QPTD -Thứ Sáu, 04/12/2020, 08:55 (GMT+7)
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI
Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội dự Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức chặt chẽ, đúng nguyên tắc và thành công tốt đẹp, thực sự là đại hội mẫu mực, tiêu biểu, tạo sự lan tỏa tích cực trong toàn Đảng. Thành công của Đại hội là dấu mốc quan trọng, tiếp tục khẳng định sự đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh chính trị, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới lá cờ vẻ vang của Đảng; đồng thời, thể hiện quyết tâm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, sẵn sàng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đại hội đã tổng kết, đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong đó, xác định đẩy mạnh thực hiện ba đột phá về tổ chức, biên chế; huấn luyện và đào tạo; xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật và cải cách hành chính. Đây là những vấn đề cơ bản, cấp thiết, tạo nền tảng vững chắc để toàn quân thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.

Trong 05 năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã đoàn kết, chủ động bám sát thực tiễn, đề cao trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác. Chủ động, nhạy bén, nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước kiên quyết, linh hoạt, xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ; xây dựng, ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng về quân sự, quốc phòng, góp phần hoàn thiện, phát triển tư duy lý luận, đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Tiềm lực quốc phòng của đất nước được tăng cường; tiềm lực quân sự được đầu tư xây dựng về mọi mặt; tiềm lực chính trị - tinh thần được nâng cao, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và đồng thuận xã hội tăng lên. Trước diễn biến phức tạp của tình hình, Quân đội nhân dân luôn vững vàng, kiên định, chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững môi trường “trong ấm, ngoài êm” để xây dựng và phát triển đất nước. Phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19 và giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn vừa qua, với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, kịp thời có mặt ở những nơi gian khó, phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống; khẳng định vai trò của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, xứng đáng là Quân đội của dân, do dân, vì dân, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng được tỏa sáng.

Trong đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện ba đột phá về điều chỉnh tổ chức, biên chế; huấn luyện và đào tạo; xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật và cải cách hành chính. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ, chủ trương thực hiện ba đột phá là nhằm bảo đảm tính phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 16-KL/TW, ngày 07/7/2017 và Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/8/2017 của Bộ Chính trị, điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh; các đề án, dự án mua sắm, sản xuất, nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị bảo đảm an toàn, tiết kiệm; quyết liệt chỉ đạo thực hiện giảm 10% biên chế quân số cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược, giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ, bảo đảm; ưu tiên quân số cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Chất lượng huấn luyện, diễn tập từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Các cơ quan, đơn vị quán triệt thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương; tập trung đột phá đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tổ chức phương pháp và công tác bảo đảm huấn luyện. Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành là chính; huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị mới, hiện đại, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện theo tình huống và tăng cường rèn luyện, nâng cao thể lực của bộ đội. Chỉ đạo tổ chức tốt diễn tập, luyện tập ở các cấp; đổi mới nội dung, phương pháp diễn tập tác chiến phòng thủ quân khu; diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; diễn tập phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống; diễn tập, luyện tập các phương án tác chiến bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; diễn tập phòng, chống dịch Covid-19,...; huấn luyện và tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games 2019, 2020); Hội thi bắn súng lục quân (AASAM 2019) đạt thành tích tốt, được các nước đánh giá cao về khả năng huấn luyện, tác chiến của Quân đội ta. Qua đó, khẳng định sức mạnh, trình độ tác chiến, chỉ huy, hiệp đồng quân, binh chủng, khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu của toàn quân. Công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học được triển khai chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện. Các nhà trường Quân đội tích cực đổi mới nội dung, chương trình theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông”, sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và chất lượng ngày càng cao, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Quân đội phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp đột phá lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại, tạo sự đoàn kết, thống nhất kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh ngay từ cơ sở. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ với các biện pháp hành chính và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xử lý nghiêm những cán bộ quan liêu, thiếu gương mẫu, để đơn vị xảy ra vụ việc nghiêm trọng, giữ nghiêm kỷ luật Quân đội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự, nâng cao chất lượng giải quyết công việc; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Có thể khẳng định rằng, ba đột phá do Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X xác định đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, với quyết tâm chính trị cao và những giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả. Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, cùng với sự vào cuộc tích cực của tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân,… tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quán triệt, triển khai thực hiện ba đột phá. Cán bộ, chiến sĩ trên từng cương vị luôn nỗ lực phấn đấu, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ và chế độ quy định. Nhờ vậy, ba đột phá đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân trong những năm qua.

Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối vào nội bộ các nước khác. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp. Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước từng bước được nâng cao, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội ngày càng được củng cố, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc tiếp tục có sự bổ sung, phát triển mới, khó khăn, phức tạp hơn, v.v.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, cùng với triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác, toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định ba đột phá là nhiệm vụ thường xuyên, trách nhiệm chính trị của cấp ủy, chỉ huy các cấp; đồng thời, là công sức, trí tuệ của Đảng bộ Quân đội và toàn quân, được nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, phù hợp tình hình thực tiễn Quân đội, nên quá trình triển khai thực hiện phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn, từng năm và cả nhiệm kỳ. Để thực hiện tốt ba đột phá đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, sự cần thiết phải xác định ba đột phá trong xây dựng Quân đội hiện nay; nắm rõ mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh và phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chỉ huy các cấp căn cứ vào chỉ tiêu ba đột phá và tình hình thực tiễn xây dựng Quân đội hiện nay, ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo từng thời gian, bảo đảm sát, đúng với tình hình nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Cán bộ phải làm gương cho chiến sĩ, cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên làm gương cho quần chúng, theo tinh thần “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng, động lực trong các cơ quan, đơn vị. Toàn quân là một khối thống nhất về ý chí và hành động, từ việc ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo đến triển khai tổ chức thực hiện phải thể hiện tinh thần tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao sự đoàn kết, thống nhất, mẫu mực trong lời nói và hành động, trí tuệ và phong cách. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa quân sự phong phú, lành mạnh, chủ động đấu tranh phòng, chống, tạo sức đề kháng vững chắc, không để cán bộ, chiến sĩ lây nhiễm bởi tác động tiêu cực và văn hóa xấu độc. Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, tuyên truyền phổ biến pháp luật, kết hợp với đẩy mạnh xây dựng chính quy, duy trì nền nếp, chế độ, quản lý kỷ luật, chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, bảo đảm cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng. Toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về tổ chức lực lượng và bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội theo Kết luận số 16-KL/TW, ngày 07/7/2017 và Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/8/2017 của Bộ Chính trị. Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới; hoàn thành mục tiêu điều chỉnh tổ chức biên chế Quân đội, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian, giảm quân số ở các cơ quan, đơn vị bảo đảm, phục vụ, ưu tiên đảm bảo quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, biển, đảo; đồng bộ giữa vũ khí, trang bị với nhân lực và công tác bảo đảm; xác định rõ vị trí công tác cho từng chức danh, trước hết ở cơ quan chiến dịch, chiến lược. Ưu tiên nguồn lực, xây dựng đồng bộ, hiện đại đối với các đơn vị tiến thẳng lên hiện đại và một số lực lượng khác; đầu tư bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng lục quân, đến năm 2025 và những năm tiếp theo, theo hướng hiện đại, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Nghiên cứu, đổi mới cơ chế, phương thức mua sắm vũ khí, trang bị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu của Quân đội. Nâng cao chất lượng tuyển quân, tuyển sinh quân sự, tuyển dụng, bảo đảm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội. Hoàn thành điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống nhà trường, các nhà máy, cơ sở sửa chữa quốc phòng và các đoàn kinh tế - quốc phòng; xây dựng, triển khai Đề án tổng thể về tự chủ đối với một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn chỉnh tổ chức biên chế lực lượng tác chiến không gian mạng, cảnh sát biển và một số lực lượng.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Toàn quân tiếp tục đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện đêm, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại; kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện, nâng cao thể lực của bộ đội, nâng cao bản lĩnh, quyết tâm và khả năng cơ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập. Tổ chức diễn tập ở các cấp, với nhiều hình thức, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, an toàn, sát thực tiễn. Nâng cao trình độ làm chủ vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện, đào tạo theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, tạo tiền đề vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và chất lượng ngày càng cao; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, khả năng tư duy, tay nghề sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn; thực hiện tốt việc bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học cả về lý luận và trải nghiệm thực tiễn; chú trọng rèn luyện bản lĩnh, phương pháp, tác phong chỉ huy, quản lý; đồng thời, có chính sách thu hút nhân tài về các học viện, nhà trường công tác. Tích cực đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với từng đối tượng, cấp học, sát thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Tập trung đầu tư xây dựng một số học viện, nhà trường theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; nâng cao chất lượng công tác bảo đảm huấn luyện đáp ứng yêu cầu “Khoa học, hiệu quả, kịp thời”. Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu huấn luyện phù hợp với từng đối tượng, lực lượng.

Bốn là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật và cải cách hành chính quân sự. Toàn quân tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện điều lệnh, điều lệ, chỉ thị, quy định. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật của cơ quan, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý sai phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt, học tập, công tác; tăng cường biện pháp quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp phân đội có đủ phẩm chất, năng lực chỉ huy, quản lý, giáo dục bộ đội. Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, những cán bộ, đảng viên quan liêu, thiếu gương mẫu, để đơn vị xảy ra vụ việc nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, chỉ huy. Phát huy vai trò của các tổ chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật. Nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm ngay từ cơ sở. Lấy kết quả xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm; gắn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, với xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; định kỳ sơ kết, tổng kết, xác định chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự và xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng; trọng tâm là ở các cơ quan, đơn vị chiến dịch, chiến lược. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; kế hoạch tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, bảo đảm bí mật, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Năm 2021 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới, ngày càng cao. Việc quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nói chung và đẩy mạnh ba đột phá nói riêng là bước chuẩn bị quan trọng để từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, đồng thời thiết thực góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ý thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm lớn lao trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, toàn quân nguyện tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực đổi mới, sáng tạo, không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, xứng đáng là “Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng”1.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương
B
ộ trưởng Bộ Quốc phòng
_____
_______________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 435.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.