Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:34 (GMT+7)
Cách đây 70 năm, ngày 06-01-1946, cuộc Tổng tuyển cử toàn dân bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thành công đó có nhiều nguyên nhân; trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là việc ban hành các bản sắc lệnh về bầu cử có giá trị to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Ngày 05-01-1946, nhân dân thủ đô Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh
và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 1.
Ngày 02-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - chính thể nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Đây là kết quả đấu tranh bền bỉ đầy anh dũng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng chống lại ách đô hộ của thực dân, đế quốc. Để tiếp tục phát huy thành quả cách mạng, một trong những nhiệm vụ cần kíp lúc này của Chính phủ lâm thời là tổ chức cuộc Tổng tuyển cử toàn dân bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, làm cơ sở để xây dựng Hiến pháp và thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Tuy nhiên, trước bối cảnh chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời, các thế lực phản động và bè lũ thực dân, đế quốc ra sức chống phá, tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc” đặt ra cho Tổng tuyển cử nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng1, làm cơ sở cho cuộc Tổng tuyển cử toàn dân bầu Quốc hội khóa I năm 1946 đã thành công rực rỡ, mở ra kỷ nguyên dân chủ, đoàn kết cho nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử này, đã có trên 80% cử tri cả nước tham gia bầu cử (một số nơi đạt 89%). Điều đáng nói là, trong số 333 đại biểu được bầu, có 57% thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không thuộc đảng phái nào, có 87% đại biểu là công nhân, nông dân và chiến sĩ cách mạng. Kết quả đó là biểu hiện ý chí, nguyện vọng và lòng tin của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân đối với chính quyền cách mạng mà không thế lực nào có thể ngăn trở được. Các sắc lệnh về bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện vai trò to lớn của Người đối với cuộc Tổng tuyển cử, mà còn đặt ra phương hướng, nền tảng pháp lý trong tiến trình dân chủ của nước nhà, mang ý nghĩa và tầm vóc thời đại sâu sắc.
Trước hết, việc tổ chức Tổng tuyển cử toàn dân bầu cử Quốc hội khóa I được quy định trong Sắc lệnh số 14-SL (ngày 08-9-1945) ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công là quyết định sáng suốt, đúng đắn và kịp thời của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quyết định này thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giải quyết tình thế cách mạng lúc bấy giờ và tạo nền tảng dân chủ cho đất nước. Trong đó, sự đánh giá một cách khách quan, khoa học tương quan giữa lực lượng ủng hộ cách mạng và phản cách mạng để tiến hành Tổng tuyển cử là vấn đề rất quan trọng. Theo Hồ Chí Minh, mặc dù thời điểm ấy, nước ta đứng trước họa xâm lăng với cả thù trong, giặc ngoài nhưng Đảng ta vẫn quyết định Tổng tuyển cử, bởi các tầng lớp nhân dân - lực lượng to lớn của dân tộc - đều nhận rõ bộ mặt của kẻ thù và đứng về phía chính quyền cách mạng. Trong những đêm trường nô lệ của dân tộc, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất dám vượt qua gian khổ, hy sinh để nhận trách nhiệm đứng ra lãnh đạo nhân dân ta đánh đổ ách thống trị của thực dân - phong kiến, giành độc lập dân tộc và cơm no, áo ấm cho dân nghèo. Khi cách mạng thành công, Đảng lại không mưu cầu “làm quan, phát tài”, vì nhân dân và không phân biệt thành phần, đảng phái, dân tộc, tôn giáo,… mà tổ chức Tổng tuyển cử nhằm chọn người hiền tài để lãnh đạo đất nước nên càng được nhân dân trân trọng và ủng hộ. Chính vì thế, ngày Tổng tuyển cử (06-01-1946) đã thực sự trở thành ngày hội của quần chúng, với quy mô toàn dân nô nức tham gia, bất chấp sự đe dọa, ngăn trở của thực dân, đế quốc cùng bọn phản động và bè lũ tay sai. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử thật sự dân chủ và sớm ban bố những sắc lệnh về Tổng tuyển cử”2. Như vậy, có thể thấy, sắc lệnh về quyết định Tổng tuyển cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những mạch nguồn sáng tạo, vô giá trong lịch sử của Quốc hội và dân tộc.
Trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, thiếu thốn trăm bề, nhất là phương tiện và điều kiện bầu cử khó khăn, trình độ các tầng lớp nhân dân còn hạn chế,… để cuộc Tổng tuyển cử thực sự dân chủ theo mục tiêu đề ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban Dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL về các quy định bầu cử; Sắc lệnh số 71, 72-SL về sửa đổi, bổ sung thủ tục ứng cử và quy định số đại biểu ở các địa phương; v.v. Trong đó, các quy định về nguyên tắc bầu cử, như: vận động tuyển cử, phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp, bỏ phiếu kín,…lần đầu tiên được ban hành là những định hướng cơ bản, mang tính khoa học và pháp lý cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước nhà, làm cơ sở để chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Theo đó, nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu đã quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Đây là nguyên tắc nhằm thu hút tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước, miễn là đến độ tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tham gia bầu cử. Nguyên tắc này cũng quy định rõ việc bầu cử đối với người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam; quyền bình đẳng nam, nữ trong bầu cử, ứng cử và địa bàn bầu cử theo phương thức: mỗi người chỉ được bầu cử, ứng cử ở một nơi nhất định, v.v.
Về nguyên tắc bầu cử trực tiếp, được quy định tại Sắc lệnh số 51-SL (phần “Thể lệ Tổng tuyển cử”) nêu rõ: khi bầu cử, “mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được được ủy quyền và cũng không được bầu bằng cách gửi thư”, nhằm chống gian lận và lợi dụng kẽ hở để chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Để động viên nhân dân trực tiếp đi bầu cử, trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” (ngày 05-01-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày mai, dân ta tỏ rõ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu để chống quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”3.
Đối với nguyên tắc bỏ phiếu kín cũng được thể hiện tại các Điều 36 và 38 của Sắc lệnh số 51-SL, nhằm bảo đảm bí mật, an toàn và sự tự do cá nhân trong bầu cử của các cử tri. Trong đó, đối với những người không biết chữ, Sắc lệnh 51 chỉ rõ: Ban phụ trách ở các điểm bầu cử phải lập tổ ba người để giúp cử tri thực hiện quyền bầu cử theo quy trình: một người viết giúp, hai người kiểm tra. Sau đó, tổ này phải tuyên thệ trước cử tri đó rằng, đã viết đúng theo ý nguyện của họ và sẽ tuyệt đối giữ bí mật về điều đó. Đây là điểm rất sáng tạo, độc đáo và phù hợp với trình độ dân trí của nước ta lúc bấy giờ, nhất là đối với tầng lớp dân nghèo không có điều kiện đi học. Chính vì thế mà không khí dân chủ trong bầu cử được bừng lên ở khắp nơi trong cả nước. Trên thực tế, địa phương nào cũng có người tự ứng cử; những cuộc tiếp xúc, bàn thảo diễn ra hết sức sôi nổi trong không khí thực sự tự do và dân chủ, v.v.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, mặc dù là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử của dân tộc, nhưng các sắc lệnh về bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện đầy đủ các nội dung cơ bản, cần thiết của một cuộc bầu cử dân chủ và hiện đại. Trong đó, các vấn đề về thể lệ, thành phần, đối tượng, nguyên tắc,… và phương thức bầu cử được quy định rõ ràng, cụ thể, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam lúc bấy giờ. Đặc biệt, những quy định đó đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc, chặt chẽ và được vận dụng trực tiếp vào thực tiễn, góp phần quan trọng làm nên thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I.
Cùng với ban hành các sắc lệnh bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi trọng chỉ đạo công tác giáo dục, tuyên truyền để toàn dân hiểu rõ và thông suốt chủ trương Tổng tuyển cử của Chính phủ. Không những thế Người còn trực tiếp viết báo bày tỏ chính kiến và động viên đồng bào tham gia bầu cử trên mọi miền đất nước. Trên báo Cứu quốc (số ra ngày 31-12-1945), Bác viết: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giống nòi, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”. Tiếp đó, ngày 05-01-1946 (tức một ngày trước khi bầu cử diễn ra), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn thể đồng bào: “Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946,… ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước… Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào…”4 Trước đó, Người và Tổng bộ Việt Minh còn chủ trương mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Đặc biệt, trước sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp đại diện của hai đảng: Việt Quốc và Việt Cách để bàn bạc, hòa giải, tạo sự đồng thuận, đảm bảo cho Tổng tuyển cử thành công. Vì thế, nhiều học giả, nhà nghiên cứu cả ở trong và ngoài nước (lúc bấy giờ) đều thống nhất cho rằng, với các chỉ thị, sắc lệnh và hoạt động lãnh đạo của mình trong Tổng tuyển cử năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc và là lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam.
70 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946 vẫn vẹn nguyên trong ký ức của hàng triệu trái tim Việt Nam. Những chỉ thị, sắc lệnh và hoạt động của Người năm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại tá, TS. DƯƠNG ĐÌNH LẬP và Thượng tá, ThS. NGUYỄN VĂN SỬ ____________________________
1 - Gồm các sắc lệnh: Số 14, 39, 51, 71, 72 và 76.
2 - Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội - Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các hiến pháp Niệt Nam, Nxb CTQG, H. 1997, tr. 18.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2010, tr. 145.
4 - Sđd, tập 4, tr. 251.
Quốc hội khóa I
Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021
Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021
Bài 7: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội hiện nay 20/05/2021
Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021
Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021
Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021
Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới 16/05/2021
Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021
Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 14/05/2021
Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 14/05/2021