QPTD -Thứ Năm, 10/04/2014, 16:16 (GMT+7)
Quân khu 3 thực hiện công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ

Tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là khâu đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trước mắt và lâu dài. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quân sự, quốc phòng hằng năm của các địa phương, đơn vị.

Thanh niên phấn khởi lên đường nhập ngũ.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 luôn đi đầu trong việc cung cấp sức người, sức của, xây dựng lên truyền thống “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Phát huy truyền thống quý báu đó và nhận thức sâu sắc về vị trí, ý nghĩa của công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ - sau đây gọi tắt là công tác tuyển quân (CTTQ) - những năm qua, CTTQ luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trên địa bàn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất, có nhiều đổi mới phù hợp với đặc thù của từng địa bàn và đạt kết quả thiết thực. Hằng năm, các địa phương đều hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân, đảm bảo đúng Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS), đúng tiêu chuẩn, quy trình, dân chủ, công khai, công bằng; chất lượng công dân nhập ngũ ngày càng cao, v.v.

Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận nhân dân đối với công tác này chưa thật đầy đủ. Cơ quan quân sự (CQQS) một số địa phương, cơ sở chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và hướng dẫn thực hiện CTTQ. Việc thực hiện quy trình tuyển quân theo phương thức “tròn khâu”1 có địa phương còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ tiến hành chưa thật chặt chẽ, đồng bộ. Mặt khác, do tác động của kinh tế thị trường nên số lượng lớn công dân nằm trong diện nguồn sẵn sàng nhập ngũ thường đi làm ăn xa, dài ngày (có địa phương tỷ lệ này chiếm trên 70% tổng số nguồn); vì vậy, dù nguồn nhiều, chỉ tiêu tuyển quân thấp, nhưng việc gọi công dân nhập ngũ vẫn gặp không ít khó khăn, v.v.

Để đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã bám sát đặc điểm địa bàn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng đối với nhiệm vụ tuyển quân; đồng thời, tích cực phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp, với phương châm “Giao quân đủ, chất lượng cao, giao ai được người đó, không có bù đổi, loại trả”.

CTTQ luôn gắn liền với địa phương, cơ sở; bởi vậy, để thực hiện tốt thì vấn đề cốt lõi, quan trọng hàng đầu là phải tạo được sự đồng thuận, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tiến hành các bước của quy trình tuyển quân, từ việc đăng ký, quản lý nguồn, đến xét duyệt, bình chọn, tuyên truyền, động viên công dân nhập ngũ,… Nhận rõ vấn đề đó, Quân khu chỉ đạo CQQS các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với CTTQ, tập trung trước hết vào làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân, mà trước tiên là của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng NVQS các cấp và đối tượng công dân trong độ tuổi nhập ngũ về công tác này. Những năm qua, công tác tuyên truyền được Quân khu cùng các địa phương tiến hành bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sinh động và thực sự đi trước một bước. Bên cạnh tuyên truyền thường xuyên, các địa phương đã tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm trong mùa tuyển quân; trong đó, coi trọng phát huy hiệu quả của hệ thống đài truyền thanh, truyền hình, báo Quân khu, các báo địa phương; lồng ghép nội dung CTTQ trong các hội nghị nhân dân, trong sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh,… Nội dung tuyên truyền đã tập trung trọng tâm vào giới thiệu về Luật NVQS; quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; truyền thống cách mạng của quê hương,… Để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, Quân khu còn chỉ đạo đưa nội dung của Luật NVQS vào chương trình bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là học sinh các trường trung học phổ thông. Trong tuyên truyền, một số tỉnh (Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh,…) đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: in ấn các tờ rơi, tờ gấp giới thiệu nội dung cơ bản về thực hiện NVQS, giúp công dân hiểu rõ nghĩa vụ thiêng liêng, cũng như các chế độ chính sách mà quân nhân và gia đình được hưởng khi tại ngũ, xuất ngũ. Các địa phương cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật NVQS, nâng cao hiệu quả giáo dục, răn đe. Bằng các biện pháp tích cực đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đối với nhiệm vụ tuyển quân có bước chuyển quan trọng. Tư tưởng ỷ lại, coi CTTQ là trách nhiệm của riêng CQQS và các biểu hiện né tránh, “khoán trắng” nhiệm vụ này cho CQQS đã được khắc phục. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều nhận thức rõ việc thực hiện NVQS là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm cao cả; từ đó, tự giác chấp hành và vận động con em thực hiện tốt NVQS.

Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, Quân khu phối hợp cùng các địa phương tích cực chỉ đạo triển khai các bước trong CTTQ. Với việc thực hiện phương thức “tròn khâu” đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của cấp cơ sở (thôn, bản, tổ dân phố) và đặc biệt là vai trò của các CQQS địa phương, Hội đồng NVQS các cấp. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương thực sự vào cuộc, Hội đồng NVQS và CQQS làm tốt vai trò là trung tâm hiệp đồng, phối hợp tổ chức thực hiện, thì ở đó CTTQ đạt kết quả cao. Bởi vậy, Quân khu yêu cầu CQQS các cấp chú trọng nâng cao năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CTTQ. Thực hiện vấn đề này, CQQS các địa phương đã tăng cường cán bộ bám cơ sở, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ thị, kế hoạch thực hiện CTTQ, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật,… Hằng năm, nhiệm vụ tuyển quân được các địa phương quán triệt sâu rộng đến từng tổ đảng, chi bộ, từng thôn, xóm, khu dân cư và nỗ lực triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp thiết thực. Hội đồng NVQS, nhất là ở cấp xã (phường, thị trấn) được các địa phương thường xuyên quan tâm kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Để đảm bảo chất lượng tuyển quân, thực hiện “tuyển người nào, chắc người đó”, CQQS các tỉnh, huyện đã tham mưu cho chính quyền địa phương và chủ trì tổ chức nhiều lớp tập huấn, thống nhất về chủ trương, quan điểm, nội dung, quy trình tuyển quân “tròn khâu” cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ cấp cơ sở, thành viên Hội đồng NVQS và cán bộ chuyên trách làm CTTQ. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Hội đồng NVQS; coi trọng phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện công tác này.

