Thứ Ba, 10/09/2024, 01:23 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
I. “Điểm nóng” và phương châm xử lý
LTS: Sự cố Công ty Formosa xả thải làm ô nhiễm môi trường biển ở bốn tỉnh miền Trung nước ta, đã kéo theo nhiều hệ lụy. Lợi dụng tình hình đó, một số phần tử xấu đã xúi giục, kích động một bộ phận nhân dân có những hành động chưa đúng, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo nên những “điểm nóng” trên địa bàn. Mục đích của chúng là hòng gây áp lực, chống đối các cấp chính quyền và phá vỡ quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước đối tác. Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm, tác hại của hành động trên, lực lượng vũ trang trên địa bàn Quân khu 4 đẩy mạnh thực hiện “dân vận khéo” theo lời Bác Hồ dạy, góp phần làm giảm thiểu tác hại của vụ việc. Qua đó, để lại kinh nghiệm bước đầu về thực hiện dân vận trong giải quyết “điểm nóng”.
Để góp phần làm rõ vấn đề trên, từ số này, Tạp chí Quốc phòng toàn dân giới thiệu bài viết: Lực lượng vũ trang Quân khu 4 thực hiện “dân vận khéo” trong giải quyết “điểm nóng” trên địa bàn, của nhóm tác giả Hồng Lâm - Văn Bảy - Phạm Tuấn.
Địa bàn Quân khu 41 là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, sinh ra những danh nhân và nhiều lãnh tụ tiền bối của cách mạng Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và Đảng ta. Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý đã tạo nên bản sắc, truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của con người nơi đây. Bởi vậy, địa bàn Quân khu đã trở thành một trong những “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, địa bàn chiến lược của cả nước; nhân dân một lòng, một dạ tin theo Đảng và sự nghiệp cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mảnh đất này là ranh giới giữa hậu phương và tiền tuyến, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch; quân và dân Khu 4 luôn chiến đấu kiên cường, sản xuất giỏi, lập nhiều chiến công oanh liệt, chi viện đắc lực sức người, sức của cho các chiến trường.
Không chỉ vậy, địa bàn Quân khu còn là một trong những nơi có các trung tâm tôn giáo lớn của cả nước, với 4 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài; hơn 1,1 triệu tín đồ, chiếm 10,58% dân số. Trong đó, Công giáo có 732.500 tín đồ, chiếm 6,28% dân số, gồm 3 giáo phận (Thanh Hóa, Vinh, Huế), 2 đại chủng viện (Xã Đoài, Huế), 34 giáo hạt, 151 giáo xứ, 1.189 giáo họ, v.v. Nhận thức đúng vai trò của các tôn giáo và các tín đồ tôn giáo, Đảng, Nhà nước ta luôn có quan điểm, chính sách đúng đắn về vấn đề này; thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hệ thống giáo lý, giáo luật và quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những phần tử đội lốt tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành động phạm pháp hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sách tôn giáo đúng đắn đó đã cổ vũ, động viên đồng bào theo đạo trên cả nước nói chung, địa bàn Quân khu 4 nói riêng phấn khởi, chung sức, chung lòng cùng cộng đồng sống “tốt đời, đẹp đạo”, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc.
Thế nhưng, với mưu đồ chống phá Đảng và cách mạng Việt Nam, thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch ngày càng có nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc; trong đó, lợi dụng “tôn giáo” được họ thực hiện như một vũ khí đặc biệt để xuyên tạc, vu khống, kích động, chống đối, gây áp lực với chính quyền mà tôn giáo trên địa bàn Quân khu 4 không phải là ngoại lệ. Phương thức hoạt động chủ yếu của họ là lợi dụng những hạn chế, sơ hở trong quản lý, điều hành xã hội của chính quyền các cấp, vấn đề đất đai, đầu tư làm ăn với nước ngoài, ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa,… để kích động giáo dân tụ tập phản đối chính quyền, tạo “điểm nóng”, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, v.v.
