QPTD -Thứ Năm, 26/05/2016, 08:42 (GMT+7)
Quân khu 3 đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật

Cùng với con người, vũ khí, trang bị kỹ thuật là một trong hai nhân tố cơ bản đảm bảo sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của lực lượng vũ trang nhân dân. Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, đảm bảo cho lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Quân khu 3 là địa bàn chiến lược, hướng tác chiến phòng thủ trọng yếu của đất nước. Những năm gần đây, xuất phát từ yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Quân khu có sự phát triển và nặng nề hơn. Theo đó, nhu cầu bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật đối với lực lượng vũ trang tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, vũ khí, trang bị kỹ thuật cần sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, đồng bộ lớn, yêu cầu cao; năng lực của hệ thống kho tàng, cơ sở bảo đảm kỹ thuật các cấp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vũ khí, trang bị kỹ thuật Quân khu quản lý đa dạng về chủng loại, phần lớn đã sử dụng qua nhiều năm, thiếu đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, phân cấp ở nhiều địa phương, đơn vị, trên địa bàn rộng, cả rừng núi, đồng bằng, đô thị và biển đảo; ngân sách bảo đảm cho công tác kỹ thuật còn hạn hẹp, v.v.

Trước thực tế đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, trước hết là ngành Kỹ thuật triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu. Nội dung chỉ đạo trọng tâm hướng vào thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Cuộc vận động 50.

Trước hết, Quân khu đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống kho kỹ thuật, trạm, xưởng sửa chữa các cấp, nhằm tạo bước đột phá về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo ngành Kỹ thuật phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương khảo sát tình hình, xây dựng Quy hoạch hệ thống kho tàng kỹ thuật giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch, Quân khu yêu cầu các cơ quan, đơn vị tích cực huy động các nguồn lực, nhất là phát huy nội lực và khai thác nguồn ngân sách địa phương để đầu tư củng cố, nâng cấp toàn diện các cơ sở kỹ thuật theo hướng cơ bản, thống nhất, đồng bộ, đúng quy chuẩn, phù hợp với thế bố trí lực lượng và phương án tác chiến phòng thủ Quân khu. Để đạt hiệu quả cao, trong quá trình triển khai, Quân khu thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm cho từng đơn vị, ưu tiên những hạng mục thiết thực phục vụ công tác kỹ thuật của đơn vị và cơ sở bảo đảm kỹ thuật trên các địa bàn trọng yếu, các đơn vị chủ lực, tuyến biên giới, biển, đảo. Từ năm 2010 đến nay, Quân khu đã xây dựng mới, củng cố, nâng cấp hơn 8.000 m2 nhà kho; 2.500 m2 nhà kho xe - máy; 15.000 m3 ụ chống nổ lây và các công trình phụ trợ,… trị giá gần 300 tỷ đồng. Đáng chú ý là, bằng nguồn ngân sách địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng,… đã quy hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống kho tổng hợp cấp tỉnh, cấp huyện và căn cứ hậu cần - kỹ thuật trên diện tích hơn 30 ha, với kinh phí hàng chục tỷ đồng, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Quân khu còn đẩy mạnh đầu tư xây mới hàng nghìn mét vuông mặt bằng công nghệ, bổ sung hàng trăm trang thiết bị công nghệ hiện đại cho hệ thống trạm, xưởng sửa chữa cấp chiến dịch và chiến thuật, nâng cao năng lực sửa chữa, phục hồi, sản xuất, nhất là các chi tiết, cụm chi tiết có yêu cầu kỹ thuật cao. Hiện nay, các cơ sở bảo đảm kỹ thuật của Quân khu không những đáp ứng tốt nhu cầu đảm bảo sửa chữa theo kế hoạch, mà còn góp phần phát triển công nghiệp trên địa bàn, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường sản xuất cơ khí, sửa chữa tàu thủy, ô tô thế hệ mới.

Kiểm tra công tác bảo quản, sửa chữa tại Phân xưởng vũ khí X56, Cục Kỹ thuật Quân khu 3. (Ảnh: infonet.vn)

Cùng với đó, Quân khu tập trung nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật, nhằm duy trì và phục hồi tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí, trang bị, hạn chế tác động của các yếu tố khí hậu, môi trường và điều kiện sử dụng. Thực hiện công tác này, Quân khu chỉ đạo các đơn vị và ngành Kỹ thuật tổ chức tốt việc sửa chữa, đồng bộ vũ khí, trang bị theo phân cấp; chú trọng nâng cao chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa tại đơn vị, kết hợp chặt chẽ giữa sửa chữa tại trạm, xưởng các cấp với cơ động sửa chữa, đồng bộ, nhất là các đơn vị tuyến đảo, những bộ phận ở xa, nơi địa hình bị chia cắt. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm đúng định kỳ, quy trình công nghệ; trong đó, chú trọng sử dụng công nghệ vật liệu mới trong niêm cất, bảo quản, nhất là đối với các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng. Từ năm 2012, Quân khu phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga áp dụng phương pháp niêm cất bằng ức chế bay hơi đối với vũ khí, đạn tại các đơn vị đảo và kho Quân khu, mở ra một hướng đi mới trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Mặt khác, Quân khu chú trọng phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và thu được kết quả tích cực. Từ năm 2010 đến nay, Quân khu có hơn 200 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, thiết thực phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu đồng; trong đó, nhiều đề tài, sáng kiến đã giành giải cao trong các cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo và Giải pháp - sáng chế kỹ thuật toàn quân, toàn quốc.

