QPTD -Thứ Hai, 15/04/2019, 09:15 (GMT+7)
Quân khu 1 chú trọng thực hiện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 luôn chú trọng thực hiện toàn diện công tác này, nhằm xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược, trọng yếu trên hướng Bắc, Đông Bắc Tổ quốc.

Quân khu 1 là căn cứ địa cách mạng, cửa ngõ quốc gia cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Trên 90% diện tích của Quân khu là địa hình đồi núi và trung du; cán bộ, chiến sĩ chủ yếu là con em các dân tộc trên địa bàn, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt, trên địa bàn Quân khu có hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp, nổi lên là tổ chức Dương Văn Mình, v.v. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi Quân khu phải chú trọng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, tư duy mới về quân sự, quốc phòng của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Quân đội, Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao. Hằng năm, Quân khu đều tổ chức huấn luyện đúng, đủ 100% nội dung, thời gian, quân số theo kế hoạch, chương trình đã xác định đối với cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ; kết quả huấn luyện các nội dung 100% đạt yêu cầu, trong đó có 80% khá, giỏi, nhiều đơn vị đạt tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện Giỏi” cấp quân khu và toàn quân1. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyệt đối trước các sự kiện trọng đại của đất nước, Quân đội diễn ra trên địa bàn2; công tác diễn tập cho các lực lượng được chú trọng, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhờ đó, trình độ, khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang chuyển biến tích cực; ngăn ngừa, xử trí thắng lợi các tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc địa bàn, chủ quyền tuyến biên giới Quân khu đảm nhiệm.

Tuy nhiên, qua sơ kết 5 năm (2013 - 2018) thực hiện Nghị quyết 765 ở cấp Quân khu cho thấy, còn nội dung, chương trình huấn luyện chưa theo kịp với sự phát triển của chiến tranh hiện đại. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện chưa thực sự khoa học; năng lực thực hành huấn luyện của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khung B có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy của một số đơn vị chưa vững chắc, còn để quân nhân vi phạm kỷ luật, mất an toàn trong tham gia giao thông, v.v.

Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ địa bàn Quân khu tiếp tục có bước phát triển mới; các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá bằng nhiều chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, v.v. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục đột phá, đổi mới toàn diện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo hướng cơ bản sau:

Một là, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là giải pháp và là yếu tố quyết định kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt của đơn vị; từ đó, xác định quyết tâm, xây dựng ý thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 703-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

Để làm được điều đó, Đảng ủy Quân khu xác định phải kết hợp chặt chẽ giữa kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trọng tâm là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp với thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm tạo cơ chế thuận lợi nhất để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, Quân khu tập trung đột phá vào các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng “Đơn vị huấn luyện Giỏi”, những nội dung mới, vấn đề cấp thiết về xây dựng, hoạt động của lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ, v.v. Đồng thời, gắn huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin vào vũ khí, trang bị kỹ thuật và cách đánh; kiên quyết khắc phục khâu yếu, mặt yếu, tư tưởng ngại khó, ngại khổ và việc hạ thấp chỉ tiêu, bệnh thành tích trong huấn luyện. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nguyên tắc, chế độ công tác đảng, công tác chính trị và phong trào Thi đua Quyết thắng trong huấn luyện; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, đổi mới toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác huấn luyện, đào tạo. Theo đó, Bộ Tham mưu, trực tiếp là cơ quan tác chiến, quân huấn - nhà trường cần nghiên cứu tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường tiếp tục đổi mới toàn diện công tác huấn luyện, đào tạo, từ khâu xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình; chỉ đạo, quản lý, điều hành; tổ chức, phương pháp; bảo đảm huấn luyện đến sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Trước hết, tập trung đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo theo hướng: chủ động bám nắm cơ quan chức năng cấp trên, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan Quân khu trong xây dựng kế hoạch huấn luyện, vừa đảm bảo nội dung huấn luyện, vừa có tính khoa học, khả thi. Nội dung huấn luyện phải tăng dần độ khó, sát thực tế chiến đấu, phù hợp với phương thức, môi trường tác chiến mới của đối phương, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị của từng lực lượng và đặc điểm địa bàn; tăng thời gian huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động lực lượng, huấn luyện thể lực, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng, nghi lễ đối ngoại quốc phòng, giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; huấn luyện đổi số, đổi súng, nhằm khai thác, làm chủ các loại vũ khí trong biên chế, nhất là vũ khí, trang bị, khí tài mới, v.v. Về công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện, tiếp tục đổi mới theo hướng: tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo; coi trọng kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cơ quan tham mưu tác chiến, huấn luyện và đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện các cấp, ưu tiên đơn vị đủ quân, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và làm nhiệm vụ ở địa bàn trọng điểm, biên giới. Xây dựng cơ chế phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành với chỉ huy đơn vị trực tiếp huấn luyện. Đồng thời, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác tham mưu tác chiến, huấn luyện; tăng cường kiểm tra đột xuất, vượt cấp, không thông báo trước, thực hiện kiểm tra cơ quan chuyên trách trước khi kiểm tra đơn vị, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn Quân khu. Về phương pháp huấn luyện, đổi mới theo hướng: lấy nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh, bảo vệ vững chắc địa bàn làm mục tiêu. Chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm, kỹ năng thực hành xử trí các tình huống theo phương án tác chiến cho bộ đội; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chiến đấu với giáo dục - đào tạo; huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành với làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; gắn huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, đẩy mạnh rút kinh nghiệm huấn luyện ở đơn vị cấp chiến thuật, nhằm khắc phục hạn chế, đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo giai đoạn tiếp theo.

