QPTD -Thứ Hai, 11/09/2017, 13:25 (GMT+7)
Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Quảng Ninh là tỉnh biên giới, ven biển, nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng - an ninh, đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được thể hiện trong văn kiện Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh đã và đang cụ thể hóa bằng các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Quốc Phòng, tháng 02-1917. (Ảnh: qtv.vn)

Những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng Tỉnh phát triển toàn diện; trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai nhiều quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, hướng tới mục tiêu “xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực, một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với khu vực và quốc tế; một khu vực phát triển năng động của kinh tế biển và ven biển, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững”. Bằng nỗ lực và quyết tâm cao, những năm qua, kinh tế của Tỉnh có sự phát triển vượt bậc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch và tăng trưởng cao ở khu vực dịch vụ; đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét; thu ngân sách luôn đứng trong nhóm 05 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách trong cả nước1. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, GRDP của Tỉnh tăng 9,6% (cao nhất so với cùng kỳ 05 năm gần đây). Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh luôn chủ động kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh ngay trong các chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành, lĩnh vực, tạo tiền đề xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, biên giới, hải đảo. Với quan điểm nhất quán: “không phát triển kinh tế bằng mọi giá, đặt yếu tố bền vững lên hàng đầu”, Tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, thẩm định, giám sát kỹ việc phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới gắn với quy hoạch quốc phòng; kiên quyết không triển khai các dự án, nhất là dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài vào các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Thời gian qua, Tỉnh đã huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái”; Đề án “Xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới; bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020”; “Quy hoạch xây dựng vùng Tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và ngoài 2050”, v.v. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, các ngành, địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, vùng ven biển, trên các đảo, kết hợp tăng cường quốc phòng, an ninh trên khu vực này. Nhiều công trình, dự án lưỡng dụng đã được triển khai và phát huy hiệu quả, như: Dự án đường vành đai biên giới, kè biên giới, đường cơ động Mũi Tràng Vĩ thành phố Móng Cái; các dự án kinh tế - quốc phòng vùng ven biển và các đảo: Trần, Cô Tô, Ngọc Vừng; đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần, huyện đảo Cô Tô, xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà, 05 xã đảo của huyện Vân Đồn và các xã biên giới; trồng rừng phòng hộ ở cụm đảo Đông Bắc; xây dựng các tuyến đường xuyên đảo: Vĩnh Thực, Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen; xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ tại đảo Cô Tô, v.v. Quảng Ninh cũng tích cực triển khai Đề án đưa dân ra sinh sống tại đảo Trần để thành lập đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Cô Tô; chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Đoàn kinh tế - quốc phòng 327 triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo, đưa nhân dân ra định cư tại các xã biên giới ở những vùng trọng điểm, như: Hải Sơn, Lục Lầm (Móng Cái); Bắc Phong Sinh (Hải Hà); Đồng Văn, Trịnh Tường (Bình Liêu),… góp phần tạo thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc trên hướng biên giới, biển, đảo của Tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, hội nhập kinh tế quốc tế, như: Đặc khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn; sân bay Vân Đồn; cảng Vạn Gia; Cầu Bắc Luân 2; đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Móng Cái; tiếp tục ưu tiên phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế biển, cơ sở công nghiệp, du lịch, dịch vụ theo hướng lưỡng dụng, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững, vừa sẵn sàng đảm bảo cho quốc phòng, v.v.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh, Tỉnh coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh trên địa bàn, cả về tiềm lực, thế trận. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 27-CTr/TU; Chỉ thị 11-CT/TU về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU, tiếp đến là Nghị quyết số 03-NQ/TU về lãnh đạo công tác quốc phòng địa phương giai đoạn 2011 - 2015 và 2015 - 2020, làm cơ sở cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện. Từ kinh nghiệm rút ra qua thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Tỉnh không ngừng hoàn thiện, duy trì thực hiện nghiêm cơ chế, quy chế xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khu vực phòng thủ; đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trước mắt và lâu dài. Để tạo nền tảng cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Tỉnh tích cực củng cố, kiện toàn xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Quảng Ninh đã chú trọng mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; trong đó, làm điểm cho cả nước về bồi dưỡng cho chủ hộ gia đình biên giới, biển đảo; giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp tư nhân; chủ hộ gia đình sản xuất trên biển; chủ hộ gia đình không có đảng viên. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đầu tư ngân sách địa phương xây dựng, đưa vào sử dụng Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Trường Quân sự Tỉnh và triển khai mở các lớp “Học kỳ Quân đội” cho học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn, đạt hiệu quả thiết thực.

Đi liền với đó, Tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; chỉ đạo cơ quan Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong phối hợp nắm, dự báo tình hình, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh có đối sách phù hợp, sẵn sàng xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh, bảo vệ địa bàn, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, không để bị động, bất ngờ. Chỉ đạo các địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình “Cụm địa bàn an toàn”, “Cụm quốc phòng, an ninh”, góp phần giữ vững an ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội từ cơ sở; đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại, củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong quản lý, bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế - xã hội, v.v. Mặt khác, Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực và ngân sách, đầu tư xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ theo quy hoạch, lộ trình đã xác định. Những năm qua, Tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, ưu tiên xây dựng các hạng mục: sở chỉ huy, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các chốt chiến dịch, công trình phòng thủ trên tuyến biên giới, ven biển, tuyến đảo Đông Bắc. Hiện nay, Tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác quốc phòng địa phương giai đoạn 2015 - 2020; Đề án bảo đảm quốc phòng của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng các thành phần thế trận trong khu vực phòng thủ. Phấn đấu đến năm 2018, xây dựng cơ bản Khu căn cứ hậu cần - kỹ thuật làm điểm cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 3; năm 2020, xây dựng xong Sở chỉ huy cơ bản thời chiến cấp tỉnh, hoàn thành 50% - 60% các hạng mục công trình sở chỉ huy cơ bản thời chiến cấp huyện, v.v.

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh là nội dung quan trọng của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Quân sự, Công an vững mạnh, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Theo đó, Tỉnh chủ động kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng vũ trang theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cân đối, đồng bộ”, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng; xây dựng các chi bộ, đảng bộ quân sự, biên phòng, công an trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quân sự các cấp, v.v. Cùng với tập trung xây dựng lực lượng thường trực “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Tỉnh thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao, nhất là độ tin cậy về chính trị, nhạy bén trước đặc điểm của địa bàn. Đến nay, lực lượng dự bị động viên của Tỉnh sắp xếp vào các đơn vị đạt trên 99,2% biên chế; tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 70%. Lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, với gần 600 cơ sở. Tỷ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ đạt 22,8%; 100% cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở trở lên. Tỉnh duy trì tốt hoạt động của các trung đội dân quân cơ động, dân quân tự vệ biển, tiểu đội dân quân thường trực ở các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, Tỉnh thực hiện thành công việc làm điểm cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 về thành lập lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, v.v. Những năm tới, Tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; tăng cường mở các lớp đào tạo sĩ quan dự bị, đào tạo cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng lực lượng dân quân vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng, hiệu quả phân đội dân quân các xã biên giới tỉnh Quảng Ninh”; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo cho lực lượng vũ trang Tỉnh xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành, làm nòng cốt cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn Tỉnh thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

NGUYỄN VĂN ĐỌC, Bí thư Tỉnh ủy
_______________

1 - Giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế bình quân của Tỉnh đạt 9,2% năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.900 USD/năm, tăng 1,76 lần so với năm 2010, gấp 1,77 lần so với bình quân cả nước; thu ngân sách đạt 160.000 tỷ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.