QPTD -Thứ Hai, 11/07/2016, 10:37 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Tiến lên hiện đại là nhiệm vụ rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Để thực hiện chủ trương trên, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề được đặt lên trên hết, trước hết.

Theo đó, trong những năm qua, các cấp ủy trong Đảng bộ Cảnh sát biển luôn quán triệt, thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về công tác cán bộ; Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Quốc phòng, Quy chế công tác cán bộ của Quân ủy Trung ương và của Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Thực hiện có hiệu quả hướng dẫn của trên về công tác nhân sự, giải quyết số lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; rà soát đề nghị đề bạt, nâng lương cán bộ theo đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ luôn được coi trọng, làm cơ sở để quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Quá trình thực hiện, luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể cấp ủy quyết định đi đôi với phát huy trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp; đảm bảo công tâm, khách quan, không cục bộ địa phương, khép kín, đánh giá và sử dụng cán bộ theo đúng phẩm chất, trình độ, năng lực và yêu cầu nhiệm vụ.

Với quan điểm đúng, biện pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ, nên từ một đơn vị luôn thiếu cán bộ, có những thời điểm số lượng cán bộ chỉ đạt 60%; cán bộ được điều về một số chất lượng thấp, đào tạo không cơ bản, không đúng theo chức danh và chuyên ngành; cơ cấu bất hợp lý, số lượng cán bộ tại chỗ ít; giãn cách độ tuổi cao dẫn đến khó khăn trong công tác quy hoạch, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,… đến nay, đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển đã không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ ngày càng hợp lý hơn, tỷ lệ cán bộ các đơn vị khu vực phía Nam tương đương cán bộ ở các đơn vị phía Bắc. Trong những năm gần đây, thực hiện Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo, lực lượng Cảnh sát biển đã phát triển mạnh về tổ chức biên chế và trang bị, phương tiện kỹ thuật. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ đã đáp ứng được 86,3% nhu cầu, chất lượng ngày càng nâng cao, cán bộ có trình độ đại học và sau đại học chiếm 97,9%. Cán bộ được đào tạo trình độ chỉ huy, quản lý cấp chiến dịch, chiến lược chiếm 1,57%; cấp chiến dịch, chiến thuật chiếm 19,7%; cấp phân đội và tương đương chiếm 78,7%. Tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn ở mức cao. Cán bộ trong Lực lượng luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, an tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ; có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực công tác tốt; không sợ khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Cảnh sát biển Việt Nam còn một số tồn tại. Do chưa có trường đào tạo riêng, nên cán bộ đào tạo cấp phân đội được Bộ điều về còn thiếu hụt nhiều về kiến thức so với yêu cầu của Cảnh sát biển. Mặt khác, do có sự mất cân đối về độ tuổi, tổ chức biên chế phát triển nhanh nên công tác quy hoạch, bồi d­ưỡng cán bộ có mặt còn bất cập. Một số cấp ủy ch­ưa thực sự coi trọng và chú ý đến công tác đào tạo, sử dụng cán bộ. Đánh giá cán bộ có lúc còn mang tính hình thức, chủ quan. Một số cán bộ chưa có sự đổi mới về nhận thức, tác phong, phương pháp công tác; ý thức tự học, tự rèn còn hạn chế nên chưa theo kịp sự phát triển của Lực lượng và yêu cầu nhiệm vụ, v.v.

Thời gian tới, nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển của Lực lượng đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", có tính chuyên nghiệp cao. Từ đó, đặt ra yêu cầu mới đối với chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo họ luôn có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn tốt, khai thác, làm chủ và sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị phương tiện hiện đại; có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ; có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, v.v. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về công tác cán bộ. Các cấp ủy trong Đảng bộ chấp hành nghiêm nguyên tắc, quan điểm, quy định về công tác cán bộ; thực hiện đúng quy trình nhận xét, đánh giá, quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ; khắc phục triệt để biểu hiện suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, bao che, tiếp tay cho buôn lậu hay để buôn lậu móc nối và tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhất là khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về công tác cán bộ trong Lực lượng đã được chỉ ra, gắn với quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ. Đồng thời, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp trong rèn luyện và công tác. Việc quán triệt nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác cán bộ phải được tiến hành thường xuyên, trong các khâu, các bước của công tác cán bộ; gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với đội ngũ đảng viên, đội ngũ cấp ủy với cán bộ chủ trì.

Hai là, tập trung làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và đồng bộ. Đây là nội dung trọng yếu bảo đảm công tác cán bộ đi vào nền nếp, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Vì vậy, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc, quan điểm, phương châm trong quy hoạch cán bộ; đánh giá và bố trí đúng cán bộ theo từng chức danh. Để làm được điều đó, Đảng ủy yêu cầu các cấp ủy tiến hành rà soát, xác định lượng cán bộ chuyển ra, kế cận, kế tiếp để tiến hành quy hoạch; chú trọng cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, trải qua thực tiễn cơ sở, có xu hướng phát triển tốt để quy hoạch vào vị trí chủ trì, chủ chốt. Tuyệt đối không đưa vào quy hoạch những cán bộ có phẩm chất, đạo đức, lối sống kém, năng lực hạn chế, trung bình chủ nghĩa và có biểu hiện cục bộ địa phương.

