QPTD -Thứ Tư, 18/03/2015, 10:27 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng công tác kế hoạch và đầu tư, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng

Cục Kế hoạch và Đầu tư có chức năng tham mưu chiến lược và quản lý nhà nước về công tác kế hoạch và đầu tư trong Quân đội. Để hoàn thành tốt chức năng đó, Cục luôn coi trọng xây dựng vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng công tác, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc  trong tình hình mới.

Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án Đường Trường Sơn Đông.

Ngày 20-3-1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 44/QĐ-TM thành lập Cục Vật tư - tiền thân của Cục Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày nay. Ngay sau khi được thành lập, Cục đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức biên chế, chủ động tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu hồi, quản lý vật tư chiến lợi phẩm, giải quyết hậu quả chiến tranh; đồng thời, tổ chức tiếp nhận hàng viện trợ quân sự, quản lý, bảo đảm vật tư, trang bị phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới.

Những năm gần đây, nhất là từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, tăng cường hội nhập quốc tế, Cục đã có nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, tạo bước đột phá, đưa công tác KH&ĐT trong Quân đội đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Nổi bật là, chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu về kế hoạch bảo đảm, đầu tư phát triển của Quân đội được nâng cao. Công tác quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư, quản lý thương mại quân sự, hội nhập kinh tế quốc tế, dự trữ quốc gia cho quốc phòng…, có nhiều đổi mới, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ QS,QP và sự phát triển của Quân đội. Trong điều kiện ngân sách quốc phòng hằng năm hạn hẹp, nhu cầu đầu tư ngày càng lớn, Cục đã chủ động đề xuất, tham mưu xây dựng cơ chế, giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cho đầu tư phát triển của Quân đội, xây dựng tiềm lực QS,QP. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch, quản lý đầu tư, quản lý, phân bổ các nguồn lực, nghiên cứu đổi mới cơ chế thẩm định dự án đầu tư, giám sát đánh giá đầu tư, quản lý đấu thầu và công tác xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng, v.v. Nhờ vậy, đã góp phần giải quyết sự mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, khép kín theo từng ngành, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đảm bảo tốt cho các chương trình, dự án trọng điểm, như: phát triển công nghiệp quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ; cải tiến, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, mua sắm vũ khí, trang bị thế hệ mới, hiện đại; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình chiến đấu, v.v. Qua đó, thiết thực nâng cao tiềm lực QS,QP, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” và thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, v.v.

Với những thành tích đã đạt được, Cục KH&ĐT đã được Chủ tịch nước tặng 02 Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) hạng Nhì, hạng Ba; được Chính phủ, các bộ, ngành nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, BVTQ đặt ra cho công tác KH&ĐT những mục tiêu, yêu cầu rất cao và có không ít khó khăn, thách thức. Để hoàn thành trọng trách được giao, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của Cục đang nỗ lực phát huy truyền thống “Chủ động, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”, quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác. Trong đó, chú trọng những nội dung chủ yếu sau:

Một là, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược về công tác KH&ĐT trong Quân đội. Cục tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới và bám sát nhiệm vụ QS,QP, thực tiễn đất nước, tập trung nghiên cứu, đề xuất, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác KH&ĐT. Để đáp ứng yêu cầu đầu tư cho quốc phòng trong điều kiện khả năng ngân sách hiện có, Cục tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp khai thác, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho quốc phòng từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn tín dụng của Chính phủ, vốn ODA, nguồn lực của các tập đoàn kinh tế nhà nước, v.v. Đồng thời, tích cực tham mưu cho Bộ Quốc phòng đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành công tác KH&ĐT, thương mại quân sự, nhất là chủ trương đầu tư, phân bổ nguồn lực, về cơ chế, quy chế, chính sách quản lý đầu tư, xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng…, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ, đúng hướng, đúng pháp luật, phù hợp với yêu cầu xây dựng tiềm lực QS,QP, xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Hiện nay, Cục chỉ đạo nâng cao chất lượng nghiên cứu, phân tích, dự báo chiến lược, nhất là về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, môi trường đầu tư, nhu cầu đầu tư phát triển của Quân đội trong từng ngành, lĩnh vực, để tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng xây dựng Kế hoạch bảo đảm nhiệm vụ QS,QP giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020, có tính khả thi cao, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Hai là, triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng, điều hành kế hoạch và quản lý đầu tư phát triển. Cục yêu cầu các cơ quan bám sát sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, tạo cơ chế phối hợp tham mưu đồng bộ, thông suốt, nâng cao chất lượng nghiên cứu dự báo chiến lược, tổng hợp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…, làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, trình duyệt hồ sơ các dự án đầu tư, v.v. Thời gian tới, Cục đẩy mạnh xây dựng, triển khai kế hoạch huy động nguồn lực cho quốc phòng; đồng thời, chú trọng làm tốt việc xây dựng kế hoạch bảo đảm thường xuyên, kế hoạch đầu tư theo các chương trình, dự án thuộc ngân sách Nhà nước. Đi đôi với xây dựng kế hoạch, Cục tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp quản lý và điều hành kế hoạch hợp lý, kết hợp tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư và giải ngân, xác định đây là khâu đột phá trong hoạt động chuyên môn.

