QPTD -Thứ Hai, 08/03/2021, 08:34 (GMT+7)
Phỏng vấn
Học viện Quân y đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân

Ý thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, Học viện Quân y luôn coi trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ này với giáo dục và đào tạo, ứng dụng vào điều trị,  giải quyết nhu cầu bức thiết về chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của Học viện đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền y học nước nhà; trong đó, có những công trình khoa học tạo nên bước đột phá, nhảy vọt của y học Việt Nam. Phóng viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, GS, TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện về vấn đề này.

Hướng dẫn học viên nghiên cứu trên thiết bị mô phỏng

Phóng viên: Trước hết, xin chúc mừng tập thể cán bộ, y bác sĩ Học viện Quân y chỉ trong thời gian ngắn đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ Kít chẩn đoán SARS-CoV-2 và đang tích cực phối hợp thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax trên các tình nguyện viên. Đây là “chiến công” có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào kiểm soát đại dịch Covid-19 ở nước ta. Đề nghị Đồng chí chia sẻ về thành công này?

Trung tướng, GS, TS. Đỗ Quyết: Thời điểm Việt Nam xuất hiện ca bệnh nhiễm virus Corona (nCoV) đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) rồi đến chùm ca bệnh trong cộng đồng ở xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc),… thì số lượng bộ Kít xét nghiệm ở nước ta rất hạn chế, phải dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong bối cảnh cấp bách ấy, ngày 30/01/2020 Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp ứng phó với dịch bệnh này và triển khai một số nhiệm vụ khoa học cấp thiết; trong đó, giao Học viện Quân y thực hiện đề tài đột xuất “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện virus Corona chủng mới (2019-nCoV)”. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, phân công nhiệm vụ, tập trung mọi nỗ lực, tranh thủ từng giờ, từng phút bắt tay vào nghiên cứu, phát triển bộ Kít xét nghiệm. Đồng thời, tích cực liên hệ với các đối tác, tổ chức nước ngoài để cập nhật thông tin về trình tự gen virus, quy trình chẩn đoán xét nghiệm, mẫu lâm sàng của bệnh nhân,… làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng quy trình tối ưu, chế tạo, phát triển bộ Kít xét nghiệm SARS-CoV-2. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Học viện, bằng bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của người “chiến sĩ áo trắng”, các nhóm nghiên cứu của Học viện đã chạy đua với thời gian, làm việc không kể ngày đêm để nghiên cứu, chế tạo thành công bộ Kít xét nghiệm với nhiều ưu điểm nổi trội, được Hội đồng Khoa học đánh giá cao, Bộ Y tế cấp phép lưu hành ngày 04/3/2020. Trên thực tế, bộ Kít đã chứng minh là công cụ hiệu quả, phục vụ việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ở nước ta thời gian qua.

Nối tiếp thành công đó, Học viện Quân y đã, đang phối hợp với Công ty Nanogen triển khai thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine Nanocovax trên các tình nguyện viên. Tiến độ thử nghiệm đang diễn ra những mũi tiêm cuối cùng. Đánh giá chung về kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy vaccine Nanocovax an toàn, đáp ứng sinh miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 tốt. Chúng tôi đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 ngay sau khi được Bộ Y tế cho phép.

Phóng viên: Thành công trên cùng với những dấu mốc lịch sử trong việc ghép tạng trên người, đã khẳng định Học viện Quân y là Trung tâm đào tạo, nghiên cứu y học hàng đầu của nước ta. Để có được thành quả này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học như thế nào? Thưa Đồng chí!

Trung tướng, GS, TS. Đỗ Quyết: Trải qua 72 năm xây dựng, trưởng thành (10/3/1949 - 10/3/2021), Học viện Quân y luôn gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ đào tạo với nghiên cứu khoa học, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định sự phát triển, lớn mạnh của Học viện. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về công tác khoa học công nghệ và môi trường, nhất là Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Học viện đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác nghiên cứu khoa học; ban hành các quyết định, quy chế về nghiên cứu khoa học. Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, vừa khuyến khích, hỗ trợ, động viên, tạo động lực và tạo cả “áp lực” để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học; yêu cầu đội ngũ giảng viên phải tiên phong trong nghiên cứu, là người thầy phương pháp để hướng dẫn, gửi gắm, “thổi” vào học viên khát vọng, mong muốn nghiên cứu khoa học, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, nghiên cứu. Thời gian qua, Học viện đã triển khai sâu rộng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trên nhiều hướng, nhiều mũi ở từng cơ quan, đơn vị, nhóm nghiên cứu. Với quan điểm “muốn trở thành bác sĩ giỏi thì không thể không là nhà nghiên cứu giỏi”, Học viện chỉ đạo thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, labo mạnh và tích cực truyền cảm hứng, nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, học viên phù hợp với lĩnh vực, trình độ, năng lực chuyên môn, theo hướng “thực chất, chuẩn mực”, có tính ứng dụng cao, v.v.

Để có được thành công đó, không thể không nhắc đến một vấn đề cốt lõi, đó là Học viện hết sức quan tâm xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học, mà hàng đầu là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Luôn tự hào khẳng định hướng đi đúng đắn trong thực hiện vấn đề này, với đồng bộ các biện pháp về tư tưởng, tổ chức, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ khoa học, nên bất kể trong giai đoạn nào, Học viện cũng luôn có đội ngũ cán bộ làm khoa học đủ “tâm, tầm, trí”, sẵn sàng phục vụ, cống hiến, góp phần tạo nên thương hiệu “Học viện Quân y”.

