QPTD -Thứ Sáu, 13/06/2014, 16:45 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới đặt ra cho ngành Kỹ thuật quân đội những nội dung, yêu cầu rất cao. Vì thế, nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển là vấn đề hết sức quan trọng hiện nay.

 

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo (BVCQBĐ) bao gồm các hoạt động ngăn cản đối phương lấn chiếm vùng biển, đảo và đặc biệt là chống xung đột, chiến tranh xâm lược từ phía biển. Theo đó, công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) phải bảo đảm cho các lực lượng quân sự, chủ yếu là các lực lượng thuộc Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, một bộ phận lực lượng thuộc các quân, binh chủng khác được tăng cường, chi viện và phối hợp hoạt động trên hướng biển, đảo, bộ đội chủ lực các quân khu ven biển, các huyện đảo, lực lượng kiểm ngư,... Ngoài ra, ngành Kỹ thuật quân đội còn phải BĐKT cho lực lượng an ninh và tự vệ trong các tổ chức kinh tế hoạt động trên biển, đảo, cùng với lực lượng dân quân tự vệ biển, ngư dân trực tiếp tham gia hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

BĐKT cho các lực lượng BVCQBĐ là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp, bởi số lượng tàu thuyền, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) huy động thực hiện nhiệm vụ lớn, đa dạng về chủng loại, thuộc nhiều lực lượng tham gia; các phương tiện phải hoạt động dài ngày, trong môi trường biển khắc nghiệt, điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp,... Trong khi đó, đối phương luôn tìm cách khiêu khích, tấn công tàu của ta bằng nhiều cấp độ, hình thức khác nhau; từ việc sử dụng súng phun nước, đèn pha cao áp, máy phát siêu cao tần, vòi rồng, đâm va, ủi đẩy,... làm hư hỏng các tàu và trang bị của ta. Hơn nữa, khi xảy ra các tình huống về kỹ thuật, vấn đề tổ chức cứu kéo, sửa chữa, cơ động trên biển xa sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, việc bảo đảm bổ sung VKTBKT, vật tư kỹ thuật cho các lực lượng tác chiến trên biển, nhất là tuyến đảo xa khi chiến tranh xảy ra sẽ vô cùng khó khăn, phức tạp.

Nhận thức rõ đặc điểm đó, trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngành Kỹ thuật quân đội đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng BĐKT, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng, đồng bộ VKTBKT cho các lực lượng tham gia hoạt động BVCQBĐ của Tổ quốc. Tổng cục Kỹ thuật đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Quốc phòng về mua sắm, sản xuất, cải tiến VKTBKT, trong đó có VKTBKT phục vụ các hoạt động quản lý, BVCQBĐ. Các chuyên ngành kỹ thuật thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm trang bị. Các đơn vị được biên chế VKTBKT mới đã chủ động, tích cực nghiên cứu, khai thác, từng bước làm chủ kỹ thuật. Công tác BĐKT đi vào chiều sâu, đạt kết quả vững chắc. Chất lượng huấn luyện kỹ thuật và hiệu quả công tác khoa học - công nghệ ở các cấp được nâng lên; hệ thống kho tàng kỹ thuật được củng cố, nâng cấp theo hướng chính quy, an toàn,... Tuy nhiên, trước sự phát triển của VKTBKT và tình hình trên biển ngày càng phức tạp, ngành Kỹ thuật Quân đội, nhất là các chuyên ngành trực tiếp tham gia hoạt động BVCQBĐ phải đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức BĐKT; trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu sau:

Một là, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án BĐKT, phù hợp với các tình huống tác chiến biển, đảo; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật vững mạnh. Đây là yêu cầu cơ bản chỉ đạo mọi nhận thức, hành động của cán bộ, chiến sĩ, nhằm chủ động chuẩn bị toàn diện công tác BĐKT cho nhiệm vụ BVCQBĐ. Theo đó, công tác tổ chức BĐKT phải có kế hoạch, phương án cụ thể, kết hợp chặt chẽ chuẩn bị trước từ thời bình và chuẩn bị trực tiếp (bổ sung, điều chỉnh phương án) khi có tình huống xảy ra. Phương châm chuẩn bị là: chu đáo, khẩn trương và toàn diện, cả lực lượng, phương tiện, vật chất kỹ thuật, các kế hoạch và phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động. Nội dung kế hoạch, phương án tổ chức BĐKT phải xuất phát từ ý định tác chiến của người chỉ huy quân chủng, binh chủng hợp thành; mệnh lệnh, chỉ lệnh BĐKT của cấp trên và nhiệm vụ BĐKT của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ BVCQBĐ; coi trọng yêu cầu bảo đảm bí mật, không để bị bất ngờ về thời điểm và các tình huống tác chiến. Tổ chức lực lượng kỹ thuật phải đủ thành phần, đồng bộ, bao gồm xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy, lãnh đạo, quản lý kỹ thuật về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ; cơ chế hoạt động; phương thức BĐKT phù hợp với hoạt động BVCQBĐ.

Trong điều kiện hoạt động trên biển, đảo nhiều khó khăn, gian khổ, để nâng cao chất lượng BĐKT, vấn đề hết sức quan trọng là các đơn vị phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, số lượng, cơ cấu, ngành nghề phù hợp, có đủ năng lực làm chủ các trang bị, thiết bị, phương tiện chiến đấu; nhất là đối với các loại thế hệ mới. Mặt khác, các cấp cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, tích cực nghiên cứu, chủ động trong sản xuất vật tư kỹ thuật, phụ tùng thay thế; tạo nguồn dự trữ, đáp ứng yêu cầu BĐKT cho các lực lượng và dự trữ trang bị, vật tư kỹ thuật ở các cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật.

Trên cơ sở các phương án đã được phê duyệt, từng đơn vị xây dựng kế hoạch BĐKT ngay trong thời bình; chủ động điều chỉnh, bổ sung khi có nhiệm vụ, tình huống xảy ra. Đó cũng là cơ sở để tổ chức huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật cho các lực lượng trực tiếp tham gia BVCQBĐ của Tổ quốc.

Hai là, bố trí lực lượng kỹ thuật hợp lý, thích hợp trên từng hướng (khu vực), vùng biển, đảo, sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống; tạo lập thế trận BĐKT liên hoàn, vững chắc, cơ động, bí mật, an toàn. Để công tác tổ chức BĐKT đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ BVCQBĐ trên từng hướng, khu vực, vùng biển, phải tổ chức, xây dựng thế trận BĐKT liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, tập trung, có trọng điểm. Trên từng khu vực cần triệt để tận dụng thế trận BĐKT tại chỗ, khả năng chi viện của cấp trên, sự hỗ trợ của đơn vị bạn và lực lượng kỹ thuật của khu vực phòng thủ trên địa bàn tác chiến, hình thành thế trận BĐKT hoàn chỉnh theo khu vực. Đồng thời, phải có lực lượng dự bị phù hợp với quyết tâm, kế hoạch tác chiến bảo vệ biển, đảo của cấp mình. Kết hợp chặt chẽ và phát huy được sức mạnh tổng hợp của lực lượng kỹ thuật các cấp trên địa bàn tác chiến, hình thành lực lượng BĐKT mạnh, tạo lập được thế trận BĐKT liên hoàn, vững chắc, có khả năng độc lập bảo đảm trong các tình huống, phương án khác nhau. Trong quá trình tổ chức BĐKT, các đơn vị phải coi trọng việc bảo đảm bí mật, an toàn lực lượng, phương tiện kỹ thuật; phòng, chống có hiệu quả để hạn chế thấp nhất thiệt hại do địch đánh phá, kể cả khi chúng tiến công bằng vũ khí công nghệ cao.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, nguồn lực; vận dụng linh hoạt các phương thức BĐKT. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần vận dụng linh hoạt các phương thức BĐKT, kết hợp bảo đảm tại chỗ với bảo đảm cơ động từ nơi khác đến, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác BĐKT. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, cùng với thực hiện bằng các phương thức khác, cần nghiên cứu thực hiện phương thức bảo đảm mới - BĐKT có sự hỗ trợ từ xa. Đó là xây dựng trung tâm chỉ huy điều hành, thực hiện kết nối liên thông giữa các đơn vị quan trọng, hình thành tổ chuyên gia kỹ thuật, gồm các công nhân tay nghề cao, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật nòng cốt, thông qua mạng thông tin tiến hành hội chẩn từ xa để tư vấn khắc phục kỹ thuật, nhất là BĐKT cho các trang bị công nghệ cao. Cùng với việc phát huy cao nhất khả năng tự bảo đảm, các đơn vị phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực l­ượng tham gia; triệt để tận dụng tiềm năng tại chỗ, sự hỗ trợ của cấp trên và đơn vị bạn để BĐKT cho hoạt động BVCQBĐ luôn vững chắc trên từng khu vực, trong các tình huống. Trong điều kiện hiện nay, cần hết sức coi trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng trong xây dựng nguồn lực BĐKT. Do đặc điểm tác chiến BVCQBĐ rất linh hoạt, đối phương có thể chuyển hóa thế trận nhanh, thay đổi hướng tiến công, đánh vu hồi,... nên công tác BĐKT phải chủ động, tích cực, khẩn trương, sẵn sàng nhiều phương án, đủ khả năng BĐKT với nhịp độ cao, quy mô lớn; không để bị bất ngờ, kể cả khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao và trong điều kiện chuyển hóa thế trận tác chiến nhanh theo ý định của người chỉ huy.

Bốn là, tổ chức BĐKT đầy đủ, kịp thời, đồng bộ; tập trung ưu tiên cho hướng chủ yếu, nhiệm vụ trọng yếu, thời cơ quyết định; tổ chức chỉ huy, hiệp đồng BĐKT chặt chẽ, kiên quyết, linh hoạt. Yêu cầu kỹ thuật đối với VKTBKT, phương tiện của các đơn vị làm nhiệm vụ BVCQBĐ có tính đặc chủng, đồng bộ cao, nên nhất thiết phải được BĐKT đầy đủ, kịp thời, chính xác, đồng bộ. Đây vừa là yêu cầu, vừa là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức BĐKT đối với hoạt động tác chiến nói chung và nhiệm vụ BVCQBĐ nói riêng. Để thực hiện tốt nội dung này, cần phát huy cao nhất nỗ lực của các lực lượng, trong đó ngành Kỹ thuật làm nòng cốt. Trong điều kiện khả năng BĐKT còn có hạn so với nhu cầu, cần chú trọng ưu tiên BĐKT cho các tàu trực chiến theo nhiệm vụ; trong đó, chú trọng bổ sung lượng dự trữ cho các tàu trước khi rời bến lên đường nhận nhiệm vụ. Đối với các tàu tham gia làm nhiệm vụ trực thường xuyên tại bến, cần tổ chức tiếp nhận đủ lượng dữ trữ hậu cần, kỹ thuật để sẵn sàng xuất phát đi làm nhiệm vụ. Đồng thời, xác định rõ những nhiệm vụ, nội dung quan trọng, hướng chủ yếu, thời cơ quyết định để tập trung ưu tiên; kết hợp giữa tập trung ưu tiên có trọng điểm với bảo đảm toàn diện cho các nhiệm vụ, các h­ướng, khu vực và đơn vị khác tham gia hoạt động BVCQBĐ. Công tác tổ chức chỉ huy, hiệp đồng BĐKT phải chặt chẽ, linh hoạt; chú trọng hiệp đồng với các lực lượng liên quan trên địa bàn tác chiến để bảo vệ lực lượng, phương tiện và cơ sở vật chất kỹ thuật trong mọi tình huống; BĐKT liên tục và trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, các đơn vị phải quán triệt yêu cầu tiết kiệm trong sử dụng lực lượng, phương tiện kỹ thuật; nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các biện pháp kỹ thuật chống trinh sát - tác chiến điện tử, vũ khí công nghệ cao của đối phương; giữ bí mật, an toàn cho cơ quan, cơ sở kỹ thuật.

Do đặc điểm hoạt động trên biển VKTBKT dễ bị hư hỏng, việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng khó khăn. Vì thế, trên từng tàu khi đi làm nhiệm vụ cần chuẩn bị cơ số dự trữ vật tư, phụ tùng thay thế và tăng cường tổ thợ để chủ động tự khắc phục các sự cố về kỹ thuật trong quá trình hoạt động. Tại vị trí BĐKT trên bờ, cần có các chuyên gia giỏi của các chuyên ngành trực, sẵn sàng hỗ trợ bằng các hình thức phù hợp. Ngoài ra, cần có phương án tổ chức tốt các hoạt động cứu kéo để giải quyết các tình huống nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngành Kỹ thuật thuộc các vùng Hải quân cần phối hợp với các Quân khu trực tiếp liên quan để khảo sát số lượng, chất lượng, chủng loại tàu, thuyền và các cơ sở sửa chữa dân dụng trên địa bàn. Trên cơ sở đó xác định số lượng, đánh giá chất lượng các phương tiện và các cơ sở sửa chữa để sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

BĐKT cho các lực lượng tham gia BVCQBĐ là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Công tác chuẩn bị phải chủ động, tích cực, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; trong đó, lực lượng kỹ thuật làm nòng cốt, tạo sự hoạt động đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả cao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng, TS. PHẠM DŨNG TIẾN

Phó Chủ nhiệm - TMT Tổng cục Kỹ thuật

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.