Chúng ta đều biết, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa gây ra là một thảm họa môi trường lớn nhất xảy ra tại Việt Nam từ trước đến nay. Để góp phần khắc phục hậu quả đó, Đảng, Chính phủ, các ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khẩn trương đề ra các giải pháp khắc phục, sớm ổn định tình hình. Đại diện Công ty Formosa đã nhận lỗi trước nhân dân, Đảng, Nhà nước Việt Nam và hứa sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất, không tái phạm; đồng thời, cam kết bồi thường 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng) cho người dân bị thiệt hại và ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Các địa phương trong diện được đền bù đã thành lập ban quản lý, điều hành, cấp trả cho nhân dân theo các nhóm đối tượng; Quy chế Dân chủ ở cơ sở được phát huy; những nơi làm chưa đúng được phát hiện và chấn chỉnh. Từ đó đến nay, hầu hết ngư dân bị thiệt hại bởi sự cố đã được đền bù và phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để họ yên tâm vươn khơi, bám biển. Thực tế là vậy, nhưng các thế lực thù địch, phản động, một số nhân vật cực đoan trong tôn giáo vẫn xuyên tạc, bịa đặt, “bóp méo sự thật”, “đổi trắng thay đen” để lôi kéo, kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, chống đối chính quyền, phá hoại tài sản Nhà nước, cuộc sống làm ăn bình yên của ngư dân.
Để thực hiện mưu đồ đó, họ đã tuyên truyền, tán phát lên mạng nhiều tin, bài, video clíp bôi nhọ hình ảnh Đảng, Nhà nước; kêu gọi tụ tập đông người phản đối, đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam và xử lý tổ chức, cá nhân liên quan. Do mơ hồ về nhận thức, một số giáo dân “nhẹ dạ, cả tin” đã nghe theo lời kích động, tham gia các hoạt động chống đối, gây mất trật tự xã hội, làm phức tạp tình hình địa bàn. Từ tháng 4-2016 đến nay, trên địa bàn Quân khu xảy ra 87 vụ tụ tập, tuần hành, khiếu kiện, với trên 50.000 lượt giáo dân tham gia và 1.125 hồ sơ gửi tòa án, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp khởi kiện Formosa. Riêng quý I - 2017, xảy ra 31 vụ, với 8.262 lượt giáo dân; trong đó, có 09 vụ với 1.850 lượt giáo dân kéo lên chặn Quốc lộ 1A, 12B, 12C; 03 vụ với 630 lượt giáo dân kéo đến cổng phụ Công ty Formosa. Họ giăng băng rôn qua đường, chặn quốc lộ, kích động giáo dân tụ tập, tuần hành phản đối Nhà nước trong xử lý vấn đề này; ra “Thư chung”, thông báo tổ chức “Ngày bảo vệ môi trường”; khiếu kiện tập thể yêu cầu đóng cửa Formosa, v.v.
Đỉnh điểm của hành động này là ngày 14-02-2017, trên Quốc lộ IA (thuộc xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) có khoảng 500 giáo dân, với 280 xe máy, 08 ô tô các loại, xuất phát từ nhà thờ xứ Song Ngọc để vào Hà Tĩnh biểu tình, khởi kiện Formosa. Hành động đó đã làm ách tắc giao thông trong nhiều giờ, gây xô xát, ném đá vào lực lượng thi hành công vụ, làm bị thương 05 đồng chí công an, hư hỏng 03 xe ô tô. Ngày 05-3-2017, với cái gọi là hưởng ứng “Lời kêu gọi tổng biểu tình” của một số linh mục cực đoan, tại 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đã xảy ra 09 điểm với 4.820 giáo dân tụ tập, tuần hành hiệp thông cùng giáo sứ Song Ngọc. Cũng lấy cớ khiếu kiện đền bù sau sự cố môi trường, ngày 03-4-2017, khoảng 2.000 giáo dân ở 02 xã Thạch Bằng và Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), dưới sự kích động của một số phần tử cực đoan đã mang theo băng rôn, khẩu hiệu, loa thùng, kéo đến trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà gây rối an ninh, trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật, làm cơ quan này bị đình trệ hoạt động trong nhiều giờ, v.v. Không những thế, một số linh mục cực đoan còn lấy nhà thờ - nơi vốn dành cho giảng đạo - làm nơi để nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo các cấp; kích động giáo dân bất tuân lệnh chính quyền, coi thường kỷ cương phép nước, tẩy chay bầu cử; o ép đảng viên là người có đạo; đòi lại đất lấn chiếm, vận động hiến nhượng đất, cơi nới nơi thờ tự, v.v. Trong năm 2016, xảy ra 347 điểm tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống đối; tổ chức tuần hành 17 điểm; o ép 01 đảng viên viết đơn xin ra khỏi Đảng, 02 cán bộ phải nghỉ việc chính quyền, đoàn thể; 56 điểm đòi, lấn, hiến nhượng đất; 43 điểm cơi nới, xây dựng trái phép, v.v. Hiện nay, hầu hết các giáo xứ đều thành lập “Ban an ninh”, “Ban trật tự” với danh nghĩa đảm bảo trật tự các buổi lễ, nhưng trên thực tế lại được sử dụng để lấn lướt, cản trở hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền và tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, tra hỏi người lạ vào giáo xứ, v.v.
