QPTD -Thứ Hai, 26/01/2015, 13:52 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Củng cố chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa (giai đoạn 1802 - 1884) thời nhà Nguyễn
Bản đồ "Nhiên liệu và năng lượng" của Trung Quốc in năm 1980
thể hiện rõ cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam (Ảnh tư liệu).

Kế thừa hoạt động khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo của đất nước từ thời chúa Nguyễn và Vương triều Tây Sơn, năm 1803 (tức chỉ một năm sau khi nhà Nguyễn ra đời), vua Gia Long đã ra chỉ dụ lập lại Đội Hoàng Sa để tăng cường các hoạt động ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển 12 viết: Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập Đội Hoàng Sa,… sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc Đội Hoàng Sa đi xem xét đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa1.

Đến đời vua Minh Mệnh, việc vãng thám, đo đạc thủy trình và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa chủ yếu giao cho thủy quân đảm trách. Mỗi năm, vào hạ tuần tháng giêng, lực lượng thủy quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô đến Quảng Ngãi, sức cho hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa, gặp bất cứ đảo nào cũng tổ chức xem xét về: chiều dài, rộng, độ cao (so với mặt nước biển), tình hình nước biển xung quanh và vẽ thành bản đồ để dâng trình. Đặc biệt, nhà vua còn cho xây miếu, trồng cây, dựng bia chủ quyền và cắm cột mốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển 154 viết: “Tháng sáu, mùa hạ, năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835) nhà vua cho dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa, v.v. Năm ngoái, vua toan dựng miếu, lập bia ở chỗ ấy, nhưng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong,…”2. Năm Minh Mệnh thứ 17 (năm 1836), Bộ Công tâu với nhà vua: cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa, Trường Sa rất hiểm yếu. Trước kia, đã phái người vẽ bản đồ nhưng hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đến đó dò xét cho khắp để thuộc đường biển. “Vua y lời tâu, phái Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 tấc, rộng 5 tấc, dày một tấc, mặt bài khắc chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ”)3. Và cũng từ đó, việc phái thủy quân ra Hoàng Sa, Trường Sa được thực hiện đều đặn, có giám sát chặt chẽ, thưởng phạt nghiêm minh. Cùng với đó, các vua nhà Nguyễn còn tổ chức xứ Hoàng Sa, Trường Sa thành đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Ngãi để thuận lợi trong việc quản lý, điều hành.

Như vậy, từ khi nắm chính quyền (năm 1802) đến khi ký Hiệp ước với thực dân Pháp (năm 1884), Triều đình nhà Nguyễn luôn duy trì, củng cố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó càng thêm khẳng định, Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đã là chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam.

Tạ Quang thực hiện
___________

1 - Trần Công Trục - Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, Nxb Thông tin và Truyền thông, H. 2012, tr. 89.

2 - Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia - Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Tri Thức, H. 2013, tr. 15, 16.

3 - Sđd - tr. 17.

Ý kiến bạn đọc (0)