QPTD -Thứ Năm, 21/01/2021, 08:16 (GMT+7)
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Đây là vấn đề luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta và được xác định đầy đủ trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Độc lập, tự chủ là năng lực của quốc gia trong giữ vững chủ quyền và sự tự quyết về đối nội, đối ngoại, bảo vệ lợi ích quốc gia, không bị sự thống trị, lệ thuộc, chi phối mang tính cưỡng bức, áp đặt từ bên ngoài. Quốc gia độc lập, tự chủ là quốc gia có quyền quyết định việc lựa chọn con đường, mô hình phát triển, chế độ chính trị, độc lập, tự chủ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong đó, độc lập, tự chủ về kinh tế là nền tảng vật chất cơ bản để giữ vững độc lập, tự chủ về chính trị và tăng cường độc lập, tự chủ của quốc gia; không thể có độc lập, tự chủ về chính trị trong khi lệ thuộc về kinh tế. Tuy nhiên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ không có nghĩa là khép kín, tách bạch với khu vực và thế giới mà được thực hiện thông qua việc phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với ngoại lực, phù hợp với yêu cầu trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế là quan điểm nhất quán, thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Đảng trong điều kiện mới. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta luôn nhất quán, vận dụng sáng tạo, phù hợp chủ trương: giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài; xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), xác định: “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, nêu rõ: “Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập nhằm tạo dựng sức mạnh dân tộc; trong đó, nội lực là quyết định; tranh thủ yếu tố ngoại lực và thời đại có vai trò quan trọng. Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 01/4/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, chủ trương: hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.

Đại hội XII (năm 2016), xác định: “chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế,… kết hợp hiệu quả ngoại lực và nội lực, gắn hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”2. Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chủ trương: tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về hội nhập kinh tế quốc tế, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. “Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 517 tỷ USD năm 2019, năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đạt khoảng 527 tỷ USD, tương đương trên 190% GDP. Xuất khẩu tăng nhanh, từ 72,2 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 267 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân khoảng 14% năm, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế”3, v.v. Đó là minh chứng khẳng định chủ trương nhất quán, đúng đắn, sáng tạo của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời gian tới, dự báo toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc; luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn; kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19; sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến khó đoán định. Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế và nguy cơ tụt hậu; độ mở cửa nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn mức độ, v.v. Trong bối cảnh đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, xác định: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế”4, thể hiện sự nhất quán, kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Đảng, phù hợp với tình hình mới.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế là sự cụ thể hóa việc nắm vững và xử lý một trong những nội dung quan trọng là kinh tế trong mối quan hệ “giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”5. Đây là hai phạm trù khác nhau, nhưng có mối quan hệ biện chứng; trong đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước đều thống nhất với nhau ở mục tiêu cuối cùng là vì lợi ích của quốc gia - dân tộc. Mục tiêu của hội nhập kinh tế quốc tế là nhằm phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân và để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là cơ sở, điều kiện bảo đảm cho nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Với lẽ đó, Đảng ta đã đưa nội dung “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”; “nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế” trong cùng Mục IV: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII là đúng đắn, phù hợp, thể hiện sự nhất quán của Đảng trong nắm vững và xử lý các quan hệ lớn. Để thực hiện tốt, trong những năm tới, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đồng bộ một số yêu cầu và giải pháp trọng tâm sau:

1. Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm đổi mới, bảo đảm cho xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài. Hiện nay, “Nhiều doanh nghiệp nhà nước… hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp; tình trạng nợ, thua lỗ, lãng phí còn lớn… Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu”6. Vì vậy, cần phải thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, bảo đảm tốt an ninh kinh tế và không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, khả năng chống chịu trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.

3. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, qua đó, vừa khai thác tiềm năng, lợi thế của các thị trường, vừa tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác, nhất là khi thị trường hay đối tác đó có sự biến động.

4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Những năm qua, thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều điều ước, cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện. Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

5. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước từng giai đoạn. Hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm nhiều hình thức với mức độ và yêu cầu khác nhau, như: thỏa thuận thương mại ưu đãi, khu vực thương mại tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung, liên minh kinh tế, v.v. Vì vậy, cần phải thực hiện nhiều hình thức với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, khả năng và mục tiêu của đất nước từng giai đoạn, góp phần tích cực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

6. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, am hiểu sâu về luật pháp, thương mại, đầu tư, văn hóa, ngoại ngữ,… đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế, giải quyết các tranh chấp, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự
__________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 102.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 111.

3 - Báo Nhân dân, số 23740, ngày 20/10/2020 – Phụ trương đặc biệt, tr. 06.

4 - Sđd, tr. 03.

5 - Sđd, tr. 03.

6 - Báo Nhân dân, số 23740, ngày 20/10/2020 – Phụ trương đặc biệt, tr. 01.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.