Có thể nói, những cuộc tụ tập, tuần hành, gây rối đó đều có sự giật dây, kích động, “bật đèn xanh” của một số thế lực, đã tạo ra những “điểm nóng”, kéo theo nhiều hệ lụy; gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, cuộc sống làm ăn bình yên của người dân, thiệt hại về cơ sở vật chất, làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Những cuộc tụ tập, tuần hành đó đâu phải vì cuộc sống của ngư dân miền Trung và môi trường biển, mà mục đích sâu xa là tạo tiếng vang, tuyên truyền, cổ súy để chống Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và chính quyền các cấp; phá vỡ quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác, v.v. Bởi vậy, để người dân hiểu được mưu đồ đó, không tin, không nghe và không theo lời kích động tụ tập, tuần hành, gây rối là việc làm cấp thiết hiện nay và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền các cấp.
Là một bộ phận của lực lượng vũ trang cách mạng, trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí, hậu phương, tiền tuyến đồng lòng. Dù thời bình hay thời chiến, khó khăn, gian khổ đến đâu, lực lượng vũ trang Quân khu luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, anh dũng, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trước diễn biến phức tạp trên địa bàn, lực lượng vũ trang Quân khu đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tiến hành nhiều nội dung, biện pháp công tác dân vận nhằm góp phần ổn định tình hình; coi đó là tình cảm, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của dân - trong điều kiện mới.
Trong quá trình xử lý các “điểm nóng”, lực lượng vũ trang Quân khu luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và phương châm giải quyết. Theo đó, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng; Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu. Đồng thời, luôn khắc ghi và thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”2; “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, Quân đội ta không có lợi ích nào khác”3, v.v. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên địa bàn phải nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân để họ hiểu rõ bản chất của sự việc và những việc làm sai trái của một số phần tử cực đoan; xây dựng mối quan hệ gần gũi với chức sắc, linh mục, tạo sự đồng tình, ủng hộ trong thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bám cơ sở; gần dân, hiểu dân, trọng dân, giúp dân; nắm tình hình, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để giải quyết kịp thời, không để nảy sinh bức xúc trong dân. Cùng với đó, cần tích cực giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội; nắm chắc tình hình tôn giáo, nhất là các hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật,… tạo sức mạnh tổng hợp giải quyết triệt để các “điểm nóng”, không để bị lợi dụng. Một trong những giải pháp có tính tổng thể để làm tốt phương châm đó là thực hiện mô hình “dân vận khéo” theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.
HỒNG LÂM - VĂN BẢY - PHẠM TUẤN ____________________
1 - Gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế; có 88 huyện (thị xã), thành phố, 1.829 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 10 triệu người.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 426.
3 - Sđd, tr. 648.
Số II - Mô hình “Dân vận kéo” và kết quả đạt được.
Quân khu 4,lực lượng vũ trang,dân vận khéo,giải quyết điểm nóng
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Ngành Điều tra hình sự Quân đội nâng cao chất lượng phòng, chống vi phạm, tội phạm trong tình hình mới 27/06/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo