Thứ Bảy, 14/09/2024, 02:32 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Công tác quốc phòng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt, Bộ đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác này; nhất là Nghị định 119/2004/NĐ-CP, ngày 11-5-2004 của Chính phủ “Về Công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương”.
Trên cơ sở quán triệt, chấp hành nghiêm định hướng chỉ đạo của Chính phủ, nắm chắc tình hình trong nước và quốc tế, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin, truyền thông, như: Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin mạng,... đảm bảo cho hệ thống pháp luật của Ngành đi vào cuộc sống, góp phần để mọi công dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Cùng với đó, Ngành đẩy mạnh tiến trình đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước. Do vậy, ngành Thông tin và Truyền thông đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước cùng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển toàn diện đất nước; đặc biệt là về nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh; xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia. Đồng thời, là kênh thông tin quan trọng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân, định hướng dư luận xã hội, khơi dậy và phát huy sức mạnh vật chất, trí tuệ, tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Những năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phổ biến, giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Hằng năm, Bộ tiến hành rà soát, nắm chắc số cán bộ thuộc diện đối tượng phải bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch cử cán bộ tham gia các lớp học. Đến nay, 100% cán bộ đối tượng 1, trên 80% cán bộ đối tượng 2, 3 và 4 đã qua bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu; trong đó có trên 70% khá, giỏi. Bên cạnh đó, Bộ thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường thuộc Bộ quản lý, như: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Cao đẳng và Trường Đào tạo cán bộ. Chỉ tính riêng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, năm 2016 đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Hà Nội 1, thực hiện giáo dục cho 2.000 sinh viên. Để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học viên, sinh viên, các trường tăng cường hoạt động ngoại khóa: văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, kết nghĩa với các đơn vị quân đội, địa phương,… tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật và kỹ năng quân sự, v.v. Quá trình thực hiện, các cơ quan, nhà trường vận dụng nhiều hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhất là triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bộ còn phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho khoảng 15.000 người lao động. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong toàn Ngành đối với công tác quốc phòng và an ninh có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Ngành (công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, quản lý nhà nước các dịch vụ công,...), Bộ tích cực, chủ động tham gia tuyên truyền, phố biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó, có phổ biến kiến thức về quốc phòng, an ninh cho các tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin. Hiện cả nước có 859 cơ quan báo chí in, 126 cơ quan báo và tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với tổng số 182 kênh, tạo mạng lưới thông tin và truyền thông thường xuyên, rộng khắp, có chiều sâu đến khắp mọi miền của Tổ quốc. Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với một số địa phương tổ chức hơn 30 triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, v.v. Để công tác này hoạt động hiệu quả, Bộ chỉ đạo tách Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về trực thuộc Bộ. Đây là đơn vị chủ lực hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, thực hiện sản xuất, kinh doanh và phục vụ các nhiệm vụ công ích. Đến nay, cả nước có 12.738 điểm phục vụ, 8.113 điểm Bưu điện văn hóa xã, bán kính phục vụ ngày càng được rút ngắn, tỉ lệ xã có báo Đảng đến tay bạn đọc trong ngày tăng. Gần đây, Bộ đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, làm cho người dân ở các vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ bưu chính, viễn thông, in-tơ-nét, công nghệ thông tin, phát thanh và truyền hình; trực tiếp phục vụ cuộc sống và sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Ngành, đảm bảo tốt các kênh thông tin, tuyên truyền sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và quốc phòng, an ninh. Quốc phòng, an ninh được giữ vững là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy Ngành phát triển. Nhận thức rõ điều đó, Bộ đã đầu tư mọi nguồn lực thúc đẩy ngành Công nghệ thông tin phát triển, trở thành một trong các ngành kinh tế có doanh thu và đóng góp thuế lớn cho đất nước. Năm 2015, doanh thu của Ngành ước đạt khoảng 49,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 45,8 tỷ USD, đứng đầu trong nhóm các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, đào tạo được khoảng 500.000 người có trình độ kỹ thuật và năng suất lao động cao, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới. Hiện mạng viễn thông có 154,3 triệu thuê bao điện thoại (mật độ 178,6 máy/100 dân), trên 27,6 triệu người sử dụng in-tơ-nét, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống lụt, bão, cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai, v.v.
Để đảm bảo thông tin liên lạc an toàn, chính xác, bí mật, Bộ chỉ đạo xây dựng Luật An toàn thông tin mạng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thông tin điện tử. Gần đây nhất, Bộ chỉ đạo các đơn vị xử lý vụ “chiến binh công nghệ” tấn công vào hệ thống thông tin của VietNamairlines và một số đơn vị có liên quan, sớm đưa ra các giải pháp phòng, chống hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị chức năng xử lý các nguồn phát tán thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước trong mọi tình huống.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; trong đó nội dung liên quan tới công tác quốc phòng, an ninh nhiều và rất quan trọng. Vì vậy, hằng tuần, Bộ phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, định hướng thông tin liên quan tới tình hình chính trị, kinh tế, đối ngoại và quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt chế độ gửi thông báo tình hình báo chí trong tuần cho cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và một số cơ quan chủ quản. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Ban Đối ngoại Trung ương đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa; chống “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, cùng các chính sách về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của Việt Nam và chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Cùng với đó, Bộ thường xuyên kiện toàn ban chỉ huy quân sự các cấp, bảo đảm đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần, hoạt động theo quy chế; xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị. Quá trình hoạt động, Ban Chỉ huy quân sự cấp Bộ bám sát sự chỉ đạo của cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương và các cơ quan chức năng, tham mưu giúp Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, an ninh.
Nhìn chung, công tác quốc phòng, an ninh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu,... nên đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, với tinh thần nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, chúng tôi thấy rằng, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản thì trong công tác quốc phòng của Ngành cũng còn những hạn chế, bất cập; đặc biệt là nhận thức về công tác này chưa đầy đủ, việc quản lý và tổ chức thực hiện có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, xây dựng kế hoạch huy động tiềm lực công nghệ thông tin (con người, phương tiện) trong ngành phục vụ cho sự nghiệp quốc phòng của đất nước khi cần thiết còn những hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng, v.v. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, tổ chức thực hiện thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về các vấn đề thuộc chiến lược phát triển của Ngành. Tiếp tục tham gia chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý chuyên ngành; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Hai là, quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống của dân tộc, của Ngành, gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đấu tranh, ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Ba là, xây dựng chiến lược phát triển Ngành bảo đảm phương châm: năng động, sáng tạo, hiệu quả và bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh; lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ động viên các nguồn lực của Bộ, Ngành, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bốn là, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng cơ quan, đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Năm là, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo đảm ngân sách đối với sự nghiệp quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và các chính sách có liên quan đến công tác quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS. NGUYỄN MINH HỒNG, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
thông tin truyền thông,nhiệm vụ quốc phòng
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo)
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)*