NQ/ĐU, ngày 14-4-2008, xác định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ, phân công đảng ủy viên theo dõi, chỉ đạo từng nội dung. Chỉ huy đơn vị cụ thể hóa các chỉ tiêu của Nghị quyết thành kế hoạch hoạt động phù hợp với chức trách, nhiệm vụ và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; coi “giữ vững ATGT” là một trong những khâu đột phá để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, trong “Tháng ATGT” hằng năm, các cấp ủy đều có nghị quyết chuyên đề, xác định những chủ trương, biện pháp, chỉ tiêu có tính khả thi cao, nhằm lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác GDPL; gắn công tác này với giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, chủ động, tự giác trong công việc của từng CB,CS.

Trên cơ sở chương trình, nội dung học tập, giáo dục theo hướng dẫn của trên, ĐU,CH Lữ đoàn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai học tập các nội dung GDPL phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị. Là đơn vị vận tải cơ giới, nên nội dung giáo dục được Lữ đoàn tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến thực thi pháp luật trong đảm bảo ATGT, như: Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tham nhũng; Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Nghị quyết 32/NQ-CP, Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm ATGT; Chỉ thị 108/CT-BQP, Chỉ thị 128/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Kế hoạch 3610/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 50 Bộ Quốc phòng hướng dẫn tổ chức thực hiện “Năm ATGT”. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và hiểm họa đối với người điều khiển phương tiện giao thông; nâng cao hiểu biết các tiêu chí về “Văn hóa giao thông” cho ĐNLX,… Với việc triển khai nghiêm túc, trách nhiệm cao, hằng năm, Lữ đoàn đều hoàn thành 100% nội dung GDPL theo quy định, quân số học tập bảo đảm từ 97% trở lên; kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 80% khá, giỏi. Thông qua giáo dục, nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị được nâng lên; ý thức trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông của ĐNLX có chuyển biến tích cực; những vụ mất ATGT giảm bớt.

Để đảm bảo ATGT, ĐU,CH Lữ đoàn chú trọng kết hợp chặt chẽ GDPL với thực hiện đảm bảo kỹ thuật, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho ĐNLX. Học tập và kiểm tra Luật Giao thông đường bộ là chế độ, việc làm thường xuyên của Đơn vị. ĐU,CH Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan Kỹ thuật thường xuyên cập nhật những tài liệu mới về Luật Giao thông đường bộ và các quy định của ngành Xe - Máy quân sự để phổ biến, giáo dục, quán triệt kịp thời đến CB,CS, ĐNLX, thợ sửa chữa. Các chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật, bảo quản, bảo dưỡng được duy trì nghiêm túc, thường xuyên, trở thành ý thức, thói quen tự giác của từng tập thể, cá nhân. Theo đó, hằng ngày, các đơn vị duy trì “Giờ Kỹ thuật”; trong tuần, duy trì “Ngày Kỹ thuật”; hằng quý có “Ngày Hội kỹ thuật”. Trong thời gian đó, ngoài nội dung kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng xe, máy, chỉ huy các đơn vị còn kết hợp kiểm tra kiến thức pháp luật, các quy định về đảm bảo ATGT đối với từng cá nhân và 01 hoặc 02 đơn vị trực thuộc. Đồng thời, duy trì thành nền nếp việc ôn luyện, kiểm tra Luật Giao thông đường bộ vào chiều thứ năm của tuần cuối tháng. Qua kiểm tra, đơn vị phát hiện những hạn chế trong nhận thức về pháp luật của từng tập thể, cá nhân để có biện pháp uốn nắn và xử lý kịp thời. Do vậy, những năm gần đây, kết quả học tập Luật Giao thông đường bộ của Lữ đoàn ngày càng được nâng cao; bộ đội nắm chắc các quy định của Ngành.

Cùng với đó, ĐU,CH Lữ đoàn lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm kỹ thuật, nắm chắc chất lượng xe, máy; thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, kiểm định xe quân sự theo quy định; kiên quyết không cho lưu thông những xe không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Ngoài ra, Lữ đoàn luôn quan tâm bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho ĐNLX thông qua bổ túc tay lái tập trung và bổ túc tay lái kết hợp trong vận chuyển; chủ yếu cho số lái xe yếu, lái xe trẻ, mới ra trường, theo phương châm: “Rèn luyện, giáo dục trong từng nhiệm vụ, trên mỗi cung đường, địa hình”. Một trong những biện pháp mang lại hiệu quả cao được Đơn vị thực hiện thường xuyên là luân chuyển lái xe giữa xe sẵn sàng chiến đấu với xe thường xuyên để ĐNLX không phải nghỉ giãn cách quá dài, ảnh hưởng đến trình độ lái; qua đó, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt, vừa bổ túc tay lái, vừa tạo ý thức tham gia giao thông tốt, đem lại sự đồng đều về trình độ tay nghề cho ĐNLX. Ngoài ra, Lữ đoàn còn quy định rõ: ĐNLX khi tham gia giao thông phải có đủ giấy tờ theo xe, sức khỏe tốt; không uống rượu, bia và nắm chắc các quy định về ATGT; thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy. Đây thực sự là một biện pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tính chất nhiệm vụ của đơn vị, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong chấp hành quy định ATGT của CB,CS trong Lữ đoàn.

Gắn GDPL với tăng cường các biện pháp quản lý kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy, thực hiện tốt các quy định bảo đảm ATGT là một trong những biện pháp được ĐU,CH Lữ đoàn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả. Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trên và Nghị quyết của Đảng ủy Lữ đoàn, các cơ quan, đơn vị đã duy trì nghiêm các chế độ, quy định, đẩy mạnh xây dựng chính quy, tăng cường quản lý, rèn luyện kỷ luật; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong lái xe, xây dựng đơn vị an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để CB,CS phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do phải thường xuyên vận chuyển hàng hóa, tham gia giao thông với số lượng xe, máy nhiều, trên quãng đường dài, địa hình phức tạp, lưu lượng phương tiện đông (ngày lễ, Tết), dễ xảy ra mất an toàn, nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đơn vị thực hiện nghiêm việc giao nhiệm vụ, tổ chức chỉ huy chặt chẽ; tiến hành kiểm tra xe trước, trong và sau vận chuyển, kịp thời khắc phục những lỗi kỹ thuật, đảm bảo vận hành xe an toàn. Đồng thời, duy trì nghiêm kỷ luật hành quân, trú quân; thực hiện đúng quy định về đội hình, tốc độ, cự ly giữa các xe. Ngay trong quá trình vận chuyển, Đơn vị cũng không coi nhẹ việc đôn đốc, nhắc nhở ĐNLX về trách nhiệm, khó khăn, thuận lợi và đặc điểm của mỗi cung, chặng giao thông; đồng thời, cập nhật kịp thời những thông tin về ATGT để họ rút kinh nghiệm. Trong quản lý ĐNLX, Lữ đoàn kết hợp biện pháp giáo dục, thuyết phục với thực hiện những quy định bắt buộc, như: không thuộc Luật Giao thông đường bộ thì không giải quyết cho CB,CS nghỉ tranh thủ thứ bảy, chủ nhật và yêu cầu ở lại để ôn luyện. Vì vậy, ý thức tự giác, tự học, tự rèn của ĐNLX được nâng lên; những biểu hiện ngại học, thiếu tu dưỡng, rèn luyện được khắc phục.

Tổ chức thực hiện tốt các phong trào, hội thi, cuộc vận động là biện pháp thiết thực để đánh giá chất lượng công tác GDPL, bảo đảm ATGT. ĐU, CH Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Xây dựng đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng môi trường văn hóa”; đầu tư vật chất, công sức xây dựng hệ thống pa-nô, khẩu hiệu, bảng điện tử, nâng cấp hệ thống nghe, nhìn,… góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDPL. Kết quả học tập Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo ATGT được xác định là tiêu chí chấm điểm thi đua của các đơn vị và là một căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, Đơn vị còn phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng tham gia công tác GDPL, thông qua các diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu, như: “Thanh niên với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Nếp sống đẹp, kỷ luật nghiêm”; xây dựng mô hình: “Chuyến xe thanh niên”, “Nhà xe thanh niên”,… Qua đó, vừa tạo ra “sân chơi” lành mạnh, bổ ích cho CB,CS trong Lữ đoàn, vừa góp phần đổi mới hình thức, phương pháp GDPL, bảo đảm ATGT.

Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và ATGT” được ĐU,CH Lữ đoàn xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện, vững chắc; trở thành ý thức thường trực và việc làm thường xuyên của mỗi CB,CS trong đơn vị. Theo đó, Ban Chỉ đạo 50 của các cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn luôn được kiện toàn về số lượng, có chất lượng tốt, đảm bảo hợp lý về cơ cấu, giúp ĐU,CH Lữ đoàn tổ chức triển khai tốt các mục tiêu của Cuộc vận động. Đối với mục tiêu đảm bảo ATGT, đơn vị đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, từ giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm, đến giải pháp về kỹ thuật và hành chính quân sự. Nhờ vậy, phong trào thi đua học tập và tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các đơn vị. Đối với những trường hợp xảy ra mất an toàn, Đơn vị chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời, nghiêm túc; lấy đó làm bài học sâu sắc để giáo dục CB,CS chấp hành nghiêm pháp luật, quy định khi tham gia giao thông.

Nhờ thực hiện có nền nếp các biện pháp trên, ý thức tham gia giao thông của CB,CS toàn Lữ đoàn được nâng cao, tình hình ATGT của Đơn vị luôn đảm bảo tốt, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Năm 2013, Lữ đoàn vận chuyển được trên 30.000 tấn hàng hóa, gần 20 vạn lượt người, đạt sản lượng 2,5 triệu ki-lô-mét an toàn. Những biện pháp kể trên sẽ được ĐU,CH Lữ đoàn tiếp tục thực hiện sáng tạo trong “Năm ATGT 2014”, để luôn xứng đáng là đơn vị vận tải chiến lược của Quân đội.

Đại tá NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Chính ủy Lữ đoàn
__________

1 - Hằng ngày, có từ 30 đến 50 xe ô tô các loại, có thời điểm gần 100 xe tham gia giao thông.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...