Ba là, chú trọng công tác diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang. Đây là hình thức huấn luyện, rèn luyện bộ đội cao nhất, sát thực tế chiến đấu, nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, nhất là khả năng xử lý các tình huống thực hành cho lực lượng vũ trang. Để làm được điều đó, trước mắt, Bộ Tham mưu, trực tiếp là cơ quan tác chiến tập trung hoàn chỉnh hệ thống tự động hóa chỉ huy tác chiến điện tử tại Sở Chỉ huy Quân khu để đưa vào khai thác, sử dụng. Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; đặc điểm, nhiệm vụ, ý định của Tư lệnh Quân khu, kịp thời tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các khối đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ xây dựng kế hoạch diễn tập theo hướng: khoa học, đa dạng về quy mô, hình thức; phong phú về tình huống; sát với phương án, nhiệm vụ, địa bàn của từng lực lượng và triển khai thực hiện. Chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị diễn tập, tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng diễn tập (khu vực phòng thủ; vòng tổng hợp có bắn đạn thật cấp chiến thuật; tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng cấp chiến dịch, chiến lược; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cháy nổ, cháy rừng, cứu sập,...) và các biện pháp bảo đảm an toàn trong diễn tập. Quá trình diễn tập, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng, các cơ quan, đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm; xử trí tốt các tình huống khủng bố, bạo loạn lật đổ bên trong kết hợp tiến công xâm lược biên giới bằng đường bộ, đường không, v.v. Đồng thời, coi trọng gắn diễn tập với tổ chức động viên, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên, huy động phương tiện, nguồn lực của nền kinh tế địa phương cho nhiệm vụ quốc phòng; nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực vận hành cơ chế của cấp ủy, chính quyền địa phương, trình độ chỉ huy tác chiến của cán bộ các cấp và khả năng hiệp đồng chiến đấu của cấp phân đội. Thông qua diễn tập, các cơ quan, đơn vị, nhà trường, địa phương tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các phương án cho phù hợp với thực tiễn; tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, kỹ thuật, công nghệ quân sự,… đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ vững chắc địa bàn Quân khu và chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN KÌNH, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu

____________

1 - Trong 05 năm qua, Quân khu tặng cờ “Đơn vị huấn luyện Giỏi” cho 60 lượt tiểu đoàn; Bộ Quốc phòng tặng cờ cho 27 lượt sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn.

2 - Năm 2018 và quý 1-2019, Quân khu bảo vệ an toàn Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5 và dịp Chủ tịch Triều Tiên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.