Phóng viên: Đề nghị Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân của Học viện trong những năm qua?

Trung tướng, GS, TS. Đỗ Quyết: Những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Quân y đã thu được nhiều thành tựu nổi bật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là y học quân sự, ghép tạng, công nghệ sinh học, y học cổ truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Riêng 10 năm gần đây, Học viện đã hoàn thành trên 30 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; gần 40 đề tài cấp Bộ; trên 30 đề tài, sáng kiến cấp ngành và trên 800 đề tài cấp Học viện. Năm 2019, Học viện đứng thứ 40 trong Top 50 nhà trường có công bố quốc tế và là trường duy nhất của Quân đội. Các công trình, sản phẩm, sáng kiến, đề tài nghiên cứu đã góp phần tích cực vào sự phát triển của nền y học nước nhà. Đặc biệt, khi được Bộ Y tế giao là đơn vị chủ trì Dự án ghép tạng, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của Học viện đã dày công nghiên cứu, học tập và thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng lần đầu tiên ở Việt Nam. Tiêu biểu là, ghép thận (năm 1992), ghép gan (năm 2004), ghép tim từ người cho chết não (tháng 6/2010), ghép tụy - thận từ người cho chết não (tháng 3/2014), ghép 04 tạng từ người cho tạng chết não (tháng 7/2016), ghép phổi từ người cho sống (tháng 02/2017), v.v. Có thể khẳng định đó là những thành tựu nổi bật, ghi dấu ấn trong tiến trình phát triển của nền y học Việt Nam. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Học viện đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất; Hội Ghép tạng Việt Nam trao Bằng xác lập và biểu tượng kỷ lục Việt Nam, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phóng viên: Không thỏa mãn dừng lại với kết quả đã đạt được, mới đây, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 đã ghép ruột thành công trên người. Đây là kỹ thuật khó mà nhiều nước chưa làm được. Đề nghị Đồng chí cho biết rõ hơn về kỹ thuật này?

Trung tướng, GS, TS. Đỗ Quyết: Thực tế hiện nay, số bệnh nhân có chỉ định ghép ruột ở nước ta ngày càng nhiều, nếu không được ghép, những bệnh nhân này sẽ tử vong vì các biến chứng. Do đó, nghiên cứu, triển khai kỹ thuật ghép ruột là rất cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn. Với mong muốn được triển khai ghép ruột trên người, từ năm 2018, Học viện đã cử các đoàn cán bộ, bác sĩ đến Bệnh viện Đại học Tohoku (cơ sở ghép ruột hàng đầu của Nhật Bản), đề nghị bạn hợp tác, giúp đỡ kỹ thuật ghép ruột và tham quan, học tập các chuyên gia Nhật Bản thực hiện ghép trên bệnh nhân; xây dựng Đề án triển khai ghép ruột, trình Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận giao đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. Cùng với đó, Học viện từng bước triển khai các nội dung của Đề tài, như: hội thảo xây dựng quy trình kỹ thuật, tiến hành ghép thực nghiệm trên động vật, thu dung điều trị bệnh nhân suy chức năng ruột và thường xuyên trao đổi trực tuyến với chuyên gia Nhật Bản. Tháng 10/2020, khi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Học viện tiến hành triển khai 02 cặp ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam theo đúng quy trình và dự kiến trước mổ, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản. Kết quả 02 ca ghép bước đầu thành công, đội ngũ y, bác sĩ của Học viện đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai kỹ thuật ghép ruột trong tương lai.

Phóng viên: Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, Học viện Quân y định hướng công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới ra sao? Thưa Đồng chí!

Trung tướng, GS, TS. Đỗ Quyết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19. Theo dự báo, thời gian tới, đại dịch Covid-19 có thể diễn ra những làn sóng, với nhiều kịch bản khác nhau. Vì thế, chúng ta phải luôn đề phòng, lên sẵn các phương án phòng, chống đại dịch Covid-19, bởi chỉ khi nào vaccine được sử dụng rộng rãi hoặc tình trạng miễn dịch cộng đồng được thiết lập thì khi đó mới kìm chế, đẩy lùi được đại dịch này. Trước sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí công nghệ cao, vũ khí sinh học, hóa học,… đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với nhiệm vụ của ngành Quân y. Nhận thức rõ điều đó, Học viện tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hướng vào nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Trong đó, tập trung nghiên cứu phát triển các kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, chuyên sâu, mũi nhọn mà Học viện có thế mạnh; xây dựng mô hình “đào tạo - nghiên cứu khoa học - chế thử, thử nghiệm - chuyển giao công nghệ”. Đẩy mạnh nghiên cứu y học quân sự, nhất là trên các lĩnh vực mới, đặc thù; phát triển lý luận bảo đảm quân y trong điều kiện tác chiến mới, ứng phó thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Trước mắt, Học viện tập trung đào tạo đội ngũ bác sĩ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; từng bước xây dựng một số nhóm nghiên cứu đạt trình độ quốc tế; triển khai nghiên cứu Đề án sức khỏe tâm thần trong Quân đội. Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch hợp tác, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Giám đốc!

MINH ĐẠT (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.