QPTD -Thứ Sáu, 30/06/2017, 16:04 (GMT+7)
Củng cố “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Trong lịch sử dân tộc, “lòng dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” luôn là yếu tố xuyên suốt, quyết định đến sự thịnh, suy, mất, còn của các triều đại nhà nước Đại Việt và đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng và kế thừa tư tưởng đó, Đảng ta thường xuyên coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Để góp phần quán triệt, thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tạp chí điện tử Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm bài viết của đồng tác giả Quang Chuyên - Hoàng Trường.

I

YẾU TỐ “LÒNG DÂN”, “THẾ TRẬN LÒNG DÂN” TRONG LỊCH SỬ GIỮ NƯỚC CỦA DÂN TỘC VÀ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA

Lịch sử nhân loại đã chứng minh tầm quan trọng đặc biệt của quần chúng nhân dân đối với sự tồn tại, phát triển của chế độ nhà nước, thậm chí quốc gia - dân tộc. Đối với Việt Nam, từ xa xưa đến nay, vấn đề “lòng dân”, củng cố “thế trận lòng dân” - “Chúng chí thành thành” luôn được các triều đại nhà nước phong kiến Đại Việt coi trọng bằng nhiều kế sách an dân, khoan thư sức dân, bồi dưỡng sức dân,… nhằm phục vụ cho việc bảo vệ vương triều và công cuộc giữ nước của dân tộc. Vận nước nói chung, vận mệnh của mỗi chế độ chính trị - xã hội nói riêng có quan hệ trực tiếp đến lòng dân. Lòng dân thuận thì nước thịnh, lòng dân biến - “nhân tâm ly tán” thì nước suy đã trở thành quy luật trong lịch sử. Vì thế, kể từ khi thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần tư tưởng đó, đặc biệt coi trọng nhân tố “lòng dân”, lấy dân làm gốc trong hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách của mình. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”1. Quan điểm nhất quán đó không chỉ thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng, mà còn phản ánh sự kế thừa tư tưởng, quan điểm giữ nước mang tính truyền thống của dân tộc ta. Quán triệt, thực hiện tốt quan điểm của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu của công cuộc đổi mới, đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân. Vậy, nội hàm của yếu tố “lòng dân”, “thế trận lòng dân” bao gồm những thành tố gì; mục tiêu, bản chất của nó ra sao,… mà có vai trò, vị trí to lớn đối với công cuộc giữ nước, giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Xét tổng thể (cả về lý luận và thực tiễn), “lòng dân” là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái tâm lý, chính trị - tinh thần của người dân, biểu hiện sự hài lòng, tin cậy hoặc không hài lòng, tin cậy đối với cuộc sống và chế độ chính trị - xã hội; trong đó, cốt lõi và bao trùm nhất là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì sự tồn vong của Tổ quốc. Với cách tiếp cận này, vấn đề “lòng dân” được bao hàm bởi các yếu tố: nhận thức, thái độ, tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm; sự đồng thuận, đồng lòng; sự ủng hộ, phục tùng và trách nhiệm của quần chúng nhân dân đối với chế độ chính trị - xã hội và lực lượng lãnh đạo xã hội. Còn “thế trận lòng dân”, là cách thức tổ chức, khơi dậy, quy tụ yếu tố “lòng dân” theo mục tiêu xác định, do lực lượng đại biểu cho lợi ích của dân tộc tiến hành, nhằm hình thành “thế trận” có lợi nhất, tạo sức mạnh tổng hợp, vững chắc để cùng với các nhân tố khác, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu của đất nước.

Như vậy, yếu tố “lòng dân” và “thế trận lòng dân” là hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng hữu cơ với nhau. Trong đó, “lòng dân” bao giờ cũng hiện hữu, tồn tại một cách khách quan và là cơ sở, nền tảng quan trọng, chủ yếu để tạo nên “thế trận lòng dân”. Đến lượt nó, “thế trận lòng dân” được cố kết chặt chẽ sẽ có tác động tích cực làm cho yếu tố “lòng dân” phát triển hài hòa, lành mạnh, vững chắc để hướng tới những mục tiêu tốt đẹp của quốc gia và đời sống xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, yếu tố “lòng dân” được biểu hiện với cả hai mặt tích cực và tiêu cực, tức là thuận và không thuận sẽ không thể trở thành “thế trận” một cách tự nhiên, mà cần phải có sự tác động của chủ thể con người bằng cách khắc phục mặt tiêu cực (không thuận) và khai thác, củng cố mặt tích cực (đồng thuận) trong nhân dân thì nó mới trở thành “thế trận lòng dân” vững chắc. Hơn nữa cần thấy “thế trận lòng dân” có thể vững ở thời điểm này, giai đoạn này, nhưng yếu ở thời điểm khác, giai đoạn khác và cũng không phải xây dựng vững rồi là xong, mà phải thường xuyên được củng cố trong hoạt động thực tiễn thông qua đường lối, chủ trương, chính sách “hợp lòng dân”, phục vụ cho mục tiêu, nhiệm vụ xác định. Tiếp đó, “thế trận” này phải được đặt vào trạng thái, tình thế nhất định, bố trí triển khai đồng thuận, thực hiện thống nhất trong các tầng lớp dân cư, trong mọi lứa tuổi, giai tầng xã hội. Ngoài ra, môi trường chính trị - xã hội cũng là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm sự hình thành của “thế trận lòng dân”. Tất cả những vấn đề trên cho thấy, “thế trận lòng dân” là dạng đặc biệt của thế trận; là một trong những mạch nguồn sức mạnh nội sinh của một quốc gia - dân tộc và được biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Nếu “thế trận lòng dân” ở cấp độ cao thì sự gắn kết của các nhân tố, nhất là nhân tố chính trị - tinh thần đạt độ vững chắc, uyển chuyển, linh hoạt. Ngược lại, “thế trận lòng dân” ở cấp độ thấp, nghĩa là sự gắn kết của các yếu tố đó còn lỏng lẻo, phân tán, thậm chí trái chiều nhau thì chẳng những hạn chế sức mạnh nội sinh, mà còn tạo mối nguy cho quốc gia - dân tộc. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm cơ sở để đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, thực chất “thế trận lòng dân” trong từng giai đoạn của lịch sử.    

Nhìn lại lịch sử dân tộc, không khó để nhận thấy, yếu tố “lòng dân”, “thế trận lòng dân” luôn có vai trò to lớn và là nhân tố chủ yếu, quyết định đến thắng lợi công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngay từ buổi đầu dựng nước, trong nhân dân, lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc luôn là chất keo kết dính của khối đại đoàn kết toàn dân và trở thành nét đặc sắc của văn hóa bản địa. Đây chính là cơ sở, nền tảng và cội nguồn sâu xa để chúng ta xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo sức mạnh tiềm tàng vùng lên giành độc lập tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Dưới thời nhà Trần, vai trò của “thế trận lòng dân” - nhân tố quan trọng trong ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên còn được thể hiện ở tư tưởng: “Chúng chí thành thành” và chủ trương “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” là kế sách quan trọng nhất để giữ nước. Đây cũng là một trong những nét nổi bật về xây dựng và phát huy vai trò “thế trận lòng dân” vững chắc, thể hiện trí tuệ và nghệ thuật giữ nước độc đáo trong điều kiện chế độ phong kiến của dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh, bằng thực tiễn và trí tuệ của mình, Nguyễn Trãi đã khái quát hết sức cô đọng về sức mạnh của “thế trận lòng dân”; đó là “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “lật thuyền mới hay sức dân như nước”; có dân là có tất cả, không được lòng dân là mất tất cả; từ đó, Ông đã rút ra vấn đề căn cốt nhất: “việc nhân nghĩa cốt để yên dân”. Nhờ đó, từ “đốm lửa” Lam Sơn, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng trở thành “biển lửa” kháng chiến của cả dân tộc và giành thắng lợi. Trái lại, dưới thời nhà Hồ, lòng dân ly tán, trước họa xâm lăng mà trăm vạn người trăm vạn lòng thì dù có quân đông tướng giỏi, thành cao hào sâu, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng vẫn phải thốt lên rằng: “thần không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo”. Đây là bài học lịch sử về việc không coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” trong công cuộc giữ nước của dân tộc.

Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc và trên cơ sở nhận thức đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân, của “thế trận lòng dân”, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: “lấy dân làm gốc”, sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do nhân dân và vì nhân dân. Sự sáng tạo của Đảng ta được thể hiện ở chỗ tùy điều kiện, hoàn cảnh của từng giai đoạn cách mạng, việc xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” được vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp. Lịch sử cho thấy, thành công hay thất bại phụ thuộc vào ba điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hòa; trong đó, yếu tố nhân hòa mà cụ thể là lòng dân được biểu hiện tập trung ở lòng yêu nước, sự đoàn kết toàn dân “muôn người như một” là hết sức quan trọng. Và đó sẽ là bức thành đồng - lực lượng thống nhất, vô địch mà không có đội quân xâm lăng nào có thể công phá được. Trên cơ sở cả nước đồng lòng, toàn dân một ý chí, quyết tâm đánh giặc giữ nước để thực hiện quốc phòng toàn dân, huy động toàn dân giữ nước. Đó chính là nội dung cốt lõi, đặc điểm cơ bản, nổi bật trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc thời đại Hồ Chí Minh. Để thực hiện chủ trương, quan điểm đó, cùng với gắn bó máu thịt với nhân dân, gương mẫu đi đầu và sẵn sàng hy sinh trong các cuộc đấu tranh, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân, nhất là đường lối kháng chiến, kiến quốc, toàn dân, toàn diện (trong kháng chiến chống Pháp); thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng (trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) và đường lối đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, lãnh đạo toàn dân triển khai thực hiện, đưa các chủ trương, chính sách đó trở thành hiện thực đời sống xã hội. Không chỉ vậy, Đảng ta còn chú trọng giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng và nhân dân; dũng cảm nhận khuyết điểm, sai lầm trước dân và kịp thời sửa chữa; sáng tạo nhiều hình thức tổ chức thích hợp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia sự nghiệp cách mạng, làm cho “thế trận lòng dân” không ngừng được tăng cường, bổ sung những yếu tố mới, độc đáo và hiệu quả. Qua đó, đã tạo ra “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, góp phần quan trọng, quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945), cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, có thể thấy, “thế trận lòng dân” là vấn đề gốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia - dân tộc; là thành lũy kiên cố nhất, vững chắc nhất để bảo vệ đất nước. Đó còn là cội nguồn sâu xa từ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề có nội hàm rộng, phụ thuộc và chịu sự tác động của nhiều yếu tố (cả bên trong, bên ngoài) và liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có phát triển mới, yêu cầu cao, do đó việc xây dựng “thế trận lòng dân” tạo cơ sở nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc càng trở nên cấp thiết, quan trọng. Trong quá trình thực hiện, phải nắm vững quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, bảo đảm tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân”. Theo đó, có thể tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng. Trong đó, tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, bộ máy chính quyền các cấp vững mạnh toàn diện, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, thực sự là “công bộc” tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân và vì nhân dân.

Thứ hai, tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chú trọng giải quyết những vấn đề bức thiết, nhất là bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu và sự hài lòng của nhân dân về mức sống, việc làm, thu nhập.

Thứ ba, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để các cấp, ngành, địa phương, lực lượng và toàn dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành, thực thi pháp luật và phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch.

Thứ tư, thường xuyên xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc trên cơ sở đồng thuận, đồng lòng gắn với phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, đòi hỏi các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và cả hệ thống chính trị phải chủ động và có cách thức đánh giá sát, đúng tình hình, nhất là đánh giá đúng thực trạng xây dựng “thế trận lòng dân” cùng những vấn đề đặt ra, trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp đồng bộ và chương trình hành động quyết liệt, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong thời kỳ mới.

QUANG CHUYÊN - HOÀNG TRƯỜNG
_______
___________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149.

(Số tiếp: II. Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” hiện nay).

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.