QPTD -Thứ Sáu, 22/03/2019, 11:34 (GMT+7)
Đoàn Kinh tế - quốc phòng 78 – điểm tựa vững chắc của đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, 20 năm qua, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 78, Binh đoàn 15 đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển kinh tế, kết hợp củng cố quốc phòng và đạt được những kết quả tích cực; trở thành điểm tựa vững chắc của đồng bào các dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc.

Giám đốc Công ty trao thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2018

1. Vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy tiềm năng vùng đất biên cương.

Đoàn Kinh tế - quốc phòng 78 đứng chân, hoạt động trên địa bàn xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) và xã Ia Dom (huyện Ia HDrai) tỉnh Kon Tum, có nhiệm vụ  phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội (chủ yếu là trồng cây cao su và cà phê), chế biến mủ cao su, bố trí lại các điểm, cụm dân cư, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn. Vùng dự án do Đoàn đảm nhiệm là địa bàn vùng sâu, nơi giáp ranh giữa ba nước: Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Địa bàn nơi đây có nhiều dân tộc cùng sinh sống; trong đó, chủ yếu là người dân tộc Rơ Mâm; mật độ dân số thưa thớt (04 người/km2). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mô Rai là căn cứ cách mạng, đồng bào các dân tộc một lòng đi theo Đảng, tích cực bảo vệ, giúp đỡ bộ đội, cùng tham gia kháng chiến. Xã Mô Rai đã 02 lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mặc dù có tiềm năng phát triển cây công nghiệp, nhưng trước năm 2000, nơi đây vẫn là vùng đặc biệt khó khăn; hạ tầng kinh tế - xã hội chậm phát triển; hệ thống chính trị ở cơ sở chưa được củng cố vững chắc; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân sinh sống chủ yếu bằng hình thức tự cung, tự cấp; đời sống văn hóa nghèo nàn, nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại.

Ý thức sâu sắc chủ trương chiến lược của Đảng và nắm chắc đặc điểm địa bàn, ngay từ những ngày đầu thành lập, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - quốc phòng 78 đã đoàn kết, thống nhất, nêu cao quyết tâm, ý thức, trách nhiệm chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trải qua 20 năm, gắn bó, đồng cam cộng khổ với đồng bào các dân tộc trên địa bàn khu vực biên giới và nỗ lực phấn đấu không ngừng, Đoàn đã đạt được kết quả toàn diện, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, làm thay đổi rõ nét diện mạo và cuộc sống của nhân dân nơi đây. Từ một đơn vị có vài chục cán bộ, chiến sĩ, hiện nay, Đoàn có 10 đội sản xuất, 01 xí nghiệp chế biến, 01 đội xe máy, 01 đội dịch vụ tổng hợp; 01 bệnh xá 20 giường bệnh; hình thành 11 cụm, điểm dân cư, với 5 đơn vị hành chính thôn. Qua bàn tay, khối óc của những người lao động, đã biến vùng đất hoang vu, mang nặng hậu quả, tàn tích chiến tranh trở thành miền quê đáng sống với những vườn cao su, cà phê xanh ngút ngàn; từ những bản làng thưa dân đã hình thành những khu dân cư tập trung, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên vành đai biên giới. Hiện nay, Đoàn quản lý và chăm sóc 3.220 ha cây cao su; trong đó, có 2.296 ha cao su kinh doanh, năng suất đạt trên 2,5 tấn/ha (cao nhất khu vực Tây Nguyên); duy trì hoạt động một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 5.000 tấn/năm, bảo đảm chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực. Đồng thời, tạo việc làm cho gần 1.300 lao động; trong đó, 60% là người dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, quy hoạch, bố trí lại dân cư, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác dân vận; hướng trọng tâm vào xây dựng, nâng cao hiệu quả mô hình kết nghĩa và gắn kết hộ theo chủ trương của Binh đoàn: Công ty gắn với huyện, xã, đội sản xuất gắn với thôn, làng, hộ công nhân người kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Những năm qua, Đoàn chỉ đạo tổ chức các tổ, đội công tác bám địa bàn cơ sở, bám dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để đồng bào hiểu và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách về dân tộc, tôn giáo và vấn đề về chủ quyền quốc gia, quốc giới; tham mưu cho địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền và các tổ chức quần chúng; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đưa y tế, văn hóa về thôn, làng, xây dựng đời sống văn hóa mới, phòng, chống, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục, v.v. Đặc biệt là, mô hình hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp bà con biết trồng và chăm sóc cây cao su, cà phê, trồng lúa nước, nuôi gia súc, gia cầm,... góp phần nâng cao đời sống kinh tế. Cán bộ, công nhân của Đoàn đã huy động hơn 10.000 ngày công giúp địa phương phát triển sản xuất, làm đường, khắc phục hậu quả thiên tai; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào trong dịp Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn của đất nước. Chương trình kết hợp quân - dân y được Đoàn triển khai tích cực, Bệnh xá của Đoàn đã khám, chữa bệnh cho hơn 20.000 lượt người, tạo bước chuyển quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, v.v. Đoàn đã phối hợp với địa phương đầu tư xây dựng và tổ chức trường tiểu học và trung học cơ sở bán trú từ lớp 1 đến lớp 9 và lớp nhô trung học phổ thông cho con cán bộ, công nhân, người lao động và nhân dân trên địa bàn.

