QPTD -Thứ Năm, 23/01/2020, 14:50 (GMT+7)
Văn phòng Trung ương Đảng nâng cao chất lượng công tác quốc phòng, quân sự

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức, điều hành công tác lãnh đạo của Đảng, phối hợp, điều hòa hoạt động của các cơ quan Trung ương Đảng; tham mưu về nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản công của Đảng; trực tiếp quản lý tài chính, tài sản của các cơ quan đảng Trung ương và bảo đảm hậu cần phục vụ hoạt động của Trung ương Đảng; đồng thời, là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo, v.v.

Những năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trung tâm, Văn phòng còn thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tổ chức, biên chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Văn phòng đối với công tác quốc phòng, quân sự từng bước được nâng lên; công tác phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan trong tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc và triển khai công tác này trong cơ quan Văn phòng bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Cơ quan quân sự các cấp của Văn phòng thường xuyên được kiện toàn đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo thực hiện công tác quốc phòng, quân sự. Lực lượng tự vệ được quan tâm kiện toàn đủ về tổ chức, biên chế, bảo đảm có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của cơ quan và phối hợp xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; đội ngũ cán bộ làm công tác quốc phòng, quân sự chủ yếu là kiêm nhiệm, hầu hết chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, nên hiệu quả công tác có thời điểm còn hạn chế, v.v. Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quốc phòng, quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng, mà nòng cốt là Ban Chỉ huy Quân sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự của Văn phòng. Vì vậy, trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách quốc phòng, quân sự của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng xác định tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nắm chắc ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong giai đoạn hiện nay. Nội dung giáo dục toàn diện, song tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng, nhất là Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Quốc phòng năm 2018, Nghị định 168/2018/NĐ-CP, ngày 28-12-2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương, địa phương, v.v.

Cùng với đó, Văn phòng đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, phấn đấu hằng năm hoàn thành 100% chỉ tiêu theo quy định. Để làm được điều đó, Ban Chỉ huy Quân sự Văn phòng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự các địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh) tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ số cán bộ, đảng viên thuộc diện được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh để xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho các đối tượng 3 và 4; lập danh sách, đề nghị cán bộ thuộc đối tượng 1 và 2 gửi đi bồi dưỡng các lớp do cấp trên tổ chức. Quá trình thực hiện, Ban Chỉ huy Quân sự tham mưu, phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ tiến hành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng khoa học, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm yêu cầu vừa có quân số tham gia học tập theo quy định, vừa có lực lượng làm nhiệm vụ chuyên môn của Văn phòng. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội; thường xuyên tổ chức cho các lực lượng đi thăm chiến trường xưa, giao lưu với các đơn vị Quân đội, tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử về các hoạt động quốc phòng, quân sự, v.v. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với nhiệm vụ quan trọng này.

Hai là, nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia nói chung và công tác quốc phòng, quân sự nói riêng. Tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến đối với các đề án về công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, về xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật,… tập trung vào lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, lực lượng mới thành lập do yêu cầu thực tiễn đặt ra; đồng thời, hướng dẫn, theo dõi các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai thực hiện các đề án, dự án về quốc phòng, quân sự đã được phê duyệt trong thực tiễn.

Để nâng cao chất lượng công tác này, mỗi cán bộ, đảng viên của Văn phòng tiếp tục quán triệt và chấp hành nghiêm quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; tích cực học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, có tác phong, lề lối làm việc khoa học, ý thức, trách nhiệm cao, tận tụy trong công việc. Trên cơ sở nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc, cơ chế, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, Văn phòng tăng cường theo dõi, đôn đốc, thẩm tra, thẩm định việc chuẩn bị các đề án, văn bản của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đảm bảo yêu cầu về nội dung, quy trình và tiến độ; phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến quốc phòng, quân sự. Trước sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội, chia rẽ Đảng với Quân đội, Nhân dân, phủ nhận vai trò của lực lượng vũ trang,… Văn phòng tập trung tham mưu, đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và công tác quốc phòng, quân sự, củng cố mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với Quân đội, Nhân dân, khẳng định vai trò của lực lượng vũ trang, vị thế của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, Kết luận của Bộ Chính trị về điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội; về xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ; quản lý, sử dụng đất quốc phòng; xây dựng và nâng cao chất lượng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Quân đội, bảo đảm cho hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Ba là, chú trọng kiện toàn tổ chức chỉ huy, chăm lo, xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh, làm nòng cốt thực hiện công tác quốc phòng, quân sự. Ban Chỉ huy Quân sự Cơ quan phải thường xuyên được kiện toàn, đảm bảo đúng, đủ cơ cấu, thành phần và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu tham mưu và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của Văn phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa phát huy vai trò hướng dẫn, chỉ đạo của cán bộ biệt phái Cơ quan Bộ Quốc phòng với đưa cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng, quân sự đi tập huấn, thực tế, học hỏi kinh nghiệm ở các đơn vị Quân đội để bổ sung kiến thức, năng lực về quân sự, quốc phòng, năng lực tham mưu xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự theo đúng quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng và phù hợp với tình hình thực tiễn của Văn phòng.

Bên cạnh đó, Văn phòng chú trọng xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh về mọi mặt, nhất là bản lĩnh chính trị, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ an toàn cơ quan trong mọi tình huống. Để làm được điều đó, Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, kết hợp giáo dục chính trị với huấn luyện quân sự, đảm bảo huấn luyện đúng, đủ nội dung, chương trình cho lực lượng tự vệ. Nội dung huấn luyện tập trung vào giáo dục lòng trung thành, niềm vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang nhân dân, huấn luyện sử dụng thuần thục các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong biên chế cũng như phương án phối hợp với các lực lượng trên địa bàn để xử trí các tình huống quốc phòng, an ninh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cơ quan, đơn vị. Kết thúc mỗi giai đoạn huấn luyện, các ban chỉ huy quân sự đều tổ chức hội thao, kiểm tra, đánh giá kết quả và chọn ra đội tuyển tham gia hội thao do cơ quan quân sự các địa phương tổ chức; đồng thời, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, việc quan tâm, bảo đảm tốt các chế độ, chính sách đối với lực lượng tự vệ cũng là một biện pháp quan trọng mà Văn phòng tập trung thực hiện. Trong thời gian tập trung huấn luyện, làm nhiệm vụ, Văn phòng không những bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, mà còn hỗ trợ thêm tiền ăn và một số chế độ chính sách cho cán bộ. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư mua sắm trang phục, bổ sung phương tiện, công cụ hỗ trợ, bảo đảm cho lực lượng tự vệ hoạt động hiệu quả; kịp thời động viên đội ngũ này yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS. BÙI VĂN THẠCH, Phó Chánh Văn phòng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.