QPTD -Thứ Sáu, 16/12/2022, 09:49 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Phạm vi hoạt động, biện pháp công tác và nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam

Cảnh sát biển Việt Nam là bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân; lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát biển được phép hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, lực lượng Cảnh sát biển được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, khi hoạt động ở vùng biển này, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát biển thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là người quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như trước cấp trên về các quyết định của mình.

Khi làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế, lực lượng Cảnh sát biển phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; phát huy sức mạnh nội lực cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong quá trình thực thi pháp luật trên biển.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển Việt Nam cũng như vùng biển quốc tế, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp trên biển của các quốc gia có liên quan, thực hiện: phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; phòng, chống tội phạm: ma túy, mua, bán người, vũ khí, khủng bố, hoạt động xuất, nhập cảnh bất hợp pháp, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật qua biên giới, khai thác hải sản bất hợp pháp và tội phạm vi phạm pháp luật khác trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời, tổ chức phòng, chống ô nhiễm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; kiểm soát bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; phòng, chống, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, v.v. Ngoài ra, để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách, chấp pháp trên biển của các quốc gia trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao trang bị, khoa học, công nghệ và các nội dung hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế cũng như các văn bản, thỏa thuận, bản ghi nhớ mà Việt Nam đã ký kết với các nước, các tổ chức quốc tế.

Thực hiện TRẦN TOÀN

Ý kiến bạn đọc (0)