Công tác quân sự, quốc phòng cũng được Đoàn quan tâm thực hiện tốt. Hằng năm, Đoàn phối hợp, hiệp đồng với cơ quan quân sự của 02 tỉnh Gia Lai, Kon Tum tiến hành phúc tra, kiểm tra động viên, tổ chức huấn luyện quân nhân dự bị đạt từ 95,3 - 97,8%; quân số huấn luyện đạt 96 - 97%. Cùng với lực lượng dự bị động viên, lực lượng tự vệ của Đoàn cũng được tổ chức ở các đội sản xuất và duy trì hoạt động theo Luật Dân quân tự vệ. Đoàn còn duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; các kế hoạch, phương án chiến đấu tại chỗ, kế hoạch phòng, chống cháy nổ, bảo vệ vật tư, sản phẩm,… được xây dựng đầy đủ và luyện tập thường xuyên, góp phần phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống về quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

2. Bài học kinh nghiệm

Thông qua phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện công tác dân vận, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 78 đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, góp phần quan trọng làm “thay da, đổi thịt” một vùng đất nơi biên cương của Tổ quốc. Đây không chỉ là sự tri ân đối với những cống hiến, hy sinh của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, mà còn là trách nhiệm của Đoàn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Lãnh đạo Công ty thăm cánh đồng lúa nước của đơn vị

Trong quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Đoàn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; xác định rõ nhiệm vụ, có chủ trương, biện pháp sát, đúng, phù hợp. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, trong quá trình hoạt động, nhất là những ngày đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn, gian khổ, Đảng ủy, Ban Giám đốc của Đoàn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế; xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, trong đó có địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Trọng tâm là quán triệt Nghị quyết 71/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), ngày 25-4-2002 “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”; Nghị quyết 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, ngày 25-9-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, v.v. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Đoàn ra nghị quyết, xây dựng quy chế, kế hoạch, nhiệm vụ bằng các chỉ tiêu, biện pháp sát, đúng, phù hợp. Đây vừa là nguyên nhân, vừa là bài học kinh nghiệm sâu sắc, nhờ đó mà cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hai là, thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng sự đoàn kết gắn bó với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Đoàn đã tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác dân vận bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm dân cư, địa bàn. Đoàn còn thực hiện tốt phương châm “hậu cần tại chỗ”, vừa sản xuất, cung cấp vật tư, cây con giống, phân bón,… vừa là nơi thu mua, bao tiêu sản phẩm cây công nghiệp cho nhân dân trên địa bàn. Nhờ sự giúp đỡ của Đoàn, bà con dân tộc thiểu số đã biết trồng, thu hoạch cao su, cà phê, hồ tiêu, lúa nước; biết cho con đến trường học, con ốm đưa đến bệnh xá,… góp phần xây dựng sự đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, công nhân viên, người lao động của Đoàn với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thông qua hoạt động kết nghĩa, Đoàn còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh về an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn; nâng cao đời sống văn hóa, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong nhân dân.

Ba là, xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Từ một chi bộ có 05 đảng viên (đến năm 2002 phát triển thành Đảng bộ), hiện nay, Đảng bộ Đoàn có 21 chi bộ (trong đó có 8 chi bộ có cấp ủy) với 204 đảng viên. Mặc dù là đơn vị kinh tế - quốc phòng, nhưng quá trình hoạt động, tổ chức đảng các cấp luôn duy trì nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức lãnh đạo của Đảng, coi trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thông qua hoạt động, rèn luyện thực tiễn, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên được giữ vững và phát huy. Thực tế ở Đoàn cho thấy, trong những giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy tốt vai trò, vị trí, thực sự vững vàng, gương mẫu, là hạt nhân để tạo sức mạnh tổng hợp của đơn vị. Để có được kết quả đó, tổ chức đảng và chỉ huy các cấp đã kiên trì xây dựng, rèn luyện, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để mỗi người có cuộc sống gia đình ổn định, từ đó yên tâm gắn bó với đơn vị. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai bằng các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, thiết thực, hướng vào xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong sâu sát quần chúng, gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số; có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, hằng năm, số chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh luôn chiếm tỷ lệ từ 93% - 95%; nhiều năm liền, Đảng bộ Đoàn đạt trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động.

Bốn là, duy trì và thực hiện tốt phong trào Thi đua Quyết thắng, tập trung vào việc khó, khâu yếu, nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng mô hình điểm, nhân rộng điển hình tiên tiến, động viên mọi người hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngay từ khi thành lập, phong trào Thi đua Quyết thắng của Đoàn đã được duy trì chặt chẽ, trở thành động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nội dung các phong trào thi đua luôn chú trọng gắn với hành động cụ thể để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Việc lựa chọn xây dựng các điển hình tiên tiến của Đoàn luôn hướng về cơ sở và nhiệm vụ trọng tâm; coi trọng nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến, cổ vũ, nêu gương và động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt. Các phong trào thi đua, như: "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”; mô hình "Câu lạc bộ vườn cây năng suất cao”,… được triển khai sâu rộng đã góp phần thiết thực nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Nhiều năm liền, Đoàn được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 tặng Cờ thi đua “Đơn vị có vườn cây đạt năng suất cao”.

Phát huy truyền thống và những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, cán bộ, công nhân, người lao động Đoàn Kinh tế - quốc phòng 78 tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là điểm tựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

THANH PHÚC - HỒNG LAM

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.