Thứ Ba, 10/09/2024, 15:43 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đối ngoại quốc phòng đã thực sự trở thành một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2017, đối ngoại quốc phòng cần tiếp tục được triển khai đồng bộ, bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, của Quân ủy Trung ương về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, trong năm qua, hoạt động đối ngoại quốc phòng đã được triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục được triển khai theo đúng định hướng, đi vào thực chất, với nhiều khâu đột phá và bước đi thích hợp, tạo thế cân bằng chiến lược, đan xen lợi ích, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau với các đối tác, góp phần nâng cao sức mạnh Quân đội, giữ vững an ninh, ổn định của đất nước. Công tác đối ngoại biên giới, nhất là đối ngoại biên phòng tiếp tục được thực hiện đồng bộ, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Trên bình diện đa phương, đối ngoại quốc phòng được triển khai một cách toàn diện và tiếp tục đạt hiệu quả thiết thực. Chúng ta đã chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương trong khuôn khổ các diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các nước đối tác (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, v.v. Đồng thời, tiếp tục duy trì lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo Đề án: “Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020” một cách có hiệu quả, góp phần củng cố lòng tin với các nước và các tổ chức quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại có sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Đặc biệt, các tin, bài phản ánh hoạt động đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần định hướng dư luận, tăng cường hiểu biết của nhân dân và bạn bè quốc tế về chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam; đồng thời, hạn chế sự nghi kỵ, hiểu lầm, tạo sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Với những kết quả quan trọng trên, năm 2016 tiếp tục đánh dấu thành công của công tác đối ngoại quốc phòng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Quân đội nhân dân trong công tác quan trọng này. Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng không chỉ tạo cơ sở để tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng - an ninh của đất nước, mà còn thực sự trở thành một trong những phương thức quan trọng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa một cách vững chắc, bằng biện pháp hòa bình, góp phần giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Trung tướng Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác đối ngoại quốc phòng năm 2016 do Bộ Quốc phòng tổ chức, ngày 18-01-2017. (Ảnh: baodientu.bqp.vn)
Năm 2017, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại, song không loại trừ khả năng xuất hiện những biến chuyển phức tạp, khó lường do các vấn đề về chủ quyền trên biển và xung đột sắc tộc gây ra. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động và là trọng tâm chú ý của thế giới. Các nước ASEAN đang trải qua một giai đoạn quan trọng sau khi tuyên bố hình thành Cộng đồng vào năm 2015. Những quá trình biến đổi sâu, rộng đó sẽ tác động trực tiếp đến đối ngoại quốc phòng với cả hai chiều thuận, nghịch đan xen. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công tác đối ngoại quốc phòng cần tập trung triển khai các nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng theo quan điểm, đường lối đối ngoại đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng. Trong đó, lấy “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi” là mục tiêu cao nhất của đối ngoại quốc phòng. Hiện nay, trước bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đối ngoại quốc phòng phải kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác và đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực và cấp độ khác nhau, nhằm tạo sự bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, cùng có lợi trong hợp tác. Theo đó, việc đấu tranh trong quan hệ quốc phòng, cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm: kiên quyết về nguyên tắc chiến lược nhưng mềm dẻo, linh hoạt về sách lược để có thể hợp tác, giải quyết các bất đồng, tránh rơi vào thế đối đầu, cô lập. Mặt khác, phải coi hội nhập quốc tế về quốc phòng là định hướng chiến lược, được gắn kết chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác, tạo thành một thể thống nhất trong chiến lược đối ngoại của quốc gia, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác đối ngoại quốc phòng, coi đây là một trong những kế sách quan trọng để bảo vệ Tổ quốc từ xa, bằng biện pháp hòa bình.
Hai là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, vừa bảo đảm tính toàn diện, tổng thể, vừa có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những diễn biến, động thái mới ở khu vực và quốc tế có tác động trực tiếp, gián tiếp đến quốc phòng - an ninh của Việt Nam. Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hoạch định những chủ trương, quyết sách phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan cấp chiến lược cần đi sâu làm rõ những nguyên nhân nảy sinh; dự báo chiều hướng phát triển; phân tích những tác động tới quan hệ quốc tế trong đó có Việt Nam,… để có biện pháp đối phó kịp thời. Đồng thời, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và lực lượng có liên quan trong nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược về đối ngoại quốc phòng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong phân tích, đánh giá tình hình, đưa đối ngoại quốc phòng thực sự là một mắt xích quan trọng trong nền ngoại giao của đất nước.
Ba là, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đã được thiết lập với các nước đi vào chiều sâu, thực chất; ưu tiên thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống, trên cơ sở triển khai hiệu quả các văn bản, thỏa thuận về hợp tác quốc phòng đã ký kết. Trong đó, cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; trao đổi kinh nghiệm về tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và phát triển công nghiệp quốc phòng, v.v. Thường xuyên duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn quốc phòng với các nước, bảo đảm vừa thúc đẩy hợp tác, vừa kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong quan hệ hợp tác. Tiếp tục thúc đẩy công tác đối ngoại biên giới, trọng tâm là hợp tác trong đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm qua biên giới; tăng cường công tác tuần tra chung, hoạt động giao lưu, kết nghĩa (giữa các đồn - trạm, cụm bản biên giới và tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 4); phối hợp làm tốt công tác phân giới cắm mốc với Cam-pu-chia; tăng dày mốc giới với Lào, góp phần củng cố và phát triển thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bốn là, chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN, do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, với nhiều sáng kiến, đề xuất cùng những hoạt động trên thực tế một cách cụ thể, hiệu quả, nhằm từng bước khẳng định vai trò, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam trên các diễn đàn quốc phòng, an ninh đa phương ở khu vực và quốc tế. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017. Tiếp tục chuẩn bị đầy đủ, chặt chẽ lực lượng, phương tiện để tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc một cách có hiệu quả theo “Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trước hết, cần thực hiện tốt việc cử lực lượng tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi; đồng thời, hoàn thiện và đưa Bệnh viện dã chiến cấp II, đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở các phái bộ phù hợp.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, làm cơ sở để thống nhất trong triển khai thực hiện. Trước mắt, các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 22/2016/NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng; Đề án hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Quốc phòng. Về lâu dài, cần chú trọng việc kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại quốc phòng, coi đây là giải pháp then chốt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng ứng xử trong đối ngoại quốc phòng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sáu là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, làm cho nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam. Trên cơ sở đó, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; đồng thời, kiên quyết phản bác, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tích cực đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền về đối ngoại quốc phòng; trong đó, tập trung vào các hoạt động hợp tác quốc tế về quốc phòng, đối ngoại biên giới, đối ngoại biên phòng trên các phương tiện thông tin (báo chí, phát thanh - truyền hình,...) và cả ở đơn vị cơ sở. Thông qua đó, truyền tải đầy đủ, chính thống đường lối, chính sách cùng chủ trương quan hệ, hợp tác, hội nhập quốc tế về quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta đến toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới.
Trung tướng VŨ CHIẾN THẮNG, Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng
Đối ngoại quốc phòng,năm 2017
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Ngành Điều tra hình sự Quân đội nâng cao chất lượng phòng, chống vi phạm, tội phạm trong tình hình mới 27/06/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo