QPTD -Thứ Sáu, 13/05/2016, 07:49 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 tích cực tham gia phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và gây thiệt hại nặng nề đến đời sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã tích cực tham gia khắc phục hậu quả, giúp chính quyền và nhân dân giảm bớt khó khăn trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

               Bộ đội Quân khu 9 chở nước ngọt miễn phí đến nhà dân vùng hạn mặn.                     (Ảnh: baovinhlong.com.vn)

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn trên địa bàn cả nước nói chung, Quân khu 9 nói riêng diễn biến rất phức tạp, khác thường so với quy luật tự nhiên. Các hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, cháy nổ, mưa bão, lụt đầu nguồn,… xảy ra thường xuyên, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Đặc biệt, từ cuối năm 2015 đến nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra ở tất cả các địa phương trên địa bàn Quân khu. Ở một số nơi, nước mặn đã xâm nhập sâu từ 50 đến 70 km vào nội đồng, độ mặn cũng cao hơn những năm trước, khiến hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả của nhân dân trên địa bàn Quân khu bị thiệt hại nặng nề.

Theo các tài liệu khoa học, khi độ mặn của nước vượt quá 1% là đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, còn nếu vượt quá 4%, cây không sinh trưởng được và chết. Thực tế, có thời điểm ở một số địa phương, độ mặn đã lên 8% - 9%, thậm chí, có nơi 11%. Xâm nhập mặn năm nay thể hiện rất rõ, độ mặn tăng cao, thời gian thay đổi đột biến, trong thời điểm có mưa vẫn có những đợt triều cường mặn ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân, đời sống nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu. Dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước có thể còn kéo dài; nhiều vùng người dân không thể sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, ảnh hưởng đến quy hoạch nuôi trồng thủy sản; tình trạng thiếu đói, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nghiêm trọng dẫn đến khả năng bùng phát dịch bệnh, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và các hoạt động quân sự, quốc phòng địa phương. Từ thực tế trên, Thường vụ Đảng ủy Quân khu đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia giúp đỡ nhân dân ứng phó, khắc phục tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở địa phương, cơ sở, khắc phục một phần những thiệt hại do hiện tượng này gây ra, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ổn định sản xuất, đời sống, chăm sóc sức khỏe nhân dân, không để dịch bệnh bùng phát.

Trên cơ sở Chương trình hành động 51123/CTr-BQP của Bộ Quốc phòng thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn; chấp hành Công điện của Bộ Tổng Tham mưu về việc tham gia giúp nhân dân khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã kịp thời ban hành nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn. Các cơ quan chức năng của Quân khu, đơn vị và địa phương căn cứ vào nội dung nghị quyết, chỉ thị và chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi cao. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các cấp kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy và tổ chức xây dựng hệ thống các văn bản, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trên địa bàn Quân khu trong thực hiện phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp luôn đề cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch và phương án đã được phê duyệt. Thường xuyên giáo dục, quán triệt làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện 60 và 63 của Bộ Tổng Tham mưu, Công điện 927 của Bộ tư lệnh Quân khu về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, thấy rõ tính chất khó khăn, phức tạp, những thiệt hại to lớn do thiên tai gây ra; hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của Quân đội, tình quân - dân trong những lúc hoạn nạn để nêu cao quyết tâm, ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Để ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực thường xuyên và trực tăng cường; tổ chức lực lượng bán chuyên trách ở các đơn vị thường trực và lực lượng dân quân tự vệ ở các địa phương, huy động mọi lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Các đơn vị, địa phương không có trợ lý chuyên trách, cử sĩ quan tác huấn kiêm nhiệm làm nhiệm vụ trực cứu hộ, cứu nạn; thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến khí hậu, thời tiết, thủy triều, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, những thiệt hại của từng địa phương, báo cáo người chỉ huy kịp thời có phương án giúp dân, tổng hợp nhanh về Ban Chỉ đạo Quân khu. Cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biết, chủ động ứng phó, khắc phục. Đồng thời, thông báo tình hình cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, có phương án cụ thể đến từng xã (phường, thị trấn), ấp (khu vực), từng hộ gia đình để phối hợp xử lý khi có tình huống xảy ra. Các cơ quan, đơn vị thuộc các tỉnh ven biển và những địa phương xuất hiện hạn hán, có nguy cơ xâm nhập mặn thường xuyên kiểm tra, theo dõi nguồn nước để có kế hoạch sử dụng hợp lý; xây dựng ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; trong đó, ưu tiên nước sinh hoạt cho nhân dân và bộ đội, không để xảy ra dịch bệnh do hạn hán, thiếu nước.

Thực hiện phương châm “Chung sống là quy luật, phòng chống như đánh giặc, bốn tại chỗ là phương thức, nâng cao khả năng ứng phó là trọng tâm”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung tối đa lực lượng, trang bị, phương tiện tham gia khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên cho vùng trọng điểm, thiệt hại nặng, như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Các đơn vị trong khu vực hạn, mặn, thiếu nước, tích cực nạo vét, mở rộng các giếng nước có sẵn; khoan, đào bổ sung giếng mới; xây dựng thêm các bể chứa nước sinh hoạt; triển khai các đường ống dẫn nước, hệ thống bể lọc và vận chuyển đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và bộ đội; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án cấp nước, bằng mọi biện pháp không để người dân thiếu nước ngọt. Ngoài ra, các đơn vị cũng chủ động nạo vét kênh mương, hồ chứa; vệ sinh các hệ thống lắng lọc; tận dụng tối đa nguồn nước mưa dự trữ. Riêng các đơn vị ven biển chịu tác động của xâm nhập mặn thì tiếp tục triển khai khoan giếng và đầu tư xây dựng hệ thống bể lọc, giảm thiểu nguồn nước mua từ bên ngoài, nhằm bảo đảm tốt cho sinh hoạt của đơn vị và nhân dân. Tập trung tuyên truyền, giáo dục để nhân dân và bộ đội nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm và quản lý chặt chẽ nguồn nước sạch; tận dụng triệt để nước đã sử dụng để tưới cây và tăng gia sản xuất. Phổ biến, hướng dẫn, nhân rộng những sáng kiến hay trong việc tạo nguồn và sử dụng tiết kiệm nước sạch để các địa phương, đơn vị tham quan, vận dụng. Đến nay, bằng kinh phí đơn vị và công sức bộ đội, Quân khu đã xây dựng được 24 công trình cung cấp nước sạch, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 56 tỷ đồng, cơ bản giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn và bộ đội.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, cả lực lượng thường trực và dân quân tự vệ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, với hàng nghìn ngày công lao động giúp dân đắp đập, bờ bao ngăn mặn và nạo vét kênh mương để đưa nước, trữ nước ngọt vào đồng ruộng. Bộ tư lệnh Quân khu đã điều động 02 xà lan của Trung đoàn Vận tải 659, huy động 11 xe bồn để chở nước ngọt hỗ trợ cho bà con. Ở các địa phương ven biển, bị hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, lực lượng vũ trang Quân khu huy động hằng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ sử dụng can nhựa, vận chuyển nước ngọt bằng xe máy đến từng hộ gia đình, trọng tâm là các hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, giúp bà con có nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh. Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp triển khai các Đội quân y cấp cứu cơ động, các Đội vệ sinh phòng dịch, tham gia khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng ngừa và không để dịch bệnh phát sinh.

Trong quá trình giúp dân khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lực lượng vũ trang Quân khu đã kết hợp làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy tinh thần tự lực tự cường, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang đến gần, công tác tuyên truyền, vận động đã tập trung vào làm cho nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động bầu cử, sáng suốt lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, làm cho người dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng khó khăn trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn lần này để kích động, nói xấu Đảng, chế độ, phá hoại cuộc bầu cử; không tin, không nghe lời xúi giục của chúng, tham gia bầu cử với trách nhiệm chính trị cao nhất, bảo đảm cho ngày bầu cử thực sự là ngày hội lớn của nhân dân trên địa bàn.

Bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó, lực lượng vũ trang Quân khu 9 càng tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân; đồng thời, cũng là điều kiện để rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức thực hiện nhiệm vụ, kỷ luật công tác dân vận cho mọi cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng TRƯƠNG MINH KHẢI, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Quân khu.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.