Nhờ thống nhất nhận thức, trách nhiệm, nên công tác đăng ký NVQS, phúc tra, quản lý nguồn sẵn sàng nhập ngũ được các địa phương duy trì có nền nếp, chặt chẽ, thống nhất; qua đó, địa phương và CQQS nắm, quản lý chắc số lượng, chất lượng nam công dân trong độ tuổi nhập ngũ theo luật định. Bên cạnh quan tâm làm tốt việc đăng ký nguồn thực hiện NVQS (nhất là đăng ký lần đầu), các địa phương đã chú trọng theo dõi, đăng ký bổ sung công dân tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề trở lại nơi cư trú. Đây là biện pháp quan trọng giúp nâng cao một bước chất lượng nguồn tuyển quân; đồng thời, góp phần đảm bảo công bằng trong thực hiện NVQS.

Để hoàn thành chỉ tiêu và bảo đảm chất lượng công dân nhập ngũ, không để lọt vào Quân đội những công dân không đủ tiêu chuẩn, cũng như thực hiện tốt chủ trương không bù đổi, Quân khu chỉ đạo các địa phương đặc biệt coi trọng công tác xét duyệt, tuyển chọn. Theo đó, các địa phương đã có sự phân công, phân cấp nhiệm vụ cụ thể và triển khai đúng quy trình, nội dung xét duyệt tiêu chuẩn nhập ngũ; trong đó, cấp xã, phường trực tiếp tuyển chọn “tròn khâu” thông qua kết quả bình cử, bình tuyển dân chủ, công khai từ thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư. Với việc phát huy tốt vai trò của cơ sở, nên các bước xét duyệt, sơ tuyển đảm bảo nghiêm túc, có chất lượng. Trong tổ chức sơ tuyển, các địa phương đã phối hợp với cơ quan Công an quản lý nhân khẩu, hộ khẩu để nắm thông tin, giúp phân loại chính xác về chất lượng chính trị, đạo đức của công dân. Thực tiễn CTTQ cho thấy, các trường hợp đơn vị loại trả, phải bù đổi chủ yếu vì không bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe. Khắc phục tình trạng này, Quân khu chỉ đạo CQQS tỉnh, huyện chủ động phối hợp với địa phương tổ chức khám tuyển sức khỏe chặt chẽ, theo đúng các thông tư của liên bộ Y tế - Quốc phòng. Thực hiện bước này, các địa phương (cấp huyện) đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp, từ việc kiện toàn Hội đồng Khám sức khỏe NVQS, tập huấn chuyên môn cho các thành viên, chuẩn bị địa điểm, ưu tiên trang, thiết bị y tế phục vụ công tác khám tuyển, đến việc điều hành, rút kinh nghiệm khám hằng ngày,… Do đó, chất lượng khám tuyển được nâng lên rõ rệt, không có trường hợp loại trả vì sức khỏe.

Công tác phối hợp, hiệp đồng với đơn vị nhận quân cũng là một nội dung được Quân khu và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cùng với cân đối, phân bổ nguồn tuyển quân cho các đơn vị phù hợp với việc tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên, Quân khu, cấp ủy, chính quyền và Hội đồng NVQS cấp tỉnh, huyện đã tích cực phối hợp, trao đổi thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị nhận quân thâm nhập, nghiên cứu hồ sơ, chốt quân số theo chỉ tiêu được giao, làm cơ sở cho địa phương chuẩn bị nguồn, quản lý chặt quân số đã trúng tuyển và tạo điều kiện giúp đơn vị quản lý, rèn luyện quân nhân tốt nhất ngay từ ngày đầu nhập ngũ.

Để thiết thực góp phần nâng cao chất lượng CTTQ, Quân khu và các địa phương còn thường xuyên coi trọng làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về Luật NVQS, các địa phương đã quan tâm huy động các nguồn lực xã hội cho CTTQ, kịp thời động viên công dân nhập ngũ cả về vật chất và tinh thần bằng nhiều hoạt động phong phú, như: tổ chức kết nạp đảng cho đoàn viên ưu tú đủ điều kiện vào Đảng trước khi nhập ngũ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm,… Một số địa phương còn phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức ký cam kết tiếp nhận công dân sau khi hoàn thành NVQS trở về vào làm việc. Thời gian qua, Quân khu đã phối hợp với các địa phương, đơn vị nhận quân triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chủ trương của Đảng về dạy nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Qua đó, phát huy ý nghĩa xã hội, tạo động lực cổ vũ, động viên công dân yên tâm lên đường thực hiện NVQS. Vì vậy, hằng năm, số thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ không ngừng tăng lên.

Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Quân khu chú trọng chỉ đạo và phối hợp cùng các địa phương, đơn vị chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Lễ giao nhận quân, đảm bảo trọng thể, trang nghiêm, thực sự là “Ngày hội tòng quân” của địa phương. Thông qua đó, tiếp tục xây dựng niềm tin, niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng VŨ HẢI SẢN

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu
_______________

1- Thực hiện “tròn khâu”: việc thâm nhập “3 gặp, 4 biết” (gặp địa phương, gặp gia đình và gặp công dân; biết về tình hình sức khỏe, trình độ văn hóa, lai lịch chính trị và hoàn cảnh gia đình) trong CTTQ được chuyển cho các địa phương giao quân thực hiện.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.