QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2016, 20:53 (GMT+7)
Quân khu 9 quán triệt, thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Đảng

Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang Quân khu 9 luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” bằng những biện pháp, hình thức phù hợp.

Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy kiểm tra công tác chuẩn bị huấn luyện

Quân khu 9 là địa bàn chiến lược, bao gồm 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của cả nước. Đây cũng là một trong những trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo phía Tây Nam tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, không thể xem nhẹ. Vì vậy, quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đối với Quân khu 9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Với nhận thức đúng đắn, trách nhiệm chính trị cao, cùng những kết quả, kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) bằng những biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc và bám sát Chương trình hành động 344-CTr/QUTƯ của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân khu đã xây dựng Chương trình hành động 865-CTr/ĐU. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đơn vị, cơ quan quân sự các địa phương tổ chức tốt việc quán triệt, học tập Nghị quyết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện, phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, v.v.

Để thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nội dung, biện pháp. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1- Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đủ sức bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp, động lực để thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, Quân khu tập trung trước hết xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tin cậy, trung thành của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn. Thời gian qua, Quân khu đã rà soát, kiện toàn một bước về tổ chức lực lượng, ưu tiên bảo đảm quân số, vũ khí trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên tuyến biên giới, biển, đảo; điều chỉnh thế bố trí của một số đơn vị theo hướng đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động, đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng thủ; đồng thời, tổ chức thành lập một số đơn vị, lực lượng mới, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu trên hướng trọng điểm của Quân khu. Gắn liền với xây dựng lực lượng thường trực, Quân khu tích cực chỉ đạo, phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ có số lượng, thành phần hợp lý, sát với từng địa bàn, có chất lượng cao, nhất là độ tin cậy về chính trị, đáp ứng sự phát triển của nhiệm vụ. Trong đó, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy quân sự cấp xã, dân quân tự vệ binh chủng chiến đấu, dân quân thường trực ở địa bàn biên giới và trên các đảo. Cùng với đó, Quân khu đẩy mạnh thực hiện đột phá trong huấn luyện; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với nhiệm vụ của từng lực lượng, đối tượng tác chiến, đặc điểm đồng bằng sông nước; tăng cường huấn luyện theo phương án, luyện tập, diễn tập theo các tình huống tác chiến bảo vệ biên giới, biển, đảo Tây Nam,… nhằm nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng.

Luyện tập chiến thuật

Đặc biệt, Quân khu tiến hành đồng bộ các biện pháp xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, định hướng hành động, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, thống nhất cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), nhằm xây dựng Đảng bộ Quân khu trong sạch, vững mạnh, làm cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị. Quân khu tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, nhất là tổ chức đảng quân sự địa phương, chi bộ, chi ủy các đại đội đủ quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, v.v. Phát huy kết quả đã đạt được, hiện nay, Quân khu tập trung quán triệt và nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII); kiên quyết không để xảy ra “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang Quân khu, đảm bảo cho lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2- Đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn ngày càng vững chắc. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân khu đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Trọng tâm tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh và công tác đối ngoại; xây dựng tiềm lực, thế trận các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, nhất là “thế trận lòng dân”, thế trận quân sự khu vực phòng thủ trên địa bàn ngày càng vững chắc. Theo đó, Quân khu đã chỉ đạo và cùng các địa phương tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là ở địa bàn biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Quy hoạch thế trận quân sự đến năm 2020; trong đó, chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, các cụm dân cư trên tuyến biên giới, xây dựng các tuyến đê ngăn mặn, trồng rừng ở các khu vực xung yếu,... gắn với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, công trình phòng thủ. Quân khu đã chỉ đạo các tỉnh: An Giang (địa bàn biên giới), Tiền Giang (địa bàn ven biển) và thành phố Cần Thơ (địa bàn nội địa và đô thị) làm điểm về xây dựng khu vực phòng thủ; bước đầu đạt kết quả tích cực, làm cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng. Trong giai đoạn 2010 - 2015, các địa phương trên địa bàn đã huy động trên 07 nghìn tỷ đồng chi cho công tác quốc phòng, trong đó gần 04 nghìn tỷ đồng chi cho xây dựng khu vực phòng thủ. Với sự nỗ lực đó, Quân khu đã xây dựng được nhiều công trình phòng thủ quan trọng, đặc biệt là trên tuyến biên giới, các đảo ven bờ và gần bờ, như: Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Khoai, v.v. Thời gian tới, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục tăng cường công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; tập trung thực hiện Đề án “Xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới trên địa bàn Quân khu đến năm 2020”, nhằm hình thành các tuyến phòng thủ phía trước; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ theo Chỉ thị 771/CT-BTL của Tư lệnh Quân khu. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt Quy hoạch xây dựng cụm điểm tựa trên tuyến biên giới, xây dựng các công trình phòng thủ trên các đảo ven bờ và gần bờ giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo; Đề án Bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030; tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ theo quy hoạch, lộ trình đã xác định. Trước mắt, ưu tiên xây dựng sở chỉ huy thời chiến các cấp, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương tỉnh, huyện, các chốt chiến dịch, công trình chiến đấu trong cụm, tuyến dân cư biên giới, công trình phòng thủ đảo. Phấn đấu đến năm 2020, có trên 50% huyện biên giới, biển đảo và cấp tỉnh có sở chỉ huy thời chiến, v.v. Mặt khác, Quân khu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, quy chế xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khu vực phòng thủ; khảo sát, nắm vững thực lực của nền kinh tế địa phương, sẵn sàng động viên bảo đảm cho quốc phòng khi có tình huống.

Tham gia xây dựng nông thôn mới

3- Nâng cao chất lượng nắm tình hình; tăng cường công tác sẵn sàng chiến đấu, phòng ngừa và xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Quân khu chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới, biển, đảo Tây Nam và nội địa, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp, nhằm chủ động phòng ngừa, xử lý thắng lợi các tình huống về quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ, đặc biệt là về chiến lược, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, kế hoạch tác chiến, quy chế phối hợp, hiệp đồng, kế hoạch bảo vệ các khu công nghiệp và chủ động dự kiến phương án xử lý một số tình huống mới về quốc phòng, an ninh có thể xảy ra trên địa bàn, làm cơ sở cho tổ chức huấn luyện, luyện tập, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Thời gian qua, Quân khu đã triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường vụ Đảng ủy Quân khu với ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trong giải quyết vấn đề an ninh chính trị, với phương châm “phối hợp chặt chẽ, xử lý nhanh, gọn từng vụ việc, từng đối tượng, trên từng địa bàn”. Lực lượng vũ trang địa phương tích cực phối hợp với lực lượng công an trong giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng: bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quân trong trao đổi thông tin, tuần tra, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo, v.v. Cùng với đó, Quân khu đã bám sát quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện tốt công tác đối ngoại với Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc trên tuyến biên giới, không để kẻ địch lợi dụng làm phức tạp tình hình, v.v.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) là tiền đề quan trọng để Quân khu tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết, thiết thực góp phần xây dựng và bảo vệ địa bàn, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng NGUYỄN HOÀNG THỦY, Tư lệnh Quân khu

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.