QPTD -Thứ Năm, 15/09/2016, 08:00 (GMT+7)
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc - bước đột phá trong tiến trình hội nhập của Việt Nam

Hoạt động gìn giữ hòa bình là một cơ chế đặc biệt, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triển khai lần đầu tiên vào năm 1948. Gần 70 năm qua, với 71 chiến dịch được thực thi trên khắp thế giới, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh, chấm dứt xung đột ở hàng chục quốc gia; khôi phục, kiến tạo nền hòa bình, ổn định lâu dài ở từng khu vực và trên toàn thế giới. Với những đóng góp to lớn, năm 1988, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được trao giải Nô-ben về Hòa bình. Hiện nay, bối cảnh tình hình thế giới có những biến động nhanh chóng, khó lường, đã đặt ra cho hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế những thách thức gay gắt, đòi hỏi sự tham gia đóng góp tích cực của tất cả các nước thành viên, nhất là đối với các nước có tiềm lực kinh tế và lực lượng vũ trang hùng hậu, quy mô lớn. Vì thế, sự tham gia đóng góp của Việt Nam - một quốc gia đang phát triển vào lĩnh vực này được cộng đồng quốc tế trân trọng và đánh giá cao.

Bước “đột phá” trong hội nhập quốc tế của Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với truyền thống quật cường, bất khuất, nhân dân ta đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trải qua đau thương chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn quý trọng, yêu chuộng hòa bình và hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Năm 1945, ngay sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc; trong đó, khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của Liên hợp quốc và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung của tổ chức uy tín này. Khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn chủ động tham gia đóng góp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực hòa bình, an ninh ở cấp độ toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đã tích cực góp tiếng nói ủng hộ nền hòa bình trên thế giới, đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đấu tranh chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, tham gia tích cực vào quá trình thảo luận, hoạch định chính sách, xây dựng quy trình, đóng góp tài chính, nâng cao khả năng ứng phó kịp thời cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ở cấp độ khu vực, chúng ta đã, đang tham gia một cách chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác đa phương, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), v.v. Đặc biệt, năm 2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển về chất trong tham gia các hoạt động quốc tế của Việt Nam, góp phần quan trọng hoàn chỉnh bức tranh toàn cảnh về đối ngoại đa phương nói riêng, hội nhập quốc tế nói chung của đất nước. Đánh giá về sự kiện này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là “một nhiệm vụ khó khăn nhưng hết sức cao cả” và các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ là những “sứ giả hòa bình” của nước ta với thế giới, mà trực tiếp là đến với nhân dân các nước đang khao khát sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là đóng góp thiết thực của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh quốc tế;… đồng thời, là cơ hội để chúng ta học hỏi, nâng cao trình độ tổ chức, huấn luyện lực lượng, chỉ huy, tác chiến; góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chụp ảnh lưu niệm với 5 sĩ quan đi nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tháng 4-2016. (Ảnh: qdnd.vn)

Để có được kết quả trên, chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc cả về chủ trương, phương thức và tổ chức thực hiện. Từ năm 2005, với tư cách là cơ quan chủ trì Tổ công tác liên ngành, Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng liên quan, các tổ chức quốc tế để nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn và chuẩn bị đầy đủ các mặt. Trong đó, cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao và một số đơn vị Quân đội đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc và các nước đối tác về: lộ trình tham gia, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ; tổ chức nhiều đợt công tác, tham quan, tìm hiểu tình hình thực tiễn ở các phái bộ gìn giữ hòa bình, v.v. Bên cạnh đó, việc chủ động tham gia tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009) đã giúp chúng ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu về cách thức thương lượng, cơ chế ra quyết định, tổ chức các hoạt động trên thực tế,… để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình phù hợp với năng lực, khả năng của ta, nhưng vẫn đáp ứng được mong đợi của quốc tế.

Cùng với đó, các cơ sở pháp lý có tính nguyên tắc để Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng từng bước được hoàn thiện. Theo đó, tại Đối thoại Shang-ri La lần thứ 12 (năm 2012), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: “Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”. Tiếp đó, ngày 26-7-2013, trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp thông báo về việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta cũng khẳng định: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” (Điều 64) và nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm cả “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” (Điều 65). Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng, tạo đồng thuận, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng này.

Nhờ đó, hai năm qua, chúng ta đã cử nhiều lượt sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đại diện Liên hợp quốc và chính quyền nước sở tại đánh giá cao. Riêng đối với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun khi được hỏi về hoạt động gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam, thì mọi đánh giá đều là “tuyệt vời”.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong điều kiện hiện nay cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức gay gắt. Đó là, môi trường, tính chất của hoạt động thường biến động phức tạp, khó lường; yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, nhất là sự phối hợp của nhiều lực lượng, đa quốc gia, trên tất cả các lĩnh vực: quân sự, dân sự, chính trị, cảnh sát;… địa bàn hoạt động có nhiều khác biệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Trong khi đó, thực tiễn, kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế của chúng ta còn ít; nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp; cơ chế, chính sách có mặt chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Công tác tổ chức, quản lý, chỉ huy, huấn luyện ở các bộ phận cũng như trình độ tiếng Anh còn bất cập, v.v.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực này, thời gian tới, các lực lượng, nhất là các đơn vị trực tiếp tham gia cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, giải quyết có hiệu quả các khâu yếu, mặt yếu; trong đó, chú trọng vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả phương hướng: “Chủ động, tích cực,… tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…”1 vào thực tiễn. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình và hình thức tham gia, bảo đảm phù hợp với mục đích, tôn chỉ Hiến chương Liên hợp quốc, thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Trên cơ sở đó, từng bước mở rộng phạm vi, lĩnh vực, quy mô lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, theo phương châm: thận trọng, chắc chắn, nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, tạo thuận lợi để chúng ta thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các đối tác quan trọng, nước lớn, tranh thủ các nguồn lực thiết yếu từ bên ngoài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình thực hiện, phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước cùng sự phối hợp chặt chẽ với các hình thức đối ngoại khác, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.

Hai là, từ lý luận và thực tiễn tham gia hoạt động tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thời gian qua, cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các vấn đề về khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp đối với lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trong đó, cần chú trọng nghiên cứu rút ngắn và đơn giản hóa quy trình cử lực lượng tham gia; nội dung đàm phán liên ngành và ký kết Bản ghi nhớ với đại diện Liên hợp quốc về cử các đơn vị đến từng phái bộ.

Ba là, tập trung kiện toàn các cơ chế điều hành, phối hợp theo hướng: hợp lý hóa, bảo đảm thời gian và tính đồng thuận rộng rãi cả trong chuẩn bị, thực hành tham gia và khi kết thúc thời hạn làm nhiệm vụ ở các phái bộ.

Bốn là, Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan phải coi trọng đầu tư, chuẩn bị cả về con người, cơ sở vật chất, trang bị một cách cơ bản, bảo đảm sự tham gia lâu dài, vững chắc của Việt Nam đối với hoạt động này. Trước hết, các bộ, ngành chức năng, mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng - nơi có lực lượng chủ yếu tham gia - tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai các suất cá nhân, đơn vị (Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh) theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra. Đồng thời, coi trọng hợp tác nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng, nhất là huấn luyện các nội dung về tiền triển khai lực lượng và trình độ ngoại ngữ. Tiếp tục xây dựng, đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, bảo đảm năng lực huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng (trong nước và quốc tế), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chúng ta tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tạo hình ảnh, vị thế quan trọng, giúp cho công cuộc hội nhập quốc tế của nước ta đạt được những đột phá mới, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HÀ KIM NGỌC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

_____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 155.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.