Trung tướng Hoàng Văn Đồng phát biểu chỉ đạo Lớp tập huấn các chuyên ngành kỹ thuật Cảnh sát biển năm 2016. (Ảnh: canhsatbien.vn)

Ba là, chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết số lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu cơ bản, lâu dài, có tính đến nhu cầu và khả năng phát triển của Lực lượng theo Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Kế hoạch giải quyết số lượng cán bộ phải được tiến hành hằng năm, trên cơ sở nhu cầu thực tế của đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; kết hợp giữa sử dụng cán bộ được đào tạo tại các nhà trường Quân đội và cán bộ thuyên chuyển từ các đơn vị khác về, bảo đảm đủ theo tổ chức biên chế. Việc lựa chọn cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phải bám sát tiêu chí, tiêu chuẩn theo hướng dẫn tại Thông tư 195/2011/TT-BQP, ngày 24-11-2011 của Bộ Quốc phòng, bảo đảm chỉ tiêu Bộ giao nhưng phải lấy chất lượng là chính, không chạy theo số lượng; gắn đào tạo với sử dụng cán bộ, đào tạo theo chức danh; kết hợp đào tạo tại trường với bồi dưỡng tại đơn vị và gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao khả năng sử dụng trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đáp ứng nhu cầu của từng loại cán bộ. Đối với cán bộ đã được bổ nhiệm, năng lực công tác tốt nhưng chưa được đào tạo đúng theo chức danh phải có kế hoạch đưa đi đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, động viên cán bộ tích cực, chủ động tự học, tự nghiên cứu; lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực, đào tạo cơ bản chuyên sâu, toàn diện, hình thành lớp cán bộ mới có trí tuệ cao, năng động, hiện đại để nhân rộng, phát huy. Tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả Dự án đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật Cảnh sát biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bốn là, làm tốt công tác nhận xét, đánh giá, điều động, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Việc làm này phải được duy trì có nền nếp, đúng theo thẩm quyền, nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, phát huy trách nhiệm vai trò của tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng; gắn kết quả phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên với kết quả đánh giá cán bộ; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị để đánh giá cán bộ chủ trì. Điều động, bổ nhiệm cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch, chất lượng cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, đảm bảo bố trí đúng năng lực sở trường của cán bộ. Kết hợp chặt chẽ việc bố trí, sử dụng cán bộ đủ tiêu chuẩn với việc kiên quyết đ­ưa ra khỏi c­ương vị lãnh đạo, quản lý những cán bộ phẩm chất và năng lực không đáp ứng yêu cầu, làm việc cầm chừng, hoặc để đơn vị trì trệ, yếu kém kéo dài. Đặc biệt, việc đánh giá cán bộ phải trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tư­ởng, thái độ, quan điểm chính trị, trình độ nghiệp vụ, khả năng sáng tạo của mỗi ng­ười, tinh thần khắc phục khó khăn, kiên trì, dũng cảm, kiên quyết tiến công tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời, có quan điểm quần chúng đúng đắn, quan hệ mật thiết với nhân dân, với đồng chí, đồng đội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ và tinh thần đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Năm là, thực hiện tốt chế độ quản lý cán bộ và chính sách cán bộ. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần xác định và làm tốt trách nhiệm của mình, quan tâm, chăm lo và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ thuộc quyền (cả trong đơn vị, gia đình và các mối quan hệ xã hội), đặc biệt là về tư tưởng chính trị để kịp thời phát hiện, động viên, giúp đỡ anh em, nhất là khi cán bộ gặp khó khăn, có vấn đề về tư tưởng, hoàn cảnh. Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ; làm tốt việc biểu dương, khen thưởng, thăng quân hàm trước niên hạn đối với cán bộ có thành tích xuất sắc; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa biến chất, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước, quy định trong thực thi nhiệm vụ trên biển. Cùng với đó, phải tạo được môi trường sống chan hòa, công bằng và bình đẳng trong mỗi cơ quan, đơn vị, tạo được niềm tin của cán bộ, chiến sĩ đối với cấp ủy, chỉ huy. Cần có các giải pháp cụ thể để giúp đỡ, động viên kịp thời những cán bộ có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho họ an tâm, gắn bó, yêu mến đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản trên là cơ sở quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", có tính chuyên nghiệp cao, xứng đáng với danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới".

Trung tướng, PGS, TS. HOÀNG VĂN ĐỒNG, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.