QPTD -Thứ Năm, 04/08/2016, 09:29 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn

Những năm qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn, lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn. Qua đó, góp phần tô thắm thêm truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Xuất phát từ đặc thù địa lý tự nhiên, địa bàn Quân khu 4 là vùng đất thời tiết khắc nghiệt, nắng lửa, lắm dông, nhiều bão. Cùng với đó, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và các tác nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội,… nên thiên tai, sự cố xảy ra trên địa bàn với tần suất cao, tính chất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động quân sự, quốc phòng. Theo thống kê, năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn Quân khu đã xảy ra gần 300 vụ thiên tai, sự cố liên quan đến công tác cứu hộ cứu nạn, làm 132 người chết, 90 người bị thương; hơn 4.700 ngôi nhà sập đổ, tốc mái; gần 800 ha rừng bị cháy; trên 10.200 ha lúa, cây hoa màu và 1.029 ha cây công nghiệp bị hư hại; hàng chục tầu, thuyền, phương tiện vận tải bị chìm và hư hỏng, v.v. Thiệt hại về vật chất lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra vào tháng 4-2016 do xả thải của Công ty Formosa (khu công nghiệp Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm hải sản chết hàng loạt trên vùng biển của 04 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường biển, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhận thức rõ nguy cơ tiềm ẩn, cùng những thiệt hại to lớn do thiên tai, thảm họa gây ra và tầm quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn, lực lượng vũ trang Quân khu luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, mệnh lệnh của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về vấn đề này và triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp quyết liệt, phù hợp, hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện được Quân khu đặt lên hàng đầu. Đảng ủy Quân khu đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng - “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang Quân khu. Bộ Tư lệnh Quân khu ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn và hằng năm xây dựng kế hoạch thực hiện với chủ trương, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn được Quân khu đề cao và chỉ đạo tiến hành bằng nhiều biện pháp thiết thực. Qua đó, tạo bước chuyển rõ nét về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, của hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn đối với nhiệm vụ này. Nhằm chủ động ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả với thiên tai, sự cố, lực lượng vũ trang Quân khu, trước hết là cơ quan quân sự các cấp, đã chủ động nắm tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các địa phương xây dựng đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn; xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai, thảm họa; xây dựng lực lượng, chuẩn bị vật chất, phương tiện ở từng địa phương, cơ sở, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, v.v. Đặc biệt, lực lượng vũ trang Quân khu đã tham mưu, đề xuất nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; hiệu quả phối kết hợp giữa các ban, ngành của địa phương với lực lượng vũ trang trong trao đổi thông tin, xử lý các tình huống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn, v.v.

Để thực hiện tốt “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, Quân khu thành lập và duy trì nền nếp hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ cấp Quân khu xuống đến các trung đoàn, cơ quan quân sự huyện. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương coi trọng xây dựng lực lượng bán chuyên trách, lực lượng tại chỗ, nhất là xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra ở địa phương, cơ sở; đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng 01 tiểu đoàn Công binh kiêm nhiệm công tác tìm kiếm, cứu nạn, để làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này. Các đơn vị, cơ quan quân sự địa phương các cấp đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, cứu sập, tìm kiếm, cứu nạn, kế hoạch bảo đảm và chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt theo phương châm “4 tại chỗ”1. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nhất là trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão và có kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ với các ban, ngành của địa phương, các ban quản lý hồ, đập thủy lợi, các lực lượng (Công an, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng) trên địa bàn để phối hợp thực hiện nhiệm vụ, v.v. Trước tính chất phức tạp, khó lường của thiên tai, sự cố, Quân khu chỉ đạo các đơn vị chú trọng tăng cường phối hợp trong nắm, dự báo tình hình và làm tốt công tác tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập về phòng, chống lụt, bão, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn, nhằm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng của các cấp, trình độ sử dụng phương tiện, trang bị và rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho cán bộ, chiến sĩ. Những năm qua, Quân khu đã chỉ đạo tổ chức thành công nhiều cuộc diễn tập, hội thao phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn quy mô lớn, được cấp trên và các địa phương đánh giá cao, như: Diễn tập thực nghiệm thu dung cấp cứu nạn nhân hàng loạt do thảm họa (năm 2010); Hội thao phòng cháy, chữa cháy, tìm kiếm, cứu nạn và thao diễn chữa cháy rừng, kho xăng dầu (năm 2011); Diễn tập tìm kiếm, cứu nạn hàng không (năm 2015), v.v. Bên cạnh đó, hằng năm, ngoài những tỉnh tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, Quân khu chỉ đạo các tỉnh còn lại tiến hành diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo 02 huyện trọng điểm tổ chức diễn tập về nội dung này.

Với ý thức chính trị, quyết tâm cao và tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng vũ trang Quân khu đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn. Từ năm 2004 đến nay, Quân khu đã huy động trên 65.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, 152.000 lượt dân quân tự vệ, hơn 2.900 xe, máy, gần 400 tàu, xuồng các loại, cùng hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng chục tỷ đồng để giúp nhân dân ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, sự cố, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hiểm nguy, dũng cảm hi sinh cứu người, cứu tài sản trong bão, lũ; tiêu biểu là các liệt sĩ: Phạm Hữu Huyên, Lê Văn Phượng, Nguyễn Tuấn Ngãi, v.v. Những hành động, việc làm trong thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” đã tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của lực lượng vũ trang Quân khu; tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn ngày càng vững chắc, tạo nền tảng để Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn của Quân khu còn bộc lộ một số hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, người chỉ huy; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ; cũng như năng lực tham mưu, chỉ huy tổ chức thực hiện, khả năng ứng phó của một số đơn vị, địa phương và công tác dự báo, nắm tình hình, thông tin, báo cáo, phối hợp, hiệp đồng với địa phương và các lực lượng trên địa bàn, v.v.

     Nghệ An Diễn tập Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.      (Ảnh: baonghean.vn)

Hiện nay và trong những năm tới, tình hình thiên tai, tai nạn, sự cố trên địa bàn Quân khu tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Để phát huy hơn nữa vai trò xung kích, nòng cốt của lực lượng vũ trang Quân khu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện hình thức, tư tưởng chủ quan, ngại khó khăn, gian khổ, v.v. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 436-NQ/ĐU, ngày 26-12-2014 của Đảng ủy Quân khu về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo” bằng các kế hoạch, chương tình hành động cụ thể, sát với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, với phương châm “Phát huy mọi nguồn lực, chủ động phòng, tránh, ứng cứu kịp thời, an toàn và hiệu quả”. Theo đó, Quân khu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là bộ chỉ huy quân sự các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và lập quy hoạch, kế hoạch, phân vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, gắn với chuẩn bị về mọi mặt theo phương châm đã xác định. Mặt khác, Quân khu tích cực huy động các nguồn lực, từng bước đầu tư nâng cấp, mua sắm, hiện đại hóa trang bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn, nâng cao khả năng cơ động, năng lực ứng phó cho các đơn vị, nhất là lực lượng kiêm nhiệm. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn; kế hoạch phối hợp, hiệp đồng ở các cấp sát với thực tế, khả thi cao; đồng thời, duy trì thực hiện tốt chế độ canh trực, công tác phối hợp nắm tình hình, dự báo, thông báo, cảnh báo,… không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập ở các cấp; trong đó, coi trọng huấn luyện nghiệp vụ chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách và tham mưu, phối hợp với các địa phương tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn với quy mô lớn, tính phức tạp cao hơn, như: siêu bão, động đất, thảm họa lớn, v.v. Hiện nay, Quân khu đang tập trung chỉ đạo và phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt cuộc diễn tập “Ứng phó siêu bão và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh năm 2016”, để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Quân khu tích cực chuẩn bị và coi trọng làm tốt công tác bảo đảm cho phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, nhất là về thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật. Chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn với tiến hành công tác dân vận; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng các gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ này, v.v.

Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, lực lượng vũ trang Quân khu 4 tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt, cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn, góp phần xây dựng Quân khu ngày càng phát triển, giàu mạnh.

Thiếu tướng ĐẶNG TRỌNG QUÂN, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu

________________

1 - Bốn tại chỗ: 1. Chỉ huy tại chỗ; 2. Lực lượng tại chỗ; 3. Phương tiện tại chỗ; 4. Hậu cần tại chỗ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.