QPTD -Thứ Hai, 10/11/2014, 15:50 (GMT+7)
Ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - yêu cầu cơ bản trong xây dựng Quân đội về chính trị hiện nay

Để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị phụ thuộc vào nhiều nhân tố và cần giải quyết nhiều vấn đề; trong đó, khắc phục, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là yêu cầu cơ bản, xuyên suốt. Đồng thời, đây cũng là vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định.
 

Đặt vấn đề ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xây dựng Quân đội ta về chính trị hiện nay không phải là yêu cầu hoàn toàn mới. Trong quá trình xây dựng Quân đội suốt bảy thập kỷ qua, chúng ta đã giải quyết tốt một loạt các mối quan hệ cơ bản trong vấn đề này. Đó là mối quan hệ giữa “xây” và “chống”; giữa phát huy các yếu tố tích cực, tiến bộ và khắc phục, hạn chế các yếu tố tiêu cực, lạc hậu; giữa tăng cường các yếu tố làm nên sự vững mạnh về chính trị của Quân đội và khắc phục, ngăn chặn những yếu tố cản trở, gây ảnh hưởng đến chất lượng chính trị của Quân đội ta. Đó là biện chứng của quá trình xây dựng Quân đội về chính trị. Các giai đoạn khác nhau, nội dung biểu hiện của các mối quan hệ cơ bản trên cũng như tính biện chứng của quá trình xây dựng Quân đội về chính trị cũng có sự khác nhau. Và do đó, phải có nội dung, giải pháp phù hợp mới mang lại hiệu quả như mong muốn. Điều cần lưu ý là, tại sao trong tình hình hiện nay, chúng ta lại phải quan tâm, nhấn mạnh đến việc ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và là một nội dung, yêu cầu cơ bản trong xây dựng Quân đội về chính trị? Vì rằng, tình trạng suy thoái trên trong một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) đang hiện hữu, đặc biệt nguy hại. Nếu không kịp thời khắc phục, ngăn chặn tình trạng này thì thậm chí dẫn tới mất nước, mất chế độ và sự lãnh đạo của Đảng. Còn đối với Quân đội thì không giữ được bản chất, sức mạnh, phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu. Đó là lời giải cho câu hỏi tại sao nêu trên.

Chính trị của Quân đội ta thể hiện cụ thể ở bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, ý chí quyết tâm và sức mạnh, khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Sức mạnh đó đáp ứng yêu cầu của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, bảo đảm có khả năng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ XHCN. Sức mạnh đó sẽ bị suy giảm, thậm chí triệt tiêu, Quân đội bị vô hiệu hóa do tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không được ngăn chặn kịp thời, bị các thế lực thù địch lợi dụng khoét sâu, chống phá.

Biểu hiện rõ nét nhất của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Quân đội hiện nay là: phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, sai không đấu tranh, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, v.v. Nguyên nhân của tình trạng đó là do một số CB,ĐV thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu sức đề kháng trước sự cám dỗ của vật chất, lợi quyền, danh vọng dẫn tới tham nhũng, lãng phí, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, phong cách quan liêu, xa cơ sở, cấp dưới và vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, v.v. Cùng với đó, còn có nguyên nhân quản lý, kiểm tra, giám sát không thường xuyên, thiếu chặt chẽ của các tổ chức, đoàn thể.

Để đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, chúng ta cần phải thực hiện tổng thể các giải pháp, cả về tư tưởng và chính trị, con người và tổ chức, gắn xây dựng về chính trị với xây dựng các mặt khác. Trong đó, phải hết sức chú ý kết hợp giữa “xây” và “chống”; lấy xây dựng các mặt tích cực đẩy lùi tiêu cực là việc làm thường xuyên hằng ngày, cần phải được quan tâm đúng mức, v.v. Đó thực sự là cuộc đấu tranh cam go quyết liệt và rất phức tạp trong quá trình xây dựng Quân đội ta về chính trị hiện nay.

Vấn đề cần quan tâm là thái độ và nhận thức đối với cuộc đấu tranh này như thế nào. Chúng ta đã có nhiều nghị quyết, chủ trương và cũng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn, khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhưng hiệu quả chưa thật như mong đợi. Cần phải nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn tác hại của tình trạng suy thoái này; và cần thể hiện rõ thái độ kiên quyết hơn theo tinh thần “khó mấy cũng phải làm” của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng. Nếu để tình trạng suy thoái phát triển, không được khắc phục và ngăn chặn một cách có hiệu quả, thì không những việc xây dựng Quân đội về chính trị sẽ không thể đạt được kết quả, mà nhiều giá trị bản chất của Quân đội ta có thể bị biến dạng, méo mó, bị phai mờ, thậm chí “trượt” sang “giá trị” khác. Quân đội sẽ bị biến chất về chính trị khi tình trạng suy thoái “cộng hưởng” với sự “ra tay” quyết liệt của các thế lực thù địch.

Tính chất nguy hại của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với chính trị của Quân đội ta là rất rõ ràng. Bản chất chính trị - xã hội của Quân đội ta không thể chấp nhận, dung nạp sự suy thoái đó. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH; phẩm chất trung với Đảng, hiếu với dân; mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội với nhân dân; tình đồng chí, đồng đội giữa cán bộ với chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới; bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”; tinh thần khắc phục khó khăn hoàn thành mọi nhiệm vụ..., những nội dung cốt lõi đó trong bản chất, tính chất của Quân đội ta sẽ bị “tổn thương”, thậm chí bị biến dạng, biến chất nếu để cho sự suy thoái phát triển. Xây dựng Quân đội về chính trị nhất thiết phải loại bỏ, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ cái “ung nhọt” này với thái độ “không khoan nhượng” như V.I. Lê-nin đã từng nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhận biết suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là không dễ dàng. Bởi lẽ, những biểu hiện của chúng được che chắn rất tinh vi, thường núp dưới cái vỏ bọc tập thể, vì sự nghiệp chung…, để bao biện, che giấu. Chưa kể đến các yếu tố khác chi phối, làm cho người ta vừa khó phát hiện lại vừa “sợ” phát hiện. V.I. Lê-nin từng coi đó “là một tác hại nguy hiểm nhất”[1]. Thực tiễn cũng cho thấy, việc khắc phục, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là rất phức tạp và khó khăn. Nếu không quyết liệt, còn xem nhẹ, còn bị bệnh “thành tích” chi phối, thì chúng ta không thể ngăn chặn được sự suy thoái, thậm chí còn làm cho nó phát triển nguy hiểm hơn. Thực chất của vấn đề đó là xem nhẹ yêu cầu xây dựng Quân đội về chính trị.

Ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xây dựng Quân đội về chính trị đòi hỏi rất cao tinh thần tự phê bình và phê bình, phải gắn nó với việc đề cao tính tiền phong gương mẫu của CB,ĐV. Đây là hai vấn đề gắn bó chặt chẽ với nhau và là đột phá quan trọng cần phải thực hiện tốt trong tình hình hiện nay. Muốn thực hiện tự phê bình và phê bình, phải khắc phục và vượt qua được cái “hố cá nhân chủ nghĩa” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh. Trong thực tế, tự phê bình và phê bình đã và đang được thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, “vũ khí” lợi hại này lại không được phát huy thật sự hiệu quả, có lúc, có nơi sử dụng không đúng, chưa tới, chưa trúng, thậm chí bị lợi dụng. Trong không ít trường hợp, tự phê bình và phê bình chưa gắn với việc đề cao tính tiền phong gương mẫu của CB,ĐV, đặc biệt là cán bộ chủ chốt. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là, CB,ĐV Quân đội phải thực sự gương mẫu trong cả lời nói và hành động, ở mọi lúc, mọi nơi và gương mẫu ngay trong tự phê bình, phê bình, nói đi đôi với làm; “phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. 

Về vấn đề này, cần quán triệt và thực hiện tốt theo tinh thần Đại hội XI và các hội nghị Trung ương 4, 9 (khóa XI) của Đảng về sự gương mẫu của cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ Trung ương. CB,ĐV phải thực sự là những “tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống”; “phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[2]; “Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới”[3].

Việc quán triệt những quan điểm quan trọng đó của Đảng là vấn đề có ý nghĩa quyết định. CB,ĐV trong Quân đội, không thể vì một lý do nào đó mà tự cho mình là người “đứng ngoài cuộc”. Họ không thể chỉ thuyết giáo và yêu cầu các quân nhân thuộc quyền và cán bộ cấp dưới chấp hành và tuân theo, còn mình thì không thực hiện, thiếu gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, thậm chí lại làm những việc trái pháp luật, bất lương, bất chính. Cán bộ quân đội, phải thực hiện tốt lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu. Phải giữ đúng đạo đức của quân nhân”[4].