Để thực hiện tốt công tác kỹ thuật, Quân khu luôn quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và đẩy mạnh xây dựng chính quy trong ngành Kỹ thuật. Trước thực trạng lực lượng chuyên môn kỹ thuật thiếu so với biên chế, chưa cân đối về ngành nghề, lứa lớp; trình độ tay nghề có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; thợ lành nghề còn ít,… Quân khu đã có biện pháp đồng bộ về tư tưởng, tổ chức, chính sách và chuyên môn; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, từng bước chuẩn hóa về trình độ, tay nghề; chú trọng phát triển đội ngũ thợ đầu ngành ở các cơ sở bảo đảm kỹ thuật cấp Quân khu, nhân viên, thợ kỹ thuật giỏi ở đơn vị cơ sở, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa và thợ sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp; xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, gắn quy hoạch, đào tạo với sử dụng chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm nguồn kế cận vững chắc. Quân khu thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo tại các cơ sở trong nước và nước ngoài­­, với tổ chức đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, tập huấn, huấn luyện bổ sung và thi nâng bậc, diễn tập kỹ thuật,… nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Bên cạnh đó, Quân khu cũng quan tâm nghiên cứu, ban hành chế độ, chính sách ưu đãi đối với cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nhất là số cán bộ kỹ thuật có trình độ cao và thợ lành nghề; thực hiện nghiêm túc chế độ luân chuyển cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở tất cả các cấp, các cương vị và địa bàn, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để họ phát huy cao nhất khả năng trong công việc, yên tâm công tác. Đến nay, hơn 90% cán bộ kỹ thuật của Quân khu có trình độ đại học; 100% cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị có trình độ đại học và trên đại học, có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và điều hành nghiệp vụ công tác kỹ thuật vững vàng; đội ngũ nhân viên kỹ thuật giỏi một nghề, biết nhiều nghề, có thể thay thế, kiêm nhiệm công việc cho nhau khi cần thiết.

Xây dựng chính quy trong công tác kỹ thuật được Quân khu coi trọng và xác định là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Quân khu đã chỉ đạo ngành Kỹ thuật nghiên cứu, biên soạn chuẩn hóa hệ thống văn bản, tài liệu, thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị, như: Chỉ lệnh Công tác kỹ thuật; Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch công tác kỹ thuật năm; Hướng dẫn soạn thảo, kiện toàn các văn kiện tác chiến của Ngành, v.v. Các cơ quan, đơn vị tích cực nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy định hoạt động nhà kho, trạm, xưởng, khu kỹ thuật…; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đăng ký, báo cáo và quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp. Nhờ đó, hoạt động công tác kỹ thuật các cấp ngày càng nền nếp, chính quy.

Cùng với quan tâm xây dựng, nâng cao năng lực của lực lượng kỹ thuật ở các cấp, Quân khu chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp với địa phương xây dựng lực lượng dự bị động viên kỹ thuật vững mạnh, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, biển, đảo; nắm chắc khả năng huy động nguồn vật tư dự trữ cho nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh ở các địa phương và khả năng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật,… sẵn sàng huy động khi có tình huống.

Với nỗ lực đó, chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật của Quân khu được nâng lên rõ rệt; các chỉ tiêu công tác kỹ thuật của Quân khu luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra; hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị kỹ thuật được duy trì vững chắc. Kết quả đó đã góp phần đảm bảo cho lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, cả thường xuyên và đột xuất.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Quân khu tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác kỹ thuật và bám sát phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đặc điểm địa bàn, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật. Ngành Kỹ thuật Quân khu tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo công tác kỹ thuật. Trước mắt, các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, bổ sung chỉ tiêu, biện pháp trong Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 382, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu lần thứ VIII, phù hợp với nhiệm vụ, địa bàn. Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội đối với công tác kỹ thuật; đồng thời, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nội dung trọng tâm, khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu trong công tác kỹ thuật. Quân khu tiếp tục huy động các nguồn lực, triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống kho tàng theo Đề án KA-10 của Bộ Quốc phòng; trước mắt, tập trung quy hoạch, xây dựng hệ thống kho tàng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm, nhân rộng; điều chỉnh quy hoạch hệ thống kho tàng, cơ sở bảo đảm kỹ thuật các tuyến đảo theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh triển khai Đề án Quy hoạch sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật đến năm 2020 và những năm tiếp theo; trong đó, tập trung vào rà soát quy hoạch sử dụng trang bị và bảo đảm trang bị đúng, đủ, kịp thời cho lực lượng vũ trang Quân khu, nhất là các tuyến biên giới, biển, đảo, các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Cùng với nâng cao năng lực bảo dưỡng, sửa chữa của các cơ sở kỹ thuật, Quân khu tập trung quy hoạch, xây dựng lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên kỹ thuật vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật; xây dựng cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của địa phương cho công tác kỹ thuật, gắn xây dựng lực lượng kỹ thuật với xây dựng khu vực phòng thủ, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thiếu tướng TRẦN THÀNH, Phó tư lệnh Quân khu

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.