QPTD -Thứ Tư, 21/02/2018, 07:05 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, duy trì về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, nên nhiệm vụ có tính đặc thù cao, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Vì vậy, nâng cao khả năng phối hợp với các lực lượng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát biển là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phối hợp đối với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, những năm qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều nghị định, quyết định, thông tư; đồng thời, trực tiếp xây dựng, ký kết nhiều quy chế, kế hoạch, hướng dẫn về phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển với các lực lượng có liên quan1. Tiêu biểu là Nghị định 66/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định 133/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đã ban hành các thông tư liên tịch giữa Bộ Quốc phòng với các bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính,… quy định về công tác phối hợp của lực lượng Cảnh sát biển với các bên liên quan. Đây là khung pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp hoạt động với các lực lượng, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển.

Trên cơ sở các quy chế, quy định, lực lượng Cảnh sát biển đã thực hiện đa dạng nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp hoạt động với các lực lượng, địa phương ven biển từ thu thập, trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm vùng biển Việt Nam, phòng, chống tội phạm đến phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Từ năm 2011 đến nay, đã phối hợp với các lực lượng, địa phương trao đổi gần 27.000 tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ; tuyên truyền, đấu tranh, yêu cầu hàng chục nghìn lượt tàu thuyền nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng trăm nghìn lượt người; bắt giữ, xử lý gần 3.000 đối tượng với trên 2.000 lượt tàu thuyền vi phạm; tổng số tiền xử phạt và giá trị hàng hóa tịch thu ước đạt hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thiết lập mối quan hệ song phương, đa phương với các tổ chức, lực lượng thực thi pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới2. Nhờ đó, sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, địa phương, nhất là các lực lượng thực thi pháp luật trên biển luôn được phát huy; việc tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm của lực lượng thực thi pháp luật của các nước trong khu vực và quốc tế thường xuyên được tăng cường, góp phần củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác để phát triển đất nước.

Tuy vậy, công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển với các lực lượng còn hạn chế trên một số mặt, có thời điểm hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, về cơ bản mới dừng lại ở trao đổi thông tin, đánh giá, dự báo tình hình, trao đổi kinh nghiệm. Việc phối hợp, hỗ trợ thực thi nhiệm vụ trên biển, nhất là xử lý các tình huống chưa nhiều. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển còn có điểm chồng chéo, gây khó khăn nhất định trong thực hiện công tác phối hợp. Trong khi đó, tình hình trên Biển Đông tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Bên cạnh vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tình hình vi phạm pháp luật trên biển có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, cường độ, tính chất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển rất nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động với các lực lượng. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong công tác phối hợp. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng và các quy chế, quy định về công tác phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là Nghị định 66/2010/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành “Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên vùng biển và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quyết định 133/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển”. Thông qua quán triệt, giáo dục làm cho làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển và các lực lượng có liên quan; nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải phối hợp hoạt động với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như nắm vững nội dung, hình thức phối hợp với từng lực lượng trong thực thi pháp luật trên biển. Qua đó, xây dựng động cơ, tinh thần trách nhiệm trong phối hợp với các lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở nội dung quy chế phối hợp mà Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ký kết với các lực lượng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa thành các nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo phân cấp, đảm bảo phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc điểm vùng biển được giao quản lý.

Hội nghị sơ kết 3 năm công tác phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. (Ảnh: bienphong.com.vn)

Hai là, tiếp tục tham mưu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về công tác phối hợp. Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành và nỗ lực của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển với các lực lượng đã được xây dựng tương đối đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng triển khai phối hợp hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước sự phát triển của tình hình trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã, đang nảy sinh nhiều vấn đề mới. Việc quy định vai trò chủ trì, phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tại các văn bản hiện hành chưa đồng bộ, thống nhất; vai trò, thẩm quyền thực thi pháp luật của nhiều lực lượng thậm chí đã được luật định, dẫn đến công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển chưa đạt được mục tiêu, hiệu quả như mong muốn, phần lớn mới dừng lại ở giải quyết những vấn đề trước mắt, chưa có tính chiến lược, lâu dài. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát biển cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy chế, quy định về công tác phối hợp, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu, tham mưu với Bộ Quốc phòng, đề xuất với Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác phối hợp, trọng tâm là cụ thể hóa việc phối hợp này trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển thành một chương trong dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam để trình Quốc hội thông qua; trong đó, quy định rõ nội dung, cơ chế, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đảm bảo cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện đúng vai trò là lực lượng chủ yếu trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức phối hợp với các lực lượng. Trước tính chất phức tạp của tình hình an ninh, trật tự, an toàn, chấp hành pháp luật trên các vùng biển và những tồn tại, hạn chế trong phối hợp hoạt động giữa các lực lượng thời gian qua, đòi hỏi Cảnh sát biển Việt Nam phải đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp hoạt động với các lực lượng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trên biển. Theo đó, lực lượng Cảnh sát biển cần chủ động đổi mới toàn diện công tác phối hợp hoạt động với các lực lượng, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, tập trung vào nội dung trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm soát, đấu tranh chống xâm phạm, vi phạm; xử lý vụ việc và cứu hộ, cứu nạn; kinh nghiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn. Để tăng cường sự gắn kết, thống nhất cao trong phối hợp, hiệp đồng, lực lượng Cảnh sát biển cần chủ động mở rộng các mối quan hệ, bổ sung các hình thức, biện pháp phối hợp mới, như: giao lưu, kết nghĩa, phối hợp luyện tập, diễn tập cứu hộ, cứu nạn, xử lý tình huống phức tạp trên biển, thiết lập đường dây nóng, duy trì nền nếp giao ban, thông báo tình hình. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai thiết thực, hiệu quả hơn nữa mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng Cảnh sát biển với nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc, rộng khắp, làm nền tảng cho Cảnh sát biển và các lực lượng khác phối hợp hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ. Phát huy kết quả đã đạt được và quán triệt, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, tập trung thực hiện tốt vai trò là thành viên chủ động, tích cực trong các tổ chức ở khu vực và quốc tế mà Cảnh sát biển Việt Nam tham gia; chú trọng quan hệ, hợp tác với lực lượng chấp pháp trên biển của các nước trong khu vực và một số nước có quan hệ hữu nghị, truyền thống với Việt Nam, như: Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á; trao đổi thông tin về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm, cứu nạn với lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia; tuần tra chung với lực lượng chấp pháp của các nước có vùng biển giáp ranh với Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, nhất là đội ngũ cán bộ tàu. Qua đó, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho Cảnh sát biển Việt Nam, tạo môi trường ổn định, hòa bình trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN VĂN SƠN, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển

______________

1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ký kết quy chế phối hợp với Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Hải quan, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Kiểm ngư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, v.v.

2 - Hiện nay, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã ký kết, thiết lập đường dây nóng với 07 nước, có quan hệ hợp tác với trên 20 nước và tham gia nhiều tổ chức quốc tế.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.