Tầm quan trọng, “ý nghĩa quyết định” sự gương mẫu của CB,ĐV, đặc biệt là cán bộ chủ chốt trong vấn đề này biểu hiện ở chỗ: Thứ nhất, nếu diễn ra sự suy thoái ở đội ngũ cán bộ này thì sẽ dẫn đến hậu quả lớn, tác động rất mạnh, ảnh hưởng sâu rộng, tiêu cực đối với bản chất, truyền thống tốt đẹp và tính chất  chính trị của Quân đội. Thứ hai, nếu CB,ĐV thực sự tiêu biểu, gương mẫu thì sẽ tạo cơ sở, điều kiện quyết định cho việc ngăn chặn, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tạo động lực mạnh mẽ cho đấu tranh phòng, chống tình trạng này, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xây dựng Quân đội về chính trị.

Để CB,ĐV có thể phát huy tính tiền phong, gương mẫu của mình, vấn đề không thể là kêu gọi chung chung, mà cần phải có các biện pháp,“tiêu chí, yêu cầu cụ thể” về sự gương mẫu trên mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động; đặc biệt trong rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong tuân thủ “Những điều đảng viên không được làm”. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò làm chủ của mọi quân nhân và các tổ chức trong đơn vị kiểm tra, giám sát sự gương mẫu đó; định kỳ “lấy ý kiến nhận xét” của cán bộ, chiến sĩ, của tập thể quân nhân về tư cách đạo đức của CB,ĐV một cách thực sự, tránh hình thức, “làm lấy lệ cho xong việc”. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu của CB,ĐV phải gắn chặt với việc đề cao trách nhiệm của họ trong thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; thực hiện theo tinh thần: người đứng đầu và cấp ủy phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để cho tình trạng suy thoái phát triển.

Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải thực hiện tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ. Không thể có đội ngũ cán bộ tốt, nếu không có quan điểm và phương pháp đúng về công tác cán bộ. Cán bộ là “gốc” của mọi công việc, đội ngũ cán bộ chủ chốt thì ý nghĩa “gốc” đó càng quan trọng. Đội ngũ cán bộ tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc và sự vững mạnh về chính trị của Quân đội. Thực tế thời gian qua, việc chăm lo cho cái “gốc” này vẫn còn có nhiều hạn chế và bất cập. Việc đánh giá cán bộ có lúc chưa thật sự công tâm, khách quan, còn nặng cá nhân chủ nghĩa; chưa thật sự làm căn cứ đáng tin cậy để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng; chưa kịp thời loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất.

Đã đến lúc chúng ta cần phải thực hiện tốt hơn việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài; kiên quyết loại bỏ những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu kém, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Không bố trí vào chức vụ lãnh đạo và không giới thiệu lên trên những cán bộ chủ chốt ở những đơn vị phong trào kém, trì trệ, mất ổn định, mất đoàn kết, tín nhiệm thấp. Mọi sự sai sót, thiếu khách quan, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, đố kỵ, bố trí, sử dụng không đúng, sai nguyên tắc sẽ dẫn đến hậu quả xấu, ảnh hưởng rất tiêu cực đến chất lượng đội ngũ cán bộ, đến sự vững mạnh về chính trị của Quân đội. Cần quy rõ trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu về những sai lầm, sự tắc trách, vi phạm nguyên tắc trong công tác cán bộ, để cho tình trạng suy thoái phát triển.

Sự vững mạnh về chính trị của Quân đội, sự trưởng thành và chiến thắng, những truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta là kết quả của sự dày công xây dựng, giáo dục, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta; sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, cùng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện và đấu tranh với biết bao mồ hôi, công sức và xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội suốt bảy thập kỷ qua. Sức mạnh và truyền thống tốt đẹp đó, chúng ta phải không ngừng củng cố và tăng cường trong quá trình xây dựng Quân đội về chính trị, làm cơ sở để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc./. 

 

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

Viện KHXHNVQS/ Bộ Quốc phòng

 

 


[1] - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 39, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 53.

[2] - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 258.

[3] - Sđd - tr. 258.

[4] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 204. 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.