Từ những kết quả đạt được, Cục tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý đầu tư, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch ở tất cả các bước, các khâu trong quy trình thực hiện công tác KH&ĐT; đặc biệt, là trong cân đối, phân bổ nguồn vốn, đề xuất mở mới các dự án và xử lý các thủ tục đầu tư. Theo đó, Cục tiếp tục thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong phân bổ và giao kế hoạch đầu tư phát triển, đảm bảo bố trí nguồn vốn đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều, kiên quyết khắc phục tình trạng phân tán, nợ đọng trong đầu tư; trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, dự án trọng điểm, như: Chương trình Biển Đông - hải đảo; Chương trình thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển công nghiệp quốc phòng; Dự án đường tuần tra biên giới; Dự án khu kinh tế - quốc phòng, v.v. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư, đặc biệt là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Cục đẩy mạnh thực hiện phân cấp đầu tư, ủy quyền đầu tư, gắn với cơ chế xác định trách nhiệm và chế tài cụ thể. Mặt khác, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, tăng cường quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước; kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư, đôn đốc các đơn vị chấp hành đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về quản lý đầu tư và xây dựng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh mặt yếu kém, sai phạm. Các cơ quan của Cục tập trung thẩm định dự án đầu tư mở mới, nhất là các dự án trọng điểm, đảm bảo chất lượng, thời gian, gắn với chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thẩm định ở các đơn vị đầu mối. Thời gian tới, Cục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ về đổi mới, kiện toàn cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, đánh giá đầu tư; đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư trong toàn quân, đưa công tác này trở thành nội dung thường xuyên, bắt buộc và thực hiện toàn diện trong quá trình đầu tư; đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về công tác đấu thầu, chấn chỉnh và đưa công tác đấu thầu trong Quân đội đi vào nền nếp.

Thực hiện định hướng chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Cục tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, phương thức xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nhà nước triển khai công tác thương mại quân sự theo hướng đa phương hóa về hợp tác kỹ thuật quân sự, đa dạng hóa về đối tác, nguồn hàng, đảm bảo bí mật, phát huy hiệu quả đầu tư; kết hợp chặt chẽ thương mại quân sự với đối ngoại quân sự, góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Cục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, mua sắm hàng dự trữ quốc gia cho quốc phòng, thanh - xử lý trang thiết bị theo hướng cải cách và đổi mới đồng bộ hệ thống chỉ tiêu thống kê trong Quân đội theo kế hoạch của Nhà nước, v.v.

Ba là, tập trung xây dựng Cục vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, xứng tầm vị trí của một cơ quan tham mưu chiến lược. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác KH&ĐT, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Cục trước mắt và lâu dài. Cục tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, tập trung kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan, đơn vị, đảm bảo tinh, gọn, mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực nghiệp vụ chuyên sâu, có tâm, có tầm, có khả năng nghiên cứu, dự báo chiến lược, đáp ứng yêu cầu công tác KH&ĐT trong tình hình mới. Thời gian tới, Cục tiếp tục đẩy mạnh đổi mới lề lối làm việc, tác phong công tác, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đầu tư, xây dựng và chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ KH&ĐT để thống nhất thực hiện; duy trì nghiêm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ an ninh trong các hoạt động thương mại quân sự, v.v. Cùng với đó, Cục tập trung chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội các chi bộ, Đại hội Đảng bộ Cục lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020; chú trọng xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KH&ĐT, đáp ứng nhiệm vụ QS,QP, xây dựng Quân đội, BVTQ trong tình hình mới.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Đầu